Thursday, March 27, 2014

'Đừng viết theo cảm tính cá nhân'


BBC Việt ngữ: Ngày 24/3, trên chuyên mục Diễn đàn của BBC Việt ngữ có đăng bài “Chính quyền nhát hơn gián?” của tác giả Nguyễn Quảng.
Bài viết cho rằng chính quyền Việt Nam (mà đại diện là Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh) đã sai trái khi tiêu hủy số gián ngoại lai này.
Đồng thời ông Quảng cho rằng loài gián đất của Trung Quốc giống như gián ở Việt Nam, và chính quyền quá nhát gan khi vội vàng tiêu hủy nó.
Sẽ không có gì phải đề cập nếu bài viết nêu ra quan điểm cá nhân về một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, đọc bài viết đó cho thấy ông Quảng đưa ra những quan điểm theo cảm tính cá nhân, thiếu hiểu biết về pháp luật Việt Nam và kiến thức sơ đẳng phổ thông.
Bài viết này sẽ chỉ ra những vấn đề đó.

Thiếu hiểu biết pháp luật
Mở đầu bài viết, ông Quảng cho rằng hoạt động hành chính của Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh là đại diện cho “Nhà nước Việt Nam”(?). Đây là một kiến thức sơ đẳng về sự phân cấp quản lý nhà nước, không chỉ riêng gì ở Việt Nam. Một hoạt động hành chính của chính quyền thành phố London không thể đại diện cho toàn bộ Anh quốc được. Đây là một sự quy chụp thiếu hiểu biết.
Tiếp đến, ông Quảng cho rằng quyết định tiêu hủy gián của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh là “cảm tính”, bởi vì ông Nguyên - chủ trang trại nuôi gián đã được Sở KH&ĐT cấp phép nuôi gián. Điều này lại cho thấy ông Quảng tiếp tục thiếu hiểu biết nhưng vẫn đưa ra quan điểm cá nhân một cách “nguy hiểm”.
Thứ nhất: Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh đã xác nhận việc cấp phép nuôi gián là sai. Cái sai ở đây là đã cấp phép khi chủ đầu tư chưa có đầy đủ các giấy phép chấp thuận được nhập và nuôi gián - một loài động vật ngoại lai của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).
Hoạt động nhập động vật ngoại lai phải tuân thủ Pháp lệnh về giống vật nuôi. Tại khoản 1 Điều 9 của Pháp lệnh đã nêu rõ việc nghiêm cấm không được sản xuất, kinh doanh “giống không có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh”. Tại khoản 2 Điều 23 quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm định hoặc trong các trường hợp đặc biệt khác phải được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho phép”.
Gián đất nguồn gốc từ Trung Quốc là một loài động vật ngoại lai không có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh. Như vậy, việc ông Nguyên nhập khẩu trứng gián về và tiến hành nuôi mà không xin phép đã vi phạm Pháp lệnh về giống vật nuôi và các quy định của Bộ NN&PTNT.
Thứ hai: Việc cấp phép của Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh và công tác thu hồi, tiêu hủy động vật ngoại lai xâm hại là hai việc khác nhau.
Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh cấp phép sai thì phải bồi thường cho ông Nguyên theo luật định. Những cán bộ thiếu trách nhiệm gây hậu quả trên sẽ bị xử lý theo quy định.
Còn việc thu hồi và tiêu hủy động vật ngoại lai nguy hại ngay lập tức là việc cần thiết. Điều này tránh cho việc nếu nhận thức của người nuôi gián thấp, có thể giấu diếm, phát tán loại động vật ngoại lai xâm hại này ra môi trường.
Vì vậy, việc làm của các cơ quan chức năng trong việc thu hồi, tiêu hủy gián là hoàn toàn đúng đắn theo pháp luật, chứ không phải là “đã cưỡng bức, đốt sạch” như ông Quảng nói trong bài viết.


Thiếu kiến thức phổ thông
Những ai học môn Sinh học ở phổ thông đều biết rằng, mỗi loài sinh vật có những đặc tính khác nhau tùy thuộc vào điều kiện môi trường và tính thích nghi của loài sinh vật đó. Trong cùng một loài, mỗi giống ở các khu vực và điều kiện sống khác nhau sẽ có những đặc tính sinh học khác nhau. Ví dụ cùng là lợn, nhưng lợn ỉ của vùng Tây Bắc Việt Nam có đặc tính sinh học khác lợn vùng Yorkshire của Anh quốc.
Vì thế, cùng là gián, nhưng có nhiều loài khác nhau và mỗi loài có đặc tính sinh học khác nhau. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định có tới 4.000 loài gián.
Mặt khác, chúng ta đều biết rằng có nhiều loài gián gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Từ tiểu học, học sinh đã được học về loài gián là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo...
Mặc dù có một số nghiên cứu cho rằng, một vài loài gián có thể là nguyên liệu để bào chế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trong danh mục các loại thuốc hiện nay, người viết tìm hiểu và chưa thấy có một loại thuốc nào mà thành phần dược hóa được triết xuất từ gián và được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo an toàn trong sử dụng.
Vì thế, quan điểm của ông Quảng cho rằng loài gián đất ở Trung Quốc mà ông Nguyên nhập khẩu và loài gián ở Việt Nam như nhau là một sự nhận thức thiếu kiến thức phổ thông.

