Thursday, October 3, 2013

Vì sao dân tự xử


Tuần Việt Nam: Không những người dân đã khi quá đà sẽ trở thành tội phạm, mà còn gây ra tiền lệ xấu đối nếu người dân áp dụng hành xử với các tệ nạn xã hội khác.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/9, khi thảo luận về tình hình an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, cụm từ “tự xử” của người dân được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Vấn đề không chỉ còn là sự manh động bột phát của một cá nhân, mà là sự bùng phát có tổ chức của một tập thể người dân đối với những hành vi vi phạm của cá nhân hoặc tổ chức khác. Mặc dù việc “tự xử” của họ là do sự bức xúc bị dồn nén từ lâu mà chưa được chính quyền giải quyết triệt để, nhưng rõ ràng những hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Tại sao người dân biết họ có thể vi phạm mà vẫn manh động như vậy? Có hay không việc thờ ơ của chính quyền? hay không đủ các chế tài xử lý các hành vi vi phạm đó? Bài viết sẽ phân tích một số khía cạnh để trả lời câu hỏi trên đối với những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Từ những vụ việc người dân hành xử tập thể
Tại Hải Phòng, hàng trăm người dân thuộc hai xã Lại Xuân và Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) đã bao vây nhà máy đất đèn của Liên hiệp Hợp tác xã Cường Thịnh, yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động sản xuất đất đèn vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Báo Hải Phòng, ngày 17/09/2013).
Tại Khánh Hòa, những người dân thôn Đắc Lộc (phường Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) tụ tập nhiều ngày trước cổng Nhà máy tách cọng thuốc lá (công ty Nguyên liệu thuốc lá Khatoco) yêu cầu ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường (Báo Dân trí, ngày 14/09/2013).
Tại Hải Dương, người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân (huyện Kinh Môn) đã dựng lều bạt, phá đường, tạo chướng ngại vật,… ngăn cản sự hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm thuộc công ty TNHH Trường Khánh (Báo VTC New, ngày 15/07/2013).
Trước đó tại Quảng Nam, hàng trăm người dân xã Điện Nam Đông (huyện Điện Bàn) đã dựng hàng rào, lập lán trại phong tỏa mọi ngả đường vào nhà máy của Công ty TNHH Thép Việt Pháp vì nhà máy này gây ô nhiễm môi trường (Báo Đại Đoàn kết, ngày 01/10/2012).
Tại Nghệ An, mâu thuẫn xảy ra giữa những người dân tại xóm 1, xã Nghi Kim (TP. Vinh) với cơ sở sản xuất nhựa tái chế của anh Phạm Văn Hữu với lý do cơ sở này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hậu quả là nhà xưởng của cơ sở bị đốt cháy, một công an viên bị đâm trọng thương (Báo Công an Nghệ An, ngày 23-03-2010).
Và gần đây nhất tại Thanh Hóa, hàng trăm người dân xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) đã tập trung bao vây chặn xe chở hóa chất của công ty CP Nicotex Thanh Thái, tràn vào khuôn viên công ty tìm chứng cớ chôn thuốc bảo vệ thực vật quá hạn và lập lán trại canh giữ hiện trường.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc mà người viết điểm lại, còn trong thực tế, ở đâu có nhà máy gây ô nhiễm, ở đó có mâu thuẫn với dân và có những vụ hành xử tập thể như các ví dụ trên.

Đi tìm nguyên nhân
Các sự việc xảy ra sẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều xuất phát từ việc các cơ sở sản xuất cố tình gây ô nhiễm môi trường và xem thường pháp luật. Bài viết này sẽ phân tích ở bốn nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc tự phát hành xử tập thể của người dân đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
(1). Doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm: Trong hoạt động sản xuất nói chung, việc phát sinh chất thải và gây ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Mức độ gây ô nhiễm tùy thuộc vào loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất và phương thức quản lý.
Để giảm thiểu ô nhiễm phát sinh, doanh nghiệp cần đầu tư một khoản kinh phí lớn. Những chi phí đầu tư ban đầu như thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, thay đổi nguyên nhiên liệu theo hướng giảm thiểu chất thải phát sinh, đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay đề án bảo vệ môi trường,… Những chi phí hàng năm như giám sát môi trường định kỳ, chi phí quản lý môi trường, chi phí vận hành các công trình xử lý môi trường, chi phí thu gom và xử lý chất thải,…
Như vậy, có thể thấy để đảm bảo các vấn đề môi trường theo luật định, doanh nghiệp cần phải bỏ ra một lượng chi phí không nhỏ. Và các chi phí này phải được đưa vào trong quá trình hạch toán kinh doanh, và đẩy giá thành sản phẩm sản xuất lên cao.
Thế nên, khi các chế tài xử phạt hành vi gây ô nhiễm chưa đủ mức răn đe, các doanh nghiệp thường né tránh công tác bảo vệ môi trường, tìm mọi cách xả trộm chất thải ra môi trường mà không qua xử lý.
Các chất ô nhiễm trong quá trình sản xuất có độc tính cao, bền vững trong môi trường. Nên khi thải ra sẽ được tích tụ lâu dài trong môi trường đất, nước hoặc phát tán với nồng độ cao (đối với khí thải), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Và dĩ nhiên, sự ô nhiễm này sẽ tác động đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh khu vực nhà máy. Khi những tố cáo, khiếu kiện của người dân không được chính quyền giải quyết triệt để, và doanh nghiệp vẫn cố tình xả thải sẽ dẫn đến sự bức xúc và hành xử tập thể.
(2). Có sự dung túng, bao che: Một tình trạng không phải là hiếm hiện nay là có một bộ phận những người thi hành công vụ cố tình bao che, dung túng cho các hành vi xả thải gây ô nhiễm.
Với lợi nhuận lớn từ việc bỏ qua công tác quản lý, xử lý môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã có hành vi hối lộ một bộ phận những người thi hành công vụ để lấp liếm việc gây ô nhiễm môi trường, làm sai các kết quả giám sát môi trường, xử lý không thỏa đáng các khiếu nại, tố cáo của dân.
Những sự vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị phanh phui trong thời gian qua đều dính dáng đến các quan chức, cán bộ quản lý môi trường có những hành vi dung túng, bao che cho việc gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp.
Khi những yêu cầu của người dân không được đáp ứng, vấn nạn môi trường vẫn diễn ra hàng ngày, đe dọa sức khỏe và cuộc sống của người dân, thì tất yếu sẽ dẫn đến việc người dân sẽ có các hành động tự phát mang tính tập thể để chống lại hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp.
(3). Năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế: Kể từ khi Bộ Tài nguyên và môi trường được thành lập (năm 2002) đến nay, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực trong công tác quản lý môi trường nói chung được hoàn thiện và tăng cường đáng kể.
Từ một Cục thuộc Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường, đến nay lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường đã có Tổng cục Môi trường với nhiều Cục, Vụ, Viện, Trung tâm chức năng. Tại các tỉnh thành trong cả nước đã thành lập các Chi cục quản lý môi trường. Đối với cấp quận, huyện cũng đã có Phòng tài nguyên và môi trường, trong đó có biên chế một bộ phận quản lý môi trường.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã có các đơn vị trực thuộc chuyên trách công tác bảo vệ môi trường. Bộ Công an đã thành lập lực lượng phòng chống tội phạm môi trường, góp phần ngăn ngừa, hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên ở cấp độ địa phương, ngoài một số thành phố lớn và các tỉnh phát triển về công nghiệp có đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực chuyên môn, cũng như được đầu tư đủ trang thiết bị đáp ứng công tác quản lý môi trường. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước còn lại vẫn chưa đáp ứng được, kể cả về nhân lực lẫn trang thiết bị phục vụ công tác quản lý.
Phần lớn nhân lực quản lý môi trường tại các địa phương này không phải xuất phát từ chuyên môn môi trường, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo. Vì vậy năng lực chuyên môn còn rất nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các trang thiết bị đầu tư phục vụ công tác quản lý môi trường rất ít và thiếu đồng bộ. Đồng thời có sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến môi trường như quản lý tài nguyên nước, quản lý khai thác khoáng sản, quản lý đất đai.
Vì vậy, khi tiếp nhận sự khiếu kiện của người dân đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa đánh giá được đầy đủ mức độ ô nhiễm thực tế, lúng túng trong công tác giải quyết, xử lý. Thậm chí còn cho rằng đã là doanh nghiệp thì phải có chất thải, và cho rằng sự việc không nghiêm trọng.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp ỷ lại và lách luật, tìm mọi cách xả chất thải ra môi trường khiến người dân bức xúc và dẫn đến hành động xử lý tự phát như vụ việc Nicotex Thanh Thái xảy ra trong thời gian qua tại Thanh Hóa.
(4). Chưa đủ chế tài xử phạt: Từ khi Nghị định 117/2009/NĐ-CP (ngày 31/12/2009) được ban hành thay thế Nghị định 81/2006/NĐ-CP (ngày 09/8/2006), các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được đề cập rõ ràng hơn, mức độ xử phạt cũng nặng hơn.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các chế tài xử phạt trong Nghị định 117/2009/NĐ-CP vẫn còn thiếu, vẫn tạo ra kẻ hở cho doanh nghiệp né tránh, và mức độ xử phạt chưa có tính răn đe.
Cụ thể về mức phạt, trong Mục 2 về thẩm quyền, thủ tục xử phạt, nêu rõ: Đối với cấp xã/phường chỉ được phạt tiền đến 2 triệu đồng; Cấp quận/huyện chỉ được phạt tiền đến 30 triệu đồng; Cấp tỉnh/thành phố chỉ được phạt tiền đến 500 triệu đồng (Điều 40).
Đối với Công an nhân dân, chiến sỹ Cảnh sát môi trường chỉ được phạt đến 200 nghìn đồng; Trưởng công an cấp xã/phường chỉ được phạt đến 2 triệu đồng; Trưởng phòng cảnh sát môi trường/ Trưởng công an quận huyện chỉ được phạt đến 10 triệu đồng; Cục trưởng Cục cảnh sát môi trường chỉ được phạt đến 500 triệu đồng (Điều 41).
Đối với thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên chỉ được phạt đến 500 nghìn đồng; Chánh thanh tra Sở chỉ được phạt đến 30 triệu đồng; Chánh thanh tra Tổng cục môi trường chỉ được phạt đến 300 triệu đồng; Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ được phạt đến 500 triệu đồng.
Rõ ràng đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn, có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng thì kể cả hình thức phạt tối đa đến 500 triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận thu được từ việc không xử lý chất thải. Do đó, việc các doanh nghiệp cố tình vi phạm là điều không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, việc tước quyền sử dụng giấy phép lại chỉ được áp dụng ở mức ngang cấp và phải tuân thủ điều 59 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Chẳng hạn cấp huyện không thể tước quyền sử dụng giấy phép đối với giấy phép do tỉnh cấp.
Điều này dẫn đến chính quyền và các cơ quan chức năng cấp quận/huyện trở xuống rất khó thanh kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm, vì hầu hết doanh nghiệp được cấp giấy phép ở cấp tỉnh/thành phố, trong khi doanh nghiệp lại đóng trên địa và và chịu sự quản lý hành chính của cấp quận/huyện.
Việc tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời hoặc cấm hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm chỉ được thực hiện khi xác định cơ sở đó nằm trong “Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” (Điểm a, Khoản 1, Điều 48).
Thế nhưng việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lại phụ thuộc vào kết quả thanh kiểm tra. Thế nên, mỗi khi có đoàn thanh kiểm tra, các doanh nghiệp sẽ thực hiện công tác bảo vệ môi trường nghiêm chỉnh để đối phó, sau khi kiểm tra xong lại đâu vào đấy. Mà lực lượng thanh tra thì mỏng, tần suất thanh tra ít nên việc thanh kiểm tra theo đơn tố cáo thường bị kéo dài và khó bắt được quả tang các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Chính chế tài xử phạt chưa đủ để răn đe, cũng như việc đình chỉ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gây ô nhiễm gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp xem thường pháp luật và có các hành vi xả chất thải ra môi trường.
Và hệ quả của việc gây ô nhiễm môi trường đó dẫn đến người dân bị chịu ảnh hưởng bức xúc và dẫn đến các hành động xử lý tự phát như đã nêu ở trên.

Lời kết
Việc người dân tự phát hành xử tập thể trước các vấn đề ô nhiễm môi trường rất đáng báo động. Nó cho thấy những bức xúc của người dân về vấn nạn ô nhiễm không được chính quyền giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của họ.
Nhưng cũng cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, việc những người dân hành xử như vậy rất nguy hiểm cho xã hội. Không những người dân đã khi quá đà sẽ trở thành tội phạm, mà còn gây ra tiền lệ xấu đối nếu người dân áp dụng hành xử với các tệ nạn xã hội khác.
Cần phải có những chế tài đủ mạnh và chặt chẽ để nghiêm trị những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cũng cần có những biện pháp quản lý để không xảy ra hành vi tự phát của dân. Đồng thời phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường.
Có như vậy, mới tạo ra niềm tin cho nhân dân, đảm bảo ổn định của xã hội và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Tác giả: Trường Yên

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!