Thursday, June 27, 2013

Từ chối bằng tại chức là đúng?


Tuần Việt Nam: Nên tôn trọng quyết định "nói không với bằng tại chức" của tỉnh Nam Định và một số tỉnh thành khác, nếu điều này góp phần nâng cao chất lượng công chức trong các cơ quan công quyền, tránh các tình trạng quan liêu, trì trệ theo kiểu "hành là chính".

Thông báo số 88/TB-UBND ngày 29/5/2013 về việc tuyển dụng công chức của tỉnh Nam Định lại một lần nữa gây xôn xao dư luận khi tỉnh này tiếp tục "nói không với bằng tại chức"[1]. Trước đó, tỉnh NĐ cùng với các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Bình cũng đã "nói không với bằng tại chức" khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Những ý kiến phản đối coi đây là sự không công bằng và kỳ thị giữa bằng cấp chính quy và phi chính quy, giữa chính quy hệ công lập và chính quy hệ dân lập. Thậm chí có ý kiến còn cho việc làm đó là "sai quy định"[2], đồng thời đặt ra câu hỏi liệu như vậy "Có phạm luật?"[3].
Để rộng đường dư luận, xin đề cập đến chất lượng thực sự của những tấm bằng tại chức và chất lượng cán bộ công chức. Đồng thời đề xuất quan điểm nên tôn trọng quyết định của nhà tuyển dụng trong việc lựa chọn nguồn lao động.


Chất lượng của những tấm bằng tại chức
Đào tạo hệ tại chức (nay là hệ vừa làm vừa học) là một chính sách đúng đắn ở thời điểm mà đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn sau chiến tranh. Khi đó, tỷ lệ học sinh thi vào các trường đại học (ĐH) còn rất thấp. Một phần vì quy mô đào tạo ĐH còn hạn chế, một phần vì trong điều kiện kinh tế khó khăn, rất nhiều người phải nghỉ học để đi làm mặc dù họ đủ năng lực học ĐH.
Xã hội hóa GD tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển, đáp ứng nhu cầu học ĐH của xã hội. Nhưng mặt trái của nó là chất lượng đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo ĐH phi tập trung.
Đào tạo ĐH tại chức nở rộ từ năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, và bị biến tướng khi đối tượng đi học không chỉ còn là những người đang đi làm, được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện bằng cấp. Để phù hợp với thực tế, khái niệm "hệ tại chức" được chuyển thành "hệ vừa làm vừa học" với đối tượng học cho cả những người chưa đi làm.
Đã có một thời kỳ, các trường ĐH ồ ạt mở rộng quy mô đào tạo ĐH tại chức, đến mức có những trường có cơ sở trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Khi nhìn nhận thực tế về chất lượng đào tạo, đã có những ý kiến đề nghị xiết chặt hoặc xóa bỏ hệ này, nhưng vì là "nồi cơm" của các trường ĐH nên không thể bỏ như câu nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân[4].
Chất lượng của quá trình đào tạo hệ ĐH "vừa làm vừa học" này đã khiến những người quan tâm đến GDĐH nước nhà ngao ngán. Những cái title trên báo chí như "Lạc loài 'nồi cơm' tại chức", "Học tại chức, quên tại chỗ?", "Thảm họa tại chức", "Thả nổi đào tạo tại chức",... đã nói lên tất cả.
Bên cạnh đó, vấn nạn học để lấy bằng cấp với mục đích không trong sáng, vô hình trung tiếp tay cho hiện tượng tiêu cực trong GD. Hiện tượng thuê người đi học, mua điểm, bán điểm,... theo kiểu "bỏ tiền để mua bằng". Chất lượng giảng dạy bị buông lỏng và hầu hết những người đứng lớp là những "thợ dạy" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng[5].
Không còn nhiều những người đi học theo đúng nghĩa tại chức, nghĩa là những người đang làm việc và được cử đi học. Mà hầu hết sinh viên tại chức trong thời gian gần đây là những học sinh thi trượt ĐH, cho dù hiện nay chỉ với 8 điểm cũng có thể đi học ĐH[6]. Thế mới thấy, đầu vào của hệ ĐH tại chức thấp như thế nào.
Để minh chứng điều trên, người viết kể một câu chuyện nhỏ: Cách đây 05 năm, tôi có dạy một lớp ĐH tại chức do một tổng công ty Nhà nước đề nghị nhà trường đào tạo riêng cho cán bộ công nhân viên của họ. Khi vào lớp, người dạy rất ngạc nhiên vì các sinh viên còn rất trẻ, như các sinh viên hệ chính quy. Khi tìm hiểu thì được biết, đây là con cháu của các cán bộ công nhân viên, do thi trượt đại học nên đi học tại chức, để sau này vào làm việc trong các đơn vị của tổng công ty khi bố mẹ các sinh viên này nghỉ chế độ theo suất ưu tiên.
Với đầu vào như thế, với sự buông lỏng quản lý như thế, với những tiêu cực như thế,... thì ai dám chắc chắn rằng chất lượng của những tấm bằng ĐH hệ tại chức bằng hoặc gần bằng chất lượng của những tấm bằng ĐH hệ chính quy? Và ai có thể đảm bảo những người có bằng ĐH hệ tại chức có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn ở trình độ ĐH trong công việc?

