1. Bức tranh ảm đạm về kinh tế được phơi bày rõ ràng sau những phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2013 và những điều chỉnh chiến lược” do Ban Kinh tế TW tổ chức.
Trưởng ban Kinh tế TW - ông Vương Đình Huệ đã phải đặt câu hỏi: “Không biết GDP chạy đi đâu?” Một người đã từng nắm những chức vụ Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là một GS về tài chính mà không biết GDP đi về đâu, thử hỏi còn ai trả lời được câu hỏi của ông.
Vẫn là ông Huệ, lo ngại: “Có dấu hiệu kinh tế Việt Nam đang tụt hậu so với các nước”. Điều ông nói là sự thật, chứ không còn là lo ngại nữa. Chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải thừa nhận: “Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang ngày một cách xa”.
Phát biểu tại hội thảo, cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ rõ: “Tôi thấy bức tranh rất lổm nhổm, có thể do các nguyên nhân như chúng ta chủ quan duy ý chí đề ra những cái không tưởng”. Và ông cũng khẳng định: “Khủng hoảng kinh tế [thế giới] không phải là nguyên nhân chủ yếu”.
Rõ ràng, có một sự bất ổn đối với nền kinh tế đất nước. Và sự bất ổn này có lẽ không phải do yếu tố khách quan, cũng có lẽ không phải do yếu nội lực. Mà có lẽ chính là sự chủ quan duy ý chí trong điều hành như ý kiến của ông Vũ Khoan nêu trên.
“Phải chăng, do chủ quan mà chúng ta để vỡ ổn định vĩ mô?”. Câu hỏi mở của ông Vũ Khoan có chạm đúng vào tử huyệt chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ?
2. Phát biểu tại hội thảo về định hướng sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: “Cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có bốn động cơ, thì chỉ có một đang hoạt động”.
Bốn động cơ đó là khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện tại, chỉ còn khu vực FDI là có kết quả tốt, còn 3 động cơ kia đều trục trặc.
Nền kinh tế xứ An-nam trong hơn 2 năm qua là một bức tranh “rất xấu”, thể hiện qua việc phá sản hoặc khủng khoảng do nợ xấu của các tập đoàn nhà nước (như Vinashine, Vinaline), đóng băng của BĐS, nợ xấu từ hệ thống ngân hàng thương mại, gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản, người dân nông thôn bỏ ruộng,…
Nguồn ngân sách xứ An-nam chủ yếu là tiền thuế thu của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Hệ quả của sự suy thoái kinh tế là thụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm, mức thu ngân sách chỉ đạt 39,8% kế hoạch năm. Có lẽ câu hỏi GDP chạy đi đâu của ông Huệ ở trên không khó trả lời nếu nhìn vào mức thu ngân sách quốc gia.
Trong khi đó, chi tiêu công ngày một tăng do chi trả lương và đầu tư các hệ thống an sinh xã hội, đồng thời phải trả nợ nợ vay nước ngoài (khoảng 5% GDP mỗi năm).
Giải pháp nào tăng thu ngân sách để vận hành bộ máy này?
3. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc (ngày 20/9) về kết quả triển khai thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết đã được thông qua, bà Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội nói: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm”.
Luật, là cơ sở để điều chỉnh các hành vi của xã hội. Thế mà luật ban hành ra nhưng không thực hiện, thì lấy cơ sở nào để các tổ chức và cá nhân tuân thủ. Khi luật đã được thông qua, chính phủ và các bộ ban ngành phải nhanh chóng ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để thực hiện. Ấy thế mà không làm thì ban hành luật để làm gì?
Trong khi đó, ông Trưởng ban Nội chính không lo đi bắt sâu, mà lại quan tâm đến việc một cô thạc sỹ văn học có “bằng giỏi nhưng cực dốt” không xin được việc nên phải đi làm công nhân thời vụ. Bà Bộ trưởng Y tế thì chỉ biết làm trò hề trước bàn dân thiên hạ, để kệ y đức suy thoái, tham nhũng tràn lan dẫn đến những cái chết bất nhẫn của bệnh nhân. Ông Bộ trưởng Nội vụ đưa ra một số liệu tầm phào đến mức phản cảm đối với thực tế trong xã hội.
Thượng tầng quan chức còn thế. Thử hỏi, hạ tầng cần lao sẽ như thế nào đây?
4. Cũng trong phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 20/9, ông Ksor Phước nói: “Quy định là Bộ không quá bốn Thứ trưởng, nhưng tôi đếm qua danh bạ điện thoại thì thấy có Bộ 11 Thứ trưởng”. Quy định mà ông Phước nói chính là Khoản 3, Điều 3, Nghị định 36/2012/NĐ-CP, cụ thể: “Số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 04 người. Đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 04 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Theo thống kê của báo Tuổi trẻ, tại thời điểm ông Phước nói, chỉ duy nhất Bộ KH&CN có 4 Thứ trưởng. Bộ Tài chính có nhiều Thứ trưởng nhất (9 người).
