Tuần Việt Nam: Nếu những vấn đề sai phạm về môi trường nêu trên là đúng, thì công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP.
Vụ việc công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu đã được khẳng định là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Tại văn bản số 117/TB-UB ngày 01/9/2013 thông báo kết luận của ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Công ty đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, chôn cất chất thải không đúng nơi quy định; vi phạm quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường”.
Thông báo cũng nêu rõ việc giao cho công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, kết luận rõ vi phạm và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của công ty này trong vòng 30 ngày để phục vụ công tác điều tra.
Để độc giả nắm rõ hơn về vụ việc, bài viết sẽ nêu lên những vấn đề cần được các cơ quan chức năng làm rõ trong quá trình điều tra.
Thứ nhất, cần làm rõ Nicotex Thanh Thái đã có Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH) chưa? Đối với một đơn vị có lượng chất thải lớn như công ty này, cần phải thực hiện đăng ký Sổ chủ nguồn thải CTNH theo quy định tại khoản 1, điều 25 của Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT (TT 12) để kê khai khối lượng, chủng loại các CTNH phát sinh. Nếu chưa thực hiện điều này, thì công ty đã vi phạm công tác quản lý CTNH.
Thứ hai, cần làm rõ trong thời gian qua Nicotex Thanh Thái đã thuê khoán đơn vị nào vận chuyển và xử lý CTNH. Nếu có, cần làm rõ và cung cấp đầy đủ sổ giao nhận và chứng từ CTNH trong vòng 5 năm trở lại đây theo quy định (khoản 8 và khoản 12, điều 25, TT12). Nếu không có và đơn vị này không chứng minh được lượng CTNH trong ít nhất 5 năm được lưu chứa tại cơ sở thì họ đã có hành vi thải trộm CTNH ra môi trường.
Cũng phải nói thêm, phía Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng đơn vị này có hợp đồng nguyên tắc thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH năm 2013 với công ty nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hóa nông dược Nicotex (Báo Lao động, ngày 04/9/2013). Tuy nhiên, nếu chỉ có hợp đồng của năm 2013 và không có hoạt động vận chuyển, xử lý CTNH thì đây chính là hành vi đối phó với cơ quan kiểm tra, tức là đơn vị này vẫn vi phạm như nói ở trên.
Thứ ba, cần làm rõ công tác lưu giữ CTNH trong công ty. Những hình ảnh về các thùng đựng thuốc trừ sâu thải bỏ không có các nhãn cảnh báo, phòng ngừa theo TCVN 6707:2009; Khu vực để các thùng này ngoài trời, không có mái che, không có sàn kỹ thuật, không có rãnh thu chất lỏng, không có các trang thiết bị ứng phó và xử lý sự cố phát sinh,… đã cho thấy công ty vi phạm quy định bố trí khu vực lưu trữ tạm thời CTNH và thiết bị lưu chứa CTNH (khoản 4, điều 25, TT 12).
Đồng thời, cũng làm rõ lượng thuốc trừ sâu quá hạn được công ty lưu giữ từ năm 2000 đến nay mà Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận (Báo Lao động, ngày 04/9/2013) sẽ được lưu chứa ở đâu và quy trình lưu chứa như thế nào?
Thứ tư, cần làm rõ số lượng thuốc trừ sâu đã bị công ty này chôn lấp và vị trí chôn lấp để thu hồi, tiêu hủy và làm sạch môi trường. Theo những thông tin từ người dân và những người làm việc trong công ty, lượng thuốc sâu bị chôn lấp có thể lên đến hàng chục tấn. Chỉ riêng 21 thùng phuy chứa thuốc sâu chôn dưới đất mà người dân tìm được và 15 thùng phuy thuốc sâu khác bị người dân bắt quả tang trên đường tẩu tán khỏi hiện trường (Báo Lao động, ngày 02/9/2103) nếu được chứa đầy đã lên tới hơn 5 tấn.
Nếu lượng thuốc trừ sâu bị chôn lấp này rò rỉ ra môi trường, thì mức độ tác động sẽ vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ môi trường đất, nước ngầm, nước mặt bị nhiễm độc. Các chất độc hại sẽ tác động đến các loài thực vật, động vật và con người. Với thời gian tồn lưu lâu dài trong môi trường và sự lan truyền độc tính qua nhiều con đường khác nhau. Các chất độc hại trong thuốc trừ sâu sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân khu vực bị ô nhiễm.
Thứ năm, cần làm rõ lý do tại sao Nicotex Thanh Thái lại không thực hiện xử lý các CTNH phát sinh, trong đó có thuốc trừ sâu quá hạn? Công ty này có thực hiện báo cáo tình hình và lý do không thực hiện xử lý CTNH với cơ quan quản lý hay không? Nếu công ty không thực hiện, rõ ràng đã vi phạm quy định về xử lý CTNH (khoản 5, điều 25, TT 12).
Thứ sáu, cần làm rõ hệ thống xử lý nước thải của Nicotex Thanh Thái có đạt yêu cầu xử lý hay không? Nước thải sau xử lý được thải vào nguồn tiếp nhận nào? Do công ty nằm độc lập gần khu vực dân cư nên cũng làm rõ, công ty đã được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước hay chưa?
