Những ý kiến đồng tình cho rằng, bài viết đã phân tích ra những hệ lụy xã hội như ảnh hưởng đến những người bán “cơm bình dân”, tạo điều kiện cho những kẻ “chăn thầu ăn mày” càng giàu thêm, làm tăng tỷ lệ di dân cơ học từ nông thôn vào thành thị, cổ vũ tính ỷ lại của dân nghèo,…
Ngược lại, những ý kiến phản đối lại cho rằng, bài viết có một góc nhìn hạn hẹp, chà đạp lên giá trị “từ thiện” của những người tổ chức cơm 2.000 đồng, quay lưng lại với những giá trị truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt.
Để rộng đường dư luận, bài viết này sẽ phân tích vấn đề trên ở một góc nhìn khác.
Từ thiện hay kinh doanh
Cơm 2.000 đồng xuất phát từ ý tưởng của một nhóm người thiện nguyện, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để cung cấp một bữa ăn miễn phí cho người nghèo.
Người Việt thường có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Có lẽ nhìn nhận rõ vấn đề trên, nên những nhóm thiện nguyện đưa ra mức giá 2000.đồng để những người nghèo không bị mặc cảm theo kiểu “bố thí” khi nhận những xuất cơm từ thiện như thế.
Ý tưởng cơm 2.000 đồng không mới. Đã từ lâu, tại một số chùa và tu viện đã có những bữa ăn miễn phí cho người nghèo, chủ yếu vào các ngày cuối tuần. Những người thiện nguyện góp tiền, gạo, công sức để tổ chức nấu những bữa cơm miễn phí. Cũng có những nhóm thiện nguyện góp tiền nấu cơm và phát cho những bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện.
Như vậy có thể thấy, cơm 2.000 đồng không phải là một ý tưởng kinh doanh, càng không phải là một ý tưởng từ thiện mới mẻ.
Những nhóm thiện nguyện tổ chức bán cơm 2.000 đồng với mục tiêu không chỉ giới hạn những bữa ăn miễn phí cuối tuần tại các chùa, không chỉ giới hạn những xuất cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo trong xã hội. Mà họ muốn đưa mô hình này nhân rộng ra xã hội, giúp những người nghèo khác có những bữa ăn “gần như” miễn phí hàng ngày, với mức giá mang tính tượng trưng: 2.000 đồng. Đồng thời, việc trả 2.000 đồng để mua một suất cơm cũng có ý nghĩa để những người nghèo được ăn cơm đóng góp vào để có thêm nhiều suất cơm cho những người nghèo khác.
Như vậy, có thể thấy, cơm 2.000 đồng không phải là một phương thức kinh doanh. Đây là một chương trình từ thiện của những người thiện nguyện với mong muốn có một sự sẻ chia với những người nghèo trong xã hội như truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Có hay không hệ lụy xã hội
Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng nêu lên những hệ lụy của hình thức “kinh doanh” cơm 2.000 đồng. Tác giả cho rằng cơm 2.000 đồng “bán phá giá” và ảnh hưởng đến những người bán cơm bình dân khác. Tiếp tay cho những kẻ chăn thầu ăn mày làm giàu trên thân xác của trẻ em ăn xin. Khuyến khích người dân lao động phổ thông từ nông thôn tràn vào đô thị. Đồng thời, tạo ra tính ỷ lại của người nghèo khi đã có những người khác “bao cấp”.
Bất kỳ một hoạt động nào trong xã hội, mà đặc biệt những hoạt động liên quan đến người nghèo đều có tính tích cực và mặt hạn chế của nó. Không riêng gì xã hội Việt Nam, mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng không ngoại lệ. Những đô thị phồn hoa như Paris, NewYork hay Tokyo không phải là không có những người nghèo và những khu nhà ổ chuột.
Rõ ràng, mục đích của cơm 2.000 đồng là làm từ thiện như đã nêu ở trên. Những người thiện nguyện không có ý định cạnh tranh kinh doanh với những người bán cơm bình dân. Họ cũng không tiếp tay cho những kẻ chăn thầu ăn mày, cũng không muốn tạo ra tính ỷ lại của người nghèo.
Những thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, luôn có hàng triệu người lao động. Nghĩa là trưa nào cũng có hàng triệu suất cơm được bán ra. Với vài cửa hàng cơm 2.000 đồng, mỗi cửa hàng bán tối đa 200 suất cơm/ngày , nghĩa là chương trình này chỉ cung cấp khoảng 1.000 suất cơm mỗi ngày. Có hay không sự ảnh hưởng đến những người bán cơm bình dân khác, chắc độc giả tự đánh giá được.
Đối với những kẻ chăn thầu ăn mày, những kẻ có thể nói là thất đức nhất trong xã hội, vì chúng kiếm tiền trên thân xác của những trẻ em vô tội. Chúng là những tội phạm của xã hội mà chúng ta cần phải lên án và trừng trị. Thay bằng việc phê phán cơm 2.000 đồng giúp cho chúng tiết kiệm được 18.000 đồng từ bữa trưa của đứa trẻ, hãy làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn để loại bỏ những kẻ này trong xã hội, để những trẻ em thay vì đi ăn mày được đi học, được vui chơi như những trẻ em khác.
