1. Chuyến công du Pháp quốc tuần trước của Thủ tướng kết thúc tốt đẹp. Tuy nhiên, có một vài “điểm nhỏ” của ông Dũng đã để lại hình ảnh “chưa đẹp” của lãnh đạo cao cấp Việt Nam khi công du quốc tế.
Tại buổi họp báo cùng với Thủ tướng Pháp, một vài hành động của ông Dũng được kênh truyền hình giải trí Canal+ đem ra bình luận gây cười như: Ra hiệu với ông Jean-Marc Ayrault đề nghị đóng cửa ở phía sau (có lẽ vì chói nắng); Dùng tay chạm vào tay ông này (khi đang phát biểu) và nói bằng tiếng Việt vì không nghe được lời dịch; Phát biểu câu: “Tôi bày tỏ vui mừng khi trở lại thăm nước Pháp ở Châu Âu và trên thế giới”; và phát âm sai tên Jean-Marc Ayrault.
Vẫn biết, chuyện châm biếm là điều rất bình thường trong văn hóa Pháp. Nhưng có lẽ sẽ làm một bộ phận không nhỏ người Việt cảm thấy xấu hổ.
Chắc chắn rằng, sẽ không có gì khó khăn khi học nói và nghe được những câu giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh và tiếng Pháp (hai ngôn ngữ sử dụng chủ yếu trong ngoại giao). Đặc biệt là đối với một chính khách có chức vụ cao cấp nhất của chính phủ và ngồi ở chính trường lâu như ông Dũng.
Cũng trong chuyến công du nước Pháp, trong buổi dự lễ bàn giao chiếc máy bay A320 Sharklet của hãng Airbus cho hãng VietJetAir, ông Dũng đã có hành động rót sâm-banh lên chiếc máy bay, mà lại rót ngay vị trí có hình ảnh cờ tổ quốc và tên nước Việt Nam.
Có lẽ, những hành động như thế rất bình thường ở trong nước. Nhưng ở quốc tế thì khác hẳn. Bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì và đánh giá như thế nào về những hình ảnh và hành động của Thủ tướng Việt Nam?
Và đây có phải là “truyền thống” của văn hóa Việt?
2. Hội nghị TW lần thứ 8 Ban chấp hành TW đảng diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Dũng hoàn thành chuyến công du nước Pháp và Hoa Kỳ.
Trong diễn văn phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư BCH TW đảng đã đề cập đến các vấn đề trọng tâm của hội nghị gồm: đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới và công tác xây dựng đảng.
Bài diễn văn, vẫn nặng về tính lý luận sáo rỗng như tất cả các bài diễn văn từ trước đến nay. Nghĩa là, nêu ra vấn đề và đặt câu hỏi nghi vấn. Trên cơ sở đó đề xuất là phải làm, phải thay đổi. Tuy nhiên, làm như thế nào? thay đổi như thế nào? thì lại phải chờ “để bàn”.
Hai nhiệm kỳ của ông Nông Đức Mạnh và hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua của ông Trọng không thấy tính đột phá về tư duy, chiến lược của những người đứng đầu đảng. Vẫn những lời lẽ sáo mòn, vẫn những chỉ đạo theo những nghị quyết nặng tính lý luận duy ý chí mà kém tính thực tiễn.
Vẫn biết, trong cơ chế tập quyền, ý kiến của người đứng đầu không đại diện cho một tập thể. Tuy nhiên, đã đứng ra gánh vác trách nhiệm của người đứng đầu thì phải có những đột phá để lưu truyền lại cho hậu thế, nhất là trong tình cảnh đất nước đang gặp không ít khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội lẫn đối ngoại.
Và vẫn biết, tham nhũng là giặc nội xâm cần phải tiêu diệt, nhưng cần có những quyết sách, những định hướng thực hiện, chứ không phải là những lời chỉ trích, phê phán thói hư tật xấu của “một bộ phận không nhỏ” những kẻ được gọi là “bầy sâu”. Thế nên, những phát biểu của ông Trọng cũng chỉ là “gãi ghẻ” đối với bầy sâu mà thôi.
