1. Cuối cùng, án kỷ luật cho các sếp nhận lương khủng của các doanh nghiệp công ích Tp.HCM cũng được tuyên, kẻ mất chức quyền, người bị thôi việc. Đòn mạnh tay này của Tp.HCM ít nhiều cũng xoa dịu dư luận và cảnh báo các quan chức khác.
Tuy nhiên, cũng chỉ là muối bỏ bể. Vì những đồng chí chưa bị lộ hãy còn nhiều lắm. Vài con sâu này chắc chỉ là số rất nhỏ trong một “bầy sâu” mà ông Chủ tịch nước đã nêu ra.
Mặt khác, ăn cũng đã ăn đủ, mấy án kỷ luật kia âu cũng là một chút hoen ố trong con đường quan lộ của các tham quan đó. Nhưng nó lại là cái bảo bối để các tham quan hạ cánh an toàn. Ở xứ An-nam này, danh dự là cái gì đó rất tầm phào kiểu trà đá vỉa hè. Có tiền rồi sẽ có tất. Biết đâu đấy, một thời gian ngắn nữa, các tham quan này lại là mạnh thường quân của các chương trình từ thiện kiểu cơm 2k, hay tài trợ cho mấy chân dài mặc bikini lên vô tuyến,… và thế là, danh lại nổi lều phều.
Kỷ luật kiểu này, trẻ nít cũng chả sợ nói gì quan tham. Ở xứ An-nam này, muốn giáo hóa được quan tham lẫn cần lao, biện pháp duy nhất là cho xơi kẹo đồng.
Và, chẳng quan nào thích người khác kê súng vào đầu mình cả!!!
2. Vụ chôn thuốc trừ sâu tại công ty cổ phần Nicotex Thái Thanh có vẻ đang từ từ chìm xuống. Người dân vẫn bám trụ canh hiện trường, cơ quan chức năng vẫn đủng đỉnh điều tra, thậm chí người dân còn cho rằng có một “bộ phận” cán bộ công quyền đang tiếp tay cho doanh nghiệp này xóa tang chứng vi phạm.
Một doanh nghiệp bé tẹo như thế, công an canh gác như thế, mà vẫn có kẻ “lạ” xâm nhập vào thì thật là lạ. Tiền, khiến con người có thể làm những việc táng tận lương tâm, chà đạp lên mạng sống của người khác, làm đảo lộn cán cân công lý. Thà rằng chưa biết vụ việc thì ăn tiền đã đành, đằng này vụ việc năm rõ mười như thế, vậy mà vẫn có kẻ cố tình bao che.
Cũng có thể những kẻ công quyền này làm vì sức ép quyền lực ở trên xuống. Nếu người dân chứng minh được những bệnh tật của họ là do nhiễm độc thuốc trừ sâu. Thì không chỉ công ty con Thái Thanh, mà cả hệ thống công ty Nicotex có bán hết tài sản cũng không đủ tiền đền bù nếu người dân thắng kiện và áp mức đền bù như Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ. Cũng như hàng loại quan bị xơi kẹo đồng vì tội cố ý giết người có tính chất lâu dài và có tổ chức. Có lẽ vì biết điều này, nên không chỉ công ty này đang nát óc nghĩ kế giảm tội, mà còn nhiều quan đi lên từ đây hoặc có dây mơ dễ má tìm đường thoát tội. Sức ép chính là đó.
Đang tâm đầu độc đồng bào của mình, chỉ có những kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ!!!
3. Các đoàn đi bắt sâu của cụ Tổng đã bắt đầu hoạt động. Hiệu quả như thế nào thì chưa biết, và có bắt được con sâu nào cũng chưa hay. Thế nhưng, phó trực của cụ Tổng trong ủy ban bắt sâu, trưởng một đoàn bắt sâu - cụ Thánh Ba đã bắt đầu ngao ngán với câu đùa không phải không có chủ ý: “Hà Nội không vội được đâu”.
Từ chóp bu, có thuyền trượng quyền lực trong tay, mà còn bó tay trước sự chây ì có hệ thống như thế thì không hiểu các đoàn này sẽ bắt sâu như thế nào? Có bắt được con sâu đầu đàn không? Hay lại hòa cả làng hoặc cùng lắm bắt được mấy con sâu non “thế thân cứu chúa”.
Mặc dù xứ An-nam chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo, nhưng có vẻ không có sự đoàn kết thống nhất của những người đứng đầu, mà có nhiều phe cánh tranh giành, củng cố quyền lực. Và dĩ nhiên, không ai muốn thả chiếc bánh quyền lực và lợi ích bày sẵn trên bàn, thì các phe cánh này phải chấp nhận bắt tay nhau để cùng chia chiếc bánh. Điều đó có nghĩa, không muốn bị đá ra khỏi bàn, thì cũng đừng có âm mưu đá người khác. Đôi khi, chưa bị vạ thì má đã xưng.
Đánh chó phải ngó mặt chủ nhà, câu của tiền nhân chưa bao giờ cũ, và càng có ý nghĩa trên việc chia chiếc bánh quyền lợi. Do đó, nếu có xảy ra việc khi đi thì giong cờ gõ trống, khi về thì im hơi lặng tiếng của các đoàn bắt sâu cũng là chuyện không có gì lạ.
Mua vui cũng được một vài trống canh là thế!!!
4. Mới chỉ dạo đầu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của nghị trường xứ An-nam, ấy thế mà các câu nói ấn tượng đã bắt đầu tuôn chảy. Các cuộc họp chóp bu của nghị trường mấy ngày qua đã để lại cho cần lao những tiếng cười mỉa mai, những tiếng thở dài chua xót, lẫn những tiếng chửi thề.
Bà phó Doan, người nổi tiếng với câu nói nước ta dân chủ gấp vạn lần bọn tư bổn giãy chết than rằng: “Ăn của dân không từ cái gì”. Vậy ai ăn? Dĩ nhiên là quan ăn, chả lẽ lại dân ăn dân. Mà việc quan ăn đã thành quốc nạn, nghĩa là ăn phải từ quan to đến quan bé, và nói như bà Doan nghĩa là quan ăn giày ăn tất ăn cả đất xung quanh. Toàn tự vạch áo cho người xem lưng, dân không chửi cho mới là lạ.
Ông Sơn phó nghị trưởng bức xúc: “Nhân bản” xét nghiệm… phải xử bắn chứ đừng có đùa”. Câu nói này ở lúc trà dư tửu hậu thì không sao, đàng này lại bô bô trong nghị trường cho cần lao đồng bào nghe. Ờ thì cứ cho là ông bức xúc theo kiểu người tốt, nhưng đến trẻ con còn thuộc câu: “Ăn có nơi, chơi có chốn”, nói gì ông đang ở ghế phó nghị trưởng. Một câu nói rất vô luật giữa nơi cao nhất ban hành luật mới thấy, nghị trường ta chả khác gì cái sân khấu tuồng, tuyền kép đóng vai tể tướng.
Tất nhiên, những vụ này không thể thiếu giọng nói thánh thót oanh vàng của chị Tiến ruồi - thượng thư bộ Y. Những phát ngôn hài hước và não phẳng của quan chức cao cấp xứ An-nam mà vắng bóng chị thì thật là bất công đối với chị. Và lần này, chị lại mở alo mà không cần động não (mà chắc có động não thì cũng chả có độ nhăn) như thế này: “chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ... Còn nhìn nhận bức tranh thế nào, tôi cho rằng chính sách an sinh xã hội của ta tốt hơn nhiều nước, vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá”. Đã nói, tư duy của chị chỉ là trưởng ban nữ công cấp cơ sở không hơn không kém. Đã là thượng thư bộ Y mà không quân không quyền không tiền hóa ra là chị đang diễn vai trên sân khấu hài à? Hay chị thích ngồi vào ghế tể tướng? Còn vụ kết luận bức tranh của chị không khác gì các cháu lớp 2 trả lời câu hỏi của bài đọc tập làm văn.
Đúng là, nhà dột từ nóc!!!
5. Vụ nổ súng ở Thái Bình một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động. Một cần lao vác súng đến cơ quan công quyền, bắn một người chết và 3 người bị thương, sau đó tự sát.
Con người, quý nhất là tính mạng. Khi người ta đã chấp nhận mạng đổi mạng, có nghĩa là đã đến bước đường cùng, không còn lối thoát trong cả suy nghĩ lẫn cuộc sống. Cho dù, báo chí có nói như thế nào đi nữa, nhưng lý thuyết đó chắc chắn không ai có thể phủ nhận.
Vụ việc, vẫn liên quan đến đất đai, nhưng hàng nghìn vụ khiếu kiện, tranh chấp, bạo động từ trước đến nay.
Khi cần lao đã đến bước đường cùng, thì họ phải vùng dậy phản kháng. Cho dù là những người cùng cực mù chữ như anh Pha chị Dậu, hay kẻ rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo. Câu nói ai oán: “Ai cho tao lương thiện” lại cất lên trong thời mà tưởng như không có áp bức, bóc lột.
Chủ thuyết “dân làm gốc” chưa bao giờ lạc hậu trong bất cứ chế độ nào. Tất cả các loại hình nhà nước từ xưa đến nay, giành được chính quyền cũng từ dân, mà lật đổ chính quyền cũng do dân. Khi máu của người dân đã đổ xuống, sẽ manh nha những cuộc cách mạng. Mà phần lớn, những cuộc cách mạng thành công nhờ bạo lực cách mạng.
Xứ An-nam từ xưa đến nay, máu của cần lao chưa bao giờ thiếu!!!
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!