Tuesday, October 1, 2013

Chôn hóa chất độc: Sao chưa khởi tố?


Tuần Việt Nam: Cần phải có xét nghiệm với những người nghi ngờ bị ảnh hưởng của độc chất để xác định xem có đúng là họ bị nhiễm độc bởi các loại độc chất mà Nicotex Thanh Thái thải ra môi trường hay không.

Chiều 23/9, UBND tỉnh Thanh Hóa họp báo thông báo về việc chỉ đạo, giải quyết của những vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái.
Sau khi vụ việc Nicotex Thanh Thái chôn các chất độc hại vào môi trường đựa đưa ra công luận, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, xác định những vi phạm của công ty này.
Ngày 18/9/2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3253/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Nicotex Thanh Thái với 10 hành vi vi phạm (trong đó có 9 hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường) và tổng mức phạt là 421.150.000 đồng.
Ngày 19/9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 7479/UBND-NN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái.
Trong cuộc họp báo, đại diện UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã trả lời những thắc mắc của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu của công luận.

Công tác điều tra chưa đầy đủ
Theo Quyết định số 3253/QĐ-XPHC, Nicotex Thanh Thái đã có 9 vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những vi phạm này được xác định trên cơ sở công tác bảo vệ môi trường của công ty trong thời gian qua. Đây chỉ là những nội dung thanh kiểm tra thuần túy về hành chính, chưa phải là công tác điều tra.
Theo thông báo trong cuộc họp báo, kết quả điều tra cho thấy, công ty này đã chôn lấp chất độc hại tại 10 vị trí trong khuôn viên công ty từ năm 2001. Trong đó mới xác định được thời gian chôn lấp của 06 vị trí, còn 04 vị trí vẫn chưa có căn cứ để xác định cụ thể.
Theo kết quả phân tích mẫu chất thải được nêu trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các mẫu chất thải đều chứa các chất độc cấu thành sản phẩm thuốc trừ sâu thuộc nhóm độc II và III như: Cypermethrin, Dichlorvos, Fenobucarb, Isoprothiolane, Butachlor, Isoprocard, Dimethoat, Fenobucar. Ngoài các chỉ tiêu không có trong QCVN 15:2008/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất), các chỉ tiêu còn lại đều vượt quá quy chuẩn này nhiều lần. Thậm chí, chỉ tiêu Cypermethrin vượt quy chuẩn cho phép tới 9.276 lần.
Có thể thấy rằng, trước khi ra quyết định xử phạt Nicotex Thanh Thái, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa chưa thực hiện điều tra đầy đủ mức độ, quy mô gây ô nhiễm của các chất độc hại đã bị công ty này chôn trong đất.
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chưa tiến hành điều tra, đánh giá, phân tích độc chất trong môi trường lấy mẫu đất, nước mặt, nước ngầm một cách toàn diện và đầy đủ theo khoảng cách từ các điểm chôn lấp để xác định phạm vi và mức độ ô nhiễm. Và để đảm bảo tính khách quan, nội dung này nên thuê khoán một đơn vị độc lập có chuyên môn cao thực hiện.
Mặc dù UBND tỉnh đã cử đoàn công tác do Sở Y tế chủ trì lên vùng ô nhiễm khám bệnh cho người dân sống xung quanh nhà máy. Tuy nhiên việc này là chưa đủ, cần thiết phải có những xét nghiệm đối với những người nghi ngờ bị ảnh hưởng của độc chất để xác định xem có đúng là họ bị nhiễm độc bởi các loại độc chất mà Nicotex Thanh Thái thải ra môi trường hay không.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã khẳng định Nicotex Thanh Thái là “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” (căn cứ Khoản 1, Điều 9, Thông tư 04/2012/TT-BTNMT).
Rõ ràng, những nội dung xử phạt tại Quyết định số 3253/QĐ-XPHC chưa thể hiện được tính chất gây ô nhiễm nghiêm trọng của Nicotex Thanh Thái. Đồng thời những vấn đề quan trọng lại chưa được làm rõ như đã nêu ở trên cho thấy, công tác điều tra chưa được thực hiện đầy đủ cho đến thời điểm UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.

