Saturday, November 15, 2014

Café sáng thứ 7 (#41): Cường quốc thơ và nỗi buồn giáo dục


1. Đầu tuần, giới viết lách An-nam trên mạng xã hội Facebook nhộn nhịp hẳn lên khi bài thơ “Mưa Hội An” của tác giả Nguyễn Công Khế được đăng trên báo Thanh Niên, cả báo giấy lẫn báo online. Những người thạo tin cho rằng, tác giả chính là ông Khế - cựu Tổng biên tập của Thanh Niên.
Có nhiều tiêu chí để đánh giá một bài thơ hay. Có thể hay về cảm xúc, hay về hình tượng, hay về ngữ nghĩa, hay về vần điệu, thậm chí hay về cách chơi chữ,… Và dĩ nhiên, không thể tìm thấy điều này trong bài “Mưa Hội An” của ông Khế.
Bài thơ ông Khế nói về nỗi nhớ quê, nhớ mẹ trong một đêm mưa. Chuyện tâm tư, cảm xúc riêng của ông thì chắc ai cũng tôn trọng, hay dở là việc của ông, và thiên hạ cũng chẳng nhàm đàm nếu bài này không đăng chình ình trên mặt báo, lại là tờ báo lớn. Thế nên mới có chuyện dân tình ỉa đái vào thơ ông, thậm chí xúc phạm đến cả cảm xúc về mẹ của ông.
Báo Thanh Niên, ngoài “nhiệm vụ chính trị” của “báo chí cách mạng” thì mục tiêu tối thượng là phục vụ độc giả. Bởi lẽ, độc giả là người bỏ tiền ra mua báo giấy, bỏ thời gian vào đọc báo online. Và độc giả là người “nuôi” tờ báo sống, cũng như là nguồn động viên về tinh thần đối với người làm báo.
Thế nên, việc báo Thanh Niên đăng bài thơ “Mưa Hội An”, dù chỉ là quyết định của một vài cá nhân hay một lý do tế nhị nào đó thì cũng là xem thường độc giả của mình. Và ông Khế, nếu vì là cựu TBT mà tờ báo “phải” đăng bài thơ, thì ông là người thiếu tự trọng.
Chắc không quá một tuần nữa, câu chuyện thơ phú của ông Khế sẽ bị quên lãng như chưa bao giờ có bài thơ “dở người” này trên báo Thanh Niên. Nhưng có một điều, chỉ có một xã hội với trình độ dân trí quá thấp thì mới có những độc giả dễ tính đến mức không biết họ đang bị xúc phạm.
Dĩ nhiên, xứ An-nam, dân trí phần lớn chưa bao giờ vượt quá đít trâu chục mét.

2. Cũng trên báo, là trang VTC News có bài viết về ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) - ông chủ của khu du lịch Đại Nam ở tỉnh Bình Dương. Bài báo có viết, ông Dũng “nghỉ kinh doanh đi viết sách”, trong đó có nói đến “cuốn “Đại Nam văn hiến sử thi”, với 12.344 câu, thể song thất lục bát” và nhiều “tác phẩm” đồ sộ khác.
Chuyện lùm xùm đang “hót” của ông Dũng lò vôi với tỉnh Bình Dương thì người viết không am tường, cũng không quan tâm. Ở đây chỉ nói đến chuyện ông này viết sách mà báo chí đăng tải.
Không phải chỉ có dân văn chương mới viết lách được. Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trên thế giới lẫn An-nam mà tác giả chẳng liên quan gì đến văn chương, thậm trí học vấn không cao. Bởi lẽ, viết lách và cảm nhận để viết lách phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu. Thế nên việc ông Dũng làm thơ, viết sử thi gì đó cũng là chuyện bình thường nếu ông ta thích viết, có tri thức và năng khiếu để viết.
Có điều, ai đã một lần đi Đại Nam, nếu biết chữ nghĩa một tý, đọc "nhúm thơ thẩn" ông này biên được sơn son thếp vàng với bút danh là Huỳnh Ngu Công thì chắc cũng phải bưng miệng cười. Vì nó ngây ngô, gượng ép và thiển cận về kiến thức lẫn ngữ nghĩa. Không chỉ có thế, thơ thẩn của ông này còn đươc phổ nhạc, ngâm,... rồi in ra sách, đĩa CD bán đầy ở Đại Nam lẫn post trên trang của Đại Nam lạc cảnh. Ai quan tâm có thể vào đọc, nghe để kiểm chứng. Có lẽ một người chưa học hết lớp 12 như ông Dũng (nguồn: VTC News) thì ông ta thấy những gì mình viết ra đã như vĩ nhân rồi chăng?
An-nam là một xứ sở háo danh, mà toàn danh hão. Tỷ dụ tài của ông Dũng lò vôi là kinh doanh vì ông ta kiếm được rất nhiều tiền trong kinh doanh (còn kinh doanh như thế nào không không xét ở đây) chứ không phải là thơ phú. Bởi lẽ, đọc thơ, nghe nhạc phổ thơ ông thì cứ thum thủm như đứng cạnh hố xí hai ngăn cả năm không dọn. Vậy mà ông này lại thích viết thơ, tìm người phổ nhạc cho thơ thì quả là sự háo danh viết lách không có giới hạn.
Thế nên, nếu báo chí đưa tin ông Dũng vì không bằng lòng với tỉnh Bình Dương mà chuyển vốn sang đầu tư ở Đồng Nai hay Tây Ninh kinh doanh tiếp thì quả là mừng. Còn ông ta nói nghỉ kinh doanh để viết sách thì thật là thảm họa.
Sỉ nhục chữ nghĩa Việt đến thế là đã quá lắm rồi.

