Saturday, September 27, 2014

Trang web công ty AIC hoạt động trở lại và bài báo "có thể đã bị xóa"


Vụ lùm xùm liên quan đến Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” - "Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người" và có nhiều nghi vấn liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) sau vụ phát hiện máy tính bảng AIC Group Smart Education có nguồn gốc từ Đài Loan nhập với giá 900.000 đồng.
Hôm nay, vào mạng thấy trang web của công ty đã hoạt động trở lại. Link trang web: http://aicvn.com/ và hình ảnh copy:


Tuy nhiên, không thể truy cập vào các trang nội dung, như thế này:



Cách đây 4 ngày, báo An ninh thủ đô đăng bài "Xử lý ô nhiễm môi trường sai quy trình, dân hoang mang kêu cứu" có nhắc đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC).


Nhưng khi truy cập vào thì nhận được thông báo: "Tài liệu bạn đang tìm có thể đã bị xoá hoặc thay đổi địa chỉ.".


Bài báo được trang Hà Tĩnh 24h (hatinh24h.org.vn) đăng tại lại tại đây: Hà Tĩnh: Xử lý ô nhiễm môi trường sai quy trình, dân hoang mang kêu cứu
Dưới đây là nội dung bài báo kèm hình ảnh minh họa (có dấu logo của An ninh thủ đô):

Hà Tĩnh: Xử lý ô nhiễm môi trường sai quy trình, dân hoang mang kêu cứu

Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đang được triển khai theo chương trình Môi trường quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, do sự tắc trách của những người thực hiện, xử lý sai quy trình, sai thiết kế đã gây ra ô nhiễm nghiêm trọng và mối nguy hại cho hàng nghìn người dân nơi đây…

Ô nhiễm nghiêm trọng ngay tại điểm xử lý
Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại xóm 8, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên. Đi sâu vào một con hẻm nhỏ trên đường liên xã khoảng 50m, mùi hôi hoá chất bốc lên nồng nặc. Khu vực này vốn là kho chứa thuốc bảo vệ thực vật đã được đào thành một hố to và sâu, sau những cơn mưa nước đã ngấp nghe bờ, chỉ chực tràn ra ngoài.
Quan sát cho thấy, phía trên hố không có bất kì vật gì che đậy, còn xung quanh cũng không được che chắn một cách chắc chắn. Bởi vậy, khi trời mưa to, nước dâng lên sẽ tràn ra ngoài môi trường đem theo hoá chất độc hại.

Các bao Jumbo tại bể và trên bờ bể bị rách hở, rơi vãi đất, không đảm bảo quy trình xử lý

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị N ở xóm 8 bức xúc nói: “Tôi sống ở đây đã bao nhiêu năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy ngột ngạt, hôi thối như thế này. Người dân xóm tôi bây giờ đến một bữa ăn cũng không được ngon, khi mà mùi hôi thối nồng nặc khắp nhà. Trong làng, từ trẻ con đến người lớn cứ hễ đi đâu là phải bịt khẩu trang, không bịt là không thể chịu được. Người dân chúng tôi sợ lắm. Người lớn đã đành nhưng sợ ảnh hưởng đến trẻ con…”.
Nằm cách điểm bị nhiễm hoá chất tồn lưu bảo vệ thực vật khoảng 300m là hiện trường hố xử lý được xây với diện tích 1.200m2. Tại đây, chúng tôi bắt gặp 2 chiếc xe tải nhỏ vận chuyển chất thải đến hố xử lý làm rơi vãi dọc trên tuyến đường.

Bao Jumbo chứa đất nhiễm hóa chất độc hại bị vỡ, rơi vãi khắp đường

Một số người dân làm đồng bức xúc nói: “Xe chạy từ kho thuốc bảo vệ thực vật xóm 8 ra, dẫn đường là chiếc xe bán tải màu đen BKS 38H-8697 trên xe có 4-5 người, còn xe chở hóa chất chạy không đóng bửng làm mấy bao phía sau rơi vãi khắp đường. Mấy ngày mưa dông, nước chảy lênh láng khắp nơi. Người dân chúng tôi lo sợ lắm nhưng không biết kêu ai?!.”
Cũng tại hiện trường, một nhân viên tự xưng là kỹ thuật thi công cho CTCP Tư vấn và Xây dựng Á Châu (có địa chỉ tại 162, Hà Huy Tập) cho biết: “CYCP Tiến bộ Quốc tế AIC nhận thầu chính, công ty em chỉ thầu phụ thôi…”.

Quy trình một đường thực hiện một nẻo
Căn cứ theo Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 29/3/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Dự án xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật tại xóm 8, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, và Công văn số 2285/CV-BQLDA của Ban quản lý dự án gửi công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (đóng tại TP Vinh, Nghệ An) thì: “Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Tài Nguyên và Môi trường được Sở Tài Nguyên và Môi trường chỉ định thực hiện giám sát thi công và giám sát xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu… Quy trình xử lý đất ô nhiễm theo đúng thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt; quá trình bốc xúc, phối trộn hóa chất, vận chuyển đất ô nhiễm không được để rơi vương vãi ra bên ngoài, sử dụng bao phải được lót bạt, che chắn tránh rơi vãi; công nhân phải mặc trang phục bảo hộ lao động phòng độc; thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ…”.

Xe chở đất nhiểm hóa chất độc hại, không đóng kín, hai bao Jumbo phía sau ngã, đổ khắp đường

Thế nhưng, theo chứng kiến tại bể xử lý hóa chất tồn lưu tại xóm 5, xã Cẩm Thăng, thì quy trình tại đây đang đi ngược lại với chỉ thị của Chủ đầu tư. Cụ thể, xe chở các bao hóa chất không đậy bửng làm các bao chứa đất hóa chất rơi vãi dọc đường, các bao Jumbo bị rách, một số bao Jumbo bị vỡ dẫn đến quá trình yếm khí chưa đạt, bể xử lý chưa được che mưa, việc bảo quản hóa chất percol chưa đúng quy trình (một số thùng tập kết ngoài trời không thực hiện che chắn), công nhân không mặc trang phục bảo hộ lao động phòng độc…
Trao đổi với ông Nguyễn Hùng Mạnh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban quản lý dự án, cho biết: “Điểm xử lý ô nhiễm ở xã Cẩm Thăng, hiện đang là mục tiêu quốc gia, quy trình công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và theo công nghệ BIOSOIL.

Tại điểm bị nhiễm hóa chất BVTV , các công nhân vẫn mặc bảo hộ lao động phòng độc, nhưng tại điểm xử lý ô nhiểm thì ngược lại

Quy trình xử lý ô nhiễm gồm có 3 công đoạn: Công đoạn thứ nhất là yếm khí khoảng 45 ngày, công đoạn thứ 2 là hiếu khí khoảng 60-90 ngày, sau công đoạn hiếu khí, nếu đạt tỷ lệ rồi đến công đoạn trồng cỏ để xử lý ô nhiễm”.
“Xe vận chuyển phải là xe chuyên dụng, có quản lý của cơ quan thẩm quyền và chuyên môn môi trường thẩm định. Đất ô nhiễm sau khi múc lên sẽ có nước mạch, nước đó phải được thu gom xử lý ngay trong hố đó. Tất cả các bao Jumbo không được phép vỡ, bao phải được chống thấm…”, ông Mạnh cho biết thêm.
Được biết, đơn vị thi công được chỉ định là CTCP Tiến bộ quốc tế (AIC, đóng tại TP Hà Nội), thế nhưng công ty này lại bán gói thầu cho CTCP Tư vấn và Xây dựng Á Châu thi công. Không biết liệu công ty này có đủ năng lực về xử lý môi trường hay không?
Ông Đặng Bá Lục – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Phó trưởng ban phụ trách công tác ký thuật và giám sát thi công nói: “Hà Tĩnh có 11 điểm nằm trong Chương trình Quốc gia do Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có 8 điểm nằm trong gia đoạn 2012-2015 và điểm xã Cẩm Thăng là ứng dụng thí điểm với mức đầu tư là 26 tỷ đồng. Dự án hiện tại đã múc được 1.100/3600 bao, Về quy trình thì đất ô nhiễm được múc lên trộn với chế phẩm rồi đóng bao Jumbo vận chuyển ra bể xử lý. Bao Jumbo chứa đất ô nhiễm về nguyên tắc thì không được biết về nơi sản xuất mà chỉ yêu cầu về kỹ thuật là phải kín, chống thấm để không khí không vào được. Còn về các bao Jumbo bị vỡ làm rơi vãi, chúng tôi sẽ xuống kiểm tra và xử lý…”.
Thiết nghĩ, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước. Vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn là đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, sự tồn tại và phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý nghiêm, khắc phục nhưng sai phạm trong việc xử lý ô nhiểm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Cẩm Thăng để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 112 điểm, trong đó có 11 điểm ô nhiễm nặng. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015. Với vai trò là đơn vị thường trực, Sở Tài nguyên Môi trường phải tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm.

Bùi Trung - Khánh Trình

Lưu hình ảnh trang web này:


Trước đây, liên quan đến vụ công ty AIC nhập 150 lò đốt rác thải sinh hoạt với giá trị hơn 300 tỷ đồng về sử dụng để đốt rác thải y tế cho bệnh viện tuyến huyện. Cũng có một số báo viết bài về vấn đề này. Nhưng các bài báo đều bị gỡ bỏ. Có thể đọc các bài báo này ở phần đọc thêm tại đây.

Và đọc thêm những bài viết về vụ Đề án SGK điện tử 4.000 tỷ đồng của Tp.HCM và những nghi vấn xung quanh máy tính bảng AIC Group Smart Education:

- Vụ SGK điện tử (#1): Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người
- Vụ SGK điện tử (#2): Đây có phải là sách giáo khoa điện tử?
- Vụ SGK điện tử (#3): Ai đứng sau đề án bắt học sinh mua máy tính bảng sặc mùi tiền?
- Vụ SGK điện tử (#4): Máy tính bảng sặc mùi tiền: AIC làm tư vấn, giới thiệu đối tác bán máy
- Vụ SGK điện tử (#5): Người trong cuộc nói gì?
- Vụ SGK điện tử (#6): Trang web của AIC không hoạt động?
- Vụ SGK điện tử (#7): NXB Giáo dục VN nói về hợp đồng kí với AIC
- Vụ SGK điện tử (#8): Bất ngờ với SGK điện tử trên máy tính bảng giáo dục AIC
- Vụ SGK điện tử (#9): AIC bắt học viên xác nhận "máy tính bảng rất hữu dụng"

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!