Saturday, March 25, 2023

[ sự đứt gãy tri thức ]

stt trước về thơ của lê-đạt, tôi có nói là hơn 20 năm trước nhiều sinh viên văn-khoa còn không biết trần-dần, lê-đạt là ai. không biết không phải họ không chịu đọc nên không biết, mà không biết vì không có để mà đọc. từ vụ nhân văn giai phẩm, các tác phẩm của các nhân vật trong đại án văn chương này hầu như không còn hiện diện trong hệ thống trường học và xã hội. không có, lấy gì để đọc mà biết.
 
mà không phải từ thời nhân văn giai phẩm, ngay thập niên thứ nhất thứ hai của thế kỷ 21 vẫn còn những hiện tượng này. như vụ việc được giới văn chương đưa lên mạng xã hội là những người trong văn đoàn độc lập bị bỏ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa hay nhiều người nổi tiếng không có tên trong tuyển tập các nhà văn thơ đương đại gì gì đó.
 
có nghĩa, có nhiều tác giả, tác phẩm bị "loại" ra khỏi dòng chảy của văn chương, khiến người đọc không có cơ hội tiếp cận, dù đến thời đại internet này vẫn còn. cái này tôi gọi là sự đứt gãy tri thức.
 
có 2 ví dụ rất thực tế, từ con gái nhỏ của tôi.
 
một hôm gái nhỏ sang phòng tôi rồi hỏi: cha ơi, việt-nam cộng hòa là gì?
 
tôi hơi ngỡ ngàng với câu hỏi, và hỏi lại tại sao con hỏi như thế? nàng ấy kể là có vụ cô ca sĩ k-pop người việt gì đó bị tẩy chay vì có gốc việt-nam cộng hòa.
 
tôi chợt nhớ, hình như trong hệ thống sách giáo khoa không có [hoặc có nhưng rất ít] cụm từ "việt-nam cộng hòa". những gì liên quan đến chính quyền nam việt-nam giai đoạn 1955-1975 thường được gọi là chính quyền mỹ ngụy. thế nên con tôi không biết cũng có lẽ là tất yếu.
 
dĩ nhiên, tôi sẽ giảng giải cho con tôi hiểu cặn kẽ. nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ hiểu biết để làm điều đó. bởi ngay chính họ còn hiểu một cách rất lờ mờ hoặc không đầy đủ.
 
một hôm chở gái nhỏ đi học. bình thường nàng ấy tự nghe nhạc của mình qua điện thoại. hôm đó nàng nói cho con tìm nhạc của cha nhé. rồi mở album da-vàng của khánh-ly và nghe bài "gia tài của mẹ".
 
tôi ngạc nhiên hỏi, sao hôm nay lại nghe nhạc này, cha có thấy con thích bao giờ đâu. nàng ấy nói là trường con mọi người bàn tán về bà khánh-ly hát bài này bị phạt, nên đứa nào cũng tìm nghe xem bài này như thế nào mà lại bị phạt.
 
gái nhỏ tôi, năm nay mới học lớp 8.
 
có rất nhiều sự kiện lịch sử mà chúng ta chỉ được tiếp cận một chiều, theo sách giáo khoa, và mặc định thông tin là như thế. nếu sự kiện đó là chính xác thì dĩ nhiên kiến thức này sẽ hình thành tri thức đúng đắn và logic trong mỗi con người. nhưng nếu chưa thực sự đầy đủ thì rõ ràng kiến thức sẽ bị thiếu khuyết, dẫn đến tri thức bị đứt gãy.
 
người ta nâng tầm hoàng đế quang-trung lên thành vĩ đại và đối nghịch là hoàng đế gia-long trở thành "cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ". đến tận bây giờ, mới có người dám "kiến nghị" trả lại sự "trong sạch" cho hoàng đế gia-long, dù cả vùng nam việt-nam bây giờ có được do công sức của ngài mở cõi.
 
người ta vin vào truyền thuyết "rồng bay lên" gắn với việc dời đô của nhà lý để đưa ra một hình ảnh một ông vua 24 tuổi cầm quân đánh đông dẹp bắc thành một ông vua hoang dâm vô độ, đến mức không đi được và phải nằm với xú danh lê-ngọa-triều. đến giờ mới thấy lẻ tẻ vài ý kiến đề nghị xem lại dữ liệu lịch sử này.
 
người ta khiên cưỡng với lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, để dựng nên 18 đời vua hùng với thời gian trị vì hơn 2.600 năm. để vua hùng nào cũng sống mấy trăm năm, có hàng chục vợ, hàng chục con như yêu quái trong truyện tây-du-ký xứ tàu. rõ ràng, nếu hiểu theo một cách logic, có thể đây là 18 triều đại, mỗi triều đại có nhiều ông vua. nhưng không, họ mặc định là 18 đời vua hùng và đưa vào sách giáo khoa dạy dỗ kiến thức lịch sử cho cả dân tộc.
 
đây chỉ là vài ví dụ cụ thể, còn rất nhiều nhiều sự kiện lịch sử còn chưa rõ ràng. không chỉ là lịch sử trung đại, cổ đại, mà ngay cả lịch sử cận đại, hiện đại với những thông tin và dữ liệu có thể tiếp cận từ nhiều chiều, như trường hợp lê-văn-tám tôi đã kể trên fb này hay gần đây nhất là vụ việc ai là người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho dương-văn-minh.
 
sự thiếu khuyết, sai lệch, méo mó các thông tin và dữ kiện để hình thành thông tin sẽ làm thiếu khuyết kiến thức và đứt gãy tri thức như tôi nói trên. điều đó sẽ làm người-việt không thể hoàn thiện tri thức và hình thành khả năng tư duy độc lập một vấn đề. những kiến thức được nhồi nhét mặc định theo đường thẳng sẽ không thể phát huy được tư duy mở và tiếp cận đa chiều trong quá trình tiếp nhận kiến thức và hình thành tri thức.
có lẽ, sự có mặt của internet và nguồn dữ liệu mở vô tận trên môi trường internet đã làm thay đổi rất nhiều cho người-việt. nhưng có lẽ sẽ còn rất lâu nữa, sự liền lạc về tri thức, đặc biệt là về lịch sử mới có thể thành một dòng chảy không đứt gãy, để không có những tranh luận không có hồi kết như những gì đang xảy ra trên mạng xã hội lâu nay, nhất là vấn đề của kẻ thắng - người thua trên một giàn máu đỏ da vàng trong cùng một bọc.
 
và phải chăng, thế hệ gen z với sự vô tận của thông tin từ tài nguyên internet sẽ nối lại được những đứt gãy tri thức này và thay đổi được tính trội việt-tộc?
 