3. Sau vụ “trơ mặt” với nhân dân và quốc hội để lấp liếm, ngụy biện về cái đề án đổi mới sách giáo khoa (SGK) có kinh phí cực khủng lên tới hơn 34 nghìn tỷ đồng. Ông bộ trưởng Luận lại tung tăng đệ trình quốc hội “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” với kinh phí rất khiêm tốn: 778,8 tỷ đồng. Giải thích lượng kinh phí lần này chỉ bằng 1/44 lần, mặc dù chương trình và nội dung “không có nhiều thay đổi so với dự thảo đã trình bày trước đó tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (vụ hơn 34 nghìn tỷ)” ông Luận lại lấp liếm rằng, đây chỉ là cho nội dung viết SGK.
Trả lời phỏng vấn của VTV1 lẫn phát biểu trong phiên thảo luận tổ về đề án này, ông Luận luôn khẳng định: “Từ trước đến nay Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK mà chỉ tổ chức viết SGK”. Không hiểu ông này tư duy như thế nào về việc “trực tiếp viết” và “tổ chức viết” SGK nữa? Chả lẽ trực tiếp viết là từ bộ trưởng, thứ trưởng, các cục vụ trưởng/phó đến chuyên viên, thậm chí cả bảo vệ cổng Bộ mỗi được được phân công viết một đoạn? Có ngụy biện, lấp liếm thì cũng vừa phải thôi, chứ thô thiển thế ai mà chấp nhận được.
Cũng tương tự như viết SGK, khi bị đại biểu hỏi về công tác thẩm định, ông Luận lại bi-bô một cách vô thức và tối nghĩa, rằng: “Bộ không thẩm định mà do hội đồng thẩm định” và “Đây là hội đồng thẩm định độc lập không phụ thuộc vào Bô GD-ĐT”. Không biết ông cố tình lấp liếm hay thực sự không hiểu quyết định thành lập, vai trò của hội đồng thẩm định khoa học và các tiêu chí đánh giá khoa học của hội đồng thẩm định mà chính ông là người ký hoặc ủy quyền cho cấp dưới ký?
Ông Luận cũng cho rằng, có rất ít người viết SGK, và ông ước tính có lẽ chỉ viết được 4 bộ sách. Ông cũng nói: “Chúng tôi (Bộ GD&ĐT) đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục có thể tham gia làm sách để làm quen”. Thế nhưng số liệu điều tra, thống kê xem có bao nhiêu người có thể và sẽ tham gia viết SGK, cơ sở nào để ông nói chỉ viết được 4 bộ SGK, hay Bộ đang tập huấn viết SGK như thế nào? ở đâu? thì ông lại không nói. Chém zó vung vãi thiếu cơ sở như thế này thì đến trẻ con cũng chém được, cần gì bộ trưởng.
Điều mà cả dư luận xã hội lẫn các đại biểu quốc hội quan tâm là việc Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện viết SGK, trong khi ông Luận cứ lấp liếm, đánh tráo khái niệm rằng, Bộ không trực tiếp viết mà chỉ tổ chức viết. Không nói thì ai mà chả biết là ông đang cố giữ phần/quyền viết cho các đơn vị của Bộ, tỷ dụ như Công ty sách và TBTH hay Nhà xuất bản giáo dục. Ông tưởng ông khôn, còn mọi người đần hết chắc? Thế nên, giang hồ vẫn chém zó với nhau rằng, lĩnh vực xuất bản SGK và thiết bị giáo dục là nồi cơm to của lãnh đạo bộ, chắc phải có lý do của nó.
Việc của Bộ là xây dựng chương trình khung của SGK, các tiêu chí về yêu cầu nội dung và những điều cấm trong SGK (tỷ dụ như có được phép đưa Đầu cừu đuôi thuyền trưởng vào không). Cũng như xây dựng tiêu chí thẩm định SGK. Còn việc tổ chức thì các đơn vị, cá nhân viết SGK họ tự tổ chức, không cần đến Bộ ông Luận ạ.
Giáo dục là để phát triển một đất nước, một dân tộc. Không phải 5 năm, 10 năm, mà phải từ đời này sang đời khác. Thế nên, làm giáo dục phải có cái tâm, cái tầm và trách nhiệm cao cả với dân tộc, với đất nước. Đàng này, làm giáo dục mà chỉ lo giữ cái nồi cơm cá nhân thì hậu thế không quy thành tội đồ dân tộc mới là lạ.
Dẫu không bị khắc bia đá, thì sẽ còn bia miệng, ngàn năm vẫn trơ trơ!

