Tuesday, September 2, 2014

Hồi ức (#6): Mừng quốc khánh


Thời bao cấp khó khăn về vật chất, nhưng lại rất giàu về tinh thần, đặc biệt là các ngày lễ tết.
Quê tôi có 2 dịp mà từ trẻ em đến cụ già, từ làng trên đến xóm dưới hân hoan hồ hởi đón nhận. Đó là dịp Tết nguyên đán và ngày quốc khánh (hay còn gọi là Tết độc lập). Đây là những ngày mà người dân được nghỉ ngơi, vui chơi, được ăn no nê và bữa ăn có thịt lợn. Đấy là nói chung chung như thế, chứ những nhà khá giả thì tháng được đôi lần ăn thịt cũng là chuyện thường, dù thời đó chả mấy ai dám khoe giàu.
Quê tôi thời đó, mừng quốc khánh to lắm.
Làng trên xóm dưới tưng bừng mổ lợn để chia cho bà con ăn lễ. Mỗi xóm là một đơn vị chia thịt. Tôi chả nhớ họ thịt bao nhiêu con lợn, vì nhà tôi không thuộc thành phần “gốc kách mệnh” như một tác phẩm nổi tiếng của vĩ nhân để được nhận thịt.
Lợn được ngả ra, người ta chia theo đầu hộ. Mỡ, thịt, xương, chân giò được chia đều lắm, cho dù có những thứ chỉ có một mẩu bé tý. Chuyện chia đều các phần thịt chả khác gì kỹ nghệ chia cỗ của thằng mõ làng trong truyện của cụ Ngô Tất Tố.


Còn lại cái đầu, lục phủ ngũ tạng với mấy chậu tiết được giữ lại để liên hoan. Cơ mà vui ở chỗ, mỗi hộ chỉ được tham gia một người. Thế nên bữa liên hoan mừng quốc khánh của xóm chủ yếu là đàn ông. Bởi lẽ quê tôi thời đó vẫn còn trọng nam khinh nữ lắm. Việc làng, hẳn phải do đàn ông tham dự.
Do xương thịt chia gần hết, nên bữa liên hoan chỉ có mấy bát tiết canh, đĩa lòng, đĩa thịt thủ thái to và nồi cháo lòng nấu loãng cho dễ húp. Được cái chả mấy khi có rượu, họ uống thật lực, chứ đồ nhắm không quan trọng là mấy.
Vợ con họ ở nhà, cũng được bữa no nê với cơm trắng thịt kho. Mấy đứa trẻ xóm tôi ăn xong chạy ra đường chơi, bụng căng tròn, mép nhờn mỡ.
Vui nhất của ngày quốc khánh là trại hè thiếu nhi. Trước ngày lễ khoảng tháng rưỡi, đoàn thanh niên lại phát động trại hè từ tỉnh xuống đến xóm. Trên thế nào tôi chả biết, chỉ biết ở xã thì anh bí thư đoàn lên huyện họp, rồi về phổ biến lại cho từng xóm về chủ đề của năm nay là gì. Vì nó liên quan đến cuộc thi cắm trại cũng từ xóm lên đến tỉnh.
Thế là mỗi xóm thành lập một đội thiếu nhi, tập luyện hơn tháng bao gồm duyệt đội hình đội ngũ, văn nghệ,… mà gọi chung là tập thiếu nhi. Trống ếch thùng thùng mỗi tối.
Thi thoảng tôi cũng trốn đi xem được một tý. Nói là đi xem bởi tôi không được tham gia vào đội tập. Chả hiểu thế nào, bố tôi không cho mấy chị em tôi tham gia, dù mấy anh chị thanh niên có đến vận động.
Trước quốc khánh 2 ngày thì các xóm nô nức về sân vận động của xã để cắm trại. Mỗi xóm được chia một khoảng đất dựng trại. Một khoảng đất chữ nhật be bé chỉ vài chục mét vuông thôi, nhưng được trang trí rất đẹp và rất nhiều hạng mục.
Cái chính là cái trại/lều được dựng bằng cọc tre, dây thừng và phủ bằng vỏ chăn. Mấy anh chị thanh niên xóm đến từng nhà mượn vỏ chăn, sau đó tháo ra may lại thành tấm lớn đế phủ trại. Khi xong trại lại về tháo ra may lại thành vỏ chăn và trả cho từng nhà.
Xung quanh trại là hàng rào thấp bằng tre. Làng tôi sẵn tre, nên hàng rào đẹp phết, cứ như là ở nhà vậy. Cổng chào được dựng hoành tráng, Hai bên được kết bằng lá dừa, treo đầy khẩu hiệu, biểu trưng ngang dọc.


Trong khuôn viên của trại, kiểu gì cũng có mấy hạng mục là ao cá bác Hồ, vườn cây ăn quả, nghĩa trang liệt sĩ,… được làm như thật, mỗi tội kích thước nho nhỏ mà thôi. Trong lều/trại cũng được trang trí hoành tráng. Cờ đảng, cờ tổ quốc ở trên, phía dưới là ảnh bác Hồ. Dưới cùng là kê cái bàn rồi sắp một mâm ngũ quả to tướng. Nói chung đầy đủ lắm.


Dân làng nô nức tập trung ở sân vận động xem cắm trại, xem thi thiếu nhi. Ngày thì đi xem thi duyệt đội hình đội ngũ, tối thì đi xem thi văn nghệ. Ngoài ra còn một tiết mục chấm trại đẹp. Khi ban giám khảo xuống chấm. Các đội viên xếp hai hàng ở cổng trại, vỗ tay chào mừng nồng nhiệt.


Các hạng mục thi sẽ được chấm điểm. Xóm nào có điểm cao nhất sẽ được vinh dự đại diện cho xã đi thi huyện. Thế nên sự cạnh tranh của các xóm diễn ra rất quyết liệt.


Kinh phí cho hoạt động luyện tập và cắm trại là do đoàn thanh niên xóm đi từng nhà quyên góp. Nhà dăm bơ gạo, nhà mấy chục bạc. Quần áo để duyệt đội hình, thi văn nghệ thì đi mượn các nhà trong xóm như mượn vỏ chăn làm lều trại vậy.
Kết thúc cuộc thi, nhóm thiếu nhi cắm trại và các anh chị thanh niên cũng tổ chức một bữa đánh chén. Thức ăn và gạo có từ việc đi quyên góp trong xóm như tôi kể trên.
Đã 23 năm kể từ khi ra thủ đô học đại học, tôi không còn được đi xem cắm trại mừng quốc khánh ở quê nữa. Cũng chả biết đến thời điểm nào thì dân làng hết việc chia thịt liên hoan mừng quốc khánh.

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

2 comments:

  1. Hì, đọc nhớ 1 thời nông nổi, cũng hào hứng với mấy cái này.
    Hình như khoảng năm 94 đến 98 gì đó thì hết việc chia thịt, cái này chắc tùy địa phương.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, đúng là một thời hào hứng với những ngày lễ. Âu cũng là một kỷ niệm tuổi thơ bác nhỉ? :)

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!