 


Thursday, December 15, 2022

[vụt thẳng vào mặt nhân dân]

 

mấy hôm nay mạng xã hội việt-nam nhan nhản hình ảnh của tên hội-đồng dũng, kẻ đã dùng gậy golf vụt cô caddie ngất xỉu tại sân với những so sánh có thể nói là rộn ràng nhất trong hơn một tháng qua về khuôn mặt hình thể của dũng. so sánh cũng tốt thôi, nhưng mà không sòng phẳng, bởi so sánh với lợn thì oan cho con lợn.
 
nói chung tôi ủng hộ sự lên tiếng của cộng đồng, cũng như tôi đã lên tiếng. còn so sánh như nói trên thì nó lại thể hiện một sự uẩn ức vì bất lực và lấy mạng xã hội (nơi không bị kiểm soát cho hành động và lời nói) để thể hiện sự bất bình, và tôi không ủng hộ lắm.
 
ở việt-nam, trên trung ương có quốc hội, dưới chính quyền địa phương có hội đồng nhân dân các cấp. đây là cơ quan dân bầu, có trách nhiệm giám sát hoạt động của chính phủ, chính quyền nhân dân các cấp và biểu quyết để quyết nghị những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia hay chính quyền địa phương. những người được dân bầu là các đại biểu, trên trung ương là đại biểu quốc hội, ở chính quyền địa phương các cấp là đại biểu hội đồng nhân dân.
 
về lý thuyết, các đại biểu to lắm, họ là tiếng nói của nhân dân, đại diện cho nhân dân, thể hiện quyền lực của nhân dân. các đại biểu là người được nhân dân tín nhiệm để đề cao tính chính danh trong kiểm soát và cân bằng quyền lực (checks and balances) giữa chính phủ/chính quyền với nhân dân như chủ thuyết của triết-gia machiavelli. với sự kiểm soát và cân bằng đó chính quyền sẽ ít độc ác, ít vô đạo đức, ít tiền hậu bất nhất hơn một chính quyền độc tài.
 
ở thể chế việt-nam, nó lại khác. mặc dù về quan điểm giám sát quyền lực nó tiếp cận giống nhau như đề cập ở trên. nhưng ở việt-nam, đảng cộng-sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, và quốc hội nằm trong sự lãnh đạo đó. các đại biểu quốc hội/hội đồng nhân dân cũng được dân bầu ra, nhưng lại do đảng cử ra cho dân bầu, có nghĩa dân chỉ được bầu trong đám chọn thông qua hiệp thương. cái sự khác nhau giữa việt-nam và thế giới tôi đã từng biên trong một stt tên là “top-down & bottom-up”, ai quan tâm thì đọc ở đây.
 
quay lại chuyện của tên hội-đồng dũng, dĩ nhiên đã là đại biểu hội đồng nhân dân thì sẽ do dân bầu, còn vụ hiệp thương cử ra như nào thì không nói ở đây. có nghĩa, hội-đồng dũng là đại diện cho nhân dân/cử tri ở khu vực bầu cử. thay mặt nhân dân/ cử tri khu vực bầu cử thực hiện quyền đưa ra các ý kiến và biểu quyết các vấn đề quan trọng của hội đồng nhân dân.
 
ấy mà dũng lại cầm gậy golf, vụt thẳng vào người lao động, là nhân dân.
 
nhiều thông tin trên mạng xã hội nói vụ việc đang bị chìm xuồng, nạn nhân cũng không tố cáo, báo chí thì thấy dè dặt đưa tin, đến cái tên là dũng cũng chỉ dám viết tắt chữ dờ (d), đâu mãi 2 hôm nay mới nêu tên đầy đủ trong khi một số hiệp hội golf và mạng xã hội chỉ tên điểm mặt đích danh.
 
nếu một kẻ có tiền chơi golf khác mà hành hung caddie, rồi dùng tiền để bịt miệng xã hội hay né tránh pháp luật thì tôi không nói. còn dũng thì khác, dũng là đại biểu hội đồng nhân dân, là đại diện cho nhân dân, là tiếng nói của nhân dân.
 
thế nên, mặc dù cô nạn nhân không tố cáo, có thể có những thế lực nào đó đang cố làm chìm xuồng vụ việc, và có thể một thời gian ngắn chuyện này sẽ đi vào quên lãng như bao câu chuyện khác trong xã hội đương đại. nhưng chắc chắn rằng, nhân dân trong vụ việc này phải nhận một trái rất đắng.
 
vì cái vụt đó không phải chỉ vụt vào người cô caddie, mà vụt thẳng vào mặt nhân dân.
 
không biết có bao nhiêu cái vụt vào mặt như thế thì nhân dân sẽ sáng mắt sáng lòng?
 
và cũng không biết, nhân dân có trả lời được câu hỏi như kiểu của ai đó từng nói, rằng: bị vụt vào mặt thế này, đã đủ đau chưa?
 

 

Thursday, April 8, 2021

Ngắn... ngắn #28

 

Phần lớn giáo viên ở Việt Nam coi họ là một viên chức nhà nước chứ không phải là một người thầy với nhiệm vụ cao cả là đi khai sáng nguồn tri thức.

Vì vậy yêu cầu họ phải giữ được cái tâm, cái tầm, cái tự trọng của người thầy trong giáo dục khai sáng là rất khó, thậm chí bất khả. Bởi điều đó nó mâu thuẫn với việc thực thi trách nhiệm của một nhân viên công vụ.
 
 © 2021 baron-trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
 

 

Tuesday, March 2, 2021

Niềm tự hào rẻ mạt

 

Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội nóng rừng rực chuyện anh Mạnh cứu được cháu bé rơi từ tầng 12 của một chúng cư đến mức phong anh hùng cho anh Mạnh và điệp khúc tự hào dân tộc được nâng lên ở mức cao nhất trong cộng đồng mạng. Thế nên tôi lại tạt gáo nước lạnh vào những niềm tự hào đang rừng rực lửa của đám đông.
 
Đầu tiên phải nói rằng hành động của anh Mạnh là một hành động hiệp nghĩa của một người tốt, không thể phủ nhận được điều này.
 
Tiếp theo là có một sự cực kỳ may mắn không thể giải thích được, cháu bé đã được cứu sống trong một tích tắc và nó là cả một sự sự kỳ diệu.
 