Đối với những người lao động nghèo, đành rằng những người nghèo có tính ỷ lại. Nhưng sự ỷ lại không phải vì họ không cố gắng, mà là họ không thể cố gắng. Khi mà họ không có tri thức, không có nghề nghiệp, không có phương tiện và công cụ lao động,… thì sự cố gắng của họ có đem lại hiệu quả gì không? Đồng thời, cũng cần nhìn nhận rằng, sự ỷ lại của họ một phần được hình thành từ sự quản lý tập trung bao cấp duy ý chí trước đây và thậm chí ngay cả hiện tại.
Như vậy, những hệ lụy xã hội nêu trên nếu không có cơm 2.000 đồng vẫn đã và đang tồn tại. Vấn đề cần quan tâm là những yếu kém của cơ chế quản lý nhà nước và những định hướng nhận thức xã hội dẫn đến tồn tại những vấn nạn xã hội chứ không nên đổ lỗi cho một chương trình từ thiện có ý nghĩa như cơm 2.000 đồng.
Và những trăn trở!
Không chỉ riêng Việt Nam có cơm 2.000 đồng, mà nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng có những chương trình tương tự. Chẳng hạn những nhà trọ miễn phí cho dân lang thang, hay những chương trình phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo.
Có điều, ở những nước phát triển, những chương trình giúp đỡ người nghèo, người lang thang cơ nhỡ không “bị” những người không nghèo, có nhà có cửa lợi dụng.
Đó cũng chính là điều mà tác giả Nguyễn Quảng áp đặt quan điểm cơm 2.000 đồng là một hình thức kinh doanh, bởi vì những kẻ có tiền sẵn sàng nhảy vào tranh suất cơm 2.000 với những người rất nghèo, cần có sự giúp đỡ.
Xã hội đã kịch liệt lên án những hành vi như thế khi có những kẻ đi xe SH vào ăn cơm 2.000 đồng ở quán mệ Hiếu (Tp. Huế), hay những nhân viên văn phòng chen nhau mua suất cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn. Ngay cả những người thực hiện chương trình cơm 2.000 đồng và những người tài trợ, đóng góp cũng thấy bất bình vì lòng tốt của họ bị lạm dụng.
Câu hỏi đặt ra, tại sao ở Việt Nam lại có những điều xấu đến thế?
Có lẽ, do trải qua những thời kỳ rất khó khăn về kinh tế, nên trong tâm thức của một bộ phận không nhỏ người Việt luôn bị ám ảnh, và thói quen cố “giành” bằng được miếng ăn mà không mất công sức đã thành một bản năng của họ.
Cũng có lẽ, do ám ảnh cái nghèo, nên một bộ phận không nhỏ cố làm giàu bằng mọi giá, kể cả tranh suất cơm 2.000 đồng của những người thực sự nghèo và cần sự giúp đỡ để dư ra 18.000 đồng làm giàu cho bản thân.
Cũng có lẽ, sự vô cảm và ích kỷ của một bộ phận không nhỏ người Việt. Họ sẵn sàng lạm dụng lòng tốt của những người thiện nguyện, sẵn sàng giành giật suất ăn 2.000 đồng mà họ không phải là đối tượng để bán, cũng như có hàng trăm người nghèo thực sự đang đứng chờ mua suất cơm ấy, và cũng như trong túi họ có đủ tiền để đi ăn nhà hàng.
Những kẻ đi xe SH, những kẻ có đủ tiền đi ăn nhà hàng,… lại lao vào tranh cướp một suất ăn từ thiện 2.000 đồng của người nghèo, chắc chắn không có một chút “liêm sĩ” nào cả. Cũng chính những kẻ đó làm mất đi tính nhân đạo của xã hội đối với chương trình cơm 2.000 đồng. Làm tổn thương lòng tốt của những người hảo tâm với người nghèo. Làm xã hội nghi ngờ tính thiện nguyện của những quán cơm 2.000 đồng và coi đó là một phương thức kinh doanh “bán phá giá”.
Tại sao xã hội bây giờ lại đầy rẫy những kẻ như vậy? Câu trả lời để dành cho độc giả!!!
Tác giả: Trường Yên
Thật ngạc nhiên khi đọc bài viết của tác giả NQ, đúng là một quan điểm rất khác, rất mới. Tuy nhiên em nghĩ những hệ luỵ mà tác giả phân tích chỉ-có-thể-đúng khi hàng trăm hàng ngàn quán ăn như vậy mọc lên trong thành phố. Mà để làm được điều đó, cái đầu tiên là dân VN phải....giàu. Có một chút nghịch lý ở đây.
ReplyDeleteBài phân tích của a đọc không lẫn vào đâu được khi khái quát cả vấn đề bằng những tình tiết dễ hiểu, dễ hình dung, dễ chấp nhận. Vẫn là những vấn đề của xã hội, của nhận thức, của cơ chế mà trong suốt quá trình đọc blog a, ai cũng nhận ra. Đó không đơn giản chỉ là cơm 2000.
Vũ Khúc cảm nhận rất đúng quan điểm của anh khi viết bài này. Cảm ơn em.
DeleteMà không trả lời đề nghị của anh à? Vào Facebook của anh nhé.
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete