Thanh Niên online: Mặc dù không thể chấp nhận hành vi đánh học sinh của thầy giáo nhưng cũng không thể đồng tình với quan điểm cho rằng hành vi đánh lại thầy của học sinh là tất yếu chỉ vì cách hành xử phi giáo dục của thầy giáo. Và càng không thể đồng tình với sự so sánh bản năng của con người với bản năng của con vật.
Ngày 18.2, một đoạn video clip được cho là xảy ra tại trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) về việc một thầy giáo trẻ tát bôm bốp vào mặt học sinh và bị một học sinh đánh lại đã lan truyền nhanh chóng trên mạng internet.
Dư luận xã hội ngay tức khắc đã lên án hành vi phi giáo dục này, kể cả hành động đánh học sinh của thầy giáo trẻ và hành động đánh lại thầy giáo của học sinh.
Người viết hết sức bất bình với những hành động của cả thầy và trò trong video clip. Đây là những hành động phi giáo dục trong một môi trường giáo dục. Là một vết đen trong nền giáo dục nước nhà.
Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì hành vi tát vào mặt học sinh là không thể chấp nhận được. Không có một phương pháp sư phạm nào ủng hộ biện pháp ‘dạy dỗ’ kiểu đó. Cơ quan quản lý giáo dục tỉnh Bình Định nên có biện pháp xử lý thích đáng người thầy giáo trẻ kia. Tốt nhất, là không để cho những người thầy như vậy đứng trên bục giảng.
Tuy nhiên, cũng không vì hành vi phản sư phạm của thầy giáo mà ủng hộ hành vi đánh lại thầy của học sinh. Không thể khuyến khích những hành động đi ngược với đạo lý tôn sư trọng đạo của người Việt chỉ vì ‘tức nước vỡ bờ’. Và hành vi của cậu học sinh cũng cần có biện pháp kỷ luật thích đáng.
Trên chuyên mục “Tôi viết” của báo Thanh Niên Online, tác giả Huỳnh Minh Thuận có bài viết phê phán hành động đánh học sinh của người thầy, và cho rằng sự phản kháng lại của học sinh là tất yếu vì đó là ‘bản năng’. Ông Thuận viết: “Hành vi đánh trả của học trò với thầy giáo vi phạm về đạo đức, nhưng hãy suy nghĩ lại, một con chó bị dồn đến đường cùng thì nó cũng sẽ cắn lại, đó là bản năng”.
Mặc dù không thể chấp nhận hành vi đánh học sinh của thầy giáo như người viết đã nêu trên. Tuy nhiên, không thể đồng tình với quan điểm của ông Thuận cho rằng hành vi đánh lại thầy giáo của học sinh là tất yếu chỉ vì cách hành xử phi giáo dục của thầy giáo. Và càng không thể đồng tình với sự so sánh bản năng của con người với bản năng của… chó.
Con người khác các loài động vật là có tiếng nói và chữ viết. Những ngôn ngữ của con người đã hình thành nên tư duy và tạo ra một xã hội loài người văn minh, hiện đại. Nhờ vậy, con người đã hình thành nên những chuẩn mực đạo đức xã hội, những luật lệ và quy tắc trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người.
Quá trình giáo dục (cho dù chính thức hoặc phi chính thức) vừa là phương tiện, vừa là mục đích giúp con người hoàn thiện về tư duy và đạo đức. Là quá trình tất yếu cho sự tồn tại của con người trong đời sống xã hội. Giáo dục giúp cho con người có tri thức và lý lẽ, phân biệt được phải trái trắng đen, tuân thủ luật pháp và các định chế trong mối quan hệ gia đình, dòng tộc và xã hội.
Khác với loài người, các loài động vật phải tự hoàn thiện bản năng để tồn tại. Trong quy luật tiến hóa của sinh giới theo kiểu ‘cá lớn nuốt cá bé’, đối tượng nào mạnh sẽ chiến thắng và tồn tại. Vì thế, bản năng sinh tồn của loài vật đã tạo ra cho chúng có những phản ứng trực tiếp. Mọi hành động của chúng đều để thỏa mãn các bản năng sống và hành vi tự vệ diễn ra theo phản xạ.
Do đó, không thể so sánh một hành động của một con người có tư duy, có nhận thức với hành động của một con vật chỉ có bản năng sống và tự vệ vô thức.
Không thể đồng tình và khuyến khích con cái đánh lại bố mẹ vì bản năng, cho dù bố mẹ có những hành vi ngược đãi hoặc sai trái. Những hành vi đó sẽ bị xã hội lên án, và nếu có dấu hiệu hình sự sẽ bị pháp luật trừng trị.
Không thể đồng tình và khuyến khích học sinh đánh lại thầy cô giáo vì bản năng, cho dù thầy cô giáo có những hành vi phi giáo dục. Vì những hành vi đó cũng sẽ bị xã hội lên án, bài trừ và sẽ bị pháp luật trừng trị.
Không thể đồng tình và khuyến khích một người đánh hay giết người khác vì bản năng, cho dù anh ta bị người khác hành hung, đe dọa hay cướp giật. Hành vi vi phạm pháp luật của kẻ kia sẽ bị pháp luật trừng trị. Chứ anh ta không phải là quan tòa để phán xét và là lưỡi gươm công lý để trừng trị người khác.
Có thể thấy, khi con người có tư duy và nhận thức, sống trong một xã hội văn minh và có luật pháp thì phải tuân thủ các quy định của luật pháp và đạo đức, lễ nghĩa của xã hội. Con người phải sống bằng lý trí và tình cảm, chứ không thể sống bằng bản năng.
Vì vậy, không thể so sánh bản năng của con người với bản năng của… chó!!!
Tác giả: Trường Yên
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!