Quyền lực lớn nhất đất nước, còn thế, thì mong gì sự thay đổi?
3. Vẫn là bức tranh kinh tế, u ám và xám màu khi hàng loạt số liệu được công bố. Trong khi các lãnh đạo cao cấp, những người đứng đầu các bộ ban ngành từ đảng, chính phủ, quốc hội và các chuyên gia đầu ngành tranh cãi đâu là nguyên nhân thì nền kinh tế ngày một suy thoái trầm trọng.
Điều đáng nói là những số liệu thống kê. Những số liệu mà những người mới biết cộng trừ nhân chia nhìn vào đã thấy sự phi lý. Chẳng hạn như số liệu GDP công bố cho thấy, tổng GDP của 63 tỉnh thành lại… gấp đôi GDP quốc gia; hay doanh nghiệp ùn ùn phá sản, đóng cửa nhưng số liệu cho thấy vẫn tạo ra hàng triệu việc làm mới; hay nợ xấu vẫn hoành hành trong khi doanh nghiệp báo cáo thành tích là… có lãi.
Có lẽ, vấn đề này được báo chí các lề phân tích quá nhiều. Người viết không lạm bàn thêm. Chỉ có điều, muốn hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là khôi phục lại nền kinh tế trong quá trình suy thoái thì cần các số liệu rất chính xác. Đàng này, số liệu cứ như trên trời thế này thì hỏi lấy cơ sở đâu để hoạch định chính sách và lập kế hoạch?
Ngoài ra, cái gì cũng chờ trung ương. Mà trung ương thì cứ họp họp họp. Họp mãi, sự kiện nói mãi, nguyên nhân nói mãi,… Nhưng vẫn không đề xuất được giải pháp phù hợp.
Đau đẻ lại cứ phải đợi sáng trăng. Đợi đến bao giờ?
4. Gần đây, có những vụ “lừa” tầm cỡ quốc tế rất hài hước ở xứ An-nam.
Đó là sự việc báo chí lá ngón đưa tin rầm rộ ông Bruce Kenneth Forbes, được coi là “thành viên của gia đình Forbes danh tiếng của nước Mỹ” và là một tỷ phú, sang tìm hiểu môi trường đầu tư ở xứ An-nam và có lịch làm việc với Bộ trưởng Xây dựng. Thực chất, ông sang xứ An-nam để tiếp thị bán phần mềm chứ chả phải tìm kiếm đầu tư lẫn chả phải thành viên của gia đình Forbes.
Đó là sự việc trường Đại học Kỷ lục Thế giới trao tặng “bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục” cho cuốn sách Thi vân Yên Tử của ‘nhà thơ thần” Hoàng Quang Thuận và cấp bằng “tiến sỹ danh dự” cho 6 “kỷ lục gia” xứ An-nam với sự tham dự của nhiều cựu quan chức cấp cao tầm ủy viên BCT và nhiều lãnh đạo ban ngành lẫn địa phương. Thế nhưng, dân tình lại ngã ngửa ra khi một blogger tung lên bài cho rằng đây là một trường “ĐH lừa”. Chuyên thu tiền lệ phí để cấp các kỷ lục và bằng “tiến sỹ danh dự” mà không có giá trị công nhận. Thậm chí trường này còn “bán bằng” tiến sỹ với khóa học qua mạng… 6 tháng.
Háo danh, là bản chất cố hữu của cần lao xứ An-nam, cho dù đã lột xác từ quạ lên công thì tính háo danh vẫn không bỏ được. Thế nên mới có những chuyện cười ra nước mắt kiểu nhà văn thì phản biện kinh tế, nhà kinh tế thì chọc ngoáy công nghệ, nhà công nghệ thì đi làm thơ, nhà thơ thì tập tọe phổ nhạc. Một bộ phận không nhỏ “trí thức” xứ An-nam tạo thành một nồi lẩu thập cẩm. Đậy nắp lại thì sôi sùng sục, nhưng mở nắp ra thì thối như… cứt.
