Wednesday, January 20, 2016

Lòng yêu nước không dựa trên truyền thuyết lịch sử


Tuần Việt Nam: Các thế hệ trẻ cần những cách tiếp cận nhân văn, khoa học, hơn là nhồi nhét vào họ những tượng đài... hư cấu.
Mới đây GS Vũ Đức Vượng có bài viết trên Tuần Việt Nam với tiêu đề: “Từ cụ Rùa Hồ Gươm đến ý thức yêu nước”[1]. Trong đó, tác giả đưa ra quan điểm “Cụ Rùa trong Hồ Hoàn Kiếm có thể là một biểu tượng dân tộc với khả năng giúp chúng ta giành lại phần nào lòng yêu văn Việt, yêu sử Việt, và từ đó yêu đất nước Việt”.
Cũng trong bài viết, tác giả cho rằng việc phát huy những biểu tượng truyền thuyết lịch sử này để giáo dục lòng yêu nước của học sinh, sinh viên.
Cũng trên Tuần Việt Nam, tác giả Toàn Nguyễn đã có bài viết: “Rùa Hồ Gươm là "bảo vật Quốc gia", nên không?”[2] để phản biện lại quan điểm của ông Vũ Đức Vượng với góc nhìn về lịch sử và vai trò của con rùa trong văn hóa Việt.
Bên cạnh những góc độ về lịch sử, văn hóa. Đứng về góc độ giáo dục, quan điểm của ông Vũ Đức Vượng có nhiều điểm cần phải xem xét lại. Bài viết này sẽ đề cập đến những điểm chưa hợp lý về xác định giá trị lòng yêu nước nhìn từ khía cạnh giáo dục.

Vua Lê Lợi trả gươm thần - Truyền thuyết hay sự thật
Một truyền thuyết lịch sử gắn liền với sự tích Hồ Gươm, trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược, vua Lê Lợi nhận được gươm thần. Nhờ đó, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến thành công, giành lại độc lập dân tộc và giữ gìn bờ cõi của cha ông. Trong một lần du thuyền trên hồ Lục Thủy, có một con rùa nổi lên trước mũi thuyền rồng và đòi lại gươm thần. Từ đó, hồ Lục Thủy được lấy tên là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.
PGS Hà Đình Đức (Khoa Sinh học, trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội) là người có thâm niên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, cũng chính ông là người đề xuất đưa rùa Hồ Gươm lên thành bảo vật Quốc gia. Nhưng những gì nghiên cứu và đề xuất của ông Đức về rùa Hồ Gươm, ngoài giá trị về truyền thuyết lịch sử, nguồn gen và tính đa dạng sinh học thì đều không đúng với thực tế. Báo chí đã không tốn ít giấy mực để làm rõ vấn đề này.
Hơn 1.000 năm bị Bắc thuộc và trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã cho thấy, phần lớn lịch sử của nước ta không được ghi chép lại đầy đủ, chủ yếu được lưu giữ bằng truyền miệng qua các thế hệ. Sự tam sao thất bản trong truyền miệng đã làm thiếu thông tin về lịch sử. Các truyền thuyết lịch sử ra đời để giải thích một cách hợp lý các dấu ấn lịch sử. Các truyền thuyết vẫn gắn liền với lịch sử dân tộc như truyền thuyết “trăm trứng trăm con”, “Thánh Gióng” hay “sự tích Hồ Gươm”,…
Rõ ràng, những truyền thuyết lịch sử này có yếu tố hoang đường, sử dụng các thế lực siêu nhiên để giải thích tính hợp lý của một dấu ấn lịch sử đã bị mai một theo thời gian. Chúng ta đều nhận thức được điều đó và chấp nhận sự hợp lý của truyền thuyết.
Ngay cả ông Hà Đình Đức, sau những khẳng định về rùa Hồ Gươm chính là con rùa nhận gươm thần của vua Lê Lợi cũng đã phải cải chính rằng: “Bàn chuyện vua Lê có trả gươm cho thần Kim Quy hay không, trả khi nào, là chuyện vô bổ”[3].
Rõ ràng, những truyền thuyết lịch sử như thế này chưa thể là sự thật, khi chưa có những luận cứ khoa học minh chứng. Tác giả Toàn Nguyễn trong bài viết nêu trên cũng đã nêu: “thực chất chỉ là sự "hợp lý hóa" truyền thuyết”. Và sự “hợp lý hóa” này đã và đang được chấp nhận trong lịch sử và văn hóa dân tộc.
 
Truyền thuyết lịch sử - Có thể là biểu tượng của lòng yêu nước?
Lòng yêu nước của người Việt được xây dựng trên lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lòng yêu nước cũng được xây dựng trên các nền văn hóa của 54 dân tộc anh em trải dài khắp ba miền tổ quốc.
Lòng yêu nước được hình thành và hun đúc đối với từng con người xứ Việt ngay từ khi lọt lòng, gắn với những câu chuyện kể của mẹ, lời ru của bà về tình yêu quê hương đất nước, về lòng tự hào lịch sử dân tộc.
Lòng yêu nước được xây dựng trên cơ sở nhận thức của con người, và giáo dục là công cụ giúp con người hội tụ các tri thức về lịch sử, văn hóa, xã hội. Khi con người có tri thức và áp dụng các kiến thức đã được giáo dục vào trong cuộc sống, họ sẽ có đầy đủ nhận thức để phân biệt được cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Từ đó, sẽ xác định đúng chân giá trị của lòng yêu nước.
Tất nhiên, chúng ta không xem nhẹ một giai đoạn hay một sự kiện lịch sử, cũng như không thể bỏ đi các truyền thuyết lịch sử. Tất cả các kiến thức lịch sử phải được truyền tải một cách trung thực với sự chính xác về thời gian, một góc nhìn đa chiều và nhân văn, điều đó mới là sự giáo dục về lòng yêu nước.
Lòng yêu nước luôn tồn tại trong sâu thẳm nhận thức của người Việt, điều đó là chân lý. Vì thế, không có lý do gì để nói rằng lòng yêu nước của chúng ta đang bị mai một, và cần thiết phải tượng đài hóa một truyền thuyết lịch sử nào trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc để “vớt vát” lại lòng yêu nước. Đây là một suy nghĩ sai lệch về lòng yêu nước.
Một giai đoạn lịch sử, một sự kiện lịch sử chưa thể là biểu tượng của lòng yêu nước. Một tượng đài truyền thuyết lịch sử càng không thể là biểu tượng của lòng yêu nước. Lòng yêu nước phải được hình thành trên chiều dài lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, với tinh thần và ý chí bất khuất của người Việt.