Việc ông thủ tướng chính phủ và ông bí thư thủ đô gửi thư khen ngợi, cũng như chủ tịch thủ đô tặng bằng khen cho anh Mạnh là việc làm cần thiết, kịp thời và đúng đắn của chính quyền. Cũng không có điều gì phải nói nhiều.
 
Cái tôi muốn nói đến là sự ăn mày niềm tự hào của một bộ phận không nhỏ người Việt.
 
Tôi tin rằng anh Mạnh không muốn/không thích làm người hùng như mạng xã hội tự phong cho anh ấy. Mặc dù hành động của anh là một hành động anh hùng. Bởi lẽ người ta đã kịp “soi xét” đời tư của anh trên FB và thấy anh đã làm việc tốt từ rất lâu – một người tốt luôn làm việc tốt. Vì thế hành động cứu cháu bé của anh là một bản năng của một người tốt lúc nào cũng sẵn sàng làm việc tốt.
 
Việc cứu được cháu bé là một sự cực kỳ may mắn như tôi nói trên. Nhưng nếu không phải một người trong tâm thức luôn sẵn sàng làm việc tốt thì chưa chắc đã cứu được cháu bé. 
 
Bởi lẽ một người bình thường, khi tiếp nhận thông tin đã mất vài giây để xử lý, rồi mất vài giây để quyết định, rồi mất vài giây để lựa chọn hành động… và khi người ta bắt đầu hành động thì có lẽ sẽ không kịp.
 
Ngược lại anh Mạnh là người có tâm thức luôn làm việc tốt. Và khi tiếp nhận thông tin anh đã sẵn sàng hành động ngay mà không mất thời gian để định hình thông tin, đưa ra quyết định và chọn lựa hành động. Có nghĩa khi nghe tiếng hô hoán và thấy cháu bé rơi xuống, anh lao đến với niềm tin mãnh liệt của người tốt là sẽ đỡ được cháu bé. Đó là một hành động vô thức trong một tâm thức hành động vì một việc tốt cần hành động. Điều này chắc các nhà tâm lý học sẽ phân tích chuẩn chỉnh hơn tôi.
Một điều cực kỳ may mắn cho cháu bé và gia đình cháu là anh Mạnh ở gần đó và đã hành động kịp thời. Một điều cực kỳ may mắn cho anh Mạnh và cháu bé là anh đã đỡ được cháu bé trong một tình huống ngàn cân treo sợi tóc và cứu được cháu bé.
 
Nếu một người khác mà không phải là anh Mạnh thì có thể sẽ bị chậm vài giây, sẽ không đến được vị trí cháu bé rơi xuống và sẽ không đỡ được cháu bé. Hoặc nếu vị trí tiếp xúc của anh Mạnh với cháu bé không như mong muốn thì có thể cả cháu bé và anh Mạnh sẽ gặp chuyện không lành. Điều cực kỳ may mắn là chuyện đó không xảy ra và đã có một cái kết tốt đẹp.
 
Điều này ai cũng biết và thiết nghĩ không cần phải nhấn mạnh nữa.
 
Việc chính phủ, chính quyền thủ đô và cộng đồng khen thưởng và ca ngợi anh Mạnh là điều đúng đắn và cần thiết. Nhưng phong anh hùng cho anh Mạnh rồi tự hào lắm Việt Nam ơi là điều rất không nên, chưa nói đến là rất rẻ mạt. Bởi lẽ hành động anh hùng của anh Mạnh phải là điều để từ chính quyền đến người dân tự soi vào bản thân mình, để thấy mình cần phải làm gì, để thấy xấu hổ với suy nghĩ và hành động phản cái tốt của mình, chứ không phải để ăn mày sự tự hào này trên mạng xã hội.
 
Đáng ra sau vụ việc này người ta phải nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề để làm sao không có những việc đáng tiếc xảy ra (và nó đã và đang xảy ra, như vụ cháu bé rơi từ tầng 39 rồi tầng 25 ở Hà Nội, hay tầng 3 ở Bình Dương chỉ cách đây vài ba tháng…) và rút kinh nghiệm như thế nào?
 
Chính quyền sẽ làm gì để hạn chế tình trạng trẻ em rơi từ chúng cư cao tầng? Tuyên truyền giáo dục ý thức người dân? Kiểm tra sự an toàn của tòa nhà? Kiểm tra công tác xây dựng của chủ đầu tư? Thiết lập hệ thống cảnh báo an toàn?
 
Chủ đầu tư các chúng cư làm gì để ngăn ngừa trẻ em leo lên lan can? Thiết lập hệ thống cảnh báo? Đảm bảo độ cao lan can balcon? Nhắc nhở cư dân?
 
Gia đình làm gì để ngăn ngừa trẻ em leo lên lan can balcon? Kiểm soát con trẻ khi trong nhà? Đầu tư hệ thống lưới ngăn? Phản ánh với chính quyền và chủ đầu tư về các kết cấu thiếu an toàn?
 
Đấy là bài học cần rút ra sau vụ việc này, và nhiều vụ việc đau lòng trước đó vì các cháu bé khác không được may mắn cứu sống.
 
Còn cộng đồng mạng, người ta hô hào phong anh hùng cho anh Mạnh. Nhưng họ có soi xét lại bản thân mình như thế nào không?
 
Họ đã làm được bao nhiêu việc tốt, làm như thế nào và kết quả làm đạt được những gì?
 
Họ có nhường đường cho người già và con trẻ khi đi qua đường không? Họ có ý thức xếp hàng ở nơi công cộng không? Có bao nhiêu người dừng lại để hỗ trợ và cứu giúp những người bị tai nạn trên đường?
 
Họ có tiếp tay cho gian thương để ăn chặn mồ hôi nước mắt của người lao động? Họ có tiếp tay cho gian thương để đưa chất độc vào đồ ăn nước uống của người dân? Họ có tiếp tay cho những bầy sâu cửa quyền làm xáo trộn những giá trị của xã hội? Họ đã dạy con cái họ những điều tốt như thế nào?
Cái xã hội này cần là như thế, không cần họ gào lên là “tuyệt vời quá anh Mạnh ơi” “tự hào quá Việt Nam ơi”. Những sự tự sướng tự hào rẻ mạt như thế không làm cho xã hội tốt đẹp hơn, mà ngược lại làm cho xã hội đạo đức giả hơn, u mê hơn, và sống thiếu trách nhiệm hơn.
 
Vậy ở các xứ văn minh người ta có đề cao hành động anh hùng và những người anh hùng?
 
Ở đâu cũng có, và điều này đánh được vinh danh. Nhưng cách của người ta khác chứ không tự hào một cách rẻ mạt như thế.
 
Chẳng hạn Hoa Kỳ được xem là thiên đường của văn minh, tự do, dân chủ và công bằng. Nếu xã hội đã như thế thì họ có cần những anh hùng không? Và họ có vinh danh những anh hùng không?
 
Theo tôi biết là có, và nhiều đằng khác. Kể cả những chuyện siêu tượng tượng như Người Dơi, Người Nhện…
 
Tôi từng review vài bộ phim ca ngợi hành động anh hùng của người Mỹ trên FB này, ví dụ bộ phim “Thầy giáo cứu tinh” hay bộ phim “Chuyến tàu cuồng nộ”…
 
Người ta xây dựng nhân vật anh hùng và hành động anh hùng không phải để khuếch trương niềm tự hào dân tộc rẻ mạt đó. Người ta xây dựng nhân vật anh hùng và hành động anh hùng để chống lại cái sai, cái xấu đang hiển hiện trong xã hội. Cụ thể là để nói lên cái quan liêu của chính quyền, cái tham lam của các doanh nghiệp. Vì quan liêu, vì tham lam mà quên đi các giá trị về nhân văn, về môi trường, về tự nhiên, về an toàn, về cộng đồng… trong xã hội. Và các nhân vật anh hùng với các hành động anh hùng này chống lại cái quan liêu, cái tham lam đó.
 
Đằng này một bộ phận không nhỏ dân Việt không quan tâm đến những vấn đề của xã hội, không quan tâm đến thực trạng xã hội, không quan tâm đến yếu kém xã hội, không quan tâm đến bất công xã hội… Họ mặc nhiên chấp nhận và hài lòng với điều đó.
 
Nên mỗi khi có cái gì khác biệt thì họ lại gào rú lên và tự hào. Đưa người từ vùng dịch về là trách nhiệm của chính phủ, họ cũng gào rú lên vì tự hào dân tộc. Phòng chống dịch là trách nhiệm của chính phủ và chính quyền địa phương, họ cũng gào rú lên vì tự hào cá nhân nào đó. Được mấy tổ chức lìu tìu xếp hạng hạnh phúc gì đó, họ cũng gào rú lên vì tự hào dân tộc...
 
Nhưng những bất công, những ngang trái tồn tại hiển hiện trong xã hội mà họ đang sống thì họ lại im lặng. Bọn trung cộng cho tàu xâm phạm vùng biển của tổ quốc thì họ im lặng. Thậm chí họ còn không dám bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội chỉ bằng cách like hay share một bài viết nào đó mà họ tâm đắc nhưng có nhiều điểm phê phán cái xấu trong xã hội hay phản biện chính quyền.
 
Tôi hay trích dẫn câu nói nổi tiếng của triết gia Arthur Schopenhauer, rằng: “Niềm tự hào rẻ mạt nhất là niềm tự hào dân tộc. Bởi vì qua đó ta có thể nhận ra, những kẻ mắc phải chứng tật này bị thiếu thốn các tính cách cá nhân đáng tự hào, bởi nếu có những đức tính này thì họ đã có thể tự hào về chính mình chứ không phải cố bám víu vào một đặc tính là điểm chung giữa họ và hàng triệu kẻ khác. Trái lại thì những ai sở hữu các ưu điểm cá nhân nổi bật sẽ hầu như chỉ nhìn ra những sai trái của dân tộc họ - một cách rất rõ ràng, bởi họ không bao giờ rời mắt khỏi những sai trái đó. Nhưng tất cả những thằng ngu hèn đáng thương, những kẻ mà chẳng có gì trên đời này để mà tự hào, họ sẽ phải dùng đến biện pháp cuối cùng, đó là tự hào về cái dân tộc mà họ đang (ngẫu nhiên) thuộc vào đó”.
 
Hãy bớt mấy trò tự hào rẻ mạt đó đi. Hãy để yên cho anh Mạnh là một người bình thường, để anh tiếp tục làm những việc tốt như anh đã, đang và sẽ làm.

Và hãy tự thay đổi để bản thân trở thành người tốt, người có ích cho xã hội bằng cách bớt ngáo mạng và làm những việc thiết thực trong cuộc sống.
 
 
© 2021 baron-trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
 

 

Tuesday, January 26, 2021

Ngắn... ngắn #27

não trạng nô lệ là khi những vấn đề liên quan sát sườn đến cơm áo gạo tiền thì chúng im lặng, trong khi đó sẵn sàng bầy đàn chửi bới chém giết một ai đó dám đụng đến tượng đài của chúng.

 

© 2018 baron-trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

 


 

Tuesday, January 19, 2021

Hoàng Sa 19/1/1974

Ngày này 47 năm về trước, Trung cộng đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

 Cũng có nghĩa, 47 năm đã qua, tổ quốc Việt Nam của chúng ta chưa thực sự trọn vẹn khi một phần lãnh thổ bị Trung cộng chiếm đóng bất hợp pháp. 

Khoảng hơn 10 năm trở về trước, không nhiều người biết điều này và vẫn đinh ninh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Thậm chí có một thời gian người ta không dám nhắc đến tên 2 địa danh này, dù chỉ là viết trên mạng xã hội chứ chưa nói đến báo chí chính thống lẫn trong giảng dạy lịch sử. Đến mức có một nhà văn phẫn uất đã đặt tên cho 2 con chó để công khai gọi tên các quần đảo của tổ quốc mà không bị phạm húy như tôi đã từng biên trên FB mấy năm trước. 

Thế hệ trẻ 9x, 10x không hiểu biết nhiều về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Chúng không biết Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống là ai, nhưng lại rất am hiểu về mấy ca sĩ người mẫu xứ Hàn, hay a dua theo trend Khá Bảnh, Huấn hoa hồng. Thậm chí có đứa sẵn sàng quỳ xuống hôn cái ghế đá mà thần tượng người Hàn vừa ghé đít ngồi trước đó trong khi không hề biết Trung cộng đã thành lập quận Tây Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là một tội ác đối với lịch sử dân tộc. Hậu thế sẽ sòng phẳng với những kẻ đã làm ra điều này và những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... vẫn mãi là những kẻ bán nước cầu vinh trong lịch sử dân tộc. 

