Saturday, September 21, 2013

Café sáng thứ 7 (#16): Nhân tai!


1. Tuần trước, bà phó Doan phát ngôn trước chóp bu của nghị trường rằng: Người ta “ăn của dân không chừa thứ gì”. Tất nhiên, câu nói đó không có gì mới và lạ với cần lao xứ An-nam.
Hình như để minh chứng cho câu nói của bà Phó, báo chí lập tức phanh phui ra vụ Trung tâm da liễu Hà Đông (Hà Nội) ăn bớt thuốc của bệnh nhân phong. Cũng Trung tâm này, năm ngoái, đã bị phát hiện cho bệnh nhân phong ăn gạo sống, thịt sống.
Bệnh nhân phong vẫn là đối tượng bị xa lánh trong xã hội. Có thể vì sợ bị lây, cũng có thể vì những di chứng của bệnh tật khiến họ không như người bình thường.
Có lẽ, phần lớn người bệnh này không đủ bản lĩnh để kết thúc cuộc đời của họ khi phải sống chung với căn bệnh quái ác và sự kỳ thị. Và có lẽ, chẳng ai mong muốn mình bị bệnh và phải sống cách ly với xã hội bằng tiền trợ cấp. Thế nên, hơn ai hết cần có những tấm lòng nhân ái chăm sóc, chia sẻ với họ. Những bệnh viện, trung tâm nuôi và chữa bệnh cho người phong ra đời cũng không ngoài mục đích nhân đạo đó.
Có điều, chính sách nhân đạo đó của nhà nước lại không trọn vẹn, khi mà các bệnh viện, trung tâm này có những kẻ sẵn sàng vì tiền mà ăn bớt thuốc của bệnh nhân.
Vì sao những kẻ này lại làm thế? Vì không đủ tiền trang trải cho cuộc sống? Vì ham muốn làm giàu? Hay vì thiếu lòng nhân ái?
Tiền, cần lao xứ An-nam chưa bao giờ chê, kể cả bán đi lòng tự trọng, thậm chí bán linh hồn cho quỷ. Lòng nhân ái, lại là một thứ quá xa xỉ trong xã hội An-nam.
Đến thuốc của bệnh nhân phong còn ăn, thì ăn của cần lao không chừa cái gì là điều quá bình thường, có gì đâu mà phải cảm thán.
Mới nói mèo khóc chuột là thế!


2. Lại một phát ngôn trước nghị trường, lần này của Nghị trưởng hói: “Người dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì…” và “Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia…”.
Đấu tranh thì tránh đâu”, việc chống tham nhũng, tiêu cực thời nay cũng chả nằm ngoài câu nói trên. Thế nên không xác định “thắng”, người tố cáo tiêu cực chắc chắn chỉ thiệt thân. Hậu quả là mất việc, mất tiền, thậm chí bị trù dập đến mức tù tội. Chánh ủy ban tư pháp - nghị Hiện phải than: “người tố cáo có thể bị trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản... của bản thân và gia đình”.
Tham nhũng, tiêu cực của xứ An-nam là một “hệ thống đa cấp”. Trực tiếp hoặc gián tiếp đi từ địa phương lên trung ương. Thế nên, việc tố cáo tham nhũng tiêu cực phần lớn được bao che, bởi vì không bao che thì kẻ bị tố cáo sẽ chơi bài “trạng chết chúa cũng băng hà”.
Phần lớn sự việc tham nhũng, tiêu cực “bị” xử lý là do các phe phái… đánh nhau để tranh quyền đoạt lợi. Chứ việc người dân đứng ra tố cáo vì bất bình, mà sự việc bị phanh phui là điều không tưởng.
Xứ An-nam đến trẻ nít cũng biết điều này. Thế nên việc Nghị trưởng đặt ra câu hỏi chỉ chứng tỏ là ông quá quan liêu, rời xa cần lao, hoặc đến lúc phải đắng lòng mà tự thú sự thật.
Sự thật tại xứ An-nam, chưa bao giờ được chấp nhận dễ dàng!


