Tuần Việt Nam: Cũng trong xu hướng thành lập, nâng cấp các trường ĐH trong thời gian qua, một số lượng lớn các cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp đã "chạy" lên thành các trường ĐH.
Xem phần 1: Thầy dạy hay 'thợ dạy'
Với lý do đáp ứng nhu cầu đào tạo xã hội và phát triển trường đại học đa ngành, các trường ĐH ồ ạt mở các ngành học mới và các chuyên ngành đi kèm. Khi không đủ giảng viên chuyên ngành (do rào cản của định mức biên chế), các trường ĐH thường bố trí những người có chuyên môn gần đảm nhiệm dạy các ngành mới.
Nộp học phí để lấy bằng
Giáo dục ĐH không thể giống như giáo dục trung học cơ sở, có thể gộp các các môn học gần thành ban, kiểu thầy dạy sử có thể dạy kèm văn trong ban văn- sử. Ấy thế mà rất nhiều nhà quản lý GDĐH có tư duy này. Tất yếu, những người có chuyên môn chuyên ngành này, lại đi soạn bài dạy cho chuyên ngành khác, thì họ chỉ có thể là "thợ dạy".
Đào tạo phi chính quy không thể thiếu trong hoạt động GD ĐH. Thế nhưng ở nước ta, hoạt động đào tạo phi chính quy lại biến tướng thành một hình thức đào tạo theo kiểu "nộp học phí lấy bằng".
Cách đây không lâu, khi còn là Bộ trưởng Bộ GD& ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời trước Quốc hội rằng, đào tạo tại chức là "nồi cơm" của các trường ĐH[6].
Để đảm bảo "nồi cơm" luôn đầy, các trường ồ ạt mở đào tạo phi chính quy (tại chức, liên thông,...). Sự biến tướng của hình thức đào tạo này chính là hoạt động liên kết đào tạo tại các địa phương. Các trường ĐH buông lỏng công tác kiểm soát chất lượng. Thời lượng giảng dạy bị rút ngắn, chương trình học được những người đi dạy cắt xén tối đa.
Một môn học ở hệ chính quy có thể phải học trong một học kỳ hoặc một nấc của học kỳ, thì chỉ cần dạy một vài ngày hoặc một tuần ở hệ phi chính quy. Chưa nói đến những thiệt hại của xã hội cũng như những tệ nạn mua bán điểm, tệ nạn phong bì, chất lượng của các tấm bằng..., mà hoạt động này vô hình dung đã tạo ra những người "thợ dạy" chuyên nghiệp, không quan tâm đến chất lượng giảng dạy.
"Loạn" đào tạo sau ĐH
Khi các trường ĐH đua nhau được thành lập, hệ đào tạo phi chính quy đang bị thu hẹp quy mô, thì hoạt động đào tạo sau ĐH lại trăm hoa đua nở. Việc không giới hạn các đối tượng được đào tạo sau ĐH đang trở thành một hệ lụy như đào tạo phi chính quy ở bậc ĐH.
Nhìn vào bảng tổng kết ở phần I- "Thầy dạy hay thợ dạy", số lượng giảng viên có trình độ thạc sỹ tăng 403,8% tính từ năm học 2000-2001 đến năm học 2011-2012. Trong số 22.117 thạc sỹ được tuyển dụng thành giảng viên, liệu có bao nhiêu phần trăm là người học thật, có trình độ thật?
Chưa bàn đến việc loạn đào tạo thạc sỹ ảnh hưởng đến xã hội chuộng bằng cấp như thế nào, mà chỉ đề cập đến hoạt động tuyển dụng giảng viên ĐH. Tại khoản 3, điều 54 Luật GDĐH nêu rõ: "Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên". Với việc thiếu hụt giảng viên, đặc biệt là các trường ĐH ngoài công lập, bao nhiêu thạc sỹ không đạt chuẩn đã trở thành giảng viên ĐH.
Người viết cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp những học viên cao học được đào tạo theo kiểu "cơm chấm cơm" như hệ tại chức ĐH. Khi có bằng thạc sỹ đã được nhận vào trường cao đẳng nghề, một thời gian sau, trường nâng cấp lên thành ĐH, và những người này nghiễm nhiên trở thành giảng viên ĐH.
Thế nên mới có những chuyện cười ra nước mắt khi các giảng viên ĐH không có một chút khái niệm về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, thậm chí còn viết sai chính tả. Những đối tượng này, có lẽ không bao giờ có thể trở thành những "thầy dạy", mà chỉ đạt được trình độ "thợ dạy" theo đúng xuất phát điểm của họ.