Giáo dục lòng yêu nước dựa trên truyền thuyết - Một góc nhìn phiến diện
Như đã trình bày ở trên, lòng yêu nước là tổng thể nhận thức của một con người về lịch sử, văn hóa, xã hội. Thông qua quá trình giáo dục, con người sẽ được hoàn thiện về trí, thể, mỹ và hình thành lòng yêu nước.
Thực trạng về giáo dục Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy, chúng ta đang có những lỗ hổng trong tư duy. Thay vì đào tạo học sinh phát triển toàn diện, chúng ta đang hình thành một thế hệ chỉ học những kiến thức cần thiết cho một mục tiêu là “thi đậu đại học”. Vì thế, ngay từ cấp tiểu học, trẻ em đã bị người lớn định hướng học lệch theo các ban. Điều này dẫn đến tình trạng, học sinh ban tự nhiên thiếu hụt các kiến thức về xã hội và ngược lại. Sinh viên tốt nghiệp đại học viết sai chính tả là chuyện rất bình thường, chưa nói đến văn phong, câu cú, ngữ nghĩa.
Gần đây, báo chí nêu lên sự việc học sinh một trường trung học phổ thông xé đề cương môn Sử khi nhận được thông tin không thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp[4]. Chưa đề cập đến tính xác thực thông tin mà báo chí nêu ra, nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng, ngoài những học sinh thi khối C bắt buộc phải học môn Sử, còn lại không hứng thú với môn học này. Cho dù đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục biện minh về tình trạng này, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, sự định hướng học lệch và chưa hoàn thành mục tiêu đào tạo toàn diện về kiến thức phổ thông là nguyên nhân chủ yếu.
Mặt khác, chúng ta thường áp đặt suy nghĩ của thế hệ trẻ, chưa nhìn nhận và tôn trọng các ý kiến của các em. Rõ ràng học sinh đã có đủ nhận thức để phân biệt cái đúng, cái sai trong quá trình học tập và trong cuộc sống.
Những phản ứng của học sinh về tính nhân văn trong các câu truyện dân gian như “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”,… hay tính hoang đường trong các truyền thuyết lịch sử nêu trên trong các bài giảng của thầy cô giáo không còn là ngoại lệ. Đã đến lúc, người lớn nói chung và những người làm giáo dục nói riêng cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Do đó, việc xây dựng một tượng đài lịch sử dựa trên một truyền thuyết để giáo dục lòng yêu nước là một góc nhìn phiến diện. Không những phản tác dụng trong việc khuyến khích học sinh yêu thích môn Sử, mà còn tạo ra một sự ngờ vực về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta, làm suy giảm lòng yêu nước của các thế hệ trẻ.

Lời kết
Chúng ta không được quay lưng lại với những truyền thuyết lịch sử, nhưng chúng ta cũng không nên thần thánh hóa và cố tình xây dựng những tượng đài truyền thuyết lịch sử.
Truyền thuyết thường hư cấu, còn lịch sử phải tôn trọng sự thật. Hãy đưa các truyền thuyết lịch sử đi vào các tác phẩm văn học, nghệ thuật,… và gìn giữ nét đẹp đó theo thời gian, để tất cả các thế hệ đều được tiếp cận và trân trọng nó.
Tượng đài, có thể bị đạp đổ. Còn các giá trị lịch sử truyền thống dân tộc, luôn sống mãi cùng các thế hệ người Việt. Các thế hệ trẻ, họ cần những cách tiếp cận nhân văn hơn là nhồi nhét vào họ những tượng đài hư cấu.
Chiếc áo khoác không thể làm nên thầy tu. Giáo dục lòng yêu nước không chỉ được xây dựng trên những tượng đài truyền thuyết lịch sử. 

Tác giả: Trịnh Xuân Báu
------------------------------------------------------
[1]. http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-04-05-tu-cu-rua-ho-guom-den-y-thuc-yeu-nuoc
[2]. http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-04-08-rua-ho-guom-la-bao-vat-quoc-gia-nen-khong-
[3]. http://www.tienphong.vn/van-nghe/619036/Rua-Ho-Guom---bao-vat-quoc-gia-tpp.html?p=http%3A%2F%2Fwww.tienphong.vn%2Fvan-nghe%2F619036%2FRua-Ho-Guom---bao-vat-quoc-gia-tpp.html
[4]. http://www.tienphong.vn/giao-duc/621475/Hang-tram-hoc-sinh-xe-de-cuong-Lich-su-trang-san-truong-tpol.html

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!