Thursday, June 5, 2014

Làm ăn kiểu vậy, bôi trơn là tất yếu


(tiếp theo bài trước: Vì sao giới nghiên cứu ngày càng "ốm o"?)

Tuần Việt Nam: Với những khó khăn, bất cập và rào cản cơ chế đã nêu trên, cơ hội nào cho các giảng viên làm NCKH?

Để trả lời câu hỏi trên trong khuôn khổ một bài viết ngắn, người viết sẽ nêu ra những nhóm nguyên nhân chính và không đi sâu vào phân tích đầy đủ kèm theo những minh chứng cụ thể.

Cơ chế tài chính rối rắm, phức tạp
Đầu tiên là cơ hội tiếp cận.
Trong vài năm gần đây, cơ hội tiếp cận thông tin và được tham gia đấu thầu công khai các đề tài KH đang ngày một nhiều hơn nhưng con đường để một nghiên cứu viên trẻ giành được đề tài không hề dễ dàng.
Việc chia nhau “thị phần” trong chiếc bánh kinh phí NCKH vẫn xảy ra, một phần là do những người có “quan hệ” tranh đề tài về cho cá nhân và tổ chức của họ. Một phần do các bộ ngành phải phân bổ kinh phí để duy trì các cơ sở nghiên cứu yếu kém. Điều này đã dẫn đến hiện tượng xin cho và “chạy” đề tài nghiên cứu. Vì thế việc đấu thầu công khai nhiều nơi mang tính hình thức và khó có cơ hội cho các giảng viên ĐH.
Cơ hội được tiếp cận thông tin về việc tuyển chọn đề tài KH vẫn còn ít ỏi. Những thông tin được công khai trên các trang thông tin của cơ quan quản lý đề tài KH thường được cập nhật rất muộn. Những giảng viên ĐH là những nhà KH trẻ, những nhà nghiên cứu độc lập... nên hầu như không có cơ hội tiếp cận nếu không có những mối quan hệ theo kiểu “truyền thống”.
Ngay cả Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được coi là công khai, minh bạch và tất cả các nhà KH đều có thể tiếp cận thì cơ chế và các điều kiện thực hiện đề tài lại quá khắt khe.
Vật cản thứ hai là kinh phí đề tài NCKH quá thấp.
Câu nói thường gặp trong các hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH là với kinh phí như vậy thì kết quả nghiên cứu đạt được khó có thể tốt hơn. Và đó chính là lý do tại sao phần lớn các đề tài NCKH sau khi nghiệm thu xong đều được đem cất kỹ trong tủ.
Như có bộ nọ, nơi có gần 60 trường ĐH, và hầu hết là các trường ĐH lớn với số lượng những người có học hàm học vị nhiều nhất so với các bộ ngành khác, việc “tranh” được đề tài rất khó, mặc dù trong vài năm gần đây đã đổi mới cơ chế đấu thầu và tăng tiền. Đó cũng là lý do tại sao kinh phí của đề tài NCKH cấp trường thường chỉ từ 5 ÷ 10 triệu đồng/đề tài.
Không hiểu với khoản kinh phí này thì người thực hiện đề tài sẽ làm như thế nào để ra sản phẩm nghiên cứu có chất lượng? Trong khi còn bao nhiêu khoản chi, từ mua vật liệu, hóa chất, chi phí hội đồng nghiệm thu và cả chi phí… bôi trơn.
Nguyên nhân thứ ba là cơ chế tài chính không phù hợp. Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu khiến những người nghiên cứu nghiêm túc không muốn nhận và thực hiện đề tài từ ngân sách. Một cơ chế tài chính rối rắm, phức tạp với những đơn giá quy định có khi từ 10 năm trước.
Hầu như cá nhân, tổ chức nào đấu thầu được đề tài cũng đau đầu với các thủ tục thanh toán và giải trình trước nhà trường - đơn vị chủ quản thay mặt chủ nhiệm đề tài ký hợp đồng NCKH. Việc mua hóa đơn bên ngoài, kê khống khối lượng công việc, kê khống khối lượng vật liệu hóa chất thí nghiệm, hợp lý hóa kinh phí bôi trơn… là chuyện tất yếu.
Chính đây là nguyên nhân dẫn đến sự gian dối, giảm chất lượng và không khuyến khích được những giảng viên nghiêm túc.
Ngoài ra, không thể không nói đến chuyện tăng đột biến số lượng SV dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên. Vì khối lượng giảng dạy quá nhiều, dẫn đến các giảng viên chỉ lo đi dạy mà không còn thời gian để làm nghiên cứu. Mặt khác, các giảng viên trẻ bị lao vào vòng xoáy soạn bài, giảng bài mà không có thời gian để đọc tài liệu, để hình thành tư duy và ý tưởng NCKH. Họ thậm chí còn chưa định hình rõ ràng về phương pháp tiếp cận NCKH và chưa có kỹ năng viết một bài báo KH. Không dưới 70% số lượng giảng viên trẻ có thâm niên công tác dưới 05 năm ở các trường ĐH hiện nay thuộc nhóm này.
Và cuối cùng là chuyện thiếu sòng phẳng.
Việc thiếu thông tin và mối quan hệ với cơ quan quản lý KH, kinh phí thực hiện đề tài quá thấp và cơ chế tài chính phức tạp như đã nêu trên dẫn đến những giảng viên trẻ rất khó nhận được các đề tài NCKH. Muốn có khối lượng NCKH, họ phải xin tham gia cùng với các chủ nhiệm đề tài, thường là các cây đa cây đề trong cơ quan họ công tác.

“Thu nhập” đang kìm hãm
Việc họ được nhận một phần công việc, tự chủ trong thực hiện và được trả công sức xứng đáng hầu như khó xảy ra. Bởi vì kinh phí đề tài quá hạn hẹp và phải chi cho việc “bôi trơn” nhiều dẫn đến các nội dung thực hiện phải cắt giảm tối đa. Và nếu muốn tham gia đề tài, thì phải chấp nhận cơ chế này. Việc làm khống số liệu, copy nghiên cứu của người khác để hoàn thành đề tài là chuyện thường ngày ở huyện...
Chính vì vậy những giảng viên NCKH nghiêm túc thường khó chấp nhận thực hiện, và lại là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng “ngụy KH” kiếm thành tích và học hàm học vị.
Cơ chế tiền lương cũng đang kìm hãm sự phát triển.
Để có thể có những ý tưởng nghiên cứu mới, sáng tạo và có thời gian thực hiện các nghiên cứu thì các giảng viên phải thực sự không bị phân tán vào các vấn đề cơm áo gạo tiền, nhiều diễn đàn đã nói chuyện này.
Ai cũng biết, việc nghiên cứu của giảng viên sẽ kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa trường ĐH và nhà sản xuất. Góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của xã hội và tạo ra giá trị gia tăng cho các trường ĐH, nhằm tiến tới một nền giáo dục ĐH phi lợi nhuận trong hoạt động đào tạo.
Những quốc gia phát triển đều có trình độ KHCN tiên tiến. Và phần lớn các nghiên cứu đều được xuất phát từ các trường ĐH.
Bao giờ ở ta mới thức tỉnh điều này?

Tác giả: Trịnh Xuân Báu

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!