Saturday, August 10, 2013

Café sáng thứ 7 (#11): Lỗi hệ thống

1. Tuần này, các sự kiện “hót” vẫn dành cho ngành Y với một loạt vấn đề liên quan đến sự yếu kém về chuyên môn và tha hóa về y đức của những người vẫn được xem như “từ mẫu”.
Cả hai mẹ con sản phụ tử vong tại bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, theo những người nhà của sản phụ xấu số, nguyên nhân dẫn đến từ vong là do không được mổ vì không đủ tiền đóng… 4 triệu đồng viện phí; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước lại có thêm một cái chết bất thường của một cháu bé 5 ngày tuổi; Tại bệnh viện đa khoa Quảng Nam, một cháu bé sinh thiếu tháng còn sống nhưng được bệnh viện trả về để… lo hậu sự; Tại bệnh viện Nguyễn Trãi (T.p HCM), một bệnh nhân mổ xoang như lại tử vong vì… u não; Và nóng nhất, chính là vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
Có lẽ, 68 năm kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, chưa bao giờ ngành y tế lại có những vụ việc “kinh hoàng” và tính mạng bệnh nhân lại rẻ rúng đến như thế, mà nguyên nhân lại từ việc yếu kém chuyên môn và sự “sa đọa” y đức của của đội ngũ “thầy thuốc”.
Và dĩ nhiên, cho dù có là người hứng chịu hậu quả từ các đời bộ trưởng trước, nhưng bà Tiến - bộ trưởng đương nhiệm không thể không bị dân tình “tổng sỉ vả” vì thiếu trách nhiệm lẫn thiếu năng lực lãnh đạo.
Trên mạng xã hội Facebook, các facebooker đã lập một pages với thông điệp: “Bộ trưởng Y tế hãy từ chức đi”. Đến thời điểm viết bài này, số lượt người like pages này đã gần 20.000. Những người sáng lập pages trên cho rằng: “Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã không làm tròn nghĩa vụ của mình và phải chịu trách nhiệm về những cái chết oan ức của nhiều trẻ em”. Cũng nhóm này kêu gọi ký tên đề nghị bà Tiến từ chức, cũng đến thời điểm này (11h45 ngày 9/8/2013), đã có tới 8.932 chữ ký.



Như “Café sáng thứ 7” tuần trước đã nói, với năng lực tầm “trưởng ban nữ công” cấp cơ sở mà lại đặt vào tay cây thuyền trượng quyền lực của ngành Y, thì những vấn đề suy thoái y đức trong thời gian qua sẽ được bộc lộ một cách đầy đủ.
Chắc chắn, đây là lỗi hệ thống không chỉ riêng gì nghành Y mà của toàn xã hội. Lỗi hệ thống này ai cũng biết, và ai cũng nói. Nhưng sự biểu hiện chưa rõ ràng khiến những người có trách nhiệm cố gắng bảo vệ. Và có lẽ, khi một tư lệnh ngành không đủ năng lực lãnh đạo, thì lỗi hệ thống sẽ được bày ra giữa bàn dân thiên hạ.
Nếu bà Tiến còn chút tự trọng, và tự nhận mình là vật tế thần mà tuyên bố từ chức. Dân tình xứ An-nam có thể nắn tượng, đặt tên đường để ghi công. Thế nhưng, chắc chắn bà Tiến sẽ không từ bỏ chiếc ghế quyền lực nhất ngành Y, cũng như bà ta và bộ hạ của mình đang vò đầu rứt tai tìm cách vượt qua cơn “” này. Lỗi hệ thống của xứ An-nam chính là điều này.
Và ngành Y, không còn lỗi hệ thống mà hỏng cả một hệ thống!


2. Như đã nói ở trên, sự kiện nóng nhất của ngành Y trong tuần chính là vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Việc yếu kém chuyên môn hay tắc trách của các y bác sĩ dẫn đến những cái chết thương tâm trong thời gian qua có thể viện cho lý do khách quan. Nhưng vụ việc này chắc chắn là cố ý, và có sự thống nhất từ cấp cao nhất đến người thực hiện trong bệnh viện này.
Vấn đề nghiêm trọng của việc nhân bản phiếu xét nghiệm máu trong khám chữa bệnh đã được giới chuyên môn đánh giá đầy đủ, và bài viết này không cần thiết phải đề cập đến.
Điều muốn nói là bên cạnh việc sa đọa y đức, coi mạng người như rác của các y bác sĩ này, là việc gian dối của những kẻ ăn lương từ thuế của nhân dân, nhưng lại bòn rút tiền của nhà nước. Theo bản tin thời sự trên VTV, số tiền thanh toán bảo hiểm cho những phiếu xét nghiệm lên đến nhiều tỷ đồng.
Mặc dù Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã vào cuộc kịp thời, và cuộc họp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy như vớt vát lại chút niềm tin của ngành Y thủ đô, những rõ ràng những vấn đề tương tự không hiếm ở tất cả các bệnh viện ở thủ đô nói riêng và trong cả nước nói chung.
Nếu có một trường hợp nào tố cáo kết quả xét nghiệm máu từ bệnh viện này dẫn đến chẩn đoán sai trong điều trị và gây tử vong, những y bác sĩ của bệnh viện này liên quan có thể bị khép vào tội cố ý giết người. Và cả một hệ thống những người làm nghề y, mà vì lợi lộc bản thân, xem thường tính mạng những người dân khám chữa bệnh, thì không chỉ còn là những “con sâu” làm rầu nồi canh y tế.
Xem máu người như tiết canh vịt”, câu nói ví von của nhà báo Đào Tuấn nhưng lại rất đúng với thực trạng nền y tế nước nhà.
Và có lẽ chưa bao giờ, máu của cần lao đồng bảo được quý trọng!


