Saturday, August 3, 2013

Café sáng thứ 7 (#10): Giấc mơ tháng Tám!

1. Tuần trước tháp tùng nhị vị tiểu thư đi chơi, không máy tính, không anh-tẹc-nét, không cờ-lốc, không phây-búc. Vài bạn nhắn inbox hỏi sao cuối tuần không biên gì, thấy vui vui.
Tuần qua có quá nhiều sự kiện, cũng định biên bài, nhưng thấy báo chí và dân tình mạng nói nhiều quá rồi, cũng vì thế nên không biên.
Lướt mạng, thấy một số báo biên bài theo phong cách “Café sáng thứ 7” của Br, nghĩa là trong một bài báo có nêu nhiều vấn đề khác nhau, mỗi vấn đề đánh theo thứ tự 1,2,3… sau đó bình luận về nội dung đề cập. Chẳng phải ảo tưởng hay tinh tướng, nhưng rõ ràng đây là phong cách biên riêng của Br, nên tự huyễn hoặc là lâu nay chơi blog hay facebook cũng không đến nỗi vô ích.

2. Vấn đề vẫn “nóng hầm hập” từ tuần trước đến tuần này liên quan đến ngành Y. Nào là trẻ sơ sinh tiêm phòng vắc-xin bị tử vong, nào là phó giám đốc bệnh viện phát ngôn: “Số bệnh nhân chết khi tôi điều trị đến vài chục người!”, nào là tiếng nói uẩn ức của bệnh nhân: “Sao bác sỹ lại muốn em chết”, tiếp tục người nhà bao vây bệnh viện khi bé gái tử vong ở Hà Tĩnh, hay những phát ngôn cực thiếu trách nhiệm và não phẳng của chị Tiến ruồi - thượng thư bộ Y,…
Có thể nói, chưa bao giờ ngành Y lại có nhiều vấn đề gây bức xúc và phản cảm đến như vậy. Bức xúc vì tính mạng bệnh nhân ở xứ An-nam quá rẻ rúng, phản cảm vì các phát ngôn thiếu trách nhiệm và vô cảm từ tư lệnh đến quan chức các cấp trong ngành.
Sự suy thoái y đức của xứ An-nam có lẽ bắt đầu từ thời bà Chiến “điều dưỡng” làm bộ trưởng, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời của ông Triệu “hói”, một người nổi danh với câu “tham như Triệu” khi còn lãnh đạo thủ đô nghìn năm vật lộn.
Có lẽ, với sự thiếu hụt nghiêm trọng cả tâm (của bác sỹ) và tầm (của bộ trưởng), nên chị Tiến ruồi hứng chịu hậu quả của sự suy thoái y đức trong gần 2 năm nắm quyền ở bộ Y. Đồng thời, có lẽ đây cũng là hậu quả của tư duy bổ nhiệm lãnh đạo “vừa hồng vừa chuyên”, phải có dính dáng tý gốc gác lãnh tụ và được cân nhắc bởi khả năng “chạy” của ứng viên chứ không phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo.
Bộ trưởng không chỉ là tư lệnh ngành trong điều hành của Chính phủ, mà còn là chính khách tầm quốc tế. Thế nhưng hơn 2 nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua, hiếm thấy tầm chính khách của các bộ trưởng xứ Việt. Thế nên không thấy làm lạ khi những phát ngôn của các bộ trưởng vừa hài hước, vừa não phẳng mà tiêu biểu là của chị Tiến ruồi trong thời gian qua.
Cũng không biết có nơi nào trên thế giới mà vấn đề liên quan đến “chuyên môn” của một bộ mà bộ trưởng lại phải yêu cầu công an vào cuộc điều tra, trong khi có trong tay hàng nghìn các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia đầu ngành và nắm trong tay cây thuyền trượng quyền lực của ngành?
Thần thiêng nhờ bộ hạ”, không biết Thủ tướng Dũng sẽ điều hành Chính phủ như thế nào trong nửa nhiệm kỳ còn lại với những bộ trưởng mà năng lực lãnh đạo chỉ tầm “trưởng ban nữ công” cấp cơ sở như kiểu chị Tiến và những khó khăn chồng chất do sự suy thoái kinh tế đất nước lẫn những bức xúc ngày một nhiều của cần lao đồng bào?
Chợt nhớ mùa thu tháng Tám của Hà Thành!!!