Tôi biên stt này để tự nhắc nhở bản thân rằng có một ngày 19/1/1974. Và để con tôi, những học trò của tôi còn biết rằng có một ngày như thế. 

Nếu có một ngày mà những người Việt được cầm súng lên đường để lấy lại quần đảo Hoàng Sa của tổ quốc, tôi sẽ viết đơn tình nguyện gia nhập mà không cần phải suy nghĩ. 

Năm nay, tôi cũng 47 tuổi.


 

Wednesday, September 30, 2020

NGỒI BUỒN TỈA TÓT TIỀN NHÂN #2

 

Cụ Tố Như viết Truyện Kiều 

Cái hay cụ nói toàn điều hiển nhiên 

Lại lồng câu chữ rất duyên 

Cộng thêm điển tích khắp miền mọi nơi 

 

Nói chung Kiều để đọc chơi 

Nhưng mà bình luận lại hơi dài dòng

Bởi vì điển tích không thông

Để hiểu thì phải mất công tra tìm 

 

Thời xưa học chữ thánh hiền

Quanh đi quẩn lại mấy nghìn chữ thôi

Tất nhiên là chữ Tàu rồi

Rất ít người học vì hơi tốn tiền

Lại thêm mục đích đầu tiên

Học xong thi đỗ bổ liền làm quan

Còn ai bị trượt không oan

Về làng dạy chữ mỏi mòn kiếm cơm 

 

Truyện Kiều biên bằng chữ Nôm

Nhưng phần điển tích toàn chôm bên Tàu

Thế nên chữ đọc không sâu

Thì không rõ nghĩa mới sầu mới bi 

 

Bần dân mù chữ nghĩ suy

Kiều là kiệt tác rất chi lòng vòng

Bởi vì đọc thuộc lòng lòng

Vậy mà không hiểu từ trong ra ngoài

Thế là tranh cãi nhau hoài

Ông nào cũng đúng cũng đòi đỉnh cao 

 

Cụ Tố thành đại thi hào

Truyện Kiều từ đó liệt vào quốc thơ

Dể cho dân chúng ngu ngơ

Hơn hai thế kỷ vừa mơ vừa màng

*

***

Lời quê chắp nhặt làng nhàng

Chả vui cũng chả được tràng vỗ tay 

 

© 2020 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

 

Cùng chủ đề:

NGỒI BUỒN TỈA TÓT TIỀN NHÂN #1




Monday, August 3, 2020

An-nam đặc tính cần-lao #9: Mê tín dị đoan #1


đông-lào bộ-lạc không có quốc-giáo, thế nên cũng chả có đức-tin (nót niềm-tin). đấy là bi kịch của xứ sở.

thời thiên đàng, sau một thời gian "bài tín trừ phong" đập đền phá chùa phân biệt lương giáo thì tín ngưỡng và tôn giáo được hưng phát trở lại, đặc biệt là phật-giáo.

zờ, cần-lao nghiễm nhiên coi phật-giáo như quốc-giáo, nhà nhà thờ phật, người người mở mồm ra nói triết lý nhà phật. nhưng xét một cách toàn diện, những người am hiểu về phật-pháp và những người là phật-tử chính thống lại cực ít.

phần lớn cần-lao bi-bô về những triết lý nhà phật ở mấy quyển sách bán vỉa hè. phần lớn người ta mặc đồ nâu sồng ngày lễ đến chùa và tự xưng là theo đạo phật. nhưng đám này chẳng hiểu gì về phật-pháp cả, thậm chí không phân biệt nổi di-lặc với a-di-đà, chả cần biết phật gì, cứ thấy tượng là chắp tay vái như bổ củi và bi-bô "a-di-đà-phật". lại là bi kịch của xứ sở khi đám này chiếm đại đa số trong xã hội.

sự ngu dốt đến mức chúng không phân biệt được tôn giáo, tín ngưỡng, triết lý, dị đoan. tui suýt sặc nước tắc tử vì đọc trên fb của một ngài theo đạo thiên-chúa, một fan của ngài vào comment đại loại như này: "a-di-đà-phật, cầu chúa sẽ che chở cho anh".

thấy phê-cê-bốc đang ồn ào vụ có gái hóa trang quán-thế-âm-bồ-tát mặc áo cưới với vụ mấy anh sư xài rolls-royce phantom limousine dài chục mét rước cây bồ-đề. tui thì thấy chuyện đó bình thường, chả có gì đáng nói cả. bởi lâu nay đọc báo lá ngón biên về đám sư dổm có mà đầy chuyện, thịt chó, rượu, gái gú, vơ vét tiền bạc, kiếm bằng cấp dổm, xây lâu đài biệt phủ đủ cả.

có hóa trang mặc bikini đóng giả bồ-tát với đám sư mặc quần soóc cởi trần ngồi rolls-royce cũng chả có gì lạ cả. nói gì mặc áo dài cưới với vẫn bận cà-sa.



© 2018 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.


Cùng chủ đề:

Đọc thêm:

Monday, July 27, 2020

phòng trà đà-lạt


có một thời tui lang thang ở đà-lạt, mục đích đi tìm động hoa vàng cho khỏi bẽ bàng nhân thế. nhưng hỡi ôi chuyện đời thì không như mơ để cho gã ngu ngơ ôm sầu một khối. may mà nó tan chảy ra được chứ không giờ tay nhặt lá chân đá ống bơ chứ chả đùa.

nói thế để biết là tui rành đà-lạt phết, chả đến mức như dân bản địa nhưng ngóc ngách nào cũng khám phá, nhất là đối với một gã si tình lại biết linh tinh đủ các ngón nghề thơ nhạc họa.

dĩ nhiên các phòng trà cũng đã lượn khắp, từ thủa thời leo lét ánh đèn với tiếng lèng xèng của ghita gỗ. dần dần nó không còn chất đà-lạt nữa, mà chuyển sang kinh doanh một cách thuần túy. lần cuối tui ngồi phòng trà cách đây 6 năm cùng mỹ nhân xứ núi bà-đen.