3. Nền giáo dục xứ An-nam lại ồn ả vấn đề bỏ hay không bỏ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học. Xuất phát từ bài phát biểu của bà Doan - Phó chủ tịch nước tại Hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức.


Hàng loạt các ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giáo dục được đưa ra. Người thì đề nghị bỏ vì cho rằng kỳ thi THPT quá hình thức khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt gần 100%, kẻ phản đối thì cho rằng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ liên quan đến việc “chạy điểm” và nền giáo dục xứ An-nam sẽ tan rã.
Một vấn đề, có đa chiều thông tin là việc bình thường. Ấy nhưng có điều, các ý kiến của những người nêu trên, bên cạnh chức vụ đều gắn với học hàm học vị sáng chói, nhưng không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của sự việc.
Dù có thi hay không thi, nhưng việc phổ cập THPT là cần thiết, và trừ những em học sinh bỏ học, thì tất cả học sinh đều đậu tốt nghiệp là điều hiển nhiên. Những học sinh có thi trượt thì sẽ được thi lại và sẽ… phải đậu tốt nghiệp. Vì thế, kể cả tỷ lệ tốt nghiệp là 100% vẫn là chuyện rất bình thường, không chỉ ở xứ An-nam “chậm nhớn” này, mà ở cả các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới.
Ở các nước tiên tiến, việc thi tốt nghiệp là để đánh giá tổng hợp quá trình học tập ở phổ thông, cùng với các kết quả học tập và rèn luyện trong quá trình học tập để làm cơ sở ghi danh vào các trường đại học.
Còn ở xứ An-nam, bằng tốt nghiệp THPT loại gì không quan trọng, mà quan trọng là có thi đậu đại học không. Chính vì thế, việc bỏ hay không bỏ kỳ thi này, chẳng thay đổi được bản chất về nền giáo dục nếu chưa có một doanh nghiệp nào đăng tuyển lao động phổ thông mà có yêu cầu: “Tốt nghiệp THPT đạt loại khá trở lên”.
Bản chất vấn đề là chỗ đó, ấy thế mà toàn GS, TS chém gió đến cả chục năm vẫn không ra. Thế nên, nền giáo dục xứ An-nam như cỗ xe hỏng phanh đang lao ầm ầm xuống vực cũng không có gì là lạ (Các bạn sẽ thắc mắc tại sao lại nói không rõ ràng như thế, xin thưa đây là chủ đề mà Br đã và đang viết báo, nên cất chút nguyên liệu để dùng dần vậy).
Từ bản chất đó, thì thấy rõ nguyên nhân lại là lỗi hệ thống trong ngành giáo dục. Ấy thế mà những người làm lãnh đạo, quản lý giáo dục, những chuyên gia giáo dục,… trực tiếp hay gián tiếp xây dựng chiến lược, chính sách giáo dục quốc gia với đầy đủ học hàm học vị, năm nào cũng hội nghị hội thảo, năm nào cũng hô hào cải cách… lại quên.
Nelson Mandela có một câu nói nổi tiếng: “Education is the most powerful weapon you can use to change the world”.
Xứ An-nam, đến giáo dục còn lỗi hệ thống, còn mong thay đổi được điều gì!!!

