1. Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp nghĩ lễ dài ngày thì nhu cầu đi lại của cần-lao nhiều hơn, đồng thời tai nạn giao thông (TNGT) cũng nhiều hơn.
Bốn ngày nghỉ lễ nhân dịp quốc khánh (30/8-2/9), cả nước đã xảy ra 186 vụ TNGT, làm chết 114 người, bị thương 145 người. Số liệu này không có gì đáng nói, thậm chí số vụ TNGT và số người bị thương còn thấp hơn trung bình của năm 2013 (trung bình mỗi ngày có 80 vụ TNGT, làm chết 26 người và bị thương 81 người). Điều khiến dư luận quan tâm vì liên quan đến vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khi một xe khách giường nằm chở 53 người lao xuống vực sâu 200m và vụ TNGT trên QL5 khiến một trung tướng công an tử nạn.
Báo chí rầm rộ ngợi ca và đưa hình ảnh bộ trưởng Thăng đu dây xuống hiện trường, thậm chí xúm tay nâng một vật nặng lên để tìm kiếm các nạn nhân. Người viết tin rằng, ông Thăng không biết trước việc báo chí viết về chuyện này, cũng không tự pi-a bản thân bằng hình ảnh này, dù thời gian qua ông đã rất thành công trong việc sử dụng truyền thông. Đồng thời, bất cứ ai có mặt ở hiện trường vào thời điểm đó cũng muốn xúm một tay vào để cứu nạn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cả ông Thăng lẫn báo chí đã cho thấy, một sự yếu kém trong tư duy lãnh đạo, một sự bất cập trong chỉ đạo liên ngành và một nền báo chí chuyên “moi móc” sự việc (nót sự kiện) để kiếm ăn. Và dĩ nhiên, những điều đó phản ánh một đất nước đang còn rất mông muội và hoang dã trong thế giới phẳng của nền văn minh nhân loại.
Bởi lẽ, việc lãnh đạo cao cấp có mặt ở các vụ việc là để chỉ đạo, điều hành và giải quyết vấn đề cấp bách ở hiện trường. Không riêng gì An-nam, mà ở bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng thế. Khi có một vụ việc xảy ra và có nhiều thành phần tham gia giải quyết thì sẽ phát sinh ra sự bất cập, chồng chéo, va chạm và đùn đẩy trách nhiệm,… Vì thế cần một người có đủ quyền lực để chỉ đạo, phân công và chịu trách nhiệm chung trong giải quyết, xử lý vụ việc. Người này có quyền ra lệnh, điều khiển, phân công,… tất cả những người thuộc các lĩnh vực khác nhau đang cùng tham gia xử lý vụ việc.
Nhưng ở An-nam thì không được như thế. Ở một thể chế mà nhân viên ở ngành A không sợ lãnh đạo ở ngành B (tỷ dụ như vụ “tranh cãi” về xã hội đen bảo kê cho xe quá tải giữa ông Thăng và ông cục trưởng lìu tìu bên ngành công an), nên việc một ông bộ trưởng phải đu dây xuống hiện trường để chỉ đạo là việc cực chẳng đã. Nó thể hiện sự yếu kém trong hệ thống quản lý nhà nước, đôi khi cũng thể hiện sự thiếu lòng tin của lãnh đạo.
Một quốc gia mà TNGT cướp đi mạng sống của gần một trung đội người dân mỗi ngày, bộ trưởng phải đu dây xuống vực sâu chỉ đạo cứu hộ, trung tướng công an chết vì TNGT khi đang ngồi trên xe công vụ, thì mới thấy mạng sống của con người mong manh và rẻ rúng đến như thế nào.
Mạng người, còn thế, nói gì đến những thứ khác!
2. Báo chí lá lá ngón lại ồn ã kéo theo việc rộn rã của dư luận cần-lao về việc một cô gái 27 tuổi tuyên bố còn trinh và cho rằng: “Người phụ nữ quá buông thả bản thân mình, luôn ngụy biện đòi bình đẳng giới bằng việc cho mình có cái quyền lên giường với thật nhiều đàn ông, với bất kì người đàn ông nào, thì tôi cho rằng đó là một người phụ nữ ngu dốt, và thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng giá trị của bản thân cũng như giá trị của phụ nữ nói chung”.