4. Chuẩn bị đến ngày truyền thống của những người làm nghề dạy học xứ An-nam - Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11). Báo chí liên tiếp khai thác những đề tài liên quan đến “quà tặng” cho các thầy cô giáo.
Bệnh thành tính, thói hám danh, sĩ diện lẫn đám trọc phú ngu dốt thích chữ đã biến giáo dục xứ An-nam thành một nồi lẩu thập cẩm kiểu họ nhà tôm cứt lộn lên đầu. Các giá trị về đạo đức nghề nghiệp, về học thuật, về tôn sư trọng đạo của xứ này đã mai một và đảo lộn lên cả. Dĩ nhiên, tội này đầu tiên phải đổ lên đầu những người làm quản lý giáo dục, và sâu xa hơi, là tội của “thằng cơ chế”.
Nhưng bên cạnh cái xấu, cái kệch cỡm, cái thiếu đạo đức, nhân cách của “một bộ phận không nhỏ” những người được xã hội gọi là “thầy”, của những người làm quản lý giáo dục, thì vẫn còn đó rất nhiều những thầy giáo, cô giáo cần mẫn, tận tâm chở từng chuyến đò tri thức cho các thế hệ học sinh thân yêu. Những người thầy, người cô này có thể cuộc sống còn nhiều khó khăn, còn bị xã hội dè bỉu, thậm chí khinh thường, cho là sĩ diện hão, là không thức thời,... Nhưng họ vẫn chấp nhận sống với cái tâm của nghề và bằng nhân cách của một người thầy.
Người viết rất trân trọng và đồng cảm với một ý kiến của một thầy giáo trên báo Tuổi Trẻ về chủ đề “Khi thầy cô ‘sợ’ ngày 20/11”: "Nghèo, chúng tôi cũng đã nghèo rồi, có thêm từng đó (phong bì 20/11 - Br) chúng tôi cũng chẳng giàu! Mà không có thêm từng đó chúng tôi cũng chẳng nghèo hơn! Chỉ mong sao phụ huynh hãy cùng chúng tôi dạy dỗ các em trong bối cảnh xã hội có rất nhiều điều khiến các em xao nhãng việc học! Đó là món quà lớn nhất đối với chúng tôi!".
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chủ blog và chuyên mục “Café sáng thứ 7” xin gửi lời chúc mừng trân trọng nhất đến các thầy giáo, cô giáo chân chính: Kính chúc các thầy, các cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn giữ vững cái tâm, cái đức của người thầy.
Và cũng chúc xứ An-nam, không có thêm những “thằng thầy”!