Giáo viên dạy nghề thành giảng viên ĐH
Cũng trong xu hướng thành lập, nâng cấp các trường ĐH trong thời gian qua, một số lượng lớn các cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp đã "chạy" lên thành các trường ĐH.
Nếu các trường này chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng giảng viên để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH thì không có gì phải bàn luận. Nhưng thực tế, vẫn còn quá nhiều bất cập và lỗ hổng trong hoạt động. Chưa đề cập đến các vấn đề khác, nội dung bài viết đứng ở khía cạnh chất lượng giảng viên ĐH của các trường này.
Khi nâng cấp lên thành trường ĐH, một số lượng lớn các giáo viên nghề nghiễm nhiên trở thành giảng viên ĐH. Thay vì việc đào tạo kỹ năng nghề cho học viên trung cấp/ cao đẳng, những giáo viên nghề này sẽ tiếp tục đảm nhận công tác đào tạo sinh viên bậc ĐH.
Có lẽ sự ràng buộc cơ chế khiến các trường này lúng túng trong việc sắp xếp nhân sự, cũng như việc loạn đào tạo sau ĐH có thể giúp các giáo viên nghề có bằng thạc sỹ, khi đó họ nghiễm nhiên đủ chuẩn trở thành giảng viên ĐH.
Tuy nhiên, việc dạy nghề và giảng dạy ĐH khác nhau, đối tượng giảng dạy cũng khác nhau. Và các giáo viên nghề, nếu không thật sự đầu tư sâu về chuyên môn để đủ trình độ đứng lớp thì mãi mãi họ vẫn chỉ là "thợ dạy", cho dù đã khoác lên mình chức danh giảng viên ĐH.
Nguyên khí quốc gia đang ở đâu?
Như đã nêu ở trên, những giảng viên có trình độ, thâm niên công tác, có học hàm, học vị cao thường nắm những vị trí quản lý, tập trung vào giảng dạy và hướng dẫn sau ĐH dẫn đến thời lượng giảng dạy ĐH của họ ít đi. Đây là sự thiệt thòi cho hoạt động GDĐH nói chung và công tác đào tạo sinh viên ĐH nói riêng.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị GDĐH năm 2013, trong số 1.473 GS, 8.176 Phó GS và hơn 24.000 tiến sỹ của cả nước, chỉ có 286 GS (chiếm 0,5%), 2.009 Phó GS (chiếm 3,37%) và 8.519 tiến sỹ (chiếm 14,27%) đang giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ.
Chất lượng đào tạo ĐH ngoài tiêu chí tỷ lệ giữa sinh viên/ giảng viên, còn có tỷ lệ GS, TS/ giảng viên. Với số liệu ở trên cho thấy, tỷ lệ này ở Việt Nam còn quá thấp. Mục tiêu đào tạo hơn 20.000 tiến sỹ trong 10 năm của Bộ GD& ĐT không biết có thực hiện được không, và chất lượng đến đâu[7]. Nhưng rõ ràng, việc phần lớn các GS, Phó GS, TS không tham gia công tác giảng dạy ĐH là một thiệt thòi rất lớn cho đất nước. Đồng thời cũng góp phần vào việc hình thành một lớp "thợ dạy" trong các trường ĐH.
Thực trạng "thợ dạy" trong các trường ĐH ở nước ta đang là một vấn đề nhức nhối, làm suy giảm chất lượng GDĐH, đi ngược với tiêu chí đào tạo ra những "nguyên khí quốc gia" đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.
Chắc chắn lãnh đạo Bộ GD& ĐT, lãnh đạo các trường ĐH và các nhà quản lý GD khác đều nhìn thấy thực trạng và nguyên nhân suy giảm chất lượng giảng viên ĐH, biến họ trở thành những "thợ dạy" trong thời gian qua.
Thế nhưng, tại sao vấn nạn "thợ dạy" vẫn nghiễm nhiên tồn tại và được chấp nhận trong xã hội? Bộ GD& ĐT và những nhà quản lý GD liệu có trả lời được câu hỏi trên?
Tác giả: Trịnh Xuân Báu
----------------------------
Tham khảo:
[6]: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2006/11/3b9f0c55/
[7]: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-07-12-23-000-giang-vien-thanh-tien-si-mot-giac-mo-
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!