Wednesday, September 25, 2013

Không để xảy ra hành vi người dân 'tự phát'


Tuần Việt Nam: Các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ vấn đề này, để kịp thời chấn chỉnh và răn đe, không để xảy ra những trường hợp "tự phát" tương tự trong tương lai.

Ngày 18/9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3253/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Nicotex Thanh Thái với 10 hành vi vi phạm (trong đó có 9 hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường) và tổng mức phạt là 421.150.000 đồng.
Ngày 19/9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 7479/UBND-NN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái. Về cơ bản, những nội dung liên quan đến vụ việc đã được nêu rõ trong văn bản này.
Như bài trước người viết đã nêu lên 10 vi phạm của Nicotex Thanh Thái không được đưa vào trong quyết định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Đồng thời chỉ ra 7 vấn đề cần tiếp tục được làm rõ để xác định hành vi và mức độ vi phạm của công ty này. Trong đó, vấn đề liên quan đến chủ nguồn thải chất thải nguy hại đã được làm rõ trong văn bản số 7479/UBND-NN.
Rõ ràng, để cho Nicotex Thanh Thái thực hiện hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng trong một thời gian dài không thể không có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Nội dung bài viết sẽ chỉ ra những vấn đề này để độc giả có thể nhìn đầy đủ vụ viêc.

Buông lỏng quản lý hay bao che?
Theo thông tin trong văn bản số 7479/UBND-NN, năm 2010 công ty này có chủ trương cải tạo nâng cấp nhà máy, nên đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1179/QĐ-UB ngày 15/4/2011. Tuy nhiên, do công ty chưa triển khai dự án nên các nội dung xử phạt tại Quyết định số 3253/QĐ-XPHC được chiếu theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũ (Quyết định số 17/QĐ-MTg ngày 14/01/1999 của Sở Khoa học, công nghệ và môi trường tỉnh Thanh Hóa).
Không biết trong thời gian qua, công ty này có cải tạo, nâng cấp hạng mục nào không? Điều này người dân và các cơ quan chức năng khác cần làm rõ để xác định các nội dung vi phạm mà UBND tỉnh Thanh Hóa phạt công ty này đầy đủ chưa.
Cũng theo văn bản trên, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa đã 4 lần kiểm tra vào các năm 2008, 2009, 2012, 2013. Các vi phạm được nêu cụ thể:
- Năm 2008: Chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải; thu gom chất thải rắn chưa đúng quy định; chưa thực hiện giám sát môi trường.
- Năm 2009: Vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải; chưa có hệ thống xử lý khí thải; vi phạm công tác quản lý, thu gom, vận chuyển chất thải; không có sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; thải mùi hôi thối khó chịu trực tiếp vào môi trường không qua xử lý.
- Năm 2012: Vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, khí thải.
- Năm 2013: Vẫn chưa đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải; không thực hiện giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh; vi phạm công tác quản lý chất thải nguy hại.
Sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, và phải có các quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Mặc dù thời điểm đó, hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường còn mới và thiếu (Luật Bảo vệ môi trường được ban hành lần đầu vào năm 1993). Nhưng công ty Nicotex Thanh Thái phải thực hiện lập báo cáo đánh tác động môi trường. Điều đó cho thấy, công tác quản lý môi trường của cơ sở này cần phải được quan tâm sâu sắc.
Vậy mà, từ năm 1999 đến tận năm 2008, không thấy có sự thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của công ty này. Câu hỏi đặt ra là các chất thải độc hại của công ty trong gần 10 năm đó được xử lý như thế nào và thải ở đâu? Vai trò quản lý môi trường của Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng khác ở đâu? Mặc dù, cũng theo thông tin của Sở này là công ty có lưu giữ thuốc trừ sâu quá hạn từ năm 2001.
Từ năm 2008 đến 2013, bốn lần kiểm tra công ty và các sai phạm được tóm tắt ở trên. Câu hỏi đặt ra là tại sao các hệ thống xử lý nước thải, khí thải của doanh nghiệp chưa được hoàn thiện lại vẫn cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và xả thải? Những nguồn thải chưa đạt yêu cầu xả thải (có độc tính rất cao) được thải vào đâu?
Tại điểm b, khoản 1, điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường (2005) đã nêu rõ, đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải “Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết”. Vậy mà 14 năm qua, hệ thống xử lý nước thải, khí thải của vẫn chưa được đầu tư xây dựng đạt yêu cầu, nhà máy vẫn điềm nhiên hoạt động và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không có một biện pháp cứng rắn của Sở Tài nguyên và môi trường.
Cũng theo văn bản số 7479/UBND-NN, mãi đến tận năm 2009 Nicotex Thanh Thái mới hợp đồng với công ty CP Môi trường Bắc Sơn để xử lý chất thải nguy hại. Thế nhưng công ty này lại không có giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại. Vậy từ năm 1999 đến năm 2009, chất thải nguy hại của công ty được xử lý như thế nào? Từ năm 2009 đến năm 2011, công ty CP Môi trường Bắc Sơn xử lý chất thải nguy hại cho công ty như thế nào? Khi đó, vai trò quản lý chất thải nguy hại của Sở Tài nguyên và môi trường ở đâu?
Từ năm 2011, công ty này mới có hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng. Thế nhưng tại khoản 1.7, điều 1 của quyết định xử phạt hành chính (Quyết định số 3253/QĐ-XPHC) lại phạt lỗi “Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định”. Vẫn câu hỏi như trên, vai trò quản lý chất thải nguy hại của Sở Tài nguyên và môi trường ở đâu? Và có hay không việc xử lý chất thải nguy hại của công ty này hay chỉ là hợp đồng nguyên tắc để đối phó với cơ quan chức năng?
Rõ ràng, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan thẩm quyền khác đã không thực hiện quản lý đầy đủ và nghiêm túc hoạt động bảo vệ môi trường của Nicotex Thanh Thái. Để cho công ty này chôn trộm chất thải nguy hại vào đất, xả nước thải và khí thải chứa chất độc hại chưa đạt yêu cầu xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân trong vùng phải tố cáo và tự phát điều tra. Thậm chí, việc quan trắc, giám sát nguồn thải và môi trường xung quanh cũng không được cơ quan này yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Câu hỏi đặt ra, các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Thanh Hóa buông lỏng quản lý hay cố tình bao che? Và UBND tỉnh Thanh Hóa có trả lời cho công luận vấn đề này?

Tại sao không đánh giá mức độ và quy mô ô nhiễm?
UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định, Nicotex Thanh Thái là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và những độc chất do công ty này thải ra có mức độ nguy hiểm rất cao đến sức khỏe của con người.
Vậy mà, không hiểu tại sao UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định số 3253/QĐ-XPHC) chỉ dựa trên cơ sở các điều khoản trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà không điều tra, đánh giá đầy đủ phạm vi và mức độ ô nhiễm.
Đáng ra, với việc gây ô nhiễm nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài, và các chất gây ô nhiễm là những độc chất tác động đến sức khỏe con người. Các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý vụ việc này phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc việc xác định, đánh giá mức độ ô nhiễm trước khi tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.
Việc đầu tiên là phải điều tra, xác định rõ các vị trí, thời gian và lượng chất độc hại đã bị Nicotex Thanh Thái chôn lấp trong đất. Trên cơ sở đó khoang vùng khu vực chôn lấp chất độc.
Tiếp theo cần phải thuê khoán một đơn vị độc lập có chuyên môn cao về đánh giá, phân tích độc chất trong môi trường lấy mẫu đất, nước mặt, nước ngầm theo khoảng cách từ các điểm chôn lấp để xác định phạm vi và mức độ ô nhiễm.
Tiếp đó cần tiến hành kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đối với những người trong khu vực bị tác động của độc chất xem có đúng là họ bị nhiễm độc bởi thuốc bảo vệ thực vật quá hạn và các loại hóa chất nguy hại mà Nicotex Thanh Thái thải ra môi trường hay không.
Đồng thời, phải rà soát lại toàn bộ tài liệu về quá trình hoạt động, cải tạo nhà xưởng, xây dựng các công trình xử lý môi trường và công tác quản lý môi trường của Nicotex Thanh Thái để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của công ty này.
Trên các cơ sở đó, mới đủ thông tin để xác định hành vi vi phạm của các cá nhân và tập thể Nicotex Thanh Thái theo Luật Bảo vệ môi trường và Bộ Luật hình sự.
Rõ ràng, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa phải nắm rõ được quy trình nêu trên. Và câu hỏi đặt ra là tại sao lại chưa thực hiện đầy đủ trước khi ra quyết định xử phạt?

