Chỉ hơn 2 tuần, Đề án SGK điện tử “sặc mùi tiền, thiếu tình người” và nghi vấn máy tính bảng sử dụng trong Đề án này để cài đặt SGK điện tử có phải là loại máy tính bảng AIC Group Smart Education của Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) được nhập từ Đài Loan với giá 900.000 đồng không(?) đã rơi vào quên lãng như chưa từng xảy ra.
Trong một bài viết cách đây 10 ngày, chủ blog đã phát hiện trang web của công ty AIC đã bị gỡ xuống (địa chỉ trang web: http://aicvn.com). Mọi thông tin về hoạt động của công ty này trên trang web đã biến mất như chưa từng có mặt, trong đó có nhiều thông tin liên quan đến các dự án giáo dục mà AIC triển khai đã được đăng tải.
Hôm nay đi tìm tài liệu trên mạng, vô tình thấy một bài viết “rất hoành tráng” liên quan đến công ty AIC ở trên trang web của Đại học quốc gia Hà Nội (VNU) với tiêu đề: “VNU và AIC: cùng nhau giải các bài toán lớn cho đất nước” (hình ảnh và nội dung được copy bên dưới).
Sau vụ lùm xùm liên quan đến đề án SGK điện tử ở Tp.HCM, công ty AIC ngày càng vắng bóng thông tin trên tài nguyên internet. Một công ty rất “nổi tiếng” với các lĩnh vực hoạt động gồm: giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ, môi trường, y tế, đầu tư, xuất khẩu lao động, tài chính ngân hàng, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới thì việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh trên internet là vô cùng quan trọng trong thời đại E (e-Government, e-learning, e-teaching, e-book, e-commerce, e-trading,…).Vậy mà tại thời điểm này, AIC lại "chạy trốn" khỏi sân chơi này.
Giờ, AIC thoái lui, ai sẽ cùng với ĐHQG Hà Nội giải các bài toán lớn cho đất nước đây???
© 2014 Baron Trịnh
Bài gốc: VNU và AIC: cùng nhau giải các bài toán lớn cho đất nước
Ngày 24/7/2013, ĐHQGHN và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã kí kết văn bản hợp tác.
Tham dự và chủ trì buổi lễ về phía AIC có Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng Phó Tổng Giám đốc Tạ Xuân Tề; phía ĐHQGHN có Giám đốc Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức và đại diện lãnh đạo các ban chức năng.
Nội dung chính của bản thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và AIC tập trung vào các lĩnh vực gồm có nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường và y tế tới các địa phương và doanh nghiệp mà hai bên cùng quan tâm; xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác về đào tạo và phát triển nhân lực về công nghệ thông tin, cán bộ quản lý cho các bộ, ban ngành và địa phương; xây dựng và triển khai các dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia và quốc tế.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, văn bản này thể hiện ý chí hợp tác giữa hai bên cùng nhau vươn lên một tầm cao mới. ĐHQGHN và AIC sẽ cùng triển khai các nhiệm vụ quan trọng không chỉ đóng góp vào sự phát triển hai bên mà còn đóng góp vào sự phát triển đất nước. Văn bản ghi nhớ hợp tác thể hiện sự kết nối quan trọng giữa một đại học và một doanh nghiệp lớn.
Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho biết, ĐHQGHN đang phát triển theo hướng đại học nghiên cứu nhưng những kết quả nghiên cứu luôn hướng vào thực tiễn, khoa học vị nhân sinh. Do đó, Giám đốc ĐHQGHN tin rằng hợp tác giữa hai bên không chỉ bổ sung nguồn nhân lực cho nhau mà còn xử lý các bài toán lớn cho đất nước trong đó đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong đổi mới giáo dục đào tạo.
Ngoài những nội dung hợp tác trong bản ghi nhớ nêu trên, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ mong rằng AIC sẽ cùng phối hợp, tư vấn trong việc xây dựng quy hoạch phát triển ĐHQGHN. Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các nội dung và danh mục các hoạt động trong bản ghi nhớ hợp tác cần được cụ thể hóa dưới dạng các đề tài, dự án và đồng thời cần chú trọng đội ngũ nhân lực tham gia dựa trên từng mục hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, AIC hiện là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ, môi trường, y tế, đầu tư, xuất khẩu lao động, tài chính ngân hàng. AIC hiện có số nhân viên hơn 700 người, với 10 công ty thành viên, có mạng lưới kinh doanh trên hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam và hơn 30 nước trên thế giới.
Tổng Giám đốc AIC nhấn mạnh, một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt đó chính là AIC luôn đứng đầu trong việc đưa các ứng dụng KHCN cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới vào Việt Nam. AIC nhận thấy ĐHQGHN chính là đối tác chiến lược và giàu tiềm năng. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn hy vọng hợp tác hai bên sẽ thúc đẩy sự phát triển chung cũng như mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội. Bà cũng nhất trí 2 bên sẽ sớm đưa ra các chương trình cho từng lĩnh vực cụ thể, lựa chọn các nhóm hoạt động thích hợp để nhanh chóng hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác.
Sinh Vũ - VNU Media
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!