I. Sau cuộc gặp với Thủ tướng, nhóm Đối thoại giáo dục (một nhóm tự nguyện gồm 8 trí thức Việt Kiều) do GS Ngô Bảo Châu dẫn đầu đã tham gia Hội thảo “Đối thoại giáo dục Việt Nam: Cải cách giáo dục đại học” do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp.HCM tổ chức.
Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước, trong đó có các quan chức cao cấp như Bộ trưởng bộ KH&CN Nguyễn Quân và Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Trong hội thảo, với vai trò là người chủ trì, anh Châu đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu kém của giáo dục đại học VN như: Chất lượng thấp, giảng viên không đạt yêu cầu, bổ nhiệm GS tù mù,… dẫn đến GDĐH của VN đang tụt hậu và đi ngược lại với quy trình của các nước tiên tiến.
Vẫn biết anh Châu và các nhà khoa học Việt kiều đang rất tâm huyết trong việc cải tổ nền GDĐH, mong muốn đưa GDĐH của VN tiệm cận dần với các nước tiên tiến. Tuy nhiên, những gì anh nói thì ai cũng biết, và đã nói ra rả trên khắp các hội nghị, hội thảo giáo dục, chất vấn trong nghị trường và đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tôi không có “diễm phúc” được cùng các nhà “khoa học nhớn” trong nước tham dự hội thảo để nghe cho hết các ý kiến tranh luận. Tuy nhiên đọc các phát biểu của dăm vị được báo chí trích dẫn thì thấy tư duy, nội dung và cách nhìn nhận về vấn đề không khác gì 10-20 năm về trước. Vẫn bài quen thuộc là đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho các trường ĐH không tự chủ, không chịu đổi mới,… Rồi thiếu đấu tranh, thiếu dân chủ, thiếu sáng tạo,… Đại loại là những vấn đề mà đến trẻ con cũng biết và ngày nào cũng được nói trên báo đài vô tuyến. Thà như anh Châu và các nhà khoa học Việt kiều không có thực tế nên nói thế thì còn nghe được, đàng này các vị ngày nào cũng nghe, ngày nào cũng bàn mà vẫn ra rả cái điệp khúc đó thì chỉ có thể là quan liêu, xa rời thực tế hoặc hèn nên không dám nói thẳng.
Giá trị nhất, thực tiễn nhất của 2 ngày hội thảo chính là câu nói của bộ trưởng Quân: “Với cơ chế hiện nay, đơn giản chỉ riêng vấn đề lương cho GS Ngô Bảo Châu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ như tôi cũng không quyết được thì cơ chế tài chính còn rất gian nan”.
Đến 2 bộ trưởng mà không quyết được lương cho một nhà khoa học thì tốt nhất nên dẹp hết đề án này hay đối thoại nọ, cải cách thế “lọ” hay đổi mới thế “chai” đi, thậm chí dẹp cả cái “quyết tâm chính trị”của cả hệ thống và “cây đũa thần” Nghị quyết 29/NQ-TW mà bộ trưởng Luận đang hô hào với một “trận đánh lớn”. Bởi vì cái nhỏ nhất này còn không làm được thì “mèo lại hoàn mèo” mà thôi.
II. Bây giờ thử đặt câu hỏi cho các quan chức lẫn các nhà khoa học “nhớn” từ những vấn đề mà “trẻ con cũng biết” một số câu hỏi xem họ trả lời như thế nào? Lưu ý chỉ trả lời ”có” hoặc “không” chứ không giải thích hay viện lý do lý trấu “rằng thì là vì” cái lọ cái chai. Bởi lẽ tranh luận như thế thì cả năm cũng không ngã ngũ.
1. Về quản lý: Chính phủ có dám cho các trường ĐH tự chủ về quản lý đơn thuần chỉ là đào tạo và nghiên cứu khoa học mà không áp đặt quan điểm chính trị không?
Bởi lẽ, ai cũng biết ở các trường ĐH hiện nay, quyết định của chi bộ đảng cao hơn quyết định của hội đồng khoa học. Và đáng lẽ khuyến khích giảng viên phát triển tư duy nghiên cứu khoa học độc lập thì họ lại kiểm soát tư duy để tránh bị suy thoái tư tưởng và không kiên định với đường lối.
2. Về bổ nhiệm và sa thải: Các trường ĐH có quyền bổ nhiệm và sa thải giảng viên dựa theo nhu cầu và yêu cầu năng lực mà không bị “vướng” vào các quy định của quản lý nhà nước không?
Bởi lẽ, ai cũng biết nếu không phải đảng viên thì không được bổ nhiệm lãnh đạo, và thường bổ nhiệm theo kiểu hồng hơn chuyên một cách phi học thuật và các mối quan hệ cá nhân. Những người không đáp ứng yêu cầu chuyên môn cũng không thể bị đuổi việc nếu không vi phạm vào luật lao động, luật viên chức,...
