Saturday, June 15, 2013

Café sáng thứ 7 (#5): Niềm tin - tìm ở đâu?

1. Sân khấu nghị trường
Bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội trực tiếp bầu hoặc phê chuẩn, có 3 tiêu chí đánh giá: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhưng không có tiêu chí: Không tín nhiệm. Một cách đánh giá rất thiếu khoa học được áp dụng ở tầm Quốc hội Không hiểu tại sao Quốc hội không sử dụng biện pháp ấn nút biểu quyết cho từng chức danh trực tiếp tại nghị trường, mà phải bỏ phiếu. Một cách làm vừa lạc hậu, vừa mất thời gian và tốn kém.
Dù có hơn 15 giờ với đội ngũ 29 người LỚN kiểm phiếu, ấy thế mà vẫn có sai sót. Với khoảng 1.500 tờ phiếu, chỉ cần 5 nhóm học sinh cấp 2, mỗi nhóm 2 cháu (1 cháu đọc, 1 cháu đánh dấu vào bảng excel), chỉ sau 2 tiếng là ra kết quả chính xác đến phần tỷ tỷ.
Kết quả tín nhiệm rất hài hước, và những sự so sánh đều cho thấy rất phiến diện. Ví dụ chị Tiến y tế có mức tín nhiệm rất thấp, nhưng chị Mai giám sát chị Tiến lại có mức tín nhiệm rất cao; hay anh Luận giáo dục cũng tế có mức tín nhiệm rất thấp, nhưng anh Thi giám sát anh Luận lại có mức tín nhiệm cao; thậm chí Thủ tướng có mức tín nhiệm rất thấp nhưng Chủ tịch Quốc hội lại có tín nhiệm rất cao (tín nhiệm ở đây là đánh giá chung ở 3 mức tín nhiệm nêu trên).
Lấy phiểu, bỏ phiếu tín nhiệm để thiết lập lòng tin nhân dân. Với những vấn đề trên, liệu mấy ai tin?

2. Tất cả đều đúng hết
Trong 2 ngày, 4 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết 17 người, 1 Nhật, 16 Việt. Sự thương tâm càng lớn khi những người chết vì tai nạn là những giáo viên tiểu học vùng sâu vùng xa, tiết kiệm mỗi tháng 100.000 đồng trong 3 năm để có chuyến du lịch trên, hay TS Nishimura - một người có rất nhiều đóng góp với nền khảo cổ Việt. Phát biểu trên báo và truyền hình, anh Giao đăng kiểm bi bô “đăng kiểm nghiêm túc”, anh Hùng vận tải chém gió “chất lượng đường sá đạt yêu cầu”, thế là anh Thăng khẳng định “tất cả đều đúng hết”.
Đăng kiểm và chất lượng thi công đường bộ như thế nào thì dân tình đều biết rõ, người trong nghề đều biết rõ. Thế nhưng các anh lãnh đạo ở Bộ giao thông vẫn bi bô và chém gió như những người sạch sẽ, tâm huyết và có chuyên môn cao. Dĩ nhiên, tất cả đều đúng thì lỗi thuộc về tài xế. Các tài xế gây tai nạn, người chết, người sẽ đi tù. Còn các anh, lại tiếp tục bi bô và chém gió những điều mà người dân ai cũng biết nhưng các anh không biết hoặc cố tình không biết.
Chắc chắn rằng, dân tình sẽ không tin các anh. Còn các anh, có lúc nào ngồi nghĩ lại và thấy mình có lỗi với những người chết oan uổng vì tai nạn giao thông, cũng như những người đã và sẽ gánh chịu trách nhiệm cho các anh?
(Bonus thêm câu chuyện này, tài xế đưa Br đi công tác miền Tây kể: Hôm ở Đà Lạt, em ngủ cùng phòng với ông ấy (phòng tập thể ở các khách sạn cho các tài xế). Sáng hôm sau, xe ông ấy đi trước em một giờ. Có thể ông ấy xử lý tình huống hơn kém một chút, nhưng thực sự là người có tâm, vì khi xác định đâm vào đá là ông ấy biết mình sẽ chết nhưng sẽ có thêm nhiều người sống, nếu không tất cả xe đều chết).

3. Nhà vệ sinh 721 triệu
721 triệu để xây nhà vệ sinh khoảng 30 m2 (ở đây báo chí rất salon vì chỉ nói mỗi nhà vệ sinh, đi kèm còn có công trình cấp nước, xử lý nước cấp và bồn/bể chứa nước mái). Cho dù có tất cả các hạng mục trên, nhưng nếu làm nghiêm túc chỉ khoảng 150 triệu. Số tiền còn lại, có lẽ được sử dụng để dát vàng cái vòi xả nước toilet, vì chả ai tự nhận là có tham ô, tham nhũng trong việc này.
Thêm vào đó, sau khi bàn giao cho nhà trường đi vào sử dụng, chỉ một thời gian ngắn, các van vòi bị hư nên phải xách nước dội. Thậm chí, nhà vệ sinh nữ còn không có cửa che chắn.
Kinh phí để xây nhà vệ sinh từ 2 nguồn: Ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường của Bộ Giáo dục và đào tạo hàng năm và ngân sách của Chương trình Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (với tổng kinh phí cho chương trình là 27.600 tỷ đồng).
Những người trong nghề sẽ biết rất rõ cách chia miếng bánh để các cá nhân và cơ quan “có trách nhiệm” che mắt ký duyệt dự toán, nghiệm thu, quyết toán công trình. Câu nói của Năm Cam luôn luôn đúng ở xứ Việt hiện nay: “Cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.
Thế nhưng “Chủ tịch tỉnh giật mình và Giám đốc Sở kêu oan”, còn các quan chức liên quan đến hai chương trình trên thì “ngậm miệng ăn tiền”. Sự thật hiển nhiên ra đấy, ai sẽ tin những “giải trình” và những “oan ức” của quan chức?

4. Bác sỹ tại chức
Cháu bé 13 tuổi bị hiếp dâm có bầu hơn 4 tháng, bác sỹ khám 2 lần đều kết luận: “bị viêm đại tràng và viêm họng”, kèm theo một vốc thuốc kháng sinh bắt uống.
Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn, nơi xảy ra sự việc trên trả lời: “dù là bác sĩ nhưng học tại chức nên trình độ hạn chế” và do “thiếu bác sĩ nên buộc phải sử dụng người kém trình độ”.
Vẫn ông PGĐ này, dù chưa có xét nghiệm lâm sàng, nhưng tuyên bố: “các đơn thuốc trị viêm đại tràng, viêm họng … không ảnh hưởng gì đến thai nhi”.
Không biết chị Tiến y tế - người vừa đạt kết quả tín nhiệm thấp rất cao, có chơm chớp đôi mắt cá và chu đôi môi dày quét đầy son đỏ có tiếp tục phát biểu “đào tạo bác sỹ tại chức nên trình độ hạn chế” là lỗi của Bộ Giáo dục và “vì thiếu bác sỹ nên phải sử dụng người kém trình độ” là việc… của Nhà nước?
Lâu nay, vấn nạn phong bì bệnh viện đã trở thành quốc nạn, và những vấn đề chuyên môn trong khám và chữa bệnh như chẩn đoán nhầm - cắt thận, chẩn đoán nhầm - sản phụ tử vong do thuyên tắc ối, thiếu trách nhiệm - để bệnh nhân quỳ lạy kêu đau rồi tử vong, chẩn đoán viêm ruột thừa chậm - bệnh nhi tử vong , chẩn đoán nhầm sốt rét với xuất huyết - bệnh nhân tử vong,… ngày một nhiều và là nỗi khiếp sợ của những bệnh nhân và người thân bệnh nhân.
Mạng người ở xứ Việt, rẻ đến thế. Có còn niềm tin cho người dân đối với ngành y tế nước nhà?