Việc cô gái này quyết giữ trinh tiết cho đến khi lấy chồng (bởi lẽ đã lấy chồng thì chắc không thể còn trinh được) là quan điểm cá nhân của cô ta, và chúng ta nên tôn trọng. Nhưng việc cô ta đánh đồng và quy chụp những người phụ nữ lên giường với nhiều đàn ông là ngu dốt, thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng giá trị bản thân là một nhận xét cực kỳ ngu dốt, tự ti và và hằn học cá nhân. Nói là ngu dốt bởi lẽ cô gái này hầu như không hiểu biết một chút gì về khoa học tình dục (nghiêm túc), còn nói là tự ti và hằn học cá nhân vì cô gái này có một nhan sắc gần bằng… thị Nở.
Sau những ồn ã tranh luận, khi bình tĩnh trở lại, người ta mới thấy lấp ló sau nó là một kiểu pi-a để bán sách. Hóa ra cô gái này in được một quyển sách có tên là “Đừng chết vì yêu”. Trời ạ!
Chưa dừng lại ở đó, cô gái này tiếp tục tung ra những chiêu trò như tự sự ủ ê trên Facebook rằng, tôi nói kệ tôi, tôi xấu kệ tôi, mọi người tha cho tôi kẻo mẹ tôi đau lòng lắm. Nói là như thế, nhưng không hiểu thế nào một trang mạng xã hội của giới trẻ lại tung ra một bức ảnh cực kỳ xấu với khuôn mặt mộc và áo 2 dây của cô này. Một bức ảnh mà một cô gái bình thường không bao giờ muốn chụp, và nếu trót chụp sẽ bị xóa đi ngay lập tức. Dĩ nhiên, vụ việc này không nằm ngoài mục đích pi-a nói trên.
Không biết cô này bán được bao nhiêu sách sau khi gây scandal nói trên? Nhưng theo đánh giá của người viết, chính cô ta đã gây một hiệu ứng ngược (mặc dù cô ta nói rằng đã có dăm năm làm trong lĩnh vực truyền thông) và cô ta hoàn toàn thất bại. Bởi lẽ, không ai dở hơi đến mức đi nghe một cô gái 27 tuổi còn trinh xấu gần bằng thị Nở đi dạy người khác yêu là như thế nào. Vì nói nhẹ thì không có kiểu trứng mà lại khôn hơn vịt, còn nói nặng thì ai lại đi dạy đĩ vén váy bao giờ.
Chữ nghĩa mạt đến mức phải dùng đến cái màng trinh bằng đầu ngón tay lẫn gây sốc dư luận bằng cách miệt thị xu hướng chung của xã hội để bán, thì đó là loại chữ nghĩa la liếm, bần tiện và thiếu nhân cách.
Thời mạt của chữ nghĩa xứ An-nam, chỉ thế.
3. Liên quan đến vụ việc thanh niên Nguyễn Hoàng Anh (tức cậu bé Hào Anh bị bạo hành mấy năm trước) đuổi bố mẹ ra khỏi ngôi nhà của cậu ta, được xây từ tiền từ thiện của các nhà hảo tâm sau vụ bạo hành. Hàng loạt báo chí lá ngón lao vào la liếm kiếm vài đồng tiền lẻ khi đẩy sự việc lên đến cao trào của những “tâm thư”, “ăn năn” và “hối hận”.
Sẽ không có điều gì đáng nói nếu không có những “nhà” đạo đức giả, “nhà” hảo tâm giả chém gió trên dư luận. Bản chất xã hội An-nam bộc lộ rõ nhất trong những vụ việc như thế này. Những vụ việc mà liên quan đến vấn đề đạo đức, tình người, nhân đạo, giáo dục và truyền thông.
Vụ việc cũng có thể được xem là một ví dụ điển hình của cái gọi là bần nông chân đất mắt toét trong một ngày đẹp giời, vươn vai trở thành ông chủ. Khi thực chất “ông chủ” này chưa có một cái gì của riêng mình cả. Từ nhận thức, tiền bạc đến nhân cách sống. Nó na na như xã hội An-nam hiện tại.
Lâu nay chúng ta vẫn nói, thương người nên cho cái cần câu, chứ không phải cho con cá. Đáng lý ra đối với một đứa trẻ bị tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Điều cần làm là giáo dục lại nhân cách, và đào tạo một nghề nghiệp để sau này có thể kiếm tiền bằng mồ hôi và chất xám một cách lương thiện. Chứ không phải là bù đắp bằng cách cho một mái nhà, cho một ít tiền để mua thức ăn, cho một sự chia sẻ, cảm thông từ dư luận của một xã hội đa phần đạo đức giả.