Vì sao chưa đủ căn cứ khởi tố?
9 sai phạm của Nicotex Thanh Thái đều được xác định theo những lỗi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là những vi phạm được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, và chưa đủ cơ sở để truy tố trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Để xác định có hay không việc khởi tố các cá nhân và tập thể của Nicotex Thanh Thái theo Bộ luật Hình sự, cần thiết phải xác định rõ mức độ nghiêm trọng của hành vi chôn chất độc hại vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, đất, nước quy định tại Điều 182, Điều 183 và Điều 184 của Bộ luật Hình sự.
Để xác định được vấn đề này, cần thiết phải điều tra làm rõ mức độ nghiêm trọng của hành vi gây ô nhiễm thông qua việc đánh giá mức độ, quy mô tác động của độc chất đến môi trường đất, nước, không khí và những tác động đến sức khỏe người dân khi tiếp xúc với các độc chất này như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan có thẩm quyền chưa làm rõ vì lý do “chưa đủ thiết bị và chuyên môn để đánh giá hết được mức độ ô nhiễm môi trường do Nicotex gây ra” như trả lời báo chí trong cuộc họp báo của ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa (Báo Dân Việt, ngày 24/9/2013) thì chắc chắn rằng, sẽ không đủ căn cứ để khởi tố các cá nhân và tập thể của Nicotex Thanh Thái theo Bộ luật Hình sự.
Việc UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Nicotex Thanh Thái lập phương án xử lý và ký kết hợp đồng với đơn vị xử lý các chất độc hại trong vòng 30 ngày (Khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 3253/QĐ-XPHC), khi mà chưa xác định được mức độ và quy mô gây ô nhiễm của độc chất, có thể đã vô hình trung đã giúp công ty này xóa đi chứng cớ hiện trường để xác định mức độ vi phạm. Và những người làm chuyên môn đều biết rõ, đối với nguồn thải này, không phải ngày một ngày hai là có thể xử lý và làm sạch đối với môi trường.
Câu hỏi dư luận muốn đặt ra là tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa không mời các cơ quan nghiên cứu có chuyên môn cao, có đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại để xác định mức độ và quy mô ô nhiễm? Cũng như không mời các chuyên gia y tế xét nghiệm có hay không việc nhiễm độc của người dân, để làm căn cứ cho việc có thể khởi tố vụ việc hay không?
Đồng thời, cũng phải đặt ra câu hỏi, đến bao giờ UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng mới xác định đầy đủ các căn cứ để thông báo cho công luận có hay không việc khởi tố vụ việc?

Lời kết
Đã gần 40 năm sau chiến tranh, nhưng những hậu quả của chất độc khai quang do quân đội Mỹ sử dụng vẫn còn đó. Những di chứng của chất độc màu da cam này đã để lại những hậu quả nặng nề đối với người dân Việt Nam bị nhiễm độc.
Vậy mà, một doanh nghiệp của người Việt, lại nhẫn tâm chôn các chất độc hại nguy hiểm xuống đất, đang tâm đầu độc đồng bào của mình. Rõ ràng, đây là một tội ác không thể dung thứ, cho dù bất cứ lý do gì.
Có thể theo thời gian, các độc chất này sẽ được làm sạch. Nhưng những di chứng của độc chất đối với sức khỏe và những thiệt hại về tinh thần của người dân đến bao giờ mới được khắc phục?
Và những người dân đã và đang chịu ảnh hưởng của các chất độc hại do Nicotex Thanh Thái thải vào môi trường, họ sẽ chờ đến bao giờ?

Tác giả: Trịnh Xuân Báu

---------------------
Bài báo cùng chủ đề:
Không để xảy ra hành vi người dân 'tự phát'
Vụ chôn hóa chất độc hại: Bỏ sót 10 sai phạm?
Nicotex Thanh Thái - Những sai phạm cần làm rõ
Chôn hóa chất độc: Bao che hay buông lỏng quản lý?

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!