3. Về tiền lương: Các trường ĐH có quyền tự chủ về tiền lương và trả lương xứng đáng cho giảng viên hay không?
Bởi lẽ, cứ áp mức lương của nhà nước, cử nhân hệ số 2,34; thạc sĩ hệ số 2,67, tiến sĩ hệ số 3.0 và cứ 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần thêm 0,33 thì đến mùa quýt cũng chả đủ ăn chứ đừng nói gì đến yên tâm giảng dạy và nghiên cứu.
4. Về kiểm định chất lượng: Bộ GD&ĐT có bắt buộc các trường ĐH phải được kiểm định chất lượng bởi một tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới không?
Bởi lẽ, hiện nay chẳng ai tin tưởng vào kết quả kiểm định của Bộ GD&ĐT, thậm chí có tư nhân hóa công tác kiểm định trong thời gian này cũng không chính xác và không sòng phẳng. Cứ cá mè một lứa giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với ĐH dân lập Phan Châu Trinh thì cải cách với cải tổ cái gì?
5. Về đào thải sản phẩm kém chất lượng: Bộ GD&ĐT có chấp nhận không công nhận sản phẩm đào tạo từ các trường ĐH không đạt yêu cầu trong kiểm định chất lượng không?
Bởi lẽ, những trường ĐH không đạt chất lượng thì chẳng khác gì đi bán bằng. Và khi xã hội tẩy chay sản phẩm của trường đó thì tự họ phải đóng cửa và sẽ hết chuyện loạn trường loạn bằng cấp. Bộ GD&ĐT cũng khỏi phải mất công rà soát, đánh giá để cấm tuyển sinh hoặc rút giấy phép hoạt động.
6. Về học hàm: Bộ GD&ĐT có xem việc bổ nhiệm học hàm GS, PGS là một chức vụ và có thời hạn không?
Bởi lẽ, những người không đáp ứng yêu cầu sẽ bị bãi nhiệm, và tránh được việc “chạy” học hàm lẫn khi được phong học hàm thì quên luôn cả nghiên cứu khoa học.
Nếu cả 6 câu trả lời đều là “có”, thì có nghĩa là sẽ cải cách được. Nếu từ 3-5 câu trả lời “có” thì có cải cách cũng dở ông dở thằng và chẳng đâu vào đâu. Còn nếu từ 1-2 câu trả lời “có” thì tốt nhất đừng cải cách mà mất công, vì vẫn câu nói ở trên: “mèo lại hoàn mèo” mà thôi.
III. Bây giờ, thử đề xuất một giải pháp đối với một trường ĐH nhận được cả 6 câu trả lời “có” xem mức độ khả thi như thế nào?
1. Quyền lợi:
a. Về tiền lương: Nhà trường phải đảm bảo lương cho giảng viên như sau:
- Thâm niên dưới 5 năm: Tối thiểu là 1.000 USD;
- Thâm niên từ 5-10 năm: Tối thiểu là 1.500 USD;
- Thâm niên trên 10 năm: Tối thiểu là 2.000 USD;
(Đây là mức lương tối thiểu, còn lương cụ thể của các giảng viên là thỏa thuận giữa giảng viên và nhà trường. Ví dụ 2 giảng viên cùng thời gian thâm niên, cùng học vị thì giảng viên nào được sinh viên đăng ký học nhiều hơn và có nhiều công trình khoa học hơn thì lương phải cao hơn giảng viên còn lại)
b. Về môi trường và điều kiện làm việc:
- Được tự do phát triển về học thuật, không bị áp đặt các vấn đề về tư tưởng và chính trị;
- Được sử dụng không gian và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu;
- Được tiếp cận với các thông tin về khoa học công nghệ;
2. Nghĩa vụ:
- Về giáo trình: Trong vòng 3 năm giảng dạy phải in được giáo trình môn học giảng dạy chính (chỉ yêu cầu biên soạn).
- Về công trình khoa học: Mỗi năm tối thiểu có 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước; cứ 2 năm phải có 1 bài báo quốc tế đạt chuẩn ISI.
- Về khối lượng giảng dạy: Đảm bảo khối lượng giảng dạy tối thiểu theo quy định của Bộ GD& ĐT hoặc quy định riêng của trường ĐH.
3. Sa thải:
- Trong 3 năm không in được giáo trình môn học giảng dạy chính;
- Trong 1 năm không có 02 bài báo đăng tạp chí chuyên ngành trong nước;
- Trong 2 năm không có 01 bài báo đăng tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI;
- Bị 60% sinh viên đánh giá giảng dạy không đạt yêu cầu (Sau mỗi môn học, sinh viên thực hiện đánh giá chất lượng giảng viên theo các tiêu chí kiểm định chất lượng giảng viên);
- Không đạt tỷ lệ sinh viên đăng ký học môn học phụ trách giảng dạy (tỷ lệ cụ thể dựa vào tổng số sinh viên phải học môn học đó và số lượng giảng viên cùng dạy một môn học);
- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đạo đức học thuật (theo quy định);
- Vi phạm các quy chế của nhà trường và vi phạm pháp luật.
4. Bãi nhiệm GS, PGS:
- Không có đủ số lượng học viên cao học và NCS theo quy định;
- Không có đủ số lượng công trình khoa học trong một thời gian quy định.
- Vi phạm đạo đức học thuật (theo quy định).
5. Nếu thực hiện được những nội dung trên thì sẽ đạt được điều gì?
- Giảng viên đảm bảo thu nhập để tập trung tối đa vào chuyên môn;
- Những người bằng thật kiến thức giả sẽ không có cơ hội trở thành giảng viên để ngu hóa sinh viên;
- Những người chuyên môn kém sẽ không có có cơ hội trở thành giảng viên để ngu hóa sinh viên;
- Góp phần bài trừ tệ nạn tiến sĩ giấy đang tràn lan khắp xã hội;
- Giảng viên đầu tư vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học để đảm bảo các nghĩa vụ nêu trên, chứ không phải đi hầu rượu hay hối lộ lãnh đạo để tiến thân;
- Những người giỏi hơn sẽ được bổ nhiệm các vị trí quản lý chuyên môn, đươc phong học hàm và có thu nhập cao hơn;
- Tạo ra sự cạnh tranh học thuật sòng phẳng trong môi trường giảng dạy và nghiên cứu;
- Đảm bảo chất lượng đào tạo lẫn đầu ra của sinh viên mà không cần tổ chức thi đại học hoặc kiểm soát đầu vào;
- Không còn hiện tượng học giả bằng thật, chất lượng đào tạo và bằng cấp quay về đúng giá trị thật của nó;
- Không giới hạn lượng sinh viên đăng ký theo học, đảm bảo quyền được học đại học của người dân;
- Bài trừ được những kẻ ngụy khoa học, những người cậy có chức vị lợi dụng chất xám của các giảng viên trẻ;
- Loại bỏ được tình trạng chạy học hàm, và loại bỏ được những người hiện đang có học hàm nhưng không xứng đáng nhận học hàm đó;
- Xây dựng một môi trường giáo dục đại học sạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo và phấn đấu trở thành đại học đẳng cấp châu lục và quốc tế.
- …
*
***
- Sẽ có người hỏi: Nếu như vậy thì trường ĐH lấy kinh phí ở đâu? Câu trả lời đơn giản như thế này: Kinh phí từ việc thu học phí của sinh viên và bán chất xám chứ còn ở đâu nữa.
Lượng sinh viên đông thì học phí thu được càng nhiều, chưa kể đến chính sách thi không qua thì cứ đóng tiền học lại đến khi thi qua thì thôi. Vừa tăng thu nhập của trường, vừa đảm bảo chất lượng đầu ra.
Giả sử 1 trường ĐH có 2.000 giảng viên. Trung bình mỗi năm có 1.000 bài báo quốc tế. Với khối lượng chất xám này mà không bán ra tiền thì tốt nhất chuyển thành trường tiểu học chứ còn đại học đại hiếc cái gì nữa.
Thêm nữa, vì mục tiêu xây dựng các trường ĐH đẳng cấp châu lục và quốc tế, nên Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tài chính lẫn ưu tiên giao khoán các hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ chứ.
- Lại có người nói rằng, giảng viên hiện nay giàu lắm, thu nhập cao hơn mức lương đề xuất này nhiều. Xin thưa rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Theo đánh giá của người viết, không quá 30% số giảng viên làm chuyên môn chân chính và thuần túy có thu nhập trên 20 triệu/tháng (không làm thợ dạy chạy sô, không làm trái nghề, không kinh doanh chuyên môn, không nhận hối lộ, không tham nhũng từ ngân sách,…); số người có thu nhập trên 50 triệu/tháng không quá 10%.
Nói tóm lại, chẳng có gì ghê gớm cả. Cứ đơn giản như đan rổ thế này, chứ cần gì phải đao to búa lớn, phải không các ngài quan chức lẫn các nhà khoa học “nhớn”?
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
-------------------------------------
Đọc thêm các bài viết của Baron Trịnh về giáo dục đại học đã đăng trên Tuần Việt Nam:
- Đại học Việt Nam: "Chân không tới đất..."
- 23.000 giảng viên thành tiến sĩ - một "giấc mơ"?
- Gạt lợi ích nhóm khi quyết chuyện điểm sàn
- Thầy dạy hay 'thợ dạy'
- 'Loạn'... giáo dục?