đã kinh doanh thì mục tiêu phải là lợi nhuận, vào phòng trà là để thưởng thức âm nhạc, thế nên giá nó hẳn là cao hơn quán cafe thông thường là lẽ tất yếu. còn cao thấp như nào thì tui hổng quan tâm.

có điều, như tui đã từng biên trên fb rằng, có đến hơn 90% cần lao xứ này mù âm nhạc. cũng là tất yếu mà thôi vì đến lịch sử nó còn méo mó nói tró gì đến âm nhạc với các thể loại từ máu me chém giết đến dung tục thô thiển thủa kim tiền. từ ngáp lệch cả quai hàm trong lúc nghe nhạc thính phòng ở thượng tầng đến khoe khoang đêm nhạc rất hay nhưng hay nhất là anh đánh trống vì đánh phát nào cũng trúng và trúng phát nào cũng kêu của đám trọc phú bán đất hay bố làm to.

thế nên tui cho rằng hơn 90% khách du lịch vào phòng trà ở đà-lạt với mục đích khoe và chụp ảnh tự sướng, rằng ta cũng đã từng đến phòng trà, chứ đàn gảy tay trâu, biết thưởng thức âm nhạc đếch đâu mà nghe. nhớ có một lần vào quán chị giang khùng, có một đoàn khách vào cực ồn ào náo nhiệt một cách thô thiển đến mức chủ quán chán không thèm hát nữa.

thế nên có cầu ắt có cung, có đám trọc phú học làm sang thì khắc có đám kinh doanh sự tự sướng thiểu học và rẻ tiền này. nên cũng là sự bình thường trong một xã hội kim tiền và suy thoái trầm trọng đạo đức. đến sân khấu hài cấp cuốc da 6 tháng một lần còn vô số sự thiểu năng và thiếu tự trọng, nói gì cần lao thối tai khai bẹn giàu lên từ sự bất công bằng xã hội.

đơn giản nó là như vậy thôi!




© 2020 baron-trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet

Friday, July 17, 2020

em phải đến hà-giang thi tốt nghiệp [update 22.7]


[chuyện 2 năm trước, lưu lại trên fb]

#1. hà-giang

toán từ 1 điểm thành 9 điểm, lý từ 1 điểm thành 8,75 điểm, hóa từ 0,75 điểm thành 9,5 điểm, tiếng-anh từ 1,2 điểm thành 9 điểm.

tiêu cực trong giáo dục, tui tin rằng tỉnh thành nào cũng có. nhưng "hoành tráng" như hà-giang nói trên có lẽ hơi hiếm, đi way-tàu phi vào khách sạn 5 sao thì đúng là coi zời bằng vung.

hình như máu liều nó có căn gốc của nó. nhớ xưa sầm-đức-xương đòi tụt quần chứng minh trym bị liệt trước tòa, rùi đến cả "cây phả hệ" quan chức của họ triệu đúng quy trình.

xứ này có cổng trời quản-bạ, quả là một bước lên zời hehe

xứ thổ đu nghìn năm vật lộn còn móc trym đứng giữa phố đái bậy, nên xứ riệu-ngô thêm tý điểm cho con em nó đi học trường nhớn có gì mà to tát. miễn các cháu í sau cứ về hà-giang gây dựng cơ đồ, đừng mon men bờ hồ [hoàn-kiếm] là được hố hố...



#2. em phải đến hà-giang thi tốt nghiệp

như tui đã từng nói trên fb, là trong thời đại anh-tẹc-néc, những chuyện ở gậm giường cũng có thể lôi ra được.

ăn theo vụ hà-giang, bắt đầu có những thông tin về kết quả kỳ thi tốt nghiệp thpt quốc-gia tại các địa phương khác có dấu hiệu bất thường, tỷ dụ như ở sơn-la đang có mấy trường hợp. cứ đà này, có khi vài chục tỉnh thành dính trấu.

về lý thuyết mà nói, việc sửa điểm trắc nghiệm là việc làm không đơn giản tý nào cả, bởi lẽ trong quá trình lưu bài thi, chấm và công bố điểm luôn có một hội đồng để thực hiện, giám sát, kiểm tra và bảo vệ. việc mới phát hiện một cá nhân trong vụ hà-giang mới là cái ngòi.

thực chất, những việc như vậy điều tra khá dễ. đơn giản nhất là xét thân nhân của các cháu học sinh "được" sửa điểm. tỷ dụ như cha của một cháu học sinh được "sửa" điểm là phó sở dục tỉnh này chẳng hạn.

nhưng nói lý thuyết là thế, còn thực tế thì cực nhì nhằng. ngay có mỗi vụ nhỏ như con thỏ là anh dáo-xư gì có tên vần ồn đạo văn mà điều tra mãi chả được, bởi nghe đâu anh í dọa sẽ tung hê lên tất cả và anh dáo-xư vần êm cũng chả thoát tên khỏi họ đạo, thế nên zờ đang tạm hòa cả làng.

là có muốn làm hay không thôi, chứ làm thì cái tổ con tò vò sẽ lộ hết. như anh phó phòng khảo thí sửa điểm này, ít nhất phạm 3 tội: nhận hối lộ [nếu điều tra có nhận tiền sửa điểm], lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả rất nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức [nếu điều tra ra có đồng phạm]. 3 tội này có thể cộng án từ 20 đến 25 năm. khẳng định luôn là truy tố và quy án phát là sẽ khai ra cả ổ, cấm cãi.

nhưng đôi khi vì một cái gì đó người ta lại cho là nhỏ, và đôi khi một con ngựa tạm đau để cả tàu không bỏ cỏ. ngày xưa anh tô thương tích đầy mình với vài cái ảnh khỏa thân mà nghe đâu liên quan đến anh xương trym liệt, nhưng hết lình xình là anh lại về vui thú điền viên ở nơi mang tên biệt phủ.

cả nhà đều vui, là thế. chỉ tội hơn trăm cháu bị hạ điểm thì phần lớn lại được ở nhà chơi thêm năm nữa, năm sau bố mẹ tính tiếp.