4. Cũng liên quan đến giáo dục, trong kỳ thi đại học vừa qua, em Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa đại học Y Hà Nội với số điểm 29,5 cũng đồng thời có giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2013. Điều này đồng nghĩa với việc em Tiến sẽ phải tạm dừng việc nhập học đại học để thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định trong Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT.
Việc phải tạm dừng nhập học để nhập ngũ là trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân mà em Tiến phải tuân thủ. Không riêng gì xứ An-nam này, bất cứ công dân quốc gia nào cũng phải như vậy. Tuy nhiên, với thành tích là thủ khoa một trường đại học lớn, việc cơ quan thẩm quyền cho phép em Tiến tạm hoãn nhập ngũ để đi học cũng là chuyện hợp lý. Những điều này không có gì phải nói.
Điều bài viết này muốn đề cập là phát biểu của một Giáo sư rất “khả kính” trong mắt phần lớn cần lao xứ An-nam. GS này phát biểu là em Tiến cần tạm gác bút nghiên để nhập ngũ và nói: “Thời tôi còn trẻ, nhiều bạn bè tôi đang ngồi trên ghế nhà trường đã xếp bút nghiên xung phong ra trận. Nhiều người đã không trở về. Nhưng rất nhiều người trở về, tiếp tục học và học giỏi, nay đều thành đạt”.
Đây là một kiểu đánh tráo mục tiêu rất thịnh hành của xứ An-nam, những kẻ đánh tráo mục tiêu trong câu nói không phải nói cho những người họ muốn nói, mà muốn đánh tráo để vơ vào mình, một kiểu đánh tráo rất… thiếu nhân cách.
Nếu ông GS này đã từng là người lính, thì sẽ nói “Thời tôi còn trẻ, tôi đã xếp bút nghiên xung phong ra trận”. Còn không, đáng ra phải nói: “Thời chiến tranh, rất nhiều học sinh thi đỗ đại học, các sinh viên ở các trường đại học đã xếp bút nghiên xung phong ra trận” chứ không phải là “Thời tôi còn trẻ, nhiều bạn bè tôi…” như câu nói của ông GS trên.
Bi kịch của xứ An-nam gần 70 năm qua là quà không dành cho cần lao đồng bào, và hàng chục nghìn thanh niên khỏe mạnh cho dù chẳng đậu trường đại học cao đẳng nào, vẫn chẳng bao giờ phải đi nghĩa vụ quân sự. Bởi vì, họ có những ông bố, bà mẹ luôn ra rả rằng đã có “bạn bè tôi” nhập ngũ.
Sự thiếu công bằng cho dù không lớn này, nhưng lại tạo ra bởi những kẻ có chức, có quyền trong hệ thống quản lý. Và cho dù không lớn, nhưng đáng phải lên án, vì thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng của công dân đối với tổ quốc, với dân tộc.
Việc tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ.


5. Những trận mưa từ ảnh hưởng của cơn bão số 6, cần lao thủ đô nghìn năm vật lộn lại hát bài “Hà Nội mùa này, phố cũng như sông”. Sẽ không có điều gì đáng nói, vì chuyện này “rất… bình thường” trong những mùa mưa ở Hà Nội, nếu không có việc nước tràn qua đê sông Nhuệ.
Thiếu tư duy trong quy hoạch thủ đô, các nhóm lợi ích chia xé những khu vực đất đắt hơn vàng,… dẫn đến một Hà Nội có quy hoạch lộn xộn nhất trong các thủ đô trên thế giới.
Trước đây, khi Hà Nội chưa mở rộng và dân số còn ít. Hệ thống thoát nước được xây dựng từ thời Pháp được đổ ra 4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Hơn 100 năm, dĩ nhiên hệ thống này không đảm bảo thoát nước với sự gia tăng dân số và mở rộng đô thị.
Các dự án xây dựng hệ thống thoát nước mới và cải tạo hệ thống thoát nước cũ hầu như không ăn khớp với sự phát triển ngày một nhanh của đô thị, vẫn vì một nguyên nhân chủ yếu là “quy hoạch thiếu đồng bộ”. Bên cạnh đó, việc thất thoát của các dự án đã khiến chất lượng các công trình không những được cải tạo, mà ngày một xuống cấp.
Khi sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, các khu vực vùng ven trở thành nội đô, và 4 con sông nói trên không còn đóng vai trò chứa nước nữa, mà chỉ đóng vai trò kênh tiêu. Chính vì thế, khi bị ngập lụt bắt buộc phải bơm nước ra sông Hồng và sông Nhuệ. Vì lượng nước quá lớn, nên sông Nhuệ cũng không có khả năng chứa, và đã xảy ra hiện tượng tràn nước qua đê.
Điều gì sẽ xảy ra nếu đê bị vỡ, nguyên nhân là do thiên tai hay là tại con người? Câu hỏi này chắc chắn ai cũng biết, nhưng rõ ràng các cơ quan chức năng sẽ né tránh thừa nhận. Và nếu xảy ra sự cố, ngoài nguyên nhân do thiên tai thì người ta lại tiếp tục đổ lỗi cho cơ chế, do chính sách.
Cơ chế, chính sách do con người tạo ra, và vận hành nó.


6. Kể từ khi chế độ phong kiến sụp đổ, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình khai trương nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay. Theo các nhà chiêm tinh, cứ 10 năm (±1) một lần, xứ An-nam lại có một sự thay đổi lớn.
Còn 2 năm nữa, chắc chắn sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ. Cũng chắc chắn rằng, với sự bạc nhược của cần lao đồng bào xứ An-nam, sẽ không có một sự chuyển biến về chính trị, chỉ có những thay đổi lớn theo hướng tích cực từ việc điều chỉnh hệ thống theo hướng cải cách và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, với lỗi hệ thống trầm trọng hiện nay. Cơ hội để cần lao đồng bào hưởng trọn vẹn cả 3 vấn đề “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” vẫn còn quá xa xỉ. Bởi vì, sự thay đổi bản chất xã hội không phải một sớm một chiều, cũng như cần lao đồng bào khó thích ứng với xã hội văn minh theo kiểu “khổ quen rồi, sướng không chịu được”.
Lịch sử bốn nghìn năm, dân tộc này vẫn tự đọa đày mình như thế!

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!