Thanh Niên online: Cách đây 2 tháng, xảy ra vụ việc "hôi bia" ở Đồng Nai. Dư luận xã hội đã dấy lên một làn sóng phản đối những kẻ đã nhẫn tâm chiếm đoạt tài sản của người bị nạn. Cơ quan công an sở tại đã khởi tố vụ án “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” để điều tra hành vi của hàng chục người liên quan đến việc "hôi" trên 1.000 thùng bia.
Tưởng rằng sau vụ việc trên, sẽ không còn xảy ra những điều tương tự. Ấy thế mà mới đây, báo chí lại đưa tin về một vụ “hôi của” có tính chất nghiêm trọng hơn nhiều vụ "hôi bia".
Theo thông tin của báo chí, một xe container chở nhãn tươi nhập từ Thái Lan của Công ty cổ phần Bích Thị với tổng trị giá khoảng 1,3 tỉ đồng đã bị tai nạn vào trưa ngày 21.1.2014 tại địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Chiếc xe container bị vỡ và làm hàng trăm thùng nhãn văng ra ngoài.
Thế là hơn một trăm người dân và vài chục hành khách đi xe gần đó đã lao vào “hôi nhãn” trước sự bất lực của tài xế. Mặc dù chủ hàng đã liên hệ với công an địa phương để bảo vệ hiện trường và tài sản. Nhưng không hiểu vì lý do địa hình phức tạp hay dân "hôi nhãn" đông đảo quá mà không thể can thiệp?.
Nhìn những hình ảnh người dân tranh nhau "hôi nhãn", nhìn chiếc thuyền chở đầy những thùng nhãn lấy được của người bị nạn. Những người có liêm sĩ không nén được tiếng thở dài ngao ngán.
Người xưa thường nói: “Dân thì gian, quan thì tham”. Mối quan hệ biện chứng của hai cặp phạm trù “dân gian - quan tham” đã được hình thành lâu đời trong văn hóa người Việt. Quan tham thì ai cũng biết, vì chỉ có quan mới có khả năng tham ô, tham nhũng. Vậy sao quan tham lại đi với dân gian?
Bởi lẽ dân thì thường không thể tham được, vì không có cơ hội để tham. Nên những người dân này thường tìm cách gian dối để mưu lợi về mình. Những hành vi gian dối thường thấy trong xã hội như làm xấu nhưng nói tốt, làm một nói hai, ăn gian làm dối, ăn không nói có,…
Chính vậy, cặp bài trùng “dân gian - quan tham” đi cùng với nhau để nói lên những việc làm xấu xa của những kẻ chỉ biết mưu lợi bản thân mà đi ngược lại với trách nhiệm, với tính cộng đồng và lòng nhân ái của con người trong xã hội.
Ở nhà, ông bà bố mẹ thường dạy con trẻ phải thật thà, không được làm những điều gian dối. Đến trường, các thầy cô dạy học sinh phải trung thực, ra đường nhặt được của rơi phải trả lại người đánh mất. Bên cạnh đó, sự giáo dục của gia đình và nhà trường hướng con người đến tính nhân ái, yêu thương đồng loại như câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”. Khi thấy người khác gặp hoạn nạn, cần ra tay giúp đỡ họ.
Ấy thế mà những điều đã được dạy, được học về tính thật thà, về lòng nhân ái hình như không tồn tại trong một “bộ phận không nhỏ” con người Việt Nam hiện nay. Những kẻ này không chỉ có tính gian, mà còn có tính tham. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để trục lợi cho bản thân, chứ không chỉ đơn thuần là hôi của.
Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng phun chất kích thích vào rau quả, dùng chất tăng trưởng trong chăn nuôi, dùng hóa chất bảo quản thực phẩm, biến thịt thối thành thịt tươi để chế biến thức ăn, biến cám ngô thành cà phê, pha cồn công nghiệp thành rượu. Thậm chí còn nhập gà dịch, nội tạng động vật thối, phụ gia thực phẩm độc hại,… bán cho đồng bào mình để kiếm tiền bất chính. Những vụ việc như thế xảy ra nhan nhản hằng ngày trong xã hội.
Có thể nói, tính tham của người dân trong xã hội hiện tại đã đến mức báo động. Vì lòng tham, họ sẵn sàng làm những việc trái với đạo lý, lương tâm, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người khác, thờ ơ với sự đau khổ của người khác. Những kẻ này chính là những “dân tham” đang bào mòn những giá trị thật thà, trung thực và nhân ái của người Việt.
Mặc dù trong cuộc sống vẫn luôn có những người tốt việc tốt. Họ sẵn sàng trả lại tài sản nhặt được của người khác, cho dù giá trị tài sản đó cả đời họ cũng không làm ra được. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn, những người khuyết tật, những người không nơi nương tựa. Họ sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho đồng bào mình trong những lúc xảy ra thiên tai, dịch họa. Họ sẵn sàng đối mặt với cái xấu, cái ác để bảo vệ người lương thiện;…
Thế nhưng, sự tham lam của một bộ phận không nhỏ người dân đã và đang đầu độc đồng bào của mình, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, tiếp tay cho những việc làm khuất tất gây rối loạn xã hội. Và những điều xấu này lại được xã hội, đặc biệt là giới trẻ tiếp thu nhiều hơn, nhanh hơn những điều tốt đẹp.
Phải chăng, nạn hôi của xảy ra trong thời gian gần đây là hệ quả của những “tấm gương” quan tham và những ảnh hưởng xã hội của một “bộ phận không nhỏ” dân tham nói trên? Và phải chăng, pháp luật không nghiêm đã dung dưỡng những dân tham và tạo cơ hội cho họ tham?
Đến bao giờ, xã hội mới không còn những hình ảnh hôi của bất nhẫn và phản cảm? Đến bao giờ những kẻ dân tham mới giảm bớt lòng tham vì lợi ích chung của đất nước, của đồng bào mình? Và đến bao giờ chúng ta không còn nhắc đến những người xấu, việc xấu trong xã hội?
Tác giả: Trường Yên
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!