- Có cần những “thợ dạy” chân chính?
- Từ chối bằng tại chức là đúng?
- Nói không với bằng tại chức có hợp lý?
- Thạc sỹ thất nghiệp - vì sao?
- Vì sao giới nghiên cứu ngày càng "ốm o"?
- Làm ăn kiểu vậy, bôi trơn là tất yếu
Và bài đăng trên báo Thanh Niên online:
- Bằng thật nhưng học giả
Quyết định là ở lương tối thiểu chàng Baron à. Phải đi từ cải cách tiền lương đầu tiên, sau rồi mới bàn gì thì bàn. Đơn giản vậy thôi.
ReplyDeleteThấy Baron ghi đề xuất này:
" a. Về tiền lương: Nhà trường phải đảm bảo lương cho giảng viên như sau:
- Thâm niên dưới 5 năm: Tối thiểu là 1.000 USD;
- Thâm niên từ 5-10 năm: Tối thiểu là 1.500 USD;
- Thâm niên trên 10 năm: Tối thiểu là 2.000 USD;"
Mình không theo dõi "vụ" bàn bạc trên, nên chưa rõ tác giả đề xuất, nhờ Baron chỉ dẫn.
Nhà em cũng hóng qua báo chí thôi bác Giao, nên cũng chả biết bọn họ bàn gì. Mấy trích dẫn của báo chí thì như em nói ở trên, toàn chém những cái đến trẻ con cũng biết.
DeleteCái vấn đề là ai cũng biết, nhưng không ai dám thừa nhận nền giáo dục đại học của An-nam đang ung thư và đã di căn khắp mọi nơi, nó vẫn sống được vì tất cả mọi người đều nhắm mắt làm ngơ, cho rằng nó vẫn còn khỏe lắm. Gần như tất cả các trường đào tạo theo kiểu thu học phí bán bằng. Chất lượng đào tạo của nhiều trường dân lập gần như bằng 0 (không), vì đơn giản là đạo bài giảng về đọc cho sinh viên chép, khi thi thì bán điểm lấy tiền (chiếm đến 70% số sinh viên các trường dân lập ở ngoài Bắc, còn trong Nam nhà em chưa điều tra).
Cải cách tiền lương đồng thời phải cải cách tư duy quản lý, quan điểm học thuật và nâng cao trách nhiệm. Không thể chỉ cải cách tiền lương là được bác Giao.
Còn mức lương hay các vấn đề trong bài viết là nhà em tự đề xuất. Chứ nghe các nhà khoa học "nhớn" xứ An-nam đề xuất có mà đổ thóc giống ra ăn.
Khó lăm bác ạ.
ok, thế là mình hiểu rồi.
DeleteMình thấy đề xuất của Baron rất được đấy. Bước đầu cứ phải thế đã, tính theo bậc cơ bản. Có được thế thì mọi thứ sẽ chuyển biến hẳn đi mà.
Bây giờ, thảm trạng thì sau khoảng 20 năm đi làm, lương cứng không nuôi nổi một mình ông thầy (hay ông học giả, nhà nghiên cứu), thì hỏi làm gì ? Làm gì ?
Mức mà Baron đưa ra, theo mình, bước đầu giúp anh thầy yên tâm với công việc, không phải chạy xô, tìm các mánh lới.
Vâng, theo em là mức đó thì anh thầy sẽ yên tâm với công việc. Thêm nữa, nó cũng xứng đáng với công sức và trình độ của họ. Có thể làm ở nơi khác thu nhập cao hơn, vì 1 MSc hay 1 PhD đúng nghĩa có thể thu nhập từ 2.000-5.000/tháng. Nhưng ở trường ĐH có nhiều lợi thế hơn về tính chủ động và thời gian, đó là chưa kể vẫn có thu nhập thêm từ công việc nghiên cứu khoa học. Nên nếu là em thì em vẫn chọn làm ở trường ĐH.
DeleteVấn đề là phải xiết chặt quản lý chuyên môn để họ làm việc đúng với yêu cầu. Đồng thời có chế tài sa thải để không có chuyện hưởng lương ngồi chơi như hiện nay.
Có điều, để làm được việc đó cực khó. Ngay cả mấy trường ĐH trọng điểm như ĐH KHCN Hà Nội và ĐH Việt Đức cũng chả làm được, vẫn chịu áp đặt giáo điều từ Bộ GD.
Thế nên chỉ viết ra như là một mơ ước thôi bác Giao.
Cần bổ sung cho Baron tin này nhé (về cách tính lương hiện nay, theo chính sách hiện dụng), để thấy thêm một mảng thực tế nữa:
Deletehttp://giaovn.blogspot.jp/2014/08/a-thuc-su-cung-nhau-vui-cuoi-tran-cao.html