Những thông tin như: “đường ống dẫn đang bị mục ruỗng của Cty Nicotex chứa đầy nước thải bốc mùi hôi khủng khiếp đang chảy từ từ vào ngõ ngách từng khe đất” (Báo Lao động, ngày 04/9/2013) cũng cần phải được làm rõ trong quá trình điều tra.
Thứ bảy, cần phải thuê các đơn vị có chức năng và kinh nghiệm, tiến hành điều tra, nghiên cứu độc lập để đánh giá mức độ ô nhiễm của các độc chất này đối với con người và môi trường xung quanh khu vực công ty. Đồng thời đánh giá và khoanh vùng phạm vi tác động của độc chất đối với môi trường đất, nước mặt và nước ngầm.
Người dân xung quanh khu vực công ty cho rằng, những làng xung quanh công ty có “hàng chục người chết do ung thư” và hàng loạt các bệnh tật liên quan (Báo Lao động, ngày 04/9/2013). Vì vậy cần tiến hành khám và xét nghiệm để xem những người dân đang mắc bệnh có bị nhiễm độc bởi các chất độc từ thuốc BVTV của nhà máy hay không? Nếu có, cần đánh giá mức độ tổn hại sức khỏe của những người dân này làm cơ sở cho việc đền bù và khắc phục hậu quả do ô nhiễm quy định tại điều 93 và các điều khoản liên quan khác trong Luật BVMT (2005).
Thứ tám, cần xem xét toàn diện các biện pháp thu gom, xử lý và các biện pháp giảm thiểu mùi thuốc trừ sâu phát sinh trong quá trình sản xuất của công ty. Có hay không việc rò rỉ thuốc trừ sâu bị chôn ra môi trường như đã nêu ở trên dẫn đến phát sinh mùi như những thông tin cung cấp cho các cơ quan báo chí trong thời gian qua.
Thứ chín, UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 805/QĐ-UBND ngày 16/3/2011 về việc thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bổ sung của dự án “Đầu tư mở rộng xưởng đóng chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật của công ty cổ phần Nicotex tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa” và báo cáo ĐTM này đã được phê duyệt tại Quyết định số 1179/QĐ-UBND ngày 15/4/2011.
Do đó, cần làm rõ công ty có tuân thủ các giải pháp BVMT được nêu trong quyết định phê duyệt chưa? Cụ thể, đã hoàn thành xây dựng các công trình xử lý môi trường chưa? Nếu đã hoàn thành, có hay không xác nhận hoàn thành của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM (theo khoản 2.9, điều 2 của quyết định nêu trên)?
Bên cạnh việc làm rõ những sai phạm của công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái như nêu trên. Cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan quản lý môi trường.
Trả lời trên báo Lao động (ngày 04/9/2013), ông Lưu Trọng Quang - Phó giám đốc Sở cho biết, hằng năm Sở đều có các đoàn đến đơn vị này thanh kiểm tra. Đồng thời theo ông Nguyễn Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục BVMT: “Sở đã làm theo đúng quy định, quy trình trong thanh-kiểm tra, phát hiện sai phạm đến đâu thì xử lý theo hành lang pháp lý đến đấy”.
Người viết bài đã tham gia nhiều Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, nếu các nghi vấn sai phạm nêu trên là đúng, thì các cá nhân và cơ quan này đã chưa làm đúng, làm đủ theo quy định, buông lỏng quản lý để doanh nghiệp vi phạm liên tục trong thời gian dài. Không thể không phát hiện ra những sai phạm về công tác quản lý CTNH cũng như công tác xử lý môi trường của công ty này (mặc dù, có thể không phát hiện ra việc họ cố tình chôn thuốc trừ sâu quá hạn).
Đồng thời cũng cần phải làm rõ tính nghiêm túc trong các kết quả quan trắc phân tích môi trường định kỳ của công ty này. Vì đây chính là một trong những cơ sở để các cơ quan hữu quan thực hiện thanh tra, kiểm tra môi trường đối với công ty này đều kết luận “môi trường tốt” như lời nói của ông Chánh văn phòng UBND huyện Cẩm Thủy.
Nếu những vấn đề sai phạm về môi trường nêu trên là đúng, thì công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định 117/2009/NĐ-CP. Thậm chí nếu xác định được mức độ tác động nghiêm trọng do thuốc trừ sâu rò rỉ ra ngoài môi trường, những người có trách nhiệm của công ty này sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Chắc chắn rằng, chỉ riêng việc chôn các thùng phuy thuốc trừ sâu quá hạn mà người dân phát hiện được đã là một tội ác không thể dung thứ. Và kẻ sai phạm sẽ bị pháp luật trừng trị. Thế nhưng, đến bao giờ mới khắc phục được hậu quả môi trường? và những nỗi đau về sức khỏe và tinh thần do di chứng của độc chất đối với những người dân đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng đến bao giờ mới được khắc phục.
Cần lắm một sự điều tra nghiêm túc của các cơ quan chức năng.
Tác giả: Trịnh Xuân Báu
---------------------
Bài báo cùng chủ đề:
Chôn hóa chất độc: Bao che hay buông lỏng quản lý?
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!