Để dân tự phát, trách nhiệm thuộc về ai?
Việc những người dân tổ chức đi tìm chứng cớ, canh giữ hiện trường,… đã nói lên sự bức xúc đã bị dồn nén lâu dài. Để xảy ra những sự việc như thế, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào cũng cần được làm rõ.
Mặc dù rất bức xúc với hành vi chôn chất độc hại của Nicotex Thanh Thái, và ủng hộ người dân trong việc đi tìm công lý. Tuy nhiên, người viết rất không đồng tình với việc người dân tràn vào khuôn viên công ty đi đào bới tìm chứng cứ mà không có trang thiết bị bảo hộ phòng chống độc chất.
Bởi vì, như lời cảnh báo của ông cựu giám đốc Nicotex Thanh Thái: “Đây là loại hóa chất cực độc nên không được đào lên, vì sẽ đặc biệt nguy hại đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới chết người” (Báo Lao động, ngày 03/9/2013), cũng như người dân đã và đang chịu ảnh hưởng của các chất độc hại từ nguồn thải này. Vì vậy, việc đào bới tìm chứng cứ là một hành vi rất nguy hiểm đối với sức khỏe của những người dân tham gia.
Thêm vào đó, việc trèo tường, đào bới trong khuôn viên công ty là việc làm trái pháp luật, cũng may mắn là chưa có va chạm lớn xảy ra. Nếu không, có thể xảy ra những xung đột giữa người dân và nhà máy, thậm chí có thể gây ra án mạng.
Đồng thời, việc đào bới sẽ làm xáo trộn hiện trường, có thể gây phát tán độc chất ra môi trường, ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
Có thể cho rằng vì người dân quá bức xúc và thiếu hiểu biết về độc chất nên làm như thế. Nhưng những người có trách nhiệm và những phóng viên của một số cơ quan báo chí cần phải hiểu biết điều này và ngăn cản họ. Không thể vì né tránh trách nhiệm hay quá hăng hái đưa tin mà “mặc kệ” hoặc “khuyến khích” người dân làm những việc sai pháp luật.
Tình trạng người dân tự phát giải quyết vấn đề do bức xúc xảy ra ngày một nhiều trong thời gian qua. Những phát biểu về tình hình tội phạm và những hành động “tự xử” trong dân đã được đề cập nhiều trong các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước.
Hơn ai hết, các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ vấn đề này, để kịp thời chấn chỉnh và răn đe, không để xảy ra những trường hợp “tự phát” tương tự trong tương lai.

Lời kết
Vấn đề gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp không phải là việc xảy ra ngày một ngày hai. Vậy mà đến khi người dân không thể chịu được mức độ ô nhiễm, viết đơn tố cáo và có những hành vi tự phát trong việc truy tìm các chứng cớ gây ô nhiễm thì các cơ quan có thẩm quyền mới vào cuộc.
Với những chứng cớ đã rõ ràng, có hay không việc buông lỏng quản lý hay bao che của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hành vi gây ô nhiễm của Nicotex Thanh Thái?
Dư luận mong chờ câu trả lời từ UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu
-----------------

Các bài viết cùng chủ đề:
Chôn hóa chất độc: Bao che hay buông lỏng quản lý?
Nicotex Thanh Thái - Những sai phạm cần làm rõ
Vụ chôn hóa chất độc hại: Bỏ sót 10 sai phạm?

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!