Chỉ có giáo dục mới làm thay đổi nhận thức và bản chất của con người. Ấy vậy mà đại đồng cần-lao lại quay lưng lại với điều đó. Có nghĩa, cáo chết ba năm lại quay đầu về núi mà thôi.
Mà sự la liếm của báo chí lá ngón, lại là kẻ thù của đạo đức và giáo dục.
4. Những vụ việc nổi đình đám trong thời gian qua liên quan đến ngành giáo dục như vụ mua bằng tiến sĩ với giá 200 triệu; hay Đề án SGK điện tử “sặc mùi tiền, thiếu tình người” với trị giá 4.000 tỷ đồng, liên quan đến đơn vị tư vấn AIC và những chiếc máy tính bảng nguồn gốc từ Đài Loan; hay ông bộ trưởng Luận và các lãnh đạo ngành giáo dục bận rộn đến các địa phương, các trường ĐH, CĐ để truyền bá cái “triết lý giáo dục” là Nghị quyết 29/NQ-TW;… đã đang dần dần trôi vào quên lãng. Một sự im lặng có đồng lõa của báo chí và những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm, y như vụ việc công ty AIC bán lò đốt rác thải y tế hồi năm ngoái.
Quan chức liên quan thì trốn tránh trách nhiệm, không liên quan thì ngậm miệng ăn tiền. Doanh nghiệp nhúng chàm thì im lặng xóa dấu vết một cách mờ ám. Báo chí một bộ phận chót “há miệng” sợ “mắc quai”, một bộ phận chắc không được chấm mút gì thì đi tìm các sự kiện khác để kiếm mấy đồng tiền lẻ.
Các vụ việc này cũng như hàng nghìn, hàng triệu vụ việc khác đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở xứ An-nam. Có điều, nó liên quan đến giáo dục. Có nghĩa là nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai con em chúng ta, ảnh hưởng đến tương lai dân tộc.
Đến hẹn lại lên, ngày 5/9 là ngày khai giảng của các trường học trên cả nước. Báo chí, truyền hình đua nhau đưa tin về các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước dự lễ khai giảng, đánh trống khai trường ở những ngôi trường có bề dày truyền thống, những ngôi trường vừa được dựng xây có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Những khuôn mặt ngơ ngác của các cháu lần đầu đến trường, những cái ngáp dài mệt mỏi của các cháu học sinh cấp một khi nghe các đại biểu “đặc biệt” bi bô những điều sáo rỗng cả tiếng đồng hồ, những tiếng thì thào chán nản của các học sinh cuối cấp khi chưa biết Bộ GD&ĐT chọn phương án thi nào,… Và đâu đó trên khắp đất nước cong queo như con giun đang quằn quại này, những tiếng thở dài trong đêm, những ước muốn bán thêm được mớ rau, tấm vé số,… để có đủ tiền đóng góp đầu năm học cho con cái.
Giáo dục An-nam, luôn sặc mùi tiền, sặc mùi thành tích nhưng mờ nhạt tính giáo dục và tình người!
5. Ở một nơi, rất xa. Nơi không có những đề án nghìn tỷ “sặc mùi tiền, thiếu tình người”; Nơi không có việc chạy trường, chạy lớp “nghìn đô”; Nơi không có “quảng cáo dạy kèm” sau giờ học nhét vào cặp học sinh; Nơi không có những hô hào quyết tâm “chạy” thành tích ảo; Nơi không có trong tư duy của những nhà quản lý, những chuyên gia đang bi bô "những điều tối nghĩa" trong phòng lạnh về cải cách giáo dục; Nơi không cần đến đề án đổi mới sách giáo khoa hàng chục nghìn tỷ đồng; Nơi không cần “cây đũa thần” triết lý giáo dục của bộ trưởng Luận;…
Ở một nơi, rất xa. Nơi không có cờ quạt, băng rôn, biểu ngữ; Nơi không có những lẵng hoa; Nơi không có đồng phục cho học sinh; Nơi không có lễ đài, sân khấu, âm thanh; Nơi không có lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước đến dự lễ khai giảng và đánh trống khai trường; Nơi thậm chí không có cả những chiếc ghế nhựa cho các em nhỏ ngồi trên nền đất ẩm ướt;…
Ở nơi đó, vẫn có một lễ khai giảng.
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!