#3. chấm bài thi trắc nghiệm như thế nào?

về nguyên tắc, bài thi từng môn sau khi thi xong sẽ được kiểm và niêm phong [theo từng phòng thi], ngoài bì đựng bài thi có 5 chữ ký, 2 chữ ký của giám thị coi thi, 1 chữ ký của thư ký nhận túi bài thi, 1 chữ ký của phó trưởng điểm thi và 1 chữ ký của trưởng điểm thi. quy trình cực chặt chẽ.

các túi bài thi của buổi thi đó tiếp tục được bỏ vào rương sắt và niêm phong. sau đó chuyển về hội đồng thi của tỉnh/thành phố. quá trình vận chuyển và giao nhận có đủ thành viên được phân công của hội đồng thi, thanh tra, công an,... với 9 môn thi thì số lượng bài thi cực lớn, có bỏ chung nhiều môn vào rương sắt [như buổi thi môn tổ hợp] cũng phải vài chục rương là ít.

sau khi kết thúc kỳ thi, các hội đồng thi sẽ tiến hành quét file ảnh các bài thi trắc nghiệm. hội đồng thi [người chỉ đạo thường sẽ là phó chủ tịch thường trực hội đồng] sẽ cho mở niêm phong rương đựng bài thi, lấy từng túi bài thi cắt mép [không cho rách rời khỏi túi]. sau đó lấy phiếu trả lời trắc nghiệm ra, đánh dấu thí sinh vắng mặt, tiến hành scan rồi bỏ lại vào túi bài thi và niêm phong trở lại.

toàn bộ dữ liệu ảnh quét bài làm của thí sinh sẽ được nhận dạng thành các file ảnh, file text theo định dạng chương trình của bộ giáo dục, sau đó ghi vào 3 đĩa cd, niêm phong và gửi chuyển phát nhanh ra bộ.

sau khi nhận được đầy đủ dữ liệu quét kết quả trả lời trắc nghiệm của thí sinh từ các địa phương, bộ giáo dục mới gửi đáp án cho các hội đồng thi. người nhận phải là chủ tịch hội đồng hoặc phó chủ tịch thường trực hội đồng. sau khi có đáp án, các địa phương mới ráp đáp án vào kết quả trả lời trắc nghiệm của thí sinh và ra kết quả thi.

trong quá trình quét phiếu trả lời trắc nghiệm, ghi cd, ráp đáp án, lên điểm,... ngoài các thành phần của hội đồng như nói ở trên, còn có thể có thanh tra của bộ giáo dục giám sát.

thế nên không đơn giản một cá nhân nào đó trong hội đồng chấm thi có thể thay đổi được điểm của 114 thí sinh.

ảnh dưới đây là kết quả thẩm tra của hà-giang đang được chia sẻ trên mạng, mới có của 36/114 thí sinh. từ 7-9 điểm mà tăng lên đến 27-29 điểm thì các thí sinh khác có học đến 200 năm cũng không lại mấy cháu này.

vấn đề là các cháu này có là con của đồng chí nào không?



#4. chỉ nâng 26,5 điểm thôi mà

hồi còn đào tạo niên chế, sinh viên được thi đến 3 lần, khi coi thi lần đầu tui cực khắt khe, đến mức sinh viên không thể trao đổi chứ đừng nói đến quay cóp.

nhiều người hỏi tui sao phải gắt thế, tui nói kết quả thi lần đầu liên quan đến điểm xét học bổng, liên quan đến điểm xét thành tích học tập. không thể để những sv không chịu học lại quay cóp được điểm cao, còn sv học thật thì điểm thấp được.

hồi các trường còn tổ chức thi tuyển đầu vào đại học, ai cũng biết chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm thì kết quả đã khác nhau thế nào. sẽ có cháu vui mừng bước chân vào giảng đường đại học, sẽ có cháu ngậm ngùi ôn thi tiếp. càng mức điểm cao thì việc có thêm 0,5 điểm là cực khó.

nói thế để thấy việc nâng đến 26,5 điểm nó khủng khiếp thế nào, nó sẽ cướp đi công sức và cơ hội của bao nhiêu cháu học sinh khác. đó là tội ác đối với tương lai của đất nước chứ không đơn thuần chỉ là sự dối trá trong giáo dục.

thiết nghĩ, bộ giáo dục nên chấm lại toàn bộ bài thi tốt nghiệp thpt năm nay. có khoảng gần 5 triệu bài, chấm chả quá 3 ngày là xong. kết quả chấm này sẽ trả lời dư luận về địa phương nào trung thực, địa phương nào dối trá và xem xét có nên hồi kiểm các kết quả thi của mấy năm trước.

dĩ nhiên là tui biên cho vui thôi, vì tui biết bộ dục chả bao giờ dám làm, bởi có hàng núi sức ép. đến tên đám học sinh "được" nâng điểm ở hà-giang còn chả dám công khai, nói gì kiểm cả nước.

với lại, niềm tin đang là một thứ quá xa xỉ của xứ sở này. mỗi hà-giang đã làm rúng động xã hội, thêm vài chục tỉnh thành nữa chắc chả ai còn chút niềm tin nào nữa.

#5. sáng mắt sáng lòng

về cơ bản cần-lao đông-lào nên cảm ơn hà-giang nói chung và me-xừ lương nói riêng.

bởi cái tỉnh riệu-ngô này và con người này đã cho cần-lao thực sự sáng mắt, sáng lòng trong một kỳ thi đặc biệt nhẹ nhàng của bộ dục. 


#6. xưng hùng trong hang đá

hôm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài nelson-mandela. sinh thời ngài có câu nói nổi tiếng về giáo dục, là:

"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới/ Education is the most powerful weapon which you can use to change the world".

đông-lào xứ sở thần thánh, lấy sự học làm trọng, thờ khổng-khâu xứ tàu. nhưng sự học của xứ này không làm thay đổi thế giới, không làm thay đổi xứ sở, mà học ra để làm quan, có nghĩa là chỉ thay đổi bản thân, zời ạ.

thế nên trong thời đại hỗn mang, chúng nó sẵn sàng bán cả lương tri và chổng mông vào sự phát triển của đất nước để làm đảo lộn tất cả các giá trị của giáo dục, tạo ra những bộ não bò khoác trên mình đầy bằng cấp và thành tích học tập dổm rít.

hà-giang vừa qua là một ví dụ rất điển hình.


#7. cùng có tắc biến?

chúng ta phải thành thật thừa nhận với nhau rằng, tiêu cực trong giáo dục đã tồn tại hàng chục năm nay. bắt đầu từ bao giờ thì tui không rõ, nhưng từ những năm đầu của thập niên 80 tôi đã nhìn thấy những chuyện con thầy, con cô, xin điểm, ném bài, làm bài hộ trong trường học và các kỳ thi.

tui nhớ có một thầy giáo dạy từ thời 5x kể rằng, trong một hội đồng thi tốt nghiệp ở trường thầy ấy dạy có một thí sinh đặc biệt, là lãnh đạo cao nhất của địa phương. trước buổi thi, lãnh đạo bé hơn đến gặp thầy hiệu trưởng và trình bày rằng lãnh đạo kia trăm công nghìn việc, việc thi chỉ là hoàn thiện bằng tốt nghiệp bổ túc nên trường tạo điều kiện. có lẽ xuất phát của sự tiêu cực trong giáo dục từ những vụ việc như thế này chăng?

thế nên chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn rằng, tiêu cực trong giáo dục là chuyện rất bình thường như cân đường hộp sữa trong xã hội thôi, chả có gì mà phải xoắn.

có điều, ngày xưa người ta tiêu cực nhưng còn tý tự trọng. người ta còn trân trọng giáo dục, còn tôn trọng thầy cô, còn có chút liêm sĩ trong tiêu cực. ví dụ người ta có thể xin điểm/phúc khảo điểm ở mức gần đỗ trở thành điểm đỗ, từ gần đủ điểm đi nước ngoài thành đủ điểm đi nước ngoài,... còn nếu thực sự điểm thấp, học lực chưa đủ thì đành chấp nhận và ngậm ngùi hạ cấp học của con cái họ.

còn bây giờ giáo dục như một nồi lẩu mắm thập cẩm, đụng chỗ nào cũng thối. người ta không còn trân trọng giáo dục, không còn tôn trọng thầy cô, không còn liêm sĩ trong việc làm sai, làm trái. giáo dục bây giờ như một món hàng hóa, có tiền là mua được. thế nên mới có chuyện như hà-giang, một thí sinh thi được có 3,15 điểm mà nâng lên đến 29,5 điểm. khoác một cái danh thủ khoa lên một bộ óc bò thì những kẻ liên quan đến vụ việc này không có một chút liêm sĩ nào nữa.

tuy nhiên cũng đừng lấy điều đó làm buồn, mà phải mừng mới đúng. bởi cái gì cũng có giới hạn của nó. nếu tất cả các tỉnh thành giống như hà-giang thì yên tâm rằng, ngày "tận thế" của nền giáo dục lấy nghị quyết làm triết lý sẽ rất gần. khi đó giáo dục sẽ trở về với những giá trị nhân bản, tinh hoa và không có chỗ cho đám xư xĩ giả cày lẫn lũ làm thày dốt nát tác oai tác quái trên nỗi đau của xã hội về nền giáo dục này được.

cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. là thế.



#8. xứ sở lên đồng

hoan hô anh triệu-tài-vinh
tỉnh anh làm cả nước mình xôn xao
nhà anh cả họ quan cao
sao hà-giang vẫn lao đao vì nghèo?
con anh không phải trèo đèo
trường chuyên thẳng tiến vèo vèo ba năm
có đâu phải học nhọc nhằn
còn ăn gian điểm để làm cái chi?
hết con đến cháu tức thì
thêm con lãnh đạo thứ nhì hà-giang
rồi thì đếm dọc đếm ngang
thêm dăm chục cháu đều hàng con quan
thế mà anh lại kêu oan
rằng ai nâng điểm để buồn cho anh
chỉ thương cho đám dân lành
rõ ràng oan ức mà đành ở im
*
***
tiên sư ku lương bị điên
định tròng lãnh đạo vì nguyên nhân gì?
cho dù có cháu mày thi
sao nỡ sửa điểm tức thì hơn trăm
tội mày tù mấy chục năm
còn thằng đầu sỏ nằm cười haha
*
***
hà-giang đích thị hàng da
tô, xương choén gái quan bà một đôi
hà-giang nay đã khác dồi
gái là thứ yếu, thi thời ưu tiên
chung quy tại lũ khùng điên
sinh từ một bọc trứng tiên lai rồng
để cả xứ sở lên đồng…


#9. vĩ thanh

như tui đã từng nhận định ở mấy stt trước rằng vụ gian lận trong thi cử rồi sẽ đâu vào đó. phát ngôn của ông nhạ và kết quả thanh tra ở lạng-sơn đã minh chứng điều đó, cho dù một loạt tỉnh thành khác đều có "nghi vấn" và ai cũng biết cái nghi vấn đó không phải là nghi vấn.

tui cũng đã từng nói khi ông trọng gom củi đốt lò rằng, một trong những bó củi cần đốt là giáo dục. không chấn hưng giáo dục, không thể phát triển. ba cái cái tiến cải cách nên vứt vào sọt rác, vì nó không thể giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

dĩ nhiên, củi của ngành giáo dục không phải những vụ án đình đám trọng điểm như thời gian qua của các bộ ngành tỉnh thành. mà là cái cơ chế, là cái bệnh thành tích và triết lý giáo dục rởm rít. phải đốt nó đi, phải trả nó về với chân giá trị thì mới thay đổi được.

trong cái xã hội giả dối và suy đồi này thì giáo dục có "công" lớn. bởi sự dối trá nó được hình thành ngay trong quá trình dạy dỗ và hình thành nhân cách của con người. không phải là tất cả, nhưng phần lớn là thế và nó lan tỏa ra toàn xã hội. sự dối trá đơn giản từ việc tuyển dụng giáo viên, thi đua, thành tích,...

đến mức học sinh lớp 5 không đánh vần được người ta vẫn nhắm mắt làm ngơ dù năm nào tỷ lệ lên lớp cũng 100%. đến mức giáo viên thấy sách giáo khoa lỗi/sai cũng nhắm mắt làm ngơ dù năm nào cũng tập huấn cũng dạy khá dạy giỏi các cấp.

thế nên vụ hà-giang hay hành động của ông nhạ chỉ là cái ngọn. chả hà giang thì cũng lạng-sơn bạc-liêu, chả ông nhạ thì ông a ông b cũng như vậy mà thôi.

nhưng rõ ràng vụ hà-giang là một cơ hội cơ hội cực tốt, là liều thuốc dẫn để tiêu diệt được các tế bào ung thu trong cái thân hình ốm đau quặt quẹo nhưng vẫn khoác lên mình bộ quần áo diêm dúa. nó là củi cần phải đốt để giữ nhiệt cho lò, để gây dựng lại niềm tin đang mong manh đến mức cạn kiệt.

nhưng người ta đã không làm!

tui không chủ quan phân tích lý do tại sao? mặc dù có thể hiểu được các lý do đó. nó cũng như cái lò lúc nóng lúc lạnh không theo một quy luật nào cả. không biết có phải đây là thử thách hay kiếp nạn của xứ sở hình con giun này.

kết thúc vụ hà-giang ở đây, dù xã hội vẫn nhẫn nhục lên đồng sự bức xúc và việc điều tra thủ phạm mới bắt đầu. bởi chả còn gì để mà nói nữa.


© 2018 baron-trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet