Monday, May 20, 2013

Có cần những “thợ dạy” chân chính?


Tuần Việt Nam: Khi người dạy đã cầu thị trong việc cập nhật, nâng cao kiến thức và rèn luyện được những kỹ năng nói trên thì họ xứng đáng là những "thầy dạy". Vì thế, sẽ không có khái niệm "thợ dạy hay" với "thợ dạy dở", thậm chí là "thợ dạy chân chính" trong các trường ĐH.

Cách đây ít lâu, Tuần Việt Nam đăng bài 'Thợ dạy' có thực sự dở? của tác giả Khương Duy[1]. Tác giả cho rằng, vấn đề "thợ dạy" cần được nhìn nhận khách quan và công bằng hơn. Tuy nhiên, người viết cho rằng một số nhận định của tác giả vẫn chưa đúng với thực tế công tác giảng dạy trong các trường đại học ở Việt Nam.
Không phải tự nhiên mà vấn đề "thợ dạy" lại nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội và tốn không ít giấy mực của các phương tiện truyền thông cũng như những người làm công tác GD. Bài viết này sẽ chỉ ra một số khác biệt giữa "thầy dạy" và "thợ dạy" nhằm làm rõ câu hỏi, có nên để tồn tại các "thợ dạy" trong các trường ĐH.

Giảng viên có được yêu cầu chỉ dạy đủ chuẩn?
Thông tư 36/2010/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 29/1/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008. Tại điểm b, khoản 4, điều 1 của Thông tư này quy định rõ, khung định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên là 280 giờ chuẩn/năm. Trường hợp trong cùng một chuyên ngành, giảng viên có mức lương thấp hơn thì có số giờ chuẩn ít hơn và không dưới 260 giờ chuẩn (điểm b, khoản 5, điều 1).
Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT thì thời gian làm việc của giảng viên theo chế độ 40 giờ/tuần, tương đương 1.760 giờ/năm. Trong đó, có 900 giờ giảng dạy, 500 giờ nghiên cứu khoa học và 360 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác.
Như vậy, khung định mức giờ chuẩn để quy định số giờ chuẩn tối thiểu mà giảng viên phải đảm nhận, điều đó không có nghĩa là giảng viên chỉ nhận dạy đủ giờ chuẩn.
Với cơ chế quản lý GDĐH mang nặng tính hành chính, giảng viên phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của nhà trường và trưởng bộ môn quản lý chuyên môn, thì việc giảng viên đòi hỏi quyền lợi chỉ dạy đủ khung định mức giờ chuẩn là thiếu khả thi. Trong khi các trường luôn tăng quy mô tuyển sinh đầu vào, chưa kể đến việc dạy liên thông hay hệ vừa làm vừa học.
Như người viết bài này đã chỉ ra các nguyên nhân hình thành các "thợ dạy" trong các trường ĐH [2], [3]. Trong đó, việc tuyển sinh ồ ạt sinh viên, việc thành lập mới và nâng cấp quá nhiều trường ĐH, việc các giảng viên có học hàm học vị cao ít tham gia giảng dạy,... đã dẫn đến việc thiếu quá nhiều "thầy dạy" trong quá trình đào tạo ở các trường ĐH.
Chính vì thế, áp lực gia tăng khối lượng giờ giảng cao hơn nhiều lần so với khung định mức giờ chuẩn, thậm chí cao hơn nhiều so với quy định tối đa là 900 giờ dạy/năm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT.


Sự khác biệt
Đồng ý rằng, có nhiều giảng viên có học hàm, học vị cao, viết giáo trình rất hay nhưng giảng lại không hay. Người viết cũng đã gặp những giảng viên như vậy trong quá trình đi học và đi dạy.
Tuy nhiên, những trường hợp này là thiểu số. Không thể nói có một GS viết sách rất hay, nhưng khi giảng những gì trong sách của chính mình viết không hay mà quy nạp rằng các GS chưa chắc đã dạy hay.
Có một điều chắc chắn, đối với giảng dạy ĐH, nếu giảng viên không sâu về kiến thức chuyên ngành, không am hiểu về kiến thức xã hội và không có kinh nghiệm thực tiễn thì không thể dạy hay được.
Giảng dạy ĐH khác giảng dạy phổ thông. Người dạy ĐH không những truyền đạt kiến thức chuyên môn, mà còn phải truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn, thậm chí cả kinh nghiệm sống cho sinh viên. Đồng thời, phải giải đáp những thắc mắc của sinh viên, mà phần lớn những thắc mắc này lại nằm ngoài giáo trình giảng dạy.
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giảng viên phải tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức chuyên ngành nói riêng và tri thức xã hội nói chung. Bên cạnh đó, cần phải rèn luyện phương pháp giảng dạy ĐH, rèn luyện kỹ năng nói, kỹ năng viết bảng, kỹ năng thuyết trình trên máy chiếu, và kỹ năng gợi mở kiến thức đối với sinh viên.
Do đó, khi người dạy đã cầu thị trong việc cập nhật, nâng cao kiến thức và rèn luyện được những kỹ năng nói trên thì họ xứng đáng là những "thầy dạy". Vì thế, sẽ không có khái niệm "thợ dạy hay" với "thợ dạy dở", thậm chí là "thợ dạy chân chính" trong các trường ĐH như quan điểm của tác giả Khương Duy.
Cũng cần nhận thức rằng, đối với giáo dục ĐH nước ta, trình độ thạc sỹ là đạt chuẩn giảng viên. Có những thạc sỹ dạy lâu năm, họ chưa có cơ hội đi tu nghiệp nâng cao trình độ lên tiến sỹ, nhưng không có nghĩa kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của họ kém hơn các tiến sỹ.
Bên cạnh đó, thay vì thời gian đi tu nghiệp, họ có thời gian giảng dạy nhiều hơn, và dĩ nhiên kỹ năng và phương pháp giảng dạy của họ cũng hoàn thiện hơn. Những thạc sỹ này là những người "thầy dạy" chân chính. Vì thế, ví dụ của tác giả Khương Duy so sánh giờ dạy của một tiến sỹ và một thạc sỹ có phần phiến diện.
Có thể nói, trong giảng dạy bậc ĐH, người dạy cần có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành mà họ đảm nhiệm môn học. Bên cạnh đó, phải vận dụng được kiến thức này vào thực tiễn đời sống, sản xuất trong xã hội. Những kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn sẽ thông qua các phương pháp giảng dạy để truyền đạt lại cho sinh viên.
Giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên ngành và biết áp dụng kiến thức đó sau khi ra trường đi làm. Những giảng viên làm được điều này chính là những "thầy dạy" chân chính, mặc dù có thể họ chưa có học vị TS, hay học hàm GS, Phó GS. Và điều đó, phần lớn những người "thợ dạy" không thực hiện được trong quá trình giảng dạy ĐH.
Một "thợ dạy" có khả năng thuyết trình hay, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn thì không thể đào tạo ra những sinh viên đạt yêu cầu của xã hội được.
Một "thầy dạy", chắc chắn họ sẽ sâu về kiến thức chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, và họ sẽ biết cách truyền đạt tốt nhất những kiến thức và kinh nghiệm này cho các sinh viên. Đây chính là sự khác biệt giữa "thầy dạy" và "thợ dạy".

Cập nhật hay lạc hậu?
Để có thể sâu về kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn, bắt buộc các giảng viên phải nghiên cứu khoa học. Và trên các kết quả nghiên cứu đó, ứng dụng vào thực tiễn đời sống và sản xuất của xã hội. Thế nên, không phải tự nhiên mà trong Luật GDĐH, lại yêu cầu giảng viên ĐH phải "Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo" (khoản 2, điều 55).
Cách đây vài ngày, người viết bài đi dự giờ giảng của một giảng viên trẻ tập sự. Trong quá trình giảng, giảng viên không đi sâu vào chủ đề chính của bài giảng, mà tập trung nhiều vào những vấn đề liên quan đến chủ đề chính. Điều đáng nói là những kiến thức về chủ đề liên quan giảng viên này không nắm rõ, vì thế có rất nhiều sai sót.
Khi người viết góp ý và chỉ ra những điểm sai sót, thì giảng viên trẻ và các giảng viên khác trong chuyên ngành này nói rằng, bài giảng được soạn lại theo giáo trình của môn học. Giảng viên trẻ chưa có kinh nghiệm thực tế, thiếu thời gian để tham khảo các tài liệu liên quan, nên chưa nắm được các kiến thức này.
Câu chuyện nhỏ kể trên để chỉ ra rằng, phần lớn giáo trình của các trường ĐH nước ta được biên soạn từ các giáo trình ngoài nước. Và những giáo trình đã khá lâu không tái bản, thì sẽ có nhiều nội dung lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hiện tại, không cập nhật kịp những sự thay đổi về GD và khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Nếu cậu giảng viên nói trên là người đã có các công trình nghiên cứu liên quan đến môn học, có những kinh nghiệm khi triển khai các dự án thực tế, thì sẽ nhận thấy những sai khác từ giáo trình cũ với thực tế, sẽ soạn bài giảng phù hợp, tránh được những sai sót nêu trên. Đó chính là lý do tại sao giảng viên ĐH phải có tối thiểu 500 giờ nghiên cứu khoa học/ năm.
Những giảng viên này, nếu không dành thời gian nghiên cứu khoa học, không đưa những ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, thì cho dù có khả năng thuyết trình trong giảng dạy, họ sẽ trở thành những "thợ dạy" mà thôi.
Quá trình nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH không yêu cầu phải là GS hay TS. Mục đích của nghiên cứu khoa học đối với giảng viên để "bảo đảm chất lượng đào tạo". Một giảng viên ĐH vừa phải có kỹ năng giảng dạy, vừa phải có kỹ năng nghiên cứu. Đồng thời lấy kiến thức lý thuyết trong quá trình giảng dạy để ứng dụng vào thực tiễn, đem kinh nghiệm thực tiễn đưa vào giảng dạy lý thuyết.
Điều đó vừa giúp giảng viên hoàn thiện kỹ năng giảng dạy, vừa nâng cao kiến thức chuyên môn, và góp phần đào tạo ra những thế hệ sinh viên có chất lượng.
Do đó, không thể hình thành một cầu nối là "thợ dạy" giữa một GS có kinh nghiệm nghiên cứu (nhưng giảng bài thiếu truyền cảm) với các sinh viên được.
Đâu đó, vẫn có những GS, TS chưa thực sự là những người giảng bài hay, truyền đạt kiến thức tốt cho sinh viên. Nhưng điều này chỉ là thiểu số. Một giảng viên ĐH phải thực hiện được cả hai nhiệm vụ trên, và điều này nằm ở đại đa số những "thầy dạy" chân chính.

Lời kết
Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, càng cần thiết phải ưu tiên phát triển GD để hội nhập quốc tế và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, người thầy đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của nền GD nước nhà.
Ngành GD nói chung và GDĐH nói riêng, cần những người "thầy dạy thực thụ" chứ không cần những người "thợ dạy chân chính" đứng trên bục giảng. Có như vậy, chúng ta mới có thể đào tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu
--------------------------
[1]: http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-05-08-tho-day-co-thuc-su-do-
[2]: http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-04-25-thay-day-hay-tho-day-
[3]: http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-04-25-loan-giao-duc-

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!