Đánh giá sự phát triển và văn minh của một quốc gia, chỉ cần nhìn vào nhóm người này.
5. Trả lời báo giới, ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Giáo dục nói về Đề án đổi mới toàn diện giáo dục “Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn”.
Giáo dục xứ An-nam, đã như cỗ xe không phanh đang lao ầm ầm xuống vực. Căn bệnh thành tích được hô hào xóa bỏ từ thời ông Nhân ngày càng nặng thêm. Vấn nạn chạy trường, chạy điểm đang tạo ra một sự bất công, đặc biệt khi ngành giáo dục có cơ chế thành lập các trường công lập chất lượng cao. Đạo đức người thầy bị xuống cấp, tình trạng bán điểm gạ tình không còn là việc hiếm. Học sinh thì chỉ chăm chăm một mục tiêu học để thi đại học. Sinh viên thì học vẹt, học chống đối, tốt nghiệp đại học mà cứ ngu ngu, ngơ ngơ, đến viết cái đơn xin việc còn sai tùm lum chính tả.
Nói chung, một nền giáo dục suy thoái toàn diện. Thầy không ra thầy, trò cũng chẳng ra trò. Chính sách xây dựng cứ như trên trời và rất phi giáo dục. Gần 20 năm cải cách vẫn không soạn nổi một bộ sách giáo khoa chuẩn. Giáo dục đại học là một nền giáo dục phi học thuật.
Đổi mới giáo dục là yêu cầu cấp bách của xã hội sau những yếu kém và suy thoái như nêu trên. Là nền tảng cho sự phát triển của đất nước bền vững trong tương lai. Là "vũ khí mạnh nhất" (powerful weapon - Nelson Mandela) để thay đổi đất nước này theo hướng văn minh và phát triển.
Thế nên, không biết ông Luận nói “trận đánh lớn” là đánh cái gì? đánh ai? và đánh như thế nào? Rõ ràng, một ông bộ trưởng Giáo dục mà sử dụng những câu từ rất phi giáo dục, phi nhân văn và hài hước theo kiểu “não phẳng” nghe rất khiên cưỡng và phản cảm.
Cải cách giáo dục là cấp thiết và bắt buộc phải thực hiện. Từ những người đứng đầu đất nước đến từng công dân phải góp tay vào thực hiện. Có thế, mới hy vọng đất nước này thay đổi và phát triển. Nếu không, những kẻ làm giáo dục suy thoái chính là tội đồ của dân tộc.
Là người đứng đầu ngành giáo dục, ông Luận cần biết điều đó, và đừng trở thành tội đồ. Chứ không hay ho gì cái việc so sánh và sử dụng ngữ nghĩa như những kẻ thiếu học thức nhưng lại ra vẻ có kiến văn.
Thế mới biết, tại sao đất nước này không thể phát triển, và nền giáo dục cứ lao ầm ầm xuống vực thẳm!
6. Những thiệt hại của cơn bão số 10 và những ảnh hưởng lũ lụt sau bão đã gây cho đồng bào miền Trung thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Ở cái đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” này, việc hứng chịu thịnh nộ của thiên nhiên đã là điều quen thuộc, như hình phạt hà khắc của thượng đế đối với dân tộc mãi không chịu lớn này.
Người dân xứ An-nam đã quen với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng không thể chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên khi con người là nguyên nhân chính gây ra sự tàn phá đó. Nạn phá rừng, nạn tham ô tham nhũng trong xây dựng các công trình hạ tầng đã khiến những hậu quả tàn phá của thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng.
Trách nhiệm, vẫn là một sự vòng vèo đổ lỗi của các cấp chính quyền và các cá nhân có trách nhiệm. Quy trình lúc nào cũng đúng. Thế nhưng thiệt hại ngày một nghiêm trọng mỗi khi có thiên tai.
