Saturday, March 29, 2014

Café sáng thứ 7 (#26): Tham nhũng, ăn cắp và nghèo đói


1. Vụ hối lộ các quan chức ngành giao thông 80 triệu Yên của công ty JTC (Nhật Bản) để nhận các gói thầu liên quan đến đường sắt từ vốn ODA của Nhật Bản đang làm nóng dư luận. 14 quan chức và cựu quan chức ngành giao thông phải thực hiện giải trình liên quan đến các hoạt động quản lý đầu tư của các dự án mà JTC khai đã hối lộ.
Bộ trưởng Thăng triệu tập cuộc họp bất thường để chỉ đạo giải quyết vấn đề và báo cáo khẩn tới Chính phủ. Thứ trưởng Đông cấp tốc lên đường sang Nhật để xác minh danh tính các cán bộ nhận hối lộ. Có lẽ anh Thăng đã khá ổn trong việc xử lý tình huống đối với truyền thông trong nước. Nhưng trên phương diện quốc tế thì chả khác nào vạch áo cho người xem lưng.
Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Mại - Cựu thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói số tiền như vậy là chưa ăn thua, và còn nhiều “đồng chí chưa bị lộ”. Nói như ông này thì trẻ con cũng nói được. Đây là kiểu nói lấy được thường thấy ở các quan chức đã nghỉ hưu xứ An-nam. Nói cho ra vẻ quan trọng và sướng mồm thôi, chứ bảo ông ấy lấy cơ sở nào để nói và chỉ ra cách tìm các “đồng chí chưa bị lộ” thì chắc là tịt ngay.

Thursday, March 27, 2014

'Đừng viết theo cảm tính cá nhân'


BBC Việt ngữ: Ngày 24/3, trên chuyên mục Diễn đàn của BBC Việt ngữ có đăng bài “Chính quyền nhát hơn gián?” của tác giả Nguyễn Quảng.
Bài viết cho rằng chính quyền Việt Nam (mà đại diện là Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh) đã sai trái khi tiêu hủy số gián ngoại lai này.
Đồng thời ông Quảng cho rằng loài gián đất của Trung Quốc giống như gián ở Việt Nam, và chính quyền quá nhát gan khi vội vàng tiêu hủy nó.
Sẽ không có gì phải đề cập nếu bài viết nêu ra quan điểm cá nhân về một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, đọc bài viết đó cho thấy ông Quảng đưa ra những quan điểm theo cảm tính cá nhân, thiếu hiểu biết về pháp luật Việt Nam và kiến thức sơ đẳng phổ thông.
Bài viết này sẽ chỉ ra những vấn đề đó.

Tuesday, March 25, 2014

Có phải người Việt thích được thương hại?


Tuần Việt Nam: Phải chăng cơ chế xin - cho đã khiến cho chính quyền địa phương lẫn người dân chỉ biết trông chờ vào sự “thương hại”?

Như một sự tình cờ, hàng loạt câu chuyện gây ồn ào nổi lên trong suốt tuần qua lại gắn với những hành vi liên quan đến "xin - cho". Khiến không ít người đặt ra câu hỏi, phải chăng, có một bộ phận người Việt đang ngày càng đánh mất đi tinh thần dấn thân "xắn tay áo hành động" hết sức, hết mình. Thay vào đó là phát sinh tâm lý trông chờ, mong đợi những tác động từ bên ngoài?

Mong chờ?
Thời bao cấp, cơ chế xin- cho bao phủ mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Xã xin huyện, huyện xin tỉnh, tỉnh xin Trung ương. Và dĩ nhiên, nơi xin phải quỵ lụy nơi cho để xin được và xin nhiều hơn. Vì thế dân gian mới có bài vè: “Bộ về thì tỉnh giết trâu/ Tỉnh lên bộ hỏi đi đâu chú mày?/ Tỉnh về thì huyện giết cầy/ Huyện lên tỉnh hỏi chú mày đi đâu?...”.
Cũng chính vì tư duy và quan niệm như vậy nên đã hình thành tính ỷ lại trong xã hội. Người ta mong chờ vào sự ban phát từ phía trên, và đẩy trách nhiệm xã hội cho Nhà nước.
Tưởng rằng những việc như thế chỉ có trong thời bao cấp. Thế nhưng nó vẫn còn hiện hữu ở thời điểm này, khi mà đất nước đã đổi mới và ngày một phát triển. Không chỉ những địa phương nghèo, người nghèo mong muốn được hỗ trợ, mà cả địa phương không khó khăn lẫn người giàu cũng thích được sự “thương hại”.
Chẳng hạn trong dịp tết cổ truyền vừa qua, tỉnh Phú Yên đã đề nghị Trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân. Mặc dù đây là một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế đạt 10,67% (năm 2013) và sản lượng lương thực đứng đầu khu vực Nam Trung bộ. Nhưng trong số 676 tấn gạo được hỗ trợ, tỉnh này chỉ cấp phát cho người nghèo được 232 tấn(!?).

Friday, March 21, 2014

Bằng cấp và trình độ (nhân vụ việc của Nhã Thuyên)


Quan điểm của Baron là không đề cập đến vấn đề chánhchị-chánhem trong bài viết lẫn chém gió. Những vấn đề Baron nêu mang tính phản biện xã hội, đề cao người tốt việc tốt, phê phán cái ác, cái xấu đang hoành hành trong xã hội. Mong muốn xã hội ngày một phát triển, ngày một tốt đẹp.
Tuy nhiên, vụ việc này có liên quan đến vấn đề giáo dục và học thuật, nên có dăm lời vậy.

(1). Khi một học viên cao học đã được Hội đồng khoa học thông qua đề cương đề tài nghiên cứu làm luận văn thạc sỹ, nghĩa là những vấn đề về học thuật của đề tài đã được chấp nhận về tính khoa học, tính mới trong một luận văn thạc sỹ.
(2). Khi học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ trước Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ của ngành, nghĩa là các nhà giáo, nhà khoa học đã đồng ý luận văn đạt yêu cầu về nội dung và chất lượng nghiên cứu khoa học. Và người bảo vệ đã được công nhận có học vị thạc sỹ.
(3). Mặc dù xã hội hiện tại, tiến sỹ nhiều như lợn con, thạc sỹ nhiều như quân Nguyên. Nhưng quyết định của Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ là quyết định cao nhất về vấn đề học thuật, được nhà nước công nhận và bảo hộ.

Thursday, March 20, 2014

Chưa thuộc đường chớ nên tổ lái


Vụ chui túi nilon vượt suối vẫn đang tranh cãi gay gắt, quan điểm của Baron thế này:
1. Nếu bạn nào chưa từng lội qua suối trong mùa lũ thì không nên chém zó. Vì những gì các bạn nghe nói khác với thực tế rất nhiều.
2. Muốn biết clip của Tuổi trẻ có "làm hàng" hay không, tốt nhất hãy điều tra thực tế trước khi chém (cá nhân Baron chỉ thấy lạ là clip được quay trong điều kiện thời tiết khá tốt và nước suối không quá chảy xiết, có lẽ đã qua đợt lũ).
3. Tính cách và quan niệm sống của đồng bào vùng cao rất khác những gì các bạn tưởng tượng ở nông thôn hoặc phố thị. Thế nên trước khi chém zó về họ, các bạn nên tìm hiểu họ sống như thế nào.
4. Vấn đề các bạn nên quan tâm và chém zó là tại sao tại sao người dân và các cô giáo lại mạo hiểm tính mạng của các cháu nhỏ lẫn của họ mà không tìm một phương cách an toàn?
5. Thay vì tranh cãi clip chân thực hay không, các bạn hãy dành năng lượng ấy để vả bôm bốp vào miệng mấy bạn quan chức từ trung ương đến địa phương liên quan đến vụ này. Vì mấy phát biểu của các bạn í vừa qua rất não phẳng và vô trách nhiệm.
Đại loại là như thế, nhẻ. Khi chưa thuộc đường thì các bạn chớ nên tổ lái, hị hị...


© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Copy trên cuoixl.com.

GỬI EM


         Gửi em một chút nắng nồng
Làm chăn đắp tạm cõi lòng giá băng
       Gửi em một hạt sương giăng
Thấm mềm vạt nhớ mảnh trăng cuối mùa
       Ước gì ngọn gió ngày xưa
Chở theo một khúc giao mùa… gửi em.


© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Sunday, March 16, 2014

Nghèo thì hèn


Con Hoa và thằng Việt đang tìm hiểu nhau. Hai đứa cùng làng, khác thôn. Làng tròn như cái nong, có 5 thôn tất cả.
Hồi nhỏ, chúng nó quần đùi áo cộc lên triền đê đánh nhau suốt ngày. Thằng Việt con trai nên thường thắng, con Hoa tức lắm. Chuyện tuổi thơ dữ dội cũng khép vào quá khứ để hướng tới tương lai. Bây giờ chúng nó yêu nhau.
Nhà con Hoa giàu có, bố làm phó chủ tịch huyện. Ngược lại nhà thằng Việt nghèo, bố nó làm ruộng và có tham gia đội tự quản của thôn.
Thời đại mới, không còn cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa. Con trẻ yêu nhau thì bố mẹ phải theo. Thế nên mặc dù chả thích cho con Hoa yêu thằng Việt vì không môn đăng hộ đối, nhưng bố con Hoa cũng đành chấp nhận. Phần thì không khuyên được con Hoa, phần thì thì ngại mọi người phê phán là phong kiến, ảnh hưởng đến lá phiếu bầu chủ tịch huyện kỳ tới.

Wednesday, March 12, 2014

Không chịu phát triển


Hôm nay Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư mới sửa đổi bổ sung về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Một trong những điểm mới trong thông tư là bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH từ năm 2014.
Trả lời phỏng vấn của VTV về việc làm thế nào để kiểm soát chất lượng đầu vào đối với những trường ĐH chất lượng thấp, anh Ga thứ trưởng nói rằng: "Chờ kết quả thi ĐH xong mới đưa ra giải pháp"(!?).
Trước đây, để hạn chế việc tuyển sinh ồ ạt của các trường ĐH chất lượng thấp, đặc biệt là những trường dân lập lìu tìu lẫn mấy trường CĐ cấp tỉnh nâng cấp, điểm sàn là một biện pháp được áp dụng. Mặc dù đây là biện pháp hạ sách, nhưng cần thiết trong bối cảnh nền giáo dục ĐH xứ An-nam nát như tương bần, thật giả trắng đen lẫn lộn.

Sunday, March 9, 2014

KHÚC THÁNG BA


Em có còn hát lại khúc tháng ba
Khúc hát giao duyên trong mùa trẩy hội
Tay chạm tay bỗng rụt vào rất vội
Tuổi đôi mươi sao vẫn cứ dại khờ…

Em có còn chép lại những vần thơ
Nhặt ký ức đông cất vào trang vở
Nụ bằng lăng gọi hè he hé nở
Chợt xốn xang ánh mắt góc giảng đường

Saturday, March 1, 2014

Café sáng thứ 7 (#25): Sập cầu, đuổi thầy và phát ngôn của bộ trưởng


1. Vụ việc được dư luận xôn xao nhất trong tuần là vụ tai nạn tại cầu treo Chu Va tỉnh Lai Châu khiến 8 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Tại hiện trường, neo cáp treo của cầu bị gãy làm đôi, và đây là lý do dẫn đến tai nạn.
Nguyên nhân dẫn đến neo cáp bị gãy vẫn được các cơ quan chức năng điều tra. Dư luận thì chín người mười ý. Người thì cho là do quá tải, người thì cho là cộng hưởng, người thì cho là bớt xén vật liệu nên chất lượng không đảm bảo, người cho là lỗi kỹ thuật. Thậm chí, có người còn cho là linh hồn người chết giận nên gây sập cầu.
Trên báo chí, anh thiếu tướng giám đốc công an Lai Châu nhận định nguyên nhân ban đầu là do “quá tải và có hiện tượng cộng hưởng khi đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu”, và cho rằng cộng hưởng xảy ra vì “Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh”. Anh thiếu tướng này cũng cho rằng, chưa thể khẳng định do làm ẩu, hoặc thi công không đúng.