5. Một dân tộc mà ra ngõ là gặp nhà thơ, đến mức một con bò nếu biết viết cũng có thể là nhà thơ. Một dân tộc mà những kẻ làm giáo dục, có thể vì một lợi ích nào đó mà thực hiện công việc một cách phi giáo dục thì không bao giờ dân tộc đó hùng mạnh, văn minh và trí tuệ được.
Thơ, không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng sáng tác thơ chỉ dành cho những người làm thơ chân chính. Những người đi tìm cái hay, cái đẹp, cái cảm xúc trong câu thơ của họ để phục vụ cho độc giả. Không phải cứ đổ khuôn, ép vần, ngắt câu, xuống dòng,… thì thành thơ. Vẻ đẹp của thơ cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ, nên nâng niu, trân trọng nó, chứ đừng làm ô uế nó.
Giáo dục, như câu nói của Nelson Mandela - là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Một dân tộc muốn hùng mạnh, muốn văn minh thì chắc chắn phải lấy giáo dục là quốc sách. Phải đầu tư cho giáo dục bằng cả sự tâm huyết, cầu thị và ước mơ. Có như thế, mới có thể có hoa thơm, trái ngọt từ giáo dục được.
Một dân tộc mà từ kinh tế, giáo dục, văn hóa,… luôn nằm ở cuối bảng xếp hạng của thế giới, nhưng lại tự hào là một “cường quốc thơ” như lời của ông phó hội văn An-nam thì đây là nỗi bất hạnh của một dân tộc tiểu nhược, dốt nát và man di mọi rợ chứ không phải là một sự tự hào.
Một đám dở người, ỏng ẹo với thơ, nhưng không phân biệt nổi đâu là đoạn viết xuống dòng, đâu là câu thơ. Viết được dăm câu ba điều xuẩn ngốc rồi mượn dăm chén rượu để lấy dũng khí vỗ ngực xưng là nhà thơ, chém zó trên zời dưới bể rất hùng hồn, cứ như là bố thiên hạ. Ấy mà nghe cường quyền quát một câu, thì co dúm người lại như thằng ăn mày, nhìn thiểu não đến tội nghiệp. Những kẻ này thì làm được gì cho đất nước này, cho dân tộc này trở nên hùng mạnh và văn minh đây?
Câu nói của tiền nhân, đại ý là nhân cách, tri thức của con người do giáo dục mà nên. Một xã hội thiếu tốt đẹp nhưng lại thừa xấu xa, thiếu lương tâm nhưng lại thừa đê tiện, thiếu nhân ái nhưng lại thừa vô cảm,… phải chăng chính là sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục quái dị?
Và dân tộc này, sẽ đi về đâu?

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

2 comments:

  1. Sang làm ly Cà phê sáng nhà thầy Trịnh, thấy khoái với cách Thầy nhận định về "hội nhà thơ" này quá!
    Khổ nỗi, hình như chính quyền coi các Câu lạc bộ thơ mọc như nấm từ xã, huyện, lên tỉnh...nó là thứ vô hại, thậm chí là có lợi bởi nó thường tập trung ca ngợi...một cách mù quáng, ngây ngô. Và thơ ngày nay dường như là một thứ trang sức mà những kẻ trọc phú, danh vọng, địa vị, tiền bạc có thừa, nhưng thiếu tri thức, muốn đeo đầy lên người, để "mở mày mở mặt" với thiên hạ, rằng ta đây "toàn tài". Nhiều tiền thì "thơ" đường hoàng bước vào NXB làm đẹp trước khi phơi mặt với đời. Ít tiền thi đánh vi tính, phô tô, đóng quyển như thật, tặng biếu lẫn nhau... thế nên giá giấy ở Việt Nam nó mới thuộc diện cao nhất thế giới là vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng ạ, cái chết là những kẻ có tiền, có quyền họ làm những việc thiếu tự trọng. Việc háo danh thơ phú đã đành, nhưng theo em hệ lụy của những việc này còn ghê gớm hơn nhiều. Từ cái nhỏ nhặt là cậy quyền đăng 1 bài thơ, rồi sẽ đến những cái lớn hơn rất nhiều. Và điều đó sẽ làm đảo lộn các giá trị đạo đức của xã hội.
      Xứ An-nam mạt như thế này đều là do những kẻ có tiền, có quyền làm những chuyện thiếu đúng đắn. Thế nên em mới gay gắt với bài thơ của ông Khế như thế Hoàng tiên sinh ạ.

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!