Saturday, November 30, 2013

Café sáng thứ 7 (#22): Im lặng và đồng thuận


Kỳ họp quốc hội kéo dài 6 tuần đã kết thúc. Những vở hí kịch nghị trường xứ An-nam năm nào cũng có, và hiển nhiên không thể thiếu trong cuộc họp dài kỷ lục này. Sân khấu nghị trường đã kéo rèm, để lại cho cần lao những tiếng cười cả sảng khoái lẫn chua chát.

1. Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền đã trở thành quốc nạn. Từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều xác nhận điều này và hô hào cả xã hội chung tay phòng chống. Ấy thế mà ông Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại cho là “vấn đề nhạy cảm, tế nhị”.
Đáng ra phải sử dụng pháp luật để ngăn chặn và xử lý thì ông Bình và thuộc cấp sử dụng “các văn kiện của Đảng” làm “tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục”.
Gần 500 ông bà nghị mắt sáng trán cao, quyền chức đầy mình cúi đầu im lặng. Một sự im lặng rất có ý nghĩa và “tế nhị” trong lĩnh vực “đầy nhạy cảm” này. Chẳng ai dại vạch áo cho người xem lưng cả, bởi vì, có ai trong nghị trường can đảm nói rằng: "Tôi không tham nhũng, không chạy chức, chạy quyền???".


Thursday, November 21, 2013

Tai nạn giao thông - Nguyên nhân từ đâu?


BBC Việt ngữ: Báo cáo tổng kết của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 9.838 người, bị thương 38.060 người.
Tính trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có gần 100 vụ TNGT và làm chết 27 người. Trong 6 tháng đầu năm 2013, số người chết do TNGT là 4.913 người, nghĩa là số người chết do TNGT không có chiều hướng giảm.
Có thể thấy, TNGT là một sự kinh hoàng của xã hội nói chung và những người tham gia giao thông nói riêng. Bài viết sẽ đề cập đến những nhóm nguyên nhân gây ra TNGT ở Việt Nam.

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân đường bộ quá nhiều
Ai cũng biết phần lớn các vụ TNGT là từ hoạt động giao thông đường bộ.
Có thể thấy trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị luôn nườm nượp các phương tiện giao thông đường bộ, bao gồm các loại hình ô tô và xe máy chuyên chở người và hàng hóa.
Xe máy là phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu của người Việt. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Việt Nam có trên 37 triệu xe máy và gần 2 triệu ô tô các loại. Tính trung bình, có tới 1,7 xe máy/hộ gia đình (04 người). Có lẽ, không có một quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ xe máy trên đầu dân lớn đến thế.
Mặc dù luôn được đầu tư xây dựng mới lẫn cải tạo nâng cấp nhưng hạ tầng giao thông đường bộ vẫn không đáp ứng được mức độ tăng trưởng quá nhanh của xe máy, đặc biệt khu vực đô thị.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe máy đã vượt quá số liệu quy hoạch đến năm 2020 (36 triệu xe máy).
Và dĩ nhiên, TNGT luôn tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng phương tiện khi mà hạ tầng giao thông và vấn đề đảm bảo an toàn giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển đó.

Đường sắt cao tốc cho Việt Nam?


BBC Việt ngữ: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi báo cáo trình Bộ GTVT về kết quả nghiên cứu tuyến đường sắt Bắc - Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện.
Bên cạnh việc đề xuất lựa chọn phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu (phương án A2), VNR cũng đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách từ năm 2030.
Tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã đệ trình lên Quốc hội dự án xây dựng tuyến ĐSCT Bắc - Nam với số vốn lên tới 56 tỷ USD.

Quốc hội không thông qua
Sau nhiều ngày thảo luận, chiều ngày 19/6/2010, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu. Với 157 đại biểu (chiếm 31.85%) tán thành, 170 đại biểu (chiếm 34,48%) không tán thành và 82 đại biểu (chiếm 16,63%) không biểu quyết. Quốc hội đã “bác” dự án ĐSCT.
Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, một dự án do Chính phủ đệ trình không được thông qua. Đối với những người phản đối dự án, quyết định của Quốc hội là một việc làm dũng cảm “vượt lên chính mình” và là “cú sốc tích cực và cái đà cho niềm tin lớn hơn”.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực sự khách quan, thì việc Quốc hội không thông qua dự án ĐSCT là điều dễ hiểu.

Monday, November 18, 2013

Đồ hâm!!!


1. Bạn bè
- Alo, Br à. Sao không vào blog được vậy. Định vào chúc mừng bạn nhân ngày 20/11 nhưng nó toàn báo lỗi.
- Thế à, Br vẫn vào bình thường mà, có lẽ tại đổi tên Blog nên hay bị lỗi như thế, bạn vào từ biểu tượng bạn bè là được mà.
- Uhm, thế nhận được nhiều phong bì chưa?
- Phong bì nào cơ?
- Phong bì học trò đi 20/11 ấy, mấy ngày này chắc nhận bộn, nhỉ, hì hì…
- Zời ạ, từ ngày cầm phấn đến giờ, đã bao giờ được cái phong bì nào vào dịp 20/11 đâu.
- Bạn đúng là đồ hâm!
- !!!