Vì sao phải quyết liệt tiêu hủy
Gián là một loại côn trùng gây hại. Tại Việt Nam, danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể các loại thuốc để tiêu diệt gián. Vì vậy việc tiêu hủy loài gián ngoại lai khi chưa có một khảo nghiệm, kiểm định và cấp phép của cơ quan chức năng về sự an toàn và không xâm hại đến môi trường và sức khỏe con người là hết sức cần thiết.
Không phải cái gì liên quan đến Trung Quốc chúng ta cũng nghi ngờ. Tuy nhiên, những trả giá cho việc nuôi gián tại các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải ở Trung Quốc trong thời gian qua đã cho thấy điều đó. Hàng nghìn hộ gia đình bỏ tiền mua trứng gián để nuôi, và những lời hứa bao tiêu sản phẩm đã biến mất cùng các nhà bán trứng gián. Những câu nói “lừa đảo” đã được báo chí nói về những vụ việc như vậy.
Bên cạnh đó, những loài động vật ngoại lai gây hại cho môi trường đã nhập vào Việt Nam trong thời gian qua như ốc bưu vàng, rùa tai đỏ, tôm thẻ chân trắng, hải ly,... đã là một bài học nhãn tiền cho những người chăn nuôi theo trào lưu mà không theo định hướng của Bộ NN&PTNT lẫn hậu quả chưa thể khắc phục đối với môi trường.
Hay bài học về việc một số thương nhân Trung Quốc sang đặt hàng trồng hoa hồng (bán giống và bao tiêu sản phẩm) với sự cổ súy của một số “nhà khoa học” ở Việt Nam. Lợi ích như các nhà khoa học lẫn thương nhân Trung Quốc nói đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng nghìn hộ dân ở Thái Bình và Hải Dương giờ đây trở thành con nợ của ngân hàng khi đã trót vay tiền để đầu tư.
Sẽ như thế nào nếu một thời gian nữa, các “nhà đầu tư” Trung Quốc sau khi đã bán giống cho hàng nghìn hộ dân rồi vô tăm biệt tích trong việc thu mua sản phẩm như sự việc xảy ra ở các tỉnh của Trung Quốc đầu tư nuôi gián nêu trên?
Sẽ như thế nào nếu hàng trăm triệu con gián không được thương lái Trung Quốc bao tiêu phát tán ra môi trường? Trong khi chúng ta chưa có những khảo nghiệm, kiểm định về những độc tính lẫn khả năng truyền bệnh của loài gián đất Trung Quốc?
Sẽ như thế nào khi hàng nghìn hộ nếu trót vay tiền để đầu tư và giờ lại ôm một khối nợ khổng lồ với hàng triệu con gián như vụ việc trồng hoa hồng mấy năm trước? Hoa hồng còn có thể vô hại, chứ những con gián gây hại này sẽ như thế nào?

Những vấn đề nêu trên đã cho thấy, việc tiêu hủy loài gián đất ngoại lai nhập khẩu từ Trung Quốc mà chưa qua khảo nghiệm, kiểm định là cần thiết. Việc những cá nhân của Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh sai sót trong thẩm định dẫn đến cấp phép sai sẽ bị xử lý theo quy định. Và người viết tin tưởng rằng, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh sẽ có biện pháp bồi thường cho ông Nguyên vì việc cấp phép sai này theo luật định.
Tuy nhiên, những người dùng ngòi bút để phản ánh các vấn đề xã hội trên báo chí mà thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiến thức phổ thông cơ bản, nhưng lại đưa ra quan điểm chụp mũ “nguy hiểm” với tư duy thiển cận và thiếu kiến thức phổ thông như ông Nguyễn Quảng là một việc làm hết sức phản cảm và thiếu trách nhiệm với xã hội, với người dân.
Chúng ta khuyến khích những thông tin đa chiều đề nhìn nhận đầy đủ một sự vật hiện tượng. Nhưng chúng ta cũng phải bài trừ những bài viết đưa thông tin mù mờ, thiển cận và nâng cao quan điểm qua một góc nhìn mù màu như bài viết của ông Nguyễn Quảng.

Tác giả: Trường Yên

3 comments:

  1. Tôi nghĩ đơn giản,chẳng có ai mù màu khi viết cả.Chỉ có những bài viết có màu và không có màu mà thôi.

    ReplyDelete
  2. Bài này có sức thuyết phục. Tôi xin bổ sung thêm: đối với động vật ngoại lai, đôi khi ở xứ bản địa (quê hương, gốc gác) nó hoàn toàn vô hại, thậm chí có ích hoặc sinh sôi, phát triển ở chừng mực cân bằng (do có một loài động vật bản địa khác săn bắt chúng làm thức ăn chẳng hạn). Thế nhưng sang "quê hương mới", do điều kiện môi trường thuận lợi chúng có thể phát triển với tốc độ cực nhanh, lại không có "thiên địch" (tức kẻ thù săn bắt chúng làm nguồn thức ăn) tất sẽ xảy ra thảm họa về sinh thái. Bởi vậy, cách ứng xử đối với những kẻ "nhập cư trái phép" thì cứ luật pháp Việt Nam mà ứng xử.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, đây chính là sự tác động đến các yếu tố sinh học do sinh vật ngoại lai ạ. Chẳng hạn như vụ đem thỏ từ châu Âu sang Úc hay mang cây hạt dẻ từ Trung Quốc sang Mỹ ở TK 18.
      Ở ta, vụ ốc bưu vàng là một điển hình về việc gây ra cạnh tranh về thức ăn và phá vỡ cân bằng sinh thái, cho dù loài ốc bưu vàng này không độc hại với con người.

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!