Đến chất lượng cán bộ công chức
Tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: "Có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào"[7].
Phó trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung nói: "Có tới 50% cán bộ công chức chỉ 'giữ chỗ ăn lương'"[8].
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến chỉ rõ hơn: "Có khoảng trên 30% làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc và 30% còn lại thì dù cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm"[9].
Những phát biểu của các quan chức cao cấp nêu trên đã cho thấy thực trạng, chất lượng làm việc của "một bộ phận không nhỏ" công chức trong bộ máy quản lý hành chính. Điều đáng nói là khó, thậm chí không thể cho những công chức không làm việc hoặc không đủ năng lực nghỉ việc vì lý do cơ chế, vì những mối quan hệ con ông cháu cha.
Lâu nay, những hiện tượng hạch sách, cửa quyền, nhũng nhiễu với câu nói "hành là chính" của một bộ phận cán bộ công chức không còn lạ lẫm. Những hiện tượng đó đã làm chậm, thậm chí làm sai dẫn đến gây bức xúc và thiệt hại cho người dân. Phần lớn những vụ khiếu nại, kiện cáo kéo dài là do những quyết định hành chính sai sót hoặc thiếu hợp lý.
Rõ ràng, để xảy ra những vấn đề trên bên cạnh sự tắc trách, thiếu trách nhiệm còn do năng lực chuyên môn của cán bộ công chức. Những phát biểu nêu trên đã minh chứng điều này.

