Wednesday, October 30, 2013

Chuyện thiên đàng (#1): Cắn chấy


Chấy (hay chí) là loài côn trùng sống ký sinh trên người và một số loài động vật. Thế hệ 9x trở về trước, có lẽ ai cũng biết và đã từng có chấy ở trên đầu.

Cũng không hiểu sao thời đó nhiều chấy đến như vậy. Bây giờ, chắc chấy chỉ còn có ở vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện sống còn khó khăn. Có lẽ, do sử dụng các loại dầu gội đầu và tắm gội nhiều hơn nên không còn chấy nữa.
Ngày xưa, nhất là vào buổi trưa, các các bà/chị/em thường hay ngồi bới tóc bắt chấy cho nhau. Chấy thường di chuyển rất nhanh nên việc bắt chấy khá kỳ công. Ngoài ra, người ta còn tìm lấy trứng chấy.

Cần lao thanh niên thời thiên đàng, đôi lúc rảnh rỗi sinh nông nổi, họ thể hiện sự yêu đương bằng cách bắt chấy cho nhau hehe...


Khi bắt được chấy hoặc lấy được trứng chấy, họ thường giết bằng cách “cắn” hay “cúp”.
Cắn chấy” là hành động giết chấy bằng cách đưa con chấy hoặc trứng chấy bắt được vào miệng và cắn bằng răng. Chấy và trứng chấy bị cắn sẽ nổ một tiếng bép nhỏ rất vui tai. Chấy càng hút no máu, tiếng nổ càng to. Cả máu lẫn xác chấy sẽ được người cắn nhấm nhấm, có người nuốt vào bụng, có người nhè ra ngoài. Vì thế nên có nơi còn gọi là “nhấm chấy”. Phương thức giết chấy như thế rất ghê và mất vệ sinh.

Cúp chấy” là hành động giết chấy bằng cách đưa con chấy hoặc trứng chấy bắt được ép vào 2 móng của ngón cái, hoặc ép một móng của ngón cái xuống một bề mặt cứng. Cúp chấy cũng gây ra tiếng nổ như cắn chấy.
Bên cạnh trò bắt chấy cho nhau như một sự giải trí của thời thiên đàng. Cần lao thường dùng lược bí để chải tóc bắt chấy.
Lược bí được làm bằng tre, mỗi khi chải tóc, chấy bị gạt theo đường chải rơi xuống. Tóc thường được chải xuống tờ giấy hoặc tờ báo để hứng chấy. Khi bắt được chấy, họ lại giết chấy bằng cách cắn hoặc cúp như mô tả ở trên.


Cần lao cũng thường trị chấy bằng các loại cây cỏ. Một trong những biện pháp hữu hiệu thời đó là dùng hạt na.
Hạt na được rang chín, đem giã nhỏ, rồi bọc vào miếng vải, buộc kín và thả vào chậu nước. Chậu nước thường được đem phơi nắng như kiểu ngâm bồ kết. Sau đó sử dụng nước để gội đầu. Đôi khi muốn hiệu quả hơn, họ trộn bột hạt na với rượu hoặc giấm rồi bôi lên tóc.
Vườn nhà tôi có mấy cây na còi. Mỗi năm ra được vài quả chỉ to bằng nắm tay. Thời khó khăn, đến cây cối cũng chả sống bình thường được. Cứ mỗi mùa na ra hoa, mấy cô giáo cùng trường nhắc đi nhắc lại với mẹ tôi, rằng nhớ để dành cho em ít hạt na nhé.

Na, còn chưa kịp thành quả, có thành quả thì vài tháng sau mới chín. Ấy thế mà các cô đã dặn trước vì sợ người khác cũng xin. Đúng là thời thiên đàng, hạt na cũng là giấc mơ lớn!

Sự đa tình hình như không phụ thuộc vào tuổi tác. Từ bé, tôi đã thích được ngồi học cạnh các bạn gái xinh xắn. Mẹ tôi là giáo viên trong trường, tôi thích ngồi chỗ nào cũng được.
Cô bạn cùng bàn, tóc dài, trông sạch sẽ và đáng yêu. Tôi thích cô ấy, dĩ nhiên.

Tôi nhớ mãi trong một giờ tập chép, cô bạn đưa tay lên gãi đầu và chấy rơi xuống vở. Những năm 80, từ trẻ con đến người lớn ai cũng có tật gãi đầu, thậm chí hàng chục lần trong một ngày. Nguyên nhân vì ngứa do gàu và do chấy cắn.
Cô bạn tôi xòe cả bàn tay ra gãi, và cào tóc xuống mái trước cho khỏi rối. Những ngón tay của cô vừa rời khỏi mái tóc. Năm bảy con chấy rơi lả tả xuống mặt vở. Con nào cũng căng tròn bụng máu.
Không để cho chấy kịp bò, cô rất nhanh tay cúp chấy. Những tiếng nổ lép bép vang lên, trên mặt vở loang những vết máu.
Một cảm giác tởm lợm dâng trào lên cổ tôi. Vì mùi tanh của máu? Vì màu đỏ của máu? Hay vì hành động giết chấy rất lạnh lùng và chuyên nghiệp của cô bạn học có đôi mắt to tròn, thánh thiện và trong sáng?
Tình yêu lớp 1 của tôi vụn vỡ theo những vết máu lem nhem trên mặt vở!!!

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!