1. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, trọng tâm bàn về sửa đổi Hiến pháp
1992. Rất nhiều Nghị đăng ký phát biểu và phát biểu rất dài, thi thoảng
mới có Nghị phát biểu trong khoảng thời gian quy định. Cứ khoảng 15 - 20
phút lại được nghe chuông báo reng hết giờ rất là vui tai.
Hình thức phát biểu, cơ bản chả có gì thay đổi. Vẫn là cầm tờ giấy đọc
như học sinh lớp 2 đọc chính tả, rất ít Nghị có khả năng nêu vấn đề và
giải thích vấn đề mà không cần cái “phao giấy”.
Vẫn như các kỳ họp trước đây, rất nhiều câu nói ấn tượng được phát ngôn
từ miệng các ông bà Nghị, ngay cả khi truyền hình trực tiếp cho bàn dân
thiên hạ xem. Hai cụm từ được hầu hết các Nghị sử dụng là “các đồng chí” và “thế lực thù địch” khi thảo luận về việc sửa đổi điều 4 Hiến pháp 1992 và đổi tên nước. Trong khi Thủ tướng Dũng kêu gọi xây dựng “Lòng tin chiến lược” tại đối thoại Shangri-La thì ở nghị trường các Nghị nhà ta lại nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch!
Như đã nói, có rất nhiều câu nói ấn tượng của các Nghị, rất khôi hài và phẳng não. Mỗi khi một Nghị “lỡ miệng”,
cả nghị trường lại rộn những tiếng cười nhạo báng, rất vui. Thậm chí,
ông nghị Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) ngớ ngẩn đến mức phát biểu khi
truyền hình trực tiếp là: “Quốc hội Việt Nam không có quyền phong hay phong cấp hàm của bất cứ một quốc gia nào khác” và viện dẫn “bởi vì kể cả một tỉnh thôi thì tỉnh A cũng không thể phong cấp hàm cho một tỉnh B khác”, đồng thời quy kết là “sai sót do lỗi kỹ thuật lập hiến” chỉ vì câu “Quốc hội có quyền quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác” được ông này hiểu mấy từ “nhà nước khác” là một quốc gia khác. Các cụ ngày xưa có câu “Biết thì thưa thớt, không biết dựa cột mà nghe” rất chuẩn chỉnh, ấy nhưng rất nhiều Nghị xứ Việt chỉ thích cãi lời cái cụ.
Nhìn tổng thể, nếu không được xem hình ảnh mà chỉ nghe băng các bài phát
biểu của các Nghị, khối người nhầm tưởng đây là cuộc họp cộng đồng dân
cư lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp cấp xã phường.
2. Thủ tướng Dũng có một bài phát biểu khai mạc rất thành công tại đối thoại Shangri-La 2013 với chủ đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á”.
Bài diễn văn của ông Dũng đã thể hiện được tầm chiến lược của Việt Nam
đối với các vấn đề an ninh khu vực, thể hiện được sự khéo léo trong
ngoại giao nhưng vẫn nêu rõ quan điểm riêng của Việt Nam. Đồng thời đã
vượt ra khỏi xu hướng một bài diễn văn màu mè về câu từ, nặng về lý luận
mà thiếu tính thực tiễn, với chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho mọi
hành động thường thấy của các nguyên thủ xứ Việt.
Tuy nhiên, rất nhiều người không hài lòng với việc trả lời các câu hỏi
của ông Dũng. Br thì cho đó là một sự trả lời khôn khéo khi giấu những
vấn đề nhạy cảm và những vấn đề khó có thể trả lời sâu, thế nhưng rất
nhiều dân tình trên mạng lại cho rằng Thủ tướng trả lời rất kém, không
thể hiện được cái tầm của nguyên thủ, cứ ngắc nga ngắc ngứ như học trò
không học thuộc bài.
Đối ngoại như thế tạm gọi là ổn, thế nhưng trong nước lại rất nhiều vấn
đề đáng nói. Suy thoái kinh tế, doanh nghiệp phá sản, lao động thất
nghiệp, nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng bất động sản, nợ công của chính
phủ cùng với nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền,… đã và đang làm mất
dần niềm tin của những cần lao đồng bào đang vật lộn từng ngày để kiếm
gạo nuôi con.
Cổ nhân có câu “Tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Muốn vươn ra khu
vực hay toàn cầu, trước tiên đất nước phải vững mạnh. Vì thế, thay vì đề
xuất “Xây dựng lòng tin chiến lược” trong khu vực, Thủ tướng Dũng và
Chính phủ nên chăng cần “Xây dựng lòng tin nhân dân” về định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bởi vì, không phải lúc nào cũng “mua” được lòng tin của nhân dân vì: Niềm tin từng phải “mua” rất đắt (Tuần Việt Nam).
3. Hà Nội xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, cháy Trạm xăng dầu số 9 thuộc Tổng công ty xăng dầu Quân đội.
Bên cạnh những nỗ lực của các đơn vị chữa cháy và các cơ quan chức năng đã dập tắt được đám cháy, không xảy ra thảm họa nổ bồn xăng và không gây thiệt hại về người. Vụ họa hoạn còn cho thấy những bất cập và những mảng tối màu của xã hội mà lâu nay người dân không biết hoặc không thể biết.
