Saturday, August 24, 2013

Café sáng thứ 7 (#13): “Lệ” quan và “nhân cách còm” Bộ trưởng


1. Sau khi báo chí “nhảy ngược” lên về Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) cấm hành vi "quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ".
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tuýt còi và chỉ ra những dấu hiệu trái luật trong văn bản trên. Nhiều quan chức của cơ quan lập pháp cũng cho rằng C67 tự đặt ra “lệ” riêng của mình ngoài “luật”.
Có lẽ, nuốt không trôi miếng bánh này nên C67 đành phải nhả ra, cụ thể là C67 đã phải ra công văn số 2315/C67-P6 ban hành ngày 23/8 “hủy bỏ nội dung tại điểm 2 của công văn 1042”.
Lại một lần nữa, các văn bản dưới Luật được ban hành rồi lại sửa đổi, hủy bỏ chả khác hành vi của trẻ em lớp mẫu giáo. Người viết đã từng nói về vấn đề này là “Chính sách quan, trôn trẻ”, và câu này có lẽ không bao giờ lạc hậu trong xứ An-nam mông muội về luật pháp này.
Việc đúng sai đã rõ, vấn đề đặt ra là tại sao C67 - những người am hiểu luật pháp và sử dụng luật pháp làm công cụ để thi hành nhiệm vụ lại ra một “lệ” trái “luật”? Có phải C67 không hiểu biết luật và ban hành văn bản bừa?
Theo người viết, C67 không những không biết, mà còn biết rất rõ. Sự cãi chày cãi cối của ông Cục phó C67 - người ký ban hành văn bản và sự chặt chẽ về nội dung của văn bản như lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phân tích cho thấy đây là sự cố ý có chủ đích. Phải chăng, họ vẫn cố tình đặt “lệ” trong văn bản chỉ vì liên quan đến… “lợi ích nhóm”?
Lâu nay, việc tham nhũng và hạch sách để tham nhũng của cảnh sát giao thông (CSGT) không chỉ làm nhức nhối xã hội mà còn là một “quốc nạn”, làm suy thoái đạo đức xã hội, làm đảo ngược những chân giá trị của cuộc sống, và những kẻ sử dụng luật làm phương tiện thi hành nhiệm vụ này “ngồi xổm” trên pháp luật để thi hành luật.
Dân tình chắc cũng chưa quên việc công an Hà Nội giao chỉ tiêu CSGT phải thu 500 tỷ đồng tiền phạt vi phạm giao thông. Và dân tình cũng đồn thổi không ít “giá” chạy một chức vụ trưởng phòng, đội trưởng, thậm chí là vị trí đứng tuần tra của CSGT. Những “mức giá” mà cần lao đồng bào “vừa nghe đã ngất” vì nó… quá lớn.
Có lẽ, việc báo chí và dân tình gần đây đã hiểu biết luật hơn, có những “hành vi” quay phim chụp ảnh để tố cáo hành vi nhũng nhiễu, hạch sách để nhận hối lộ của người tham gia giao thông bị vi phạm, thậm chí “không vi phạm” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “vựa cơm” của CSGT. Và tất yếu, để không ảnh hưởng đến “vựa cơm” của mình, việc C67 ra “lệ” riêng nhằm cứu vãn mức “thu nhập cá nhân” ngày càng ít đi, cho dù mức phạt vi phạm đã tăng lên rất nhiều lần và tỷ lệ được hưởng lên đến 70% số tiền thu phạt vi phạm giao thông.
Những người thi hành luật mà “ngồi xổm” trên luật một cách hợp pháp, điều này chắc chỉ có ở xứ An-nam. Và câu nói “phép vua thua lệ làng” chưa bao giờ cũ.


2. Cũng là cái “lệ” của công an xứ An-nam, một cái lệ phi nhân tính và vi luật, là những nghi can về một tội nào đó, đặc biệt là các tội liên quan đến hình sự là bị quy chụp, đe dọa và… có thể bị đánh.
Những câu nói trong phim ảnh của các nước tư bản giãy chết về một đối tượng bị nghi vấn phạm tội với công an rằng: “Đề nghị cho tôi gặp luật sư” không bao giờ tồn tại ở xứ An-nam. Và việc đe dọa, thậm chí đánh đập nghi can để lấy cung không phải là điều gì mới mẻ.
Thế nên mới có chuyện đau lòng xảy ra, một học sinh lớp 10 ở xã Đam B’ri (Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị nghi lấy trộm 5 triệu đồng đã treo cổ tự tử để chứng minh mình trong sạch.
Và dĩ nhiên, những người liên quan sẽ phủ định lại những gì mà họ làm dẫn đến em học sinh có hành động dại dột như thế. Cơ quan có chức năng lại sử dụng bài “sẽ điều tra làm rõ”. Mặc dù, em này chưa đến tuổi có quyền công dân và những việc điều tra, xét hỏi phải có người giám hộ.
Chỉ vì 5 triệu mà mất đi một mạng người, rẻ rúng đến thế ư???


