Wednesday, September 10, 2014

Những đứa con của Cơ Chế (#3): Những đứa con thất đức


Nhà Cơ Chế hôm nay có chuyện, hai anh em đánh nhau. Lý do là tranh miếng đất sau vườn để làm nhà cho con mình.
Theo thời gian, con cái Cơ Chế lớn lên, rồi tiếp tục lập gia đình, sinh con đẻ cái. Chúng nó tản đi làm đủ các nghề, ở đủ các vùng miền trên cái bản đồ hình chữ S. Có đứa còn được đi học, đi xuất khẩu lao động ở những xứ xa mù không nói tiếng giống những người ở làng Cơ Chế.
Chuyện đánh nhau của anh em trong nhà cũng chả có gì đáng nói nhiều và tất nhiên là không tốt, nhưng dân làng bàn tán xôn xao, xôn xao…
Chả là trong lúc chửi mắng nhau, thằng anh bảo thằng em không cùng họ, không được hưởng đất của tổ tiên. Thằng em nói lại là mẹ tao cũng có phần, nên tao cũng được chia.
Bà cụ nằm trong nhà rên lên từng tiếng: “Ối giời ơi… ông giời có mắt… quả báo… quả báo…”.
Chuyện này xuất phát từ mấy mươi năm về trước, được những người cao tuổi trong làng kể lại, có thể bị tam sao thất bản.

Ngày đó, có một đội về làm nhiệm vụ thu đất của địa chủ chia lại cho dân nghèo. Ở làng cũng có vài tên địa chủ ác ôn, vơ vét bóc lột dân đen, người dân căm hận lắm lắm. Việc xử lý những kẻ này không có gì đáng nói, đúng người đúng tội.
Nhưng phong thanh rằng, nhiệm vụ được giao phải tìm cho đủ số địa chủ ác ôn cướp đất của dân, bóc lột dân. Có mấy tên như thế thì đã xử lý rồi, người dân cũng đồng tình lắm, phấn khởi lắm. Nhưng đội họp, quyết tâm thực hiện đủ chỉ tiêu được giao.
Dẫn đầu đội là một gã đàn ông tên Ngu Ngọng, gã này nói chữ “nờ” thành chữ “lờ”. Mồm vẩu, răng đen, quần nâu ống què, rít thuốc lào liên tục. Gã ăn nói lắp bắp, thô tục, thỉnh thoảng lại đệm mấy câu chửi thề. Đánh vần cái thông báo mười dòng mất nửa tiếng đồng hồ. Ấy thế mà khi gã mở mồm, mấy thành viên của đội - tuyền người sáng sủa, nghe nói học thức đầy mình lại im thin thít. Mọi người đồn nhau gã này to lắm, oai lắm, có quyền sinh quyền sát trong cái làng nhà Cơ Chế. Nghe đâu là thành phần cốt cán.
Khi đội về làng, Mũi Lõ và Môi Thâm là những thành phần được tham gia (trước khi hai tên này làm trưởng phó thôn). Môi Thâm giới thiệu Chế cho gã đội, bảo là thành phần bị áp bức, cần đưa vào làm nòng cốt cho phong trào. Thế là Chế được tham gia đội, đi đứng oai vệ lắm, mấy nhà có tý của ăn, của để trong làng sợ Chế như sợ cọp.
Trong cuộc họp đội, gã đội trưởng chém chém tay: “Phải đạt chỉ tiêu, bằng mọi giá phải đạt chỉ tiêu. Cần vận động bà con tố giác”. Với đầu óc tối tăm của Chế, lại bị Mũi Lõ và Môi Thâm sai khiến, Chế trở thành phần tử tích cực, cốt cán trong công cuộc này.

Đối tượng đầu tiên đội nhắm đến trong làng là ông Hiền Lành.
Ông Hiền Lành được chút tài sản của bố mẹ để lại, có ruộng, có vườn. Bản tính hiền lành, lại hay giúp đỡ người nghèo. Nên mặc dù có nhiều đất đai, gia đình ông chỉ ở mức khá giả trong làng, gọi là có của ăn của để. Nghe nói ngày trước bố ông có mua cho ông chức phó lý, nhưng làm được thời gian ngắn, ông trả chức về nhà, nên người ta vẫn gọi ông là cựu phó.
Ông tốt tính, hay giúp đỡ người nghèo. Những người làm thuê cho ông được ăn uống, trả thóc đầy đủ, và chả nghe ông quát mắng, chửi bới gì. Chính vì điều này, khi khép ông vào tội địa chủ ác ôn thì không được mọi người ủng hộ. Ông đội ra lệnh cho Chế tìm mọi cách để đấu tố ông. Mặc dù, ngày trước bố Chế và Chế được ông giúp rất nhiều. Lúc giáp hạt cho vay ít gạo, lúc mùa vụ gọi sang làm lấy công. Thế nhưng, Chế vẫn tìm mọi cách vận động đấu tố ông. Nghe những người già nói, vì mọi người không nỡ tố ông, nên đội tìm mọi thủ đoạn vận động, đe dọa khiến con gái ông ra đấu tố bố mình ác ôn, làm những việc đồi bại. Vì chuyện này, ông uất lên mà chết…
Sau ông Hiền Lành, đội tổ chức đấu tố ông Nhân Đức. Ông này xưa cũng đi học được ít chữ nho, ông nhiều tuổi, có uy tín và là tiên chỉ làng. Nhà ông khá giả, việc làng được ngồi mâm trên. Nhà ông gần nhà Cơ, chính vì thế Chế vận động Cơ đấu tố ông tích cực, tích cực…
Hồi Cơ còn nhỏ, đói quá ăn sắn sống, say tưởng chết. Ông thấy, sai người nhà mang về, cạo mùn thớt cho uống để nôn ra hết, sau đó đổ nước cơm cho tỉnh lại. Bố mẹ Cơ ơn ông lắm lắm, coi như ông sinh ra Cơ lần nữa. Bản chất ngu dốt, lại sợ chồng. Cơ cũng như những người khác tố ông tàn ác, bóc lột tận xương tủy người ở, người làm thuê,… Kết cục, ông cũng bị khép vào tội địa chủ ác ôn và bị xử lý…
Bà mẹ Chế nghe chuyện rủa: “Thất đức, thất đức… chúng nó có còn là con người nữa không, ai đời xúi con tố oan bố làm chuyện loạn luân, ai đời xúi người đi tố ân nhân cứu sống mình. Thất đức, thất đức… ông giời có mắt, các người cũng bị quả báo thôi”. Chế quát: “Bà có im đi không, việc của tổ chức, bà biết gì”.
Còn một vài người nữa cũng như ông Hiền Lành và ông Nhân Đức.

Để tiện giác ngộ thành phần nòng cốt, ông đội ở nhà Chế. Chuyện đồn rằng ông đội làm bậy với Cơ, Cơ chống cự thì bị ông đội dọa sẽ bỏ tù Chế, Cơ cắn răng chịu đựng. Chế biết chuyện, căm lắm, vác dao định xử lý ông đội. Môi Thâm biết chuyện, can Chế. Nói rằng ông ta to lắm, quyền uy lắm, muốn sống phải chiều ông tý. Chế căm hận đến tận xương tủy, nhưng đành chấp nhận.
Khi biết chuyện, bà mẹ Chế chửi: “Khốn nạn, khốn nạn… đến vợ còn không giữ được thì sống làm gì hả con. Cái con lăng loàn kia, mày còn mặt mũi ở nhà bà à”. Chế rít lên: “Bà có im đi không, chết cả lũ bây giờ”.
Chả biết chuyện đồn đại thực hư như thế nào. Chỉ biết khi đội rời khỏi làng, bụng Cơ cũng lùm lùm.
Hôm xảy ra chuyện đánh nhau, cãi nhau trong nhà, cả ngày bà cụ rên rỉ câu quen thuộc: “Thất đức… thất đức… ông giời có mắt… quả báo… quả báo…”.
Mặc dù sau này, gia đình Cơ Chế đã có cuộc sống đầy đủ, xã hội ngày một văn minh hơn. Nhưng những đứa con của họ vẫn còn ảnh hưởng trong mình những gì xấu xa nhất giữa con người với con người mà bố mẹ chúng đã từng làm!!!

© 2011 Baron Trịnh
Hình ảnh sưu tầm trên internet, chỉ có tính chất minh họa.

Bài cùng chủ đề:
- Những đứa con của Cơ Chế (#1): Cuộc hôn nhân không mong muốn
- Những đứa con của Cơ Chế (#2): Những đứa con ăn cắp vặt

5 comments:

  1. aha. Chuyện mãi tận bên bọn giãy chết mới có, ở xứ này chắc chẳng có đâu nhể?

    Hội thợ văn Hiên Vũ Thư, Hương Dương Thu không biết tư tưởng không chong sáng thế nào mà nghĩ ra được bao nhiêu thứ chuyện không thể có ở thiên đàng.

    Thiên đàng người ta sống vì lí tưởng, vì mục tiêu cao cả ví dụ như ngọn cờ đầu bla bla, canh cho thế giới hòa bình. Nên dù lãnh tụ và bần nông răng vẩu có ăn, ngủ, nghỉ khác nhau 1 trời một vực cũng không sao. Khi tiến lên đại đồng rồi ai chẳng như nhau.

    Rõ ràng là mụ Baron hoặc lấy tư liệu thiếu chính xác hoặc có phong cách hành văn chẳng thể hợp với xứ ta.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ô hay, tôi đã nói ở trên đấy thây cô: "Chuyện này xuất phát từ mấy mươi năm về trước, được những người cao tuổi trong làng kể lại, có thể bị tam sao thất bản".
      Đấy, tôi chỉ hóng và biên lại thôi mà, hị hị...

      Delete
    2. Dưng cái nài của cô tôi ưng: "Thiên đàng người ta sống vì lí tưởng, vì mục tiêu cao cả ví dụ như ngọn cờ đầu bla bla, canh cho thế giới hòa bình. Nên dù lãnh tụ và bần nông răng vẩu có ăn, ngủ, nghỉ khác nhau 1 trời một vực cũng không sao. Khi tiến lên đại đồng rồi ai chẳng như nhau".
      Chuẩn không cần chỉnh, hị hị...

      Delete
  2. Cái \,/ thằng nầu mang cái lí tưởng cuốc xẻng về xứ nài. he he. Giời đày đọa từ ấy đến nai mấy mươi niên đéo hết. Nhẽ nó chơi thêm thế kỉ nữa cho rồi. Cho chết hết con mẹ đi, cứ sống ngắc ngoải trong bùn đen này khộ quá.

    ReplyDelete
  3. Cứ nhiền sang thằng Philipin, xin ôm gót, bọn bơ thừa sữa cặn đéo cho, thằng Macao, Hồng Kông chịu kiếp ô nhục, phải sống dưới gót giày bóc lột của Tây Bán Nhà và Anh quốc mà thấy thương cho cái xứ khốn khổn.

    DCM đéo gì mà đòi cái thứ viển vông cho loài trâu ngựa chứ đéo phải ông người. Aha.

    ReplyDelete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!