Saturday, November 16, 2013

Café sáng thứ 7 (#21): Công quyền và nhân quyền


1. Sau vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Hàng loạt các vụ án oan được báo chí khai thác. Không chỉ một vài vụ, mà rất nhiều, từ Nam chí Bắc của An-nam xứ.
Điều tra, xét hỏi là nhiệm vụ của Công an, giữ quyền công tố là nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Dĩ nhiên, cả công an lẫn kiểm sát thực thi nhiệm vụ công. Và để tránh cho việc lạm quyền công vụ mà gây oan khuất cho cần lao, xã hội cần đến vai trò của luật sư.
Luật sư, vừa bảo vệ thân chủ, vừa giám sát việc thực thi công vụ của công an và kiểm sát. Tất nhiên vấn đề gì cũng có hai mặt của nó. Ở đây, chúng ta thống nhất nói về chính diện.
Tất cả các vụ án oan đã được phanh phui lẫn những vụ việc đang còn ẩn khuất đều cho thấy, không có vai trò của luật sư trong quá trình điều tra, xét hỏi. Luật sư chỉ xuất hiện với sự chỉ định của tòa án, và hầu hết chỉ làm được một việc là viện dẫn các tình tiết giảm nhẹ để “xin” giảm bớt mức án mà viện kiểm sát đề nghị.

Wednesday, November 13, 2013

Phía sau sự ấn nút


Baron Trịnh: Năm 2010, Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam do Chính phủ đệ trình. Sau sự kiện này, tôi có viết một bài nhận định về tương lai của dự án ĐSCT.
Cách đây 2 tuần, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi báo cáo trình Bộ GTVT về kết quả nghiên cứu tuyến đường sắt Bắc - Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Trong đó có nội dung "Tái đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam".
Những nhận định của tôi cách đây hơn 3 năm, có lẽ đã đúng. Trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc.

Báo chí đồng loạt đưa tin Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam (ĐSCT). Sau buổi biểu quyết chiều thứ 7 (19/6/2010), với 409 đại biểu Quốc hội (82,98% tổng số đại biểu) tham gia biểu quyết, có 157 đại biểu (chiếm 31.85%) tán thành, 170 đại biểu (chiếm 34,48%) không tán thành và 82 đại biểu (chiếm 16,63%) không biểu quyết. Quốc hội đã “bác” dự án ĐSCT do Chính phủ đệ trình trong kỳ họp này.

Saturday, November 9, 2013

Con Zời


Tôi đi miền Tây, tham dự hội đồng thẩm định một dự án của doanh nghiệp sắp hết hạn, đại khái thế.
Ông anh gọi điện hỏi tôi đi như thế nào. Tôi đáp đơn vị tư vấn hẹn đón em. Ổng nói đi cùng xe anh, vừa tiện vừa đỡ phiền tư vấn. Bề trên đã có nhời, tôi vui vẻ nhận.
Ông anh U60 đời giữa. Sếp sòng đơn vị lìu tìu thuộc hàn lâm quốc gia viện. Đơn vị ổng không nghiên cứu cơ bản, mà chỉ tư vấn và chuyển giao công nghệ. Doanh thu hàng năm tầm dăm bảy triệu ông tơn, chả thèm cấu véo vào bầu sữa ngân sách 90 tỷ ông cụ của hàn lâm viện.
Ổng trên thông thâm cung, dưới tường bí sử. Giao lưu từ lãnh tụ đã theo hầu cụ râu cụ hói lẫn thế hệ F1 đương đại. Hóng theo câu chuyện dọc đường, ổng có thể gọi điện tầm phó tể chén chú chén anh tình cảm.

Thursday, November 7, 2013

Trên cả pháp luật?


BBC Việt ngữ: Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan với mức chung thân về tội danh “giết người” đã làm nóng dư luận xã hội trong mấy ngày qua. Từ nghị trường đến quán nước vỉa hè, từ báo chí truyền thông đến mạng xã hội,… đâu đâu cũng thấy bình luận.
Nóng đến mức Chủ tịch nước phải có ý kiến chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết, minh oan đền bù cho người bị oan. Viện KSND tối cao phải tổ chức họp báo để thông báo về việc kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với người bị oan.
Và chiều 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán - Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên. Điều đó có nghĩa là ông Chấn vô tội.
Từ vụ việc trên, có thể thấy những cơ quan tố tụng, nơi bảo vệ người lương thiện, đấu tranh với cái ác và đảm bảo công lý cho xã hội đang có những lổ hổng lớn. Những lỗ hổng cho phép những người nắm trong tay pháp luật được quyền đứng trên cả pháp luật để chà đạp lên sự lương thiện của người dân.