Đầu tiên là sự thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị chữa cháy. Sau khi đã dập tắt được đám cháy, không hiểu vì lý do gì mà họ lại xả xăng trong bồn chứa để “đề phòng cháy nổ” trong điều kiện nhiệt độ rất cao sau đám cháy (nhiệt độ đám cháy có lúc lên đến 1.0000C - báo Tuổi trẻ). Về nguyên tắc, xe bồn thiết kế đã chống cháy nổ, và khi bồn xăng càng đầy, thì xác suất nổ càng thấp, ấy thế mà những người làm công tác chữa cháy lại không nắm được điều này dẫn đến hỏa hoạn bùng phát trở lại và hơn 2 giờ sau với hơn 1.000 cán bộ chiến sỹ chữa cháy mới dập tắt được.
Tiếp đến là sự salon của báo chí nước nhà. Báo Tuổi trẻ online đăng một loại bức ảnh với title bài: Ảnh chiến sỹ PCCC trong biển lửa xúc động mạnh dư luận. Trong đó có một bức ảnh một chiến sỹ cảnh sát bị bén lửa đã khiến độc giả phải thốt lên: “Vì bức ảnh này mà chúng ta yêu quý công an hơn”. Các báo chí được dịp ăn theo tấm ảnh này, đưa tin ầm ĩ . Thế nhưng sau khi một clip được đưa lên mạng cho thấy cậu cảnh sát này vì “thiếu ý thức” hay “không tuân thủ nhiệm vụ” đã để cho mình bén lửa và rất may không ảnh hưởng đến tính mạng lẫn gây nguy hiểm cho người khác. Trường hợp như cậu cảnh sát trẻ này không hiếm và có thể nói tư duy của cậu ta cũng là tư duy của phần lớn người dân xứ Việt, đó chính là “nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại”.
Sau vụ hỏa hoạn mọi người mới vỡ lẽ ra là trạm xăng dầu này không phải là cửa hàng kinh doanh xăng dầu thương mại mà là trạm cấp phát xăng dầu của quân đội. Thế nhưng, lâu nay dân tình vẫn vào mua xăng như những cửa hàng xăng dầu khác. Chưa nói đến những vi phạm về công tác an toàn phòng chống cháy nổ, mà chính là nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn. Dân tình không khỏi nghi ngờ về sự buông lỏng quản lý Nhà nước về quản lý mạng lưới kinh doanh xăng dầu và sự khuất tất đàng sau việc cây xăng này kinh doanh xăng dầu như những cửa hàng khác thì lợi nhuận của việc kinh doanh này sẽ rơi vào túi ai?
Cũng sau vụ hỏa hoạn, giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi đã cho biết về sự thiếu thốn phương tiện PCCC, cả Sở HN chỉ có 50 bộ quần áo chống nóng. Thế nhưng thông tin ông cung cấp là giá mua một bộ quần áo là 300 triệu thì lại dấy lên một sự nghi ngờ của về giá trị thật của những bộ quần áo này trong dư luận. Những người thạo tin trên mạng cho biết với giá 300 triệu đó có thể mua 10 bộ quần áo chống nóng “cực xịn” từ Hoa Kỳ hoặc 50 đến 100 bộ quần áo chống nóng từ Anh quốc, Ucraina hoặc nước bạn láng giềng Tung Của. Và tin mới nhất là Sở này sẽ xin TP. Hà Nội 6.000 tỷ đồng để trang bị thiết bị cho cảnh sát PCCC.
4. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay gây nhiều tranh luận với một câu hỏi yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Chưa hết nóng với những tranh luận đồng tình và không đồng tình của dư luận, Bộ Giáo dục lại đổ thêm dầu vào lửa khi gợi ý đáp án chấm câu này là “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực? Vẫn biết hành động cứu người là dũng cảm, cần phải nhân rộng trong xã hội. Nhưng sao Bộ GD không đặt ra những câu hỏi ngược và những câu hỏi này không hề thiếu tính nhân văn.
Chẳng hạn có nên khuyến khích trẻ em dũng cảm trong những tình huống nguy hiểm đến tính mạng không? Tại sao lại cứ phải dũng cảm một mình mà không thông báo cho cơ quan chức năng và người lớn. Các em dũng cảm cứu người nhưng đã có kỹ năng tự cứu mình chưa? Nếu một bạn nhỏ chỉ biết bơi (nhưng không bơi giỏi) thì có nên dũng cảm cứu người không?...
Cách gợi ý chấm bài của Bộ GD đã cho thấy một sự áp đặt duy ý chí và đạo đức giả. Tại sao lại không cho điểm những em có suy nghĩ ngược lại nếu cho rằng hành động của Nam không phải là dũng cảm? Hay những suy nghĩ “lệch lạc, tiêu cực” như Br đã nêu trên?
Căn bệnh thành tích và thói đạo đức giả đã ăn vào tận xương tủy của nền giáo dục xứ Việt. Và đối tượng tiếp nhận sự giả dối này lại bắt đầu từ những tâm hồn ngây thơ của các em học sinh. Những hiện tượng bạo lực học đường, thậm chí trò đánh thầy, rồi bán bằng bán điểm đến các phát ngôn ngu xuẩn của những người làm công tác giáo dục có phải là hệ quả của phương thức giáo dục định hướng một chiều và thiếu tư duy này?
5. Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về “Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”. Sẽ không có gì đáng nói nếu những câu từ và điều khoản phạt của Nghị định này đang được tranh luận “rôm rả” trên báo chí và các diễn đàn mạng.
Một điều khoản là “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; Không có vé mà vào những nơi quy định phải có vé; Có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng”.
Rõ ràng ai đọc cũng hiểu ý của điều khoản này là không được mặc CHỈ quần áo lót ở những nơi quy định như trên, nhưng sự