Saturday, October 26, 2013

Café sáng thứ 7 (#20): Giới hạn của sự chịu đựng?


1. Trong khi các vấn đề kinh tế - xã hội đang “báo động đỏ”: Kinh tế suy thoái nghiêm trọng, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, giáo dục đang lao dốc không phanh, y tế tuần nào cũng có bệnh nhân chết do thiếu y đức lẫn chuyên môn, bầy sâu ngày càng hoành hành,… thì ông Tổng bí thư lại đi soi câu xét chữ lời mở đầu của hiến pháp.
Nguyên thủ có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự hưng thịnh hay suy thoái của một quốc gia. Lựa chọn đường hướng phát triển, ra quyết định sáng suốt để vượt qua khó khăn và nắm lấy thành công thể hiện năng lực lãnh đạo của nguyên thủ. Còn đường hướng như thế nào, các phương án đưa ra để lựa chọn ra sao, là do các bộ ngành và bộ phận tham mưu đề xuất. Thế nên, việc soi câu xét chữ rất không nên có ở ông TBT.
Vẫn biết, cơ chế lãnh đạo của xứ An-nam là tập quyền. Nhưng dù sao đã là người đứng đầu, nên thể hiện tố chất của nguyên thủ, chứ không nên lúc nào cũng ra rả mớ lý luận cũ rích mà ai cũng biết là không phù hợp, hay tầm chương trích cú và so câu xét chữ một cách máy móc như một ông giáo.
Đã thế, ông này còn phát biểu: “… xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”!?
Có thể là còn lâu dài, có thể là chưa hoàn thiện, nhưng cần lao cần có một cái đích. Đến hết thế kỷ này là hơn trăm rưỡi năm, gần bằng 3 đời người!
Giấc mơ, hay là sự chịu đựng bất nhẫn của cần lao?


2. Sự khó khăn của nền kinh tế đã được công khai trước bàn dân thiên hạ, dự đoán năm 2013 sẽ hụt thu ngân sách lên đến 63 nghìn tỷ đồng. Lượng vàng dự trữ quốc gia đem ra đấu thầu có lẽ đã cạn, bài toán công trái đã được triển khai.
Tuy nhiên, chính sách khoan sức dân này có vẻ như không giải quyết được vấn đề, vì để trả nợ công, tái cơ cấu nền kinh tế cần một lượng lớn ngân sách. Đã đến mức chính phủ phải vay để chi tiêu, để trả nợ.
Ấy thế mà nghị trường lại nóng hầm hập với những “bức xúc” của các ông bà nghị về vụ việc phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người và ném xác khách hàng xuống sông của một bác sỹ!
Sau vụ lên đồng tập thể của xứ An-nam mông muội, sống bằng niềm tin thần thánh. Kền kền báo chí chưa kịp nghỉ ngơi lại lao vào cuộc rỉa xói mới. Tuy nhiên, đối với đám kền kền này, chỉ nên khinh bỉ họ chứ không nên chê trách, vì công cuộc rỉa xói âu cũng là miếng cơm manh áo của họ.
Với sự hăng hái rỉa xói ở nghị trường, chả lẽ xứ An-nam lại có loại kền kền nghị viên? Nghĩa là, có loại nghị viên đã yếu kém về năng lực, nhưng lại thích rỉa xói dựa trên các sự kiện nóng của xã hội?
Cần lao lẫn kền kền báo chí nhảy ngược lên bức xúc vì hành động ném xác phi tang của tay bác sỹ là điều dễ hiểu, và sự vụ này cần được lên án. Tuy nhiên, đối với các nghị viên, người đại diện cho hàng trăm nghìn, hàng triệu cử tri thì cần phải khác.
Hàng ngày có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông gây chết người? Có bao nhiêu vụ mâu thuẫn gây chết người? Có bao nhiêu tai nạn lao động gây chết người? Thậm chí, với sự suy thoái kinh tế như nói trên, sẽ có hay không những người thuộc nhóm khó khăn vì mưu sinh mà chết? thậm chí vì đói mà chết? Đấy mới là những vấn đề nghị viên cần quan tâm.
Cần lao, đặt niềm tin sâu sắc vào các nghị viên và hy vọng họ góp phần để giải quyết các vấn đề nêu trên. Chứ không mong muốn có một đám kền kền nghị viên a dua khóc mướn hay chém gió theo sự kiện.
Cần lao quá bạc nhược, hay là đám nghị viên này thích đùa cợt trên niềm tin của cần lao.
Và, cần lao sẽ còn chịu đựng được đến bao giờ?