Cần tôn trọng quyết định của nhà tuyển dụng
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém của cán bộ công chức, là chất lượng đào tạo chuyên môn trong các trường đại học. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu cực trong quá trình tuyển dụng với việc thiên vị các mối quan hệ thân quen kiểu con ông cháu cha.
Việc tuyển dụng những công chức có bằng tại chức mà chất lượng rất đáng "báo động" như đã nêu trên sẽ đẩy lùi tiến trình cải cách hành chính, góp phần làm giảm chất lượng cán bộ công chức trong xu thế hội nhập và phát triển.
Cha ông ta có câu: "Thần thiêng nhờ bộ hạ", những nhà lãnh đạo các địa phương trong vai trò nhà tuyển dụng cần phải có những người làm việc thực sự có trình độ và chuyên môn, giúp họ hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mặt khác, không còn những cán bộ công chức có năng lực thực sự đang công tác được cơ quan cử đi học để nâng cao trình độ và hoàn thiện bằng cấp theo đúng nghĩa học tại chức, cũng như chất lượng bằng tại chức hiện nay không phản ánh đúng thực chất trình độ được đào tạo. Vì thế việc những địa phương không mặn mà, thậm chí không tuyển dụng công chức có bằng tại chức là phù hợp với thực tế công việc.
Lâu nay chúng ta vẫn đổ lỗi cho những việc làm kém hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước là do cơ chế. Việc sửa đổi, thay thế những văn bản Luật và dưới Luật phù hợp với thực tiễn phát triển không phải lúc nào cũng kịp thời và đáp ứng các yêu cầu thay đổi và phát triển của xã hội.
Vì vậy, việc đưa ra những quyết định có tính lợi ích cho sự phát triển của các địa phương nói riêng và cho đất nước nói chung cần phải được nhìn nhận trên góc độ tích cực. Cho dù có thể những việc làm này là "xé rào cơ chế". Nhưng những người làm lãnh đạo cần phải kiên định trong quyết định của mình và không bị lung lay bởi dư luận. Bài học về "khoán 10" của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú- Kim Ngọc vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Sẽ không thiếu việc làm cho những người có bằng tại chức, nếu họ chứng minh được năng lực chuyên môn trong công việc. Đã có rất nhiều lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương xuất phát điểm từ các xí nghiệp, công trường, nhà máy. Không nhất thiết cứ phải tự ti cho rằng họ bị kỳ thị bởi tấm bằng tại chức. Họ nên tự khẳng định bản thân bằng những công việc cụ thể, và kết quả làm việc của họ chăm lo cho bản thân, gia đình cũng như góp phần xây dựng đất nước hơn là chỉ thấy bất công vì không được tuyển dụng công chức.
Và hơn ai hết, nhân dân chính là những người hưởng lợi ích từ những công tác cải cách hành chính theo hướng đúng đắn và phát triển. Chúng ta cần khuyến khích và tôn trọng những quyết định của các nhà tuyển dụng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Lời kết
Trong khi một luồng dư luận cho rằng việc không tuyển dụng công chức có bằng tại chức là sai quy định, thậm chí có thể vi phạm luật thì cũng chính dư luận cũng không đồng tình với những công chức "không biết làm việc" nêu trên.
Vì vậy, nên tôn trọng quyết định "nói không với bằng tại chức" của tỉnh Nam Định và một số tỉnh thành khác, nếu điều này góp phần nâng cao chất lượng công chức trong các cơ quan công quyền, tránh các tình trạng quan liêu, trì trệ theo kiểu "hành là chính".
Một đất nước chỉ có thể phát triển khi những người công bộc của nhân dân thực sự có năng lực, trình độ và tâm huyết.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu
--------------------------------------------------------------------
[1]. http://www.tienphong.vn/xa-hoi/632780/Nam-Dinh-tiep-tuc-noi-khong-voi-bang-tai-chuc-tpov.html
[2]. http://laodong.com.vn/Giao-duc/Tu-choi-bang-tai-chuc-la-lam-sai-quy-dinh/122723.bld
[3]. http://www.tienphong.vn/xa-hoi/633164/Nhieu-tinh-noi-khong-voi-bang-tai-chuc-Co-pham-luat-tpov.html
[4]. http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2006/11/3b9f0c55/
[5]. http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-04-25-thay-day-hay-tho-day-
[6]. http://tuoitre.vn/tuyensinh/tuyen-sinh/453410/8-diem-cung-dau-dai-hoc.html
[7]. http://laodong.com.vn/chinh-tri/30-so-cong-chuc-sang-cap-o-di-toi-cap-ve/100683.bld
[8]. http://dantri.com.vn/xa-hoi/50-cong-chuc-lam-viec-50-chi-giu-cho-an-luong-691794.htm
[9]. http://dantri.com.vn/xa-hoi/cong-chuc-cap-o-kho-xu-ly-cong-chuc-con-ong-chau-cha-691504.htm

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!