5. Nhân dân còn buồn hơn
Bên lề nghị trường, anh Luận giáo dục nói “Tôi đang rất buồn” sau khi nhận kết quả tín nhiệm thấp rất cao và tín nhiệm cao rất thấp.
Tại thủ đô, xuất hiện clip vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT. Tại Thanh Hóa, công an đã bắt quả tang giáo viên phô tô bài giải toán trong kỳ thi. Một kỳ thi mà tới 99,9% thí sinh đậu tốt nghiệp mà vẫn còn tiêu cực thì chất lượng giảng dạy sẽ tồi tệ như thế nào?
Tại Phú Thọ lại xuất hiện clip về bạo lực học đường. Một nhóm học sinh Trường THCS Nông Trang đánh một bạn gái và bắt lột áo khiến người bị hành hung uất đến mức đập đầu bôm bốp vào tường (chắc ý định tự tử cho đỡ nhục).
Tại trường PTTH Kiến An, TP Hải Phòng, phóng viên phát hiện nhà trường thu tiền của học sinh, nhưng không tổ chức dạy, và học sinh vẫn… có điểm.
Nóng ở các thành phố lớn khi chạy trường chạy lớp cho con vào lớp 1 và thi vào lớp 10. Báo chí đưa tin, một suất vào lớp 1 trường công lập có giá từ 1.000 đến 2.000 đô la Mỹ.
Báo chí phát hiện hàng loại các trường học xây những nhà vệ sinh 30m2 với kinh phí 600-700 triệu đồng như đã nêu trên. Những đồng tiền đóng góp vào ngân sách nhà nước từ mồ hôi và nước mắt của cần lao đồng bào, sẽ rơi vào túi những ai?
Vẫn còn đó những người giáo viên lương không đủ sống, một buổi đi dạy, một buổi đi làm ruộng hoặc nuôi lợn. Thậm chí muốn đi du lịch, phải tiết kiệm mỗi tháng 100.000 đồng trong 3 năm như những thầy cô giáo trong vụ tai nạn nêu trên.
Những vấn nạn trong ngành giáo dục nêu trên, anh Luận được Quốc hội tín nhiệm thấp là điều hiển nhiên, có gì đâu mà phải buồn. Anh buồn vì bị Quốc hội tín nhiệm thấp một (buồn vì sĩ diện), nhân dân buồn vì ngành giáo dục mà anh là tư lệnh mười. Và có còn niềm tin của nhân dân vào sự nền giáo dục nước nhà?

6. Mù và điếc
Ông Phạm Ngọc Dũng, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, báo cáo của TP. Hải Phòng khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại Đồ Sơn. Ông nói: “Vừa rồi, chúng tôi có làm việc với TP Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định là không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn”.
Đồ Sơn, một bãi biển gắn liền với hoạt động mại dâm ở thành phố cảng đã tồn tại hơn 3 thập kỷ, rất chuyên nghiệp và ổn định đến mức trở thành thương hiệu. Đã từ rất lâu, những bài bút tre về Đồ Sơn với câu mở đầu “Chưa đi chưa biết Đồ Sơn” đã khiến rất nhiều những ông chồng phởn chí mỗi lần ghé vùng đất này công tác, đồng thời cũng đã khiến rất nhiều các bà vợ nghi ngờ, lo lắng, giận hờn mỗi khi có chồng đi công tác ở vùng này.
Ấy thế mà chính quyền các cấp ở Hải Phòng lại khẳng định là không có hoạt động mại dâm. Điều này chỉ xảy ra 2 trường hợp: Một là toàn bộ lãnh đạo các cấp ở Hải Phòng mù và điếc, hai là họ nói dối.
Tất nhiên, nhìn những ông quan bụng phệ má híp, mắt sáng như sao và tay nhanh như chớp khi sờ đùi sờ vú tiếp viên không mù cũng không điếc. Và chắc chắn là họ nói dối Trung ương.
Sự gian dối của chính quyền các cấp của TP. Hải Phòng về một điều mà người dân cả nước ai cũng biết, và không riêng gì Hải Phòng, tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều có những việc tương tự đã là chuyện “thường ngày ở phố huyện” rồi.
Đến Trung ương họ còn gian dối thì nhân dân có thể tin tưởng vào họ được không?

7. Niềm tin ở xứ Việt ta - tìm ở đâu? 





© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!