3. Vẫn từ nghị trường, từ Nghị trưởng đến chánh các ủy ban phát ngôn những điều “rất thật” mà lâu nay vẫn được tô hồng trong con mắt cần lao.
Nghị trưởng nói: “nhiều tội ác man rợ ngang nhiên diễn ra hàng ngày, diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngay cả trong y tế, giáo dục,…” đến mức “mất hết cả nhân tình, đạo lý”; bà phó Doan đặt câu hỏi: “Có phải đạo đức xã hội xuống cấp do người dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên tiêu cực không bị xử lý nghiêm minh?”; Chánh ủy ban quốc phòng - nghị Khoa cho rằng: “nhiều vụ việc người dân tự xử, một phần nguyên nhân vì mất niềm tin”; Trưởng hội đồng dân tộc - nghị Phước nói về tình hình tội phạm gia tăng, đặc biệt là hình thức “tự xử” của dân và đánh giá “bây giờ tướng lĩnh nhiều hơn nhưng tình hình lại phức tạp hơn”.
Qua những phát biểu ở nghị trường, có thể thấy bức tranh toàn cảnh về thực trạng tham nhũng, tiêu cực của quan và mức độ gia tăng tội phạm của cần lao. Có lẽ, không cần phải bình luận thêm nữa.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một đất nước luôn được ngợi ca là yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân ái lại trở nên suy thoái đạo đức, có nhiều tội ác man rợ, bùng phát các vụ tự xử của dân như thế?
Là do cần lao An-nam tự đày đọa mình, hay vì họ đã đến bước đường cùng và không còn cơ hội trở thành “lương thiện” chỉ vì “Thượng bất chính”?
Hay lại là do “Lỗi hệ thống”?


4. Vụ cháy ở trung tâm thương mại Hải Dương đã lộ ra một mảng tối trong ánh sáng của ngọn lửa. Vụ cháy đã làm cho hơn 500 hộ kinh doanh trắng tay với thiệt hại lên tới 500 tỷ đồng.
Nếu nguyên nhân cháy do khách quan, và không có khả năng chữa cháy, thì đã đành một nhẽ, đàng này ngược lại mới cay đắng.
Theo báo Công lý, nguyên nhân cháy là do người của Ban quản lý đánh bạc, hút thuốc và vứt tàn thuốc vào khu vực kinh doanh mây tre đan gây cháy. Khi vụ cháy bùng phát mạnh, những người này đã trốn khỏi hiện trường. Một tiểu thương tham gia vụ đánh bạc vẫn còn “gọi cho người thân chạy xe đến giải phóng hết số hàng trong quầy của mình”.
Từ trung tâm này đến cơ quan phòng cháy chữa cháy chỉ hơn 1km, nghĩa là chỉ mất 5 phút để đến đám cháy. Người dân thì nói gọi cho lực lượng PCCC lúc hơn 1h sáng, nhưng phía cơ quan công an lại khẳng định nhận cuộc gọi đầu tiên lúc 3h25'. Thêm nữa, 2 xe chữa cháy đến hiện trường thì “một xe có một ít nước còn một xe không hoạt động được”. Mãi đến khi xe chữa cháy từ Hưng Yên sang hỗ trợ thì đám cháy đã… gần tàn. Và sau khi dập tắt được đám cháy, thì trung tâm này cũng chẳng còn gì có thể cháy!
Cho dù phía công an Hải Dương có dẫn ra chứng cớ và thanh minh như thế nào. Nhưng một vụ cháy lớn đến như thế trong hơn 2 giờ mà cơ quan PCCC gần đó không biết thì đã là một dấu hỏi lớn.
Đúng sai như thế nào sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Nhưng ở xứ An-nam này, sự rõ ràng là một điều gì đó rất không rõ ràng.
Cháy nhà mới ra mặt chuột. Nhưng ở xứ An-nam, chưa từng thấy… chuột chết!