3. Cũng liên quan đến vụ ném xác khách hàng xuống sông của một bác sỹ, mọi tâm điểm lại dồn về bà Tiến - thượng thư bộ Y.
Có lẽ, dại lắm cũng phải le lói tý khôn. Thế nên bà bộ trưởng với những phát ngôn “hài hước và não phẳng” này từ chối trả lời phỏng vấn ở hành lang nghị trường và hứa sẽ trả lời báo chí bằng văn bản.
Nhưng trước đó, bệnh buôn lê mách lẻo của đàn bà vẫn không thoát ra khỏi tầm chính khách của vị nữ bộ trưởng xứ An-nam. Và thế là, bà ta lại “rơm rớm nước mắt” khóc mướn sự kiện. Nào là “chúng tôi rất đau đớn, xót xa”, nào là “vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ”, nào là “lỗi quản lý của ngành”, nào là “chúng tôi hết sức khổ tâm”, nào là “đang tìm mọi giải pháp”, nào là “chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra”,…
Quả bóng lại được đá từ Bộ xuống Sở, từ Sở xuống Quận. Và trách nhiệm, vẫn đang treo lơ lửng khi mà các cơ quan quản lý ngành lẫn chính quyền địa phương đổ lỗi cho nhau.
Lần đầu tiên, một tờ nhật báo lề phải đã chính thức đề xuất “Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức”. Không còn là một fanpage trên mạng xã hội, không còn là một nhóm người hô hào lấy chữ ký đòi bà bộ trưởng từ chức nữa. Và không biết, khi báo chí chính thống đã đăng đàn, có còn là “bêu xấu bộ trưởng” và chịu trách nhiệm về thông tin khi nói xấu quan chức nữa không?
Tuần nào, cũng xảy ra một vài vụ bệnh nhân chết do sự tắc trách lẫn thiếu y đức của đội ngũ y bác sỹ. Các vụ tiêu cực trong ngành y vẫn không có dấu hiệu được ngăn chặn. Vậy vai trò của bà bộ trưởng cũng như trách nhiệm trước nhân dân và chính phủ sẽ như thế nào?
Chưa thấy động thái nào từ quốc hội lẫn chính phủ. Thế nhưng, chả lẽ cần lao xứ này cứ mãi chịu đựng với sự suy thoái của ngành y lẫn năng lực tầm “trưởng ban nữ công cấp cơ sở” của bà bộ trưởng?
Lẽ nào, cần lao cứ mãi chịu đựng những điều không thể chịu đựng?


4. Báo chí xứ An-nam liên tiếp “vạch mặt” các nhà ngoại cảm trong công cuộc tìm mộ liệt sỹ, mà vụ “đánh” mạnh nhất là của truyền hình xứ An-nam (VTV). Dĩ nhiên, không thể thiếu phần của đám kền kền báo chí, khi đây lại là một con mồi béo bở để rỉa xói. Cũng vấn đề này, trước đây, báo chí đã từng ca ngợi các nhà ngoại cảm lên mấy tầng mây xanh.
Những vấn đề về tâm linh, khoa học vẫn chưa chứng minh được một cách rõ ràng. Và xã hội vẫn đang chấp nhận có một sự thật về những vấn đề tâm linh. Tất nhiên, trong một xã hội mà kẻ cắp nhiều gấp hàng chục lần người lương thiện, những vụ việc lừa đảo kiếm tiền trên sự mong muốn tìm kiếm người thân lẫn sự tôn kính với những người đã đổ máu cho dân tộc không phải là ít.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ đúng sai, đen trắng. Không nên đánh đồng tất cả các sự việc cho một sự việc. Đối với năng lực ngoại cảm của con người, chưa có một chứng minh nào là luôn ổn định và bất biến. Thế nên, việc báo chí vừa mới dứt lời ngợi ca lại đã quay sang dìm chết những nhà ngoại cảm (tạm cho là chân chính) chả khác nào tự tay tát vào mặt mình.
Cần lao, xưa nay vẫn tin tưởng vào báo chí. Giờ, trắng đen chả biết đường nào mà lần. Chả lẽ, chút niềm tin sót lại trong cần lao liên quan đến sự nghiêm túc về tâm linh cũng bị tước đoạt. Và để xảy ra chuyện này, lỗi thuộc về ai?
Lẽ nào, cần lao cứ mãi chịu đựng sự dắt mũi của báo chí?


5. Một dân tộc, mà từ nguyên thủ đến nghị trường, từ bộ trưởng đến báo chí chưa đưa lại niềm tin về một xã hội tốt đẹp, dân chủ và tôn trọng đối với cần lao. Nhưng luôn chạy theo sự kiện để ném vào mặt cần lao những điều phi lý, những con đường không thấy đích, những màn hài kịch tại nghị trường, những tiếng thở dài về năng lực tư lệnh ngành, lẫn sự lá mặt lá trái của báo chí.
Chút niềm tin vào một tương lai tương sáng, vào đội ngũ lãnh đạo, vào tâm linh để cần lao tiếp tục vật lộn với cơm áo gạo tiền để sống và trả nợ lẽ nào bị tước đoạt nốt.
Và, đâu là giới hạn sự chịu đựng của cần lao???

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!