Gái iu chạy sang phòng, nhờ vả: - Ba, giảng cho con thế nào là trước công nguyên (TCN).
Mở sách ra xem, thì ra gái iu đang học môn lịch sử, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Sau khi giảng giải khái niệm CN, TCN và cách tính khoảng thời gian từ một thời điểm TCN đến một thời điểm bất kỳ sau này, liền áp dụng vào bài học lịch sử. Hỏi:
- Kể từ năm 179 TCN đến năm 40 Hai Bà Trưng dành lại độc lập, nước ta bị đô hộ bao nhiêu năm?
- 219 năm.
- Trước năm 179 TCN là triều đại nào trong lịch sử?
- Là triều đại của An Dương Vương.
- Tại sao triều đại An Dương Vương lại mất?
- Vì con rể của An Dương Vương là Trọng Thủy ăn trộm nỏ thần.
- Trọng Thủy là chồng của ai? Vì sao lại ăn trộm nỏ thần?
- Con không biết.
- Sao lại không biết?
- Vì sách có nói điều này đâu.
Xem lại sách, quả là không có. Liền gợi ý:
- Con có biết Mỵ Châu là ai không?
- À, con biết rồi, Mỵ Châu là ở chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh.
- Nhầm, đó là Mỵ Nương.
- Ờ ờ con nhầm, xin lỗi ba.
Giảng giải thêm một tý về chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, kết thúc bằng việc bắt học thuộc mấy câu thơ của cụ Lành: Tôi kể chuyện xưa nàng Mỵ Châu/ Trái tim lầm lỗi để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
Tưởng xong, vẫn bị hỏi vớt một câu: - Ba ơi, đang nói nước ta bị giặc nhà Hán đô hộ, chỗ này lại ghi là "bị phong kiến nước ngoài đô hộ". Thế "nước ngoài" chính là nhà Hán phải không ạ.
- Đúng rồi con.
- Nhà Hán thì bảo là nhà Hán, sao lại nói là "phong kiến nước ngoài" cho khó hiểu hở ba?
- Đôi khi, người ta… quên, con ạ.
© 2014 Baron Trịnh
Bài cùng chủ đề:
- Giáo dục thời rúc rào (#1): Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục
----------------------------
Đọc thêm: Ai đã ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?
Trong một giờ học Lịch Sử, thầy giáo kiểm tra bài cũ. Thầy gọi Tèo lên bảng và hỏi:
- Ai đã ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?
- Dạ thưa thầy, em không biết. Nhưng em thề là em không lấy.
Thầy bực quá nên đuổi Tèo về chỗ và hỏi cả lớp:
- Cả lớp, ai đã ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?
Không một cánh tay nào giơ lên. Thầy gọi:
- Lớp trưởng nào. Ai đã ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?
Lớp trưởng rụt rè đứng dậy:
- Dạ thưa thầy, em xin cam đoan với thầy là lớp em không ai lấy đâu ạ.
Thầy giáo bèn yêu cầu Tèo mời phụ huynh đến gặp để bàn về việc học của Tèo. Nhưng khi gặp phụ huynh, thầy còn chưa kịp lên tiếng thì vị phụ huynh đã nói:
- Thầy xem xét lại cho chứ thằng Tèo nhà tôi ngoan ngoãn, hiền lành, chưa ăn trộm, ăn cắp cái gì của ai bao giờ cả. Mong thầy suy xét.
Buồn quá, thầy giáo đem chuyện này nói với thầy hiệu trưởng. Nào ngờ thầy hiệu trưởng phán:
- Hư thật, mới học lớp 10 đã ăn trộm ăn cắp rồi. Bé thì trộm cái nỏ thần, lớn lên thế nào cũng tham ô, tham nhũng. Phải đuổi học ngay.
Phụ huynh của Tèo biết chuyện bèn vác đơn kiện lên Sở. Mọi người trên Sở cười lăn cười bò. Duy chỉ có Giám đốc là mặt tái đi:
- Hiệu trưởng như thế không được. Có mỗi cái nỏ thần mà cũng định đuổi học con nhà người ta. Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực gì mà lại làm như thế. Bảo với anh Vương làm báo cáo, nỏ thần hết bao nhiêu tiền thì trích ra mua đền, có gì mà phải làm ầm ĩ lên.
Không biết kẻ nào mách lẻo, chuyện đến tai Bộ. Các chuyên viên trên Bộ cười ha hả. Nhưng mà bà Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính thì cau mày:
- Giám đốc như thế không được. Bạ cái gì cũng lấy ngân sách ra mà đền thì tiền đâu cho đủ. Phải bắt nhà học sinh đền. Nếu không, đồng chí Vương phải tự mà đi mua cái mới. Có mỗi cái nỏ mà cũng không giữ nổi lại còn báo cáo cấp trên.
Nguồn bài viết và hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Xin chủ blog xem lại: không có cái gọi là SAU CÔNG NGUYÊN (SCN) đâu (chỉ có TCN và Công nguyên). Nhiều người cứ nghĩ: có TCN thì phải có SCN, đó là một sai l62m lớn. Thân!
ReplyDeleteCảm ơn anh Tăng Linh Hoàng Vũ đã góp ý.
DeleteĐúng là chúng ta vẫn biết và sử dụng là CN và TCN. Nhưng giải thích cho trẻ em mới 9 tuổi nên tôi lấy điểm mốc là 0 (không) và tính về phía trước và phía sau của mốc đó. Nên dùng từ như vậy cho trẻ dễ hiểu. Tôi sẽ sửa lại cho đỡ hiểu lầm (mặc dù trong Bách khoa toàn thư Việt Nam vẫn dùng từ này).
Cảm ơn anh.
Đọc xong cười, nhưng cười xong lại buồn. Góp thêm 1 chuyện mà tui sưu tầm trên internet. Tại hội nghị giáo dục ở một địa phương nọ, quan lớn hùng hồn thuyết giảng: "Tại sao cứ kêu gào nhất tự vi sư, bán tự vi sư? Tự là chùa, mỗi ngôi chùa thì có ông thầy chùa. Bán chùa rồi thì ông thầy chùa ở chỗ mô?"
ReplyDeleteChuyện của anh đúng là cười ra nước mắt. Thế mới biết tại sao giáo dục VN như cái nồi lẩu thập cẩm, rất nhiều danh hiệu, thành tích, học hàm, học vị, nhưng ngày càng đi suy thoái.
DeleteCho em có tí ý kiến,
ReplyDeleteBài viết hay, nhưng cái kết hình như hơi sai sai một tí:
Có thể nói là Phong kiến(PK) Trung Quốc, PK phương Bắc chớ gọi là nhà Hán không thì không hợp lý, vì giai đoạn Bắc thuộc lần I ta bị đến 2 triều đại đô hộ 1 là Nhà Triệu, sau đó Triệu thần phục Hán, thành ra là 2 triều đại.
Trân trọng.
Cảm ơn anh, nhưng đối với các cháu lớp 4 thì chắc không cần phải ngọn ngành đến thế. Đồng tình với anh là dùng cụm từ "Phong kiến Trung Quốc" là hợp lý.
Delete