5. Hơn 5 năm trở lại đây, sự biến tướng của bán hàng đa cấp đã biến một bộ phận cần lao xứ An-nam trở thành những kẻ lừa đảo, vô cảm trước đồng loại. Cũng biến một bộ phận cần lao phải ra đê mà ở sau những “giấc mơ tỷ phú”.
Hàng loạt sự vụ lừa đảo của Sinh Lợi, MB24, Angel Việt Nam, Colony Invest, Tâm Mặt trời, Cộng đồng Việt, Hưng Thời đại,… đã gây hậu quả rất tai hại. Và hiện nay, sự tồn tại của các công ty bán hàng đa cấp như Lô Hội, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn ngang nhiên lôi kéo cần lao vào con đường lừa đảo.
Báo chí cũng đã có hàng loạt phóng sự chuyên đề về bán hàng đa cấp để vạch trần thủ đoạn lừa đảo này, nhưng không làm vơi đi giấc mơ tỷ phú của cần lao.
Vấn đề không chỉ đơn thuần là sự kinh doanh có thua có được, mà rõ ràng đây là một sự lừa đảo, một loại hình tội phạm mới trong xã hội. Không như các hình thức tội phạm kinh tế khác, loại tội phạm này gây hậu quả rất xấu đến xã hội, bởi vì số lượng đối tượng tham gia quá lớn, diễn ra trên mọi miền đất nước và đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên và người dân vùng nông thôn.


Những hậu quả nhãn tiền đã có và đã thấy. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao nhìn thấy hậu quả như thế mà các cơ quan chức năng lại không ngăn chặn? Chỉ khi doanh nghiệp bỏ trốn, hoặc người tham gia tố cáo tập thể thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, và lúc đó đã quá muộn.
Quản lý nhà nước không chỉ trực tiếp thi hành pháp luật, mà còn phải ngăn ngừa tội phạm có thể diễn ra. Hàng loạt học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước đang không chịu học hành, rèn luyện để trở thành những người lao động chân chính; hàng loại người dân nghèo trở nên nghèo hơn vì vay lãi, cắm sổ đỏ,… không còn là việc của từng cá nhân họ, mà sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển của đất nước.
Đất nước này sẽ như thế nào khi có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu thanh niên vật vờ, không tiền, không nghề nghiệp, không còn niềm tin của gia đình, bạn bè và xã hội? Đất nước này sẽ như thế nào khi hàng triệu người dân nông thôn mất nhà, mất đất, mất cả niềm tin của họ hàng dòng tộc, bà con lối xóm? Và những tệ nạn xã hội, những tội phạm phát sinh như đã nói ở trên có xuất phát phần lớn từ những kẻ như thế này?
Để cho cần lao trở nên tham lam mù quáng và trở thành những kẻ lừa đảo, trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy người khác cũng trở thành lừa đảo, đi đến bước đường cùng và trở thành tội phạm là lỗi của ai?
Trách cần lao ngu và tham hay trách những kẻ đang chăn dắt cần lao tham lam, vô cảm và thiếu trách nhiệm?
Không có thỏ thì nuôi chó săn để làm gì?


6. Thiên tai còn có thể phòng tránh, chứ nhân tai thì không thể. Xứ An-nam, thiên tai đã lắm mà nhân tai lại còn khủng khiếp hơn.
Một đất nước đã “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”, lại còn phải căng mình để chống chọi với tham nhũng, tiêu cực của quan và những tội ác man rợ, những trò lừa đảo đẩy người lương thiện đến bước đường cùng của một bộ phận cần lao đối với đồng bào của mình.
Đày đọa dân tộc này, ai là người có tội?

© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

5 comments:

  1. Replies
    1. Đúng là chỉ biết thở dài thôi anh Cấm, híc

      Delete
  2. Replies
    1. Không hiểu ý bạn nói, "chúng mày" ở đây là ai nhỉ? Nhẽ là người viết bài này?

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!