BBC Việt ngữ: Dư luận xã hội lại một lần nữa bức xúc vụ việc giáo viên và bảo mẫu của Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (Tp. Hồ Chí Minh) bạo hành các cháu bé từ 10 tháng đến 4 tuổi được các gia đình gửi bán trú ở cơ sở này.
Clip do báo Tuổi Trẻ đăng tải ngày 17/12 đã cho thấy, những người này có những hành động như bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát vào mặt,… các cháu bé.
Cách đây hơn 1 tháng, cũng tại Tp. HCM, một bảo mẫu trông trẻ tư đã đánh và gây tử vong đối với một cháu bé 18 tháng tuổi.
Mặc dù trước đây, đã có nhiều vụ bạo hành trẻ em tại các trường mầm non và các cơ sở trông trẻ tư nhân. Và những bạo hành trẻ em mất nhân tính này đã bị pháp luật trừng trị. Nhưng vấn nạn này không có dấu hiệu giảm.
Vậy, nguyên nhân vì sao lại gây ra những vụ bạo hành mất nhân tính đó?
Hệ thống trường công quá tải
Những gia đình có trẻ ở độ tuổi mẫu giáo tại các thành phố lớn, những nơi có các khu công nghiệp tập trung thì việc gửi con tại các trường mầm non luôn là bài toán nan giải. Đặc biệt đối với những hộ gia đình có thu nhập thấp và những hộ gia đình chưa có hộ khẩu thành phố.
Hệ thống trường mầm non công lập đang quá tải. Việc xin một suất học cho trẻ em sẽ trở nên rất khó khăn nếu không đủ các tiêu chuẩn như nộp hồ sơ đúng hạn, có hộ khẩu tại địa phương và là đối tượng ưu tiên.
Với mức độ tăng dân số mạnh mẽ tại các đô thị trong thời gian qua, và mỗi phường thường chỉ có 1 đến 2 trường mầm non. Các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 40 - 60% số trẻ tại địa phương.
Tại một số trường điểm, có điều kiện vật chất và đội ngũ giáo viên mầm non đạt chuẩn. Luôn có một cuộc chạy đua từ đầu hè đối với các gia đình muốn con cái mình học ở đây. Các vấn đề tiêu cực sẽ phát sinh kèm theo như chạy suất vào trường, chạy tạm trú để đủ điều kiện vào trường.
Dĩ nhiên, khi trường đã nhận đủ số học sinh theo quy định, thì những học sinh khác sẽ không còn được nhận vào nữa.
Khi không được học ở các trường công, các gia đình phải gửi con họ vào các trường tư thục.
Bạo hành trẻ em tại các trường tư thục
Những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các trường mầm non tư thục, các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân. Đối với các trường công lập, thi thoảng vẫn xảy ra, nhưng không nhiều.
Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đã tạo điều kiện cho các trường tư thục ra đời, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của các gia đình không đủ điều kiện cho con vào học các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, hầu hết các trường mầm non tư thục chưa đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng và chất lượng của đội ngũ giáo viên.
Các trường tư thục thường sử dụng các nhà ở cải tạo thành trường học. Không có khuôn viên, sân chơi cho trẻ theo quy định. Mỗi phòng học chỉ từ 15 - 20 m2 và có đến 30 - 40 cháu trong một phòng học. Số lượng các cháu trong một lớp đông như vậy vì những người mở trường muốn tăng lợi nhuận bằng cách giảm số lượng giáo viên.
Phần lớn các trường tư thục chỉ có một số lượng nhỏ các giáo viên có bằng cấp chuyên môn, chủ yếu dạy các lớp học sinh lớn. Còn giáo viên dạy các lớp học sinh nhỏ và các cô bảo mẫu thường chưa được đào tạo nghề nghiệp hoàn chỉnh.
Lý do là mức lương của các giáo viên ở các trường mầm non tư thục không cao, các chính sách bảo hiểm xã hội không lâu dài. Vì vậy những người được đào tạo chuyên môn chính quy thường tìm cơ hội ở các trường công lập hoặc làm trái nghề. Và để bù đắp sự thiếu hụt này, nhà trường thường tuyển dụng những người chỉ được đào tạo ngắn hạn, thậm chí cả những người chưa có chuyên môn và chỉ mới tốt nghiệp phổ thông. Trường hợp tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh là một ví dụ.
Giáo dục mầm non là một lĩnh vực giáo dục đặc thù. Bởi vì đối tượng dạy dỗ là các cháu bé từ đang tập nói đến độ tuổi có thể học chữ. Vì vậy, thi tuyển giáo viên mầm non cũng có đặc thù riêng. Ngoài việc thi các môn kiến thức phổ thông, còn phải thi năng khiếu để đánh giá mức độ đam mê nghề nghiệp và tình yêu thương đối với con trẻ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự xuống cấp của đào tạo đại học Việt Nam nói chung và đào tạo giáo viên mầm non nói riêng, nên việc thi năng khiếu đã bị xem nhẹ, thậm chí bị bỏ. Vì thế có một lượng không nhỏ giáo viên mầm non ra trường thiếu hẳn niềm đam mê nghề lẫn tình yêu thương đối với con trẻ.
Trong một môi trường dạy dỗ thiếu cơ sở vật chất, không gian và các dụng cụ hỗ trợ giảng dạy. Mức thu nhập của các giáo viên thấp. Các giáo viên không tâm huyết với nghề hoặc chưa từng được đào tạo chuyên môn. Thì việc dạy dỗ một số lượng trẻ lớn như vậy chắc chắn gây ức chế và quá tải cho các giáo viên này.
Đối với những giáo viên này, việc bạo hành đối với trẻ để hoàn thành nhiệm vụ là điều dễ hiểu.
Sự buông lỏng của các cơ quan quản lý
Việt Nam có hai cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến trẻ em gồm Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) và Vụ Giáo dục mầm non (thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo). Bên cạnh đó, còn có một hệ thống quản lý hành chính tại địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Nhưng hầu hết những vụ bạo hành trẻ em lẫn sai phạm trong các trường mầm non được phát hiện là do phụ huynh, người dân và các cơ quan báo chí.
Việc cấp phép các trường mầm non tư thục, các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân lẫn quản lý các hoạt động của các đơn vị này hầu như bị buông lỏng trong thời gian qua.
Điều này thể hiện ở việc hàng nghìn các cơ sở mầm non tư thục không đạt tiêu chuẩn quy định về trường học vẫn được cấp phép thành lập. Hàng nghìn các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Chắc chắn rằng, không thể nói tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành không biết.
Rõ ràng nếu các cơ quan quản lý chuyên ngành lẫn chính quyền địa phương làm đúng quy định và có trách nhiệm, thì không thể có những cơ sở mầm non tư nhân chưa đạt tiêu chuẩn quy định về trường học, không thể có các giáo viên chưa có trình độ chuyên môn trông dạy trẻ tại các trường này, không thể có các cơ sở trông giữ trẻ không giấy phép.
Và chắc chắn rằng, sẽ không có những vụ bạo hành trẻ em mất hết nhân tính, thậm chí gây thương tật vĩnh viễn và tử vong trong thời gian qua.
Trách nhiệm của gia đình và xã hội
Gia đình của những trẻ em bị bạo hành cũng không thể không có trách nhiệm. Họ đã không tìm hiểu kỹ và quan tâm hơn đến cơ sở mầm non mà họ gửi gắm con cái của mình. Cho dù vì lý do bươn trải với cơm áo gạo tiền hay vì tin tưởng vào cơ sở trông dạy trẻ thì vẫn là điều đáng trách.
Họ hầu như giao phó con mình cho nhà trường, cho cô giáo. Họ tin tưởng tuyệt đối vào cô giáo. Nếu có điều gì bất thường đối với con, thay bằng việc truy tìm nguyên nhân từ con mình, họ thường hỏi các cô giáo và luôn nhận được câu trả lời là do con họ nghịch ngợm nên trợt ngã, hoặc xảy ra xô xát với bạn.
Họ thường gửi “phong bì” cho các cô giáo trong các dịp lễ tết, thậm chí cho từng tháng với mong muốn cô giáo quan tâm đến con mình hơn, và không đánh cũng như quát mắng đứa trẻ. Dĩ nhiên, những gia đình khó khăn sẽ chịu sự thiệt thòi trong đối xử của cô giáo thiếu tâm lẫn trách nhiệm nghề nghiệp với con của họ.
Nghĩa là, họ biết sẽ có bạo hành trong cơ sở mầm non họ gửi con cái, và họ chấp nhận bằng cách mua chuộc cô giáo. Khi những vụ việc bạo hành xảy ra, họ quay ra đổ hết trách nhiệm cho cô giáo, cho nhà trường và cho các cơ quan quản lý. Và họ cho rằng mình chỉ là nạn nhân đáng thương của sự mất nhân tính của các cô giáo, của sự quản lý thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của xã hội trong những vụ bạo hành này. Những người dân gần cơ sở mầm non, những tổ chức xã hội trên địa bàn,… không thể không biết sự việc. Nhưng họ bàng quan, thậm chí vô cảm với những hành vi bạo hành trẻ. Nhiều người trả lời báo chí rằng, họ biết sự việc, nhưng không nghĩ là có sự bạo hành mất nhân tính như vậy, mà chỉ nghĩ là các cô giáo chỉ hay đánh để răn dỗ con trẻ.
Nếu họ có trách nhiệm với xã hội, và có lương tâm của một người làm cha làm mẹ, thì chính họ phải thông báo cho phụ huynh lẫn tố cáo lên các cơ quan chức năng. Khi đó, những sự việc đáng tiếc sẽ được ngăn chặn sớm.
Lời kết
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Là đối tượng được gia đình, nhà trường và xã hội bảo trợ, bao bọc và chăm sóc. Việt Nam đã phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em từ năm 1990. Thế nhưng còn có bao nhiêu trẻ em hàng ngày vẫn bị bạo hành một cách vô nhân tính?
Ở các quốc gia phát triển, trẻ em trong độ tuổi mầm non được nhà nước bảo trợ và nuôi dưỡng. Nhưng ở Việt Nam, trách nhiệm này do các gia đình tự đảm nhận. Ngoài được hưởng bảo hiểm xã hội và tiêm chủng miễn phí theo quy định, hầu như trẻ em không nhận thêm được sự bảo trợ nào, kể cả trong giáo dục.
Đối tượng trẻ em bị bạo hành chủ yếu xảy ra tại các trường mầm non tư thục, và phần lớn là con em các gia đình có thu nhập thấp. Phải chăng, sự nghèo đói là một tội nợ, và không chừa cả trẻ em?
Và có phải, sự vô cảm cũng như những tội ác do các thế hệ trẻ gây ra ngày một nhiều hơn trong xã hội chính là hậu quả của việc bạo hành tâm lý và thể xác của trẻ em trong giai đoạn giáo dục mầm non?
Tác giả: Trường Yên
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!