3. Liên quan đến vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm máu” tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Lại là cái “lệ” của quan khi làm cho có hình thức. Những người tố cáo được nhận bằng khen kèm theo 320.000 đồng tiền thưởng. Một mức thưởng rất phản cảm mà dư luận bàn tán lâu nay.
Giải thích vấn đề trên, Sở Y tế Hà Nội vận dụng một “rừng” văn bản luật và dưới luật để khẳng định mức thưởng của họ là phù hợp. Tất nhiên, với biên độ dao động của văn bản luật và dưới luật ở xứ An-nam, họ có cơ sở để áp dụng.
Nếu vận dụng một cách hợp lý, những người này có thể nhận tiền thưởng tương đương với 1 tháng lương cơ bản của họ. Thế nhưng, Sở Y tế Hà Nội không làm thế. Có phải, họ miễn cưỡng phải khen thưởng mặc dù các lãnh đạo cao cấp nhất của xứ An-nam đang “mạnh tay” trong công tác phòng chống tham nhũng và đã có chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc này.
Báo Lao động đã tổ chức gặp mặt những người tố cáo tiêu cực, và kèm theo sự hỗ trợ khen thưởng riêng của báo là 2.000.000 đồng/người. Một độc giả dấu tên của báo gửi tặng mỗi người 01 chỉ vàng (tương đương 3.800.000 đồng). Mới thấy, sự khen thưởng của Sở Y tế Hà Nội thật sự là phản cảm.
Vậy tại sao Sở Y tế lại làm như thế? Trả lời câu hỏi này chắc chắn không ngoài cái “lệ” mà họ có quyền áp đặt lên những người lao động thuộc quyền quản lý của họ. Cũng không ngoài việc họ bắt buộc phải làm, nhưng rất khó chịu vì những người này lại làm ảnh hưởng đến “vựa cơm” của họ.
Tại sao lại nói như vậy? Có lẽ, việc này ai cũng biết, chỉ những người có trách nhiệm không biết, hoặc cố tình không biết.
Không riêng gì bệnh viện đa khoa Hoài Đức, mà tất cả các bệnh viện từ lớn đến nhỏ của xứ An-nam này đều tiêu cực như thế. Sự phát hiện ra tiêu cực chỉ là không may đối với những đơn vị bị lộ mà thôi. Và sự tiêu cực này đang nuôi sống một hệ thống những quan chức phải sử dụng tiền để “giữ ghế” và để “chạy ghế” trong quá trình tiến thân của quan chức xứ An-nam.
Có thể suy diễn như thế này cho dễ hiểu: Số tiền tham nhũng từ việc làm khống các phiếu xét nghiệm được lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo cho bộ phận tài chính kế toán hợp lý hóa để trở thành một nguồn thu riêng của một “bộ phận” những kẻ tham nhũng, mà đứng đầu phải là người lãnh đạo cao nhất của đơn vị. Số tiền tham nhũng này sẽ được chia phần như sau: Một phần rất nhỏ được chi cho những người thực hiện trực tiếp, trên danh nghĩa bồi dưỡng riêng. Một phần được chia theo tỷ lệ chức vụ của những người trong cuộc, từ trưởng phó đơn vị, trưởng phó các bộ phận như tài chính kế toán, khoa xét nghiệm,… Có thể, một phần được lãnh đạo đơn vị nhập vào quỹ thu nhập ngoài của đơn vị để chia cho cán bộ công nhân viên trong những dịp lễ tết hay thu nhập tăng thêm hàng tháng. Còn một phần sẽ được “rải” cho lãnh đạo các cấp cao hơn như quà ngày lễ, tết, chi phí “chạy” để xin dự án, xin kinh phí ngân sách, thậm chí chi phí thường xuyên (hàng tháng) cho các lãnh đạo quản lý trực tiếp đơn vị với lý do hỗ trợ các lãnh đạo tiền “xăng xe”.
Vì thế, việc tố cáo tiêu cực vô hình trung đã làm mất đi một khoản thu nhập vào “vựa cơm” của lãnh đạo từ cao xuống thấp. Và “nguy hiểm” hơn, nếu việc này được khuyến khích nhân rộng thì có thể dẫn đến nguy cơ quan chức nhà ta bắt chước Ngọc Trinh than lên rằng: “Cứ như thế thì cạp đất mà ăn à”.
Cũng vì thế, Thứ trưởng Bộ y tế mới ký công văn “xin” tự xử lý vụ tiêu cực tham ô tài sản tại bệnh viện Nội tiết trung ương với lý do cực kỳ củ chuối là “Sai phạm của một số cán bộ thuộc Bệnh viện Nội Tiết T.Ư là lần đầu, có phần do chủ quan, không nhận thức được các quy định của pháp luật”. May mắn thay, cơ quan điều tra đã bác bỏ việc này.
Vậy nên, việc Sở Y tế Hà Nội thưởng cho người tố cáo tiêu cực một mức thưởng tương đương gần 4kg thịt lợn không có gì là lạ.
Khuyến khích người dân làm việc tốt, vẫn là sự xa xỉ của xứ An-nam!


4. Vấn đề “nhức nhối” về chuyên môn và y đức trong ngành Y trong thời gian qua ngày càng nhiều, theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Ngay trong tuần qua lại một loại các sự việc mới, từ việc người dân nửa đêm mang thi hài sản phụ đến “quây” bệnh viện đa khoa Hiệp Hòa (Bắc Giang) vì cho rằng sự thiếu trách nhiệm của y bác sĩ bệnh viện dẫn đến sản phụ tử vong, từ việc mổ thai lưu, dẫn đến thai phụ tử vong bất thường tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa,… Và các vụ việc lâu nay được người viết đề cập trong loại “Café sáng thứ 7” thời gian qua.
Dĩ nhiên, để các sự việc xảy ra như thế, bên cạnh sự xuống cấp về y đức cũng như do “thằng cơ chế”, không thể không có trách nhiệm của tư lệnh ngành.
Ấy thế mà trong Hội nghị “Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, định hướng 6 tháng cuối năm 2013 và kế hoạch năm 2014” của ngành Y tế. Khi nói về các vụ việc nhức nhối lâu nay của ngành, chị Tiến ruồi thượng thư bộ Y đã phát biểu: “Quy định có rồi, ai sai người đó chịu”, đồng thời cho biết trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách, đốc thúc thực hiện các quy định nhưng triển khai thực thi chính sách là nhiệm vụ của chính quyền.
Có lẽ, không phải bình luận quá nhiều về những phát biểu “não phẳng” và cực kỳ thiếu trách nhiệm với tư cách tư lệnh ngành, cũng như hàng chục câu nói “não phẳng” của chị ta mà lâu nay cần lao vẫn được những trận cười sảng khoái như vỗ về tinh thần họ sau những vật lộn với cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Cũng không cần dẫn chứng những tấm gương các Bộ trưởng ngành Y của nhiều quốc gia trên thế giới đã từ chức khi có những vụ việc xảy ra trong ngành mình quản lý một cách rất “nhân cách”. Có lẽ, so sánh như thế là quá khập khiễng và quá xa xỉ đối với chị Tiến.
Tư lệnh ngành mà phát biểu “quy định có rồi, ai sai người đó chịu” thì không hiểu vai trò của Bộ trưởng để làm cái gì nữa. Câu nói này, chỉ nên dành cho tổ trưởng bảo vệ của một bệnh viện lìu tìu khi xảy ra việc một vài bảo vệ có hành vi tăng tiền vé xe của người gửi xe đi vào bệnh viện. Ấy thế mà nó lại hiện diện ở miệng một bà Bộ trưởng.
Nói chị Tiến ruồi không có... nhân cách thì hơi quá đáng với chị ấy, nhưng thực sự, những gì xảy ra lâu nay trong ngành Y và những giải pháp lẫn phát ngôn của chị ta cho thấy chị có một “nhân cách còm”. Nhân cách ấy, đáng ra không nên để tồn tại ở một người hoạt động trong lĩnh vực y tế chứ chưa nói gì đến tư lệnh ngành Y.
Bi kịch đối với cần lao xứ An-nam chính là điều đó!!!

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!