Thiên tai còn có thể phòng tránh, nhưng nhân tai phòng tránh thế nào đây?
7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào ngày hôm qua (04/10) tại bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi. Sự ra đi của vị đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được sự thương tiếc của hầu hết nhân dân Việt Nam.
Mặc dù, vẫn còn nhiều thông tin khác nhau về vai trò của tướng Giáp trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, cũng như sự thất sủng của ông trong chính trường Việt Nam từ những năm 1980. Tuy nhiên, tướng Giáp vẫn là một huyền thoại của dân tộc, nhận được sự kính trọng của toàn thể quân và dân Việt Nam. Cũng như nhận được sự tôn trọng của các chính trị gia và các tướng lĩnh cao cấp trên thế giới, kể cả những người đã từng là “đối thủ” của ông.
Sinh tử là quy luật của con người. Ở tuổi quá thọ này, sự ra đi của tướng Giáp là chuyện rất bình thường của quy luật tạo hóa. Cũng không biết, ông có còn điều gì nuối tiếc?
Người viết, từ trước đến nay vẫn dành cho ông một sự kính trọng. Mượn lời trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi đến ông, như một lời cầu chúc linh hồn ông an lành nơi miền cực lạc: “Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang!”.
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
Càng lúc mụ Baron Trịnh càng đi sai đường nối đảng ta đã chỉ ra. Giáo dục nước ta chưa, chưa từng và sẽ chưa bao giờ xuống cấp cho đến khi B còn.
ReplyDeleteNó thể hiện ở những thành tích chói lói của các cuộc thi O -nem - bích, Rồ bốt. Thể hiện ở người Việt ta trong nước thì kém thế nhưng ra nước ngoài thì giỏi vô cùng. Ví dụ như GS Châu Ngô, hay nhiều lắm nhân tài khác (mời sợt gú gồ).
Cho nên việc mà cô ngộ nhận giáo dục xuy đồi e là chưa chính xác đâu nhé, hãy công bằng, bình tĩnh. Tất cả tại dân ta chưa hết lòng hết sức đi theo Bê. Thế thôi.
Về phần "truyền thống" của văn hóa Việt nhẽ lại phải chê trách mụ chưa chịu xem kĩ lịch sử.
ReplyDeleteLịch sử dân tộc ta sang chương mới, kỉ nguyên mới từ ngày thành lập 2-9 năm nào chẳng nhớ. Đảng cùng người đưa nước ta đi từ thắng lợi nài đến thắng lợi khác. Rồi để xây dựng xã hội mới, xh chủ nghĩa (bây giờ vẫn chưa xây xong - mời sợt đồng chí nào mới nói) thì cần phải có con người mới.
Tất nhiên để có con người mới thì nên thay đổi văn hóa, ví dụ như người ta có thể đốt bỏ gia phả, con tố cha, vợ tố chồng (cái này người viết cũng không nhớ làm năm nào mời sợt nốt). Cái ấy là cần thiết để triệt nọc thói xấu có từ thời phong
kiến.
Thế nên đồng chí gì trong BTC có rót xâm banh lên vỏ mái bay cũng có thể hiểu là một hành động văn hóa trong thời kì xây dựng chế độ xã hội mới. Hoàn toàn đáng ủng hộ.
Chết thật, sau khi cô Chuối Tây khai sáng tại hạ mới nhìn thấy thái sơn. Quả là hồ đồ hồ đồ.
DeleteĐúng là Bộ Giáo dục có rứt nhiều thành tích, tuyền bên tây, phần khiếm khuyết là tại cần lao chưa hết lòng, tại hạ ngộ nhận mất rồi, huhu...
Còn món văn hóa nữa, người mới phải văn hóa mới, cái văn hóa xhcn nó thế, đúng là tại hạ chưa đọc kỹ lịch sử.
Tại hạ chắp một tay một chưn thành thành cô Chuối Tây, cô còm sâu và duyên đáo để, hì hì...