Không biết vô tình hay hữu ý, cũng trong ngày 20/9 Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm thêm 2 Thứ trưởng nữa, trong đó có 1 Thứ trưởng thuộc Bộ KH&CN.
Thế là, quy định tại Nghị định 36/2012/NĐ-CP chẳng còn giá trị trong thực tế, và Thủ tướng cũng chẳng sai. Dĩ nhiên, Bộ nào mà chả có nhiều ngành và lĩnh vực lớn, Bộ nào mà chả quan trọng và phức tạp.
Mới thấy, ở xứ An-nam, các văn bản Luật và dưới Luật rất xa rời thực tiễn. Đến trung ương còn thế, nói gì ở địa phương. Thế nên, những người thi hành luật chẳng bao giờ sai, vì vận dụng và giải thích kiểu gì cũng đúng.
Chỉ khổ cần lao, đã thấp cổ bé họng lại ít tiền ít chữ. Nên cứ đụng vào cái gì là sai phạm cái đấy. Cứ bình thường đơn giản thì không sao, chứ các quan mà đưa luật ra thì kiểu gì cần lao chả thua.
Sự công bằng, chưa bao giờ thuộc về cần lao.
5. Tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Ông Nguyễn Thế Trung - Phó trưởng ban Dân vận TW nói: “Có tới 50% cán bộ công chức chỉ ‘giữ chỗ ăn lương”. Còn ông Lê Như Tiến - Phó chánh một ủy ban của Quốc hội chỉ rõ hơn: “Có khoảng trên 30% làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc và 30% còn lại thì dù cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm”.
Ấy vậy, mà tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc (ngày 23/9), ông Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Nội vụ thông báo: “Số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%”.
Đều là lãnh đạo cao cấp ở thượng tầng cả, thế mà các ông cứ vả nhau bôm bốp thế này thì dân biết tin vào ai? Vẫn biết ở xứ An-nam, số liệu thống kê là một cái gì đó rất tầm phào, đến mức cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phải nói: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin”.
Dĩ nhiên, chất lượng thực sự của công chức như thế nào thì các vị biết rất rõ, và cần lao cũng biết rất rõ. Thế nên, thà nói toạc móng heo như 3 vị ở trên thì còn xoa dịu được cần lao. Đàng này cứ giấu giấu giếm giếm, ai mà chả biết cái 1% ông Bình nói là con số của bệnh thành tích.
Tư lệnh ngành còn “dối” thì trách sao thuộc cấp không “gian”. Nhà dột từ nóc là thế.
6. Thế kỷ 21, đại đồng cần lao trên thế giới đã qua lâu rồi cái thời lo cơm ăn, áo mặc. Họ, làm việc để có tiền đi du lịch, để thỏa mãn các sở thích cá nhân. Chính sách an sinh xã hội đã khiến họ yên tâm làm việc và không phải lo lắng khi về già.
Xứ An-nam, cần lao ngày qua ngày vật lộn với cơm áo gạo tiền. Vừa duy trì nồi cơm cho mini nhi đồng, vừa tích cóp một chút dưỡng già.
Nếu không may có một sự vụ gì xảy ra, cần lao rất dễ trở nên tay trắng, thậm chí vô gia cư. Bô lão cần lao, nếu không giắt lưng được tý tiền, có được một chỗ chui ra chui vào, thì việc đi ăn xin hay bán vé số khi mất sức lao động là điều không tránh khỏi.
Kể chuyện người già để thấy bức tranh xã hội hiện tại của cần lao.
7. Tuần này, Thủ tướng công du tới xứ Gô-loa để ký kết đồng minh chiến lược. Tiếp đó là tới xứ Cờ-hoa để họp Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, trong ngày 27/9, Thủ tướng đã gặp và làm việc với Bộ Thương mại Huê kỳ, Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ thế giới. Theo thông tin trên VTV, nội dung làm việc với WB và IMF đề cập đến những khoản vay mới dù không được ưu đãi (vì xứ An-nam đã thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp). Còn nội dung làm việc với DOC liên quan đến việc đề nghị Huê kỳ công nhận nền kinh tế xứ An-nam là kinh tế thị trường tự do.
Người viết vẫn mong muốn có một sự thay đổi theo hướng tích cực và ôn hòa. Nghĩa là hy vọng 2 chuyến đi của ông Chủ tịch nước và ông Thủ tướng sang xứ Cờ-hoa thành công tốt đẹp. Bởi vì, theo quy luật, năm 2015 (± 1), xứ An-nam sẽ có sự thay đổi.
Tuy nhiên, từ bức tranh ảm đạm về kinh tế, những bất cập và lạc hậu của chính sách an sinh xã hội, luật ban hành ra không được thực thi, đến những yếu kém của “một bộ phận không nhỏ” quan chức thượng tầng cho thấy, xứ An-nam vẫn đang trong vòng tăm tối. Nếu có sự thay đổi tích cực, cũng không biết bao lâu nữa cần lao xứ này mới chạm vào ngưỡng cửa của thế giới văn minh.
Và không biết tại thời điểm này, xứ An-nam đang nằm ở đâu trên bản đồ văn minh và phát triển của nhân loại?
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!