3. Dân tình mạng lại sốt sình sịch với Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Khoản 5 điều 5, chương I của Nghị định này cấm: “Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và khoản 5, điều 20, chương 3 nêu “trang thông tin điện tử cá nhân… không cung cấp thông tin tổng hợp”, đồng thời ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trả lời trên VnExpress rằng: "Trước hết chúng ta phải nói rõ đây là trang thông tin của cá nhân, mà các trang cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước".
Dựa vào mấy thông tin trích dẫn trên, cần lao đồng bào mạng xứ An-nam gào lên là nhà nước cấm cần lao chơi phây-búc, chơi cờ-lốc, thậm chí là “giăng bẫy đón lõng các cờ-lốc-gơ trong nước”. Vẫn kiểu a dua bầy đàn theo kiểu hóng hớt rồi nâng quan điểm của cần lao xứ An-nam. Chắc chắn phải đến 90% những kẻ đang gào lên phê phán Nghị định này chưa từng đọc toàn văn nội dung của Nghị định.
Bản chất của cần lao xứ An-nam là tư duy não phẳng, lười đọc, lười suy nghĩ, nhưng lại thích “ăn cắp” và phát tán thông tin ăn cắp từ người khác cực nhanh theo kiểu a dua bầy đàn mà không cần biết nội dung thông tin đó đúng hay sai.
Thực chất, Nghị định này chỉ có vài điểm mới so với Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Cái đáng nói của Nghị định này là “ông nhà nước” lại “ôm rơm” cái việc mà đáng ra tổ chức/doanh nghiệp cung cấp tài nguyên mạng phải thực hiện quản lý những người sử dụng (thành viên) theo luật định. Vẫn trò cũ “không quản lý được thì cấm” đối với cần lao đồng bào sử dụng mạng internet vì các trang tin tổng hợp đang lấn át sân của báo chí “chính thống” và các trang mạng “lề trái” được cần lao đồng bào đón nhận hồ hởi hơn là báo đảng.
Nhớ lại đợt trước ồn ào (từ trung ương đến cần lao đồng bào) về sửa đổi Hiến pháp 1992. Xét cho cùng, ở một đất nước mà nghị quyết được sử dụng thay luật thì sự tồn tại của hiến pháp chỉ là tấm bình phong trang trí mà thôi.
Bỏ thời gian ra để nghiên cứu, mới thấy nhà nước xứ An-nam thực chất là nhà nước chuyên quyền nửa cực quyền. Vậy nên cái tên gọi mỹ miều là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” cũng chỉ là bình phong trang trí. Pháp quyền trong mô hình nhà nước xứ An-nam cực kỳ mờ nhạt, thậm chí không có. Khi luật được xây dựng mặc dù nhân danh nhân dân nhưng lại phục vụ mục đích củng cố và duy trì chế độ thì đó chỉ là “công cụ của sự tùy tiện của những người cầm quyền” chứ không biểu thị ý chí của nhân dân.
Do vậy, việc cần lao đồng bào gào lên là Nghị định này vi hiến, là ngược với các công ước quốc tế về nhân quyền và chính trị là điều vô nghĩa. Đã chấp nhận sống trong một chế độ chuyên quyền nửa cực quyền, thì việc các văn bản dưới luật đi ngược với luật và hiến pháp là những chuyện rất bình thường khi “quyền lập pháp” lại được chỉ đạo bởi nghị quyết của đảng cầm quyền, và cần lao đồng bào xứ An-nam nên ngoan ngoãn chấp nhận và dịu dàng chỉ ra những điều bất hợp lý (như các vấn đề thiếu thực tế hoặc thiếu hợp lý trong các văn bản dưới luật) để các cơ quan xây dựng luật và văn bản dưới luật chỉnh sửa (kiểu anh Ga ký ban hành thông tư rồi lại ký ban hành thông tư sửa đổi thông tư đã ký về vấn đề cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học).
Khốn nạn cho xứ An-nam này, một vài kẻ có khả năng viết lách đánh tráo khái niệm câu từ trong các văn bản của chính quyền lại có khả năng dắt mũi một đám đông cần lao đồng bào a dua bầy đàn không chịu tìm hiểu thông tin đúng đắn (mặc dù biết đọc và có khả năng đọc hiểu).
Thế nên, luật pháp được xây dựng dựa trên ý chí của nhân dân và nhà nước chỉ là đối tượng thực hiện luật pháp vì nhân dân không tồn tại trong xứ An-nam.
Và có lẽ, giấc mơ một mùa hoa cứt lợn hay sự gượng ép mơ tưởng đến một sự thay đổi nhằm tiến tới một xã hội dân chủ phải chờ vài trăm năm nữa, đến khi cần lao đồng bào chịu đọc và hiểu được nội dung mình đọc cái gì.
Tự thân cần lao xứ An-nam, làm cho giấc mơ mùa thu tháng Tám ngày càng xa xỉ!!!


4. Kinh lý thủ đô nghìn năm vật lộn, chạm cốc chiến hữu tại quán cũ. Giời nắng, bia hơi ngon mà lượng khách chỉ bằng nửa “cùng kỳ” năm ngoái. Chém gió về kinh tế xứ An-nam, càng nói, càng thấy bi bét.
Kể lại câu chuyện cũ cho chiến hữu nghe: Hồi đi lang thang về một miền quê xả sờ-trét, mời một cần lao đồng bào một điếu thuốc. Cần lao hỏi: Bao nhiêu tiền điếu thuốc này hở chú? Giả nhời: Gần 2.000 đồng anh ạ. Cần lao bần thần: Hai điếu thuốc của chú bằng tiền mua thức ăn một bữa của nhà anh.
Đi với chiến hữu lên bar ở Lý Thường Kiệt, nhìn những giai già bụng phệ, trẻ trâu tóc vàng tóc hung, kiều nữ mắt xanh mỏ đỏ,… lắc lư theo điệu nhạc chói tai và những chai Ballantine, Macallan,… giá 4-5 triệu đồng. Nhớ đến những gia đình ở nông thôn không đủ tiền đóng hơn 2 triệu đồng tiền phí và lệ phí của chính quyền xã hay thấy sốc khi 2 điếu thuốc bằng tiền một bữa mua thức ăn của gia đình họ, thấy lòng đắng ngắt!
Phần lớn cần lao xứ An-nam, khoảng 70 năm cuộc đời lam lũ, chưa từng một lần được ngửi mùi rượu ngoại!!!


© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

2 comments:

  1. Tấm hình một em bé Châu Phi đã bị kiệt sức, bên cạnh em là một con chim Kền Kền đang đợi để làm nốt công việc còn lại sau khi em chết, khi quãng đường mà em cần đến để nhận hàng cứu trợ của LHQ chỉ còn chưa đầy 2km. Một người Mỹ đã chụp được nó. Hình ảnh này nhang nhác giống với hình ảnh Bộ trưởng Tuyến vào công tác "thắp hương" ở Q.Trị (nơi mà có 03 cháu vừa tử vong do tim Vacxin). Nhưng có khác là người đã chụp bức ảnh trên, sau khi về Mỹ vì ân hận, lương tâm dằn vặt ám ảnh (vì bận nên kg kịp cứu em bé) một thời gian sau ông này tự tử chết. Còn vị Bộ trưởng nhà mình thì ...khác. Hình như bà ấy đang muốn mình bằng một cách nào đó phải nổi tiếng giống trào lưu của lớp trẻ vẫn đang làm thì phải. (vd như: Bà Tg)./.

    ReplyDelete
  2. Đúng đó bác ạ. Mấy thượng nghị sĩ hay dân biểu nhà ta luôn tìm cách này cách nọ đẩy giá mọi mặt hàng chủ chốt lên cao mặc dù các loại hàng này thế giới đã giảm, vì độc quyền, lỡ nhận "phù du" rồi nên phải tát nước theo mưa, chỉ khổ cho dân, trăm nghìn thứ phải đóng góp, người có công thì chẳng được hưởng, kẻ chết rồi mà chính quyền địa phương vẫn bảo còn sống lấy tiền chia chác. Người sống thì bảo là đã chết cũng để chia tiền, "đau lắm thay". Trong khi mấy vị này kêu là tăng giá xăng dầu, điện hay viện phí không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chao ôi, tiền của các vị này gửi bên Thụy Sĩ hết rồi, với lại mấy vị thượng nghị sĩ nhà ta tiêu "tiền Triệu", "tiền tỷ" chứ mấy đồng bạc lẻ thì thấm vào đâu. Lại "trăm dâu đổ đầu tầm", dân lại khổ, lại vay mượn để mà tồn tại mà không biết tồn tại để làm gì. Nhìn những người nông dân hay cửu vạn đường phố, người công nhân suốt ngày lam lũ với đời kiếm miếng cơm manh áo mà sót thay cho những chính sách được sinh ra từ cái mác giáo sư tiến sĩ viện sĩ. Họ xa rời thực tế và dẫm đạp lên nỗi khổ của đồng bào, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Còn nhiều lắm những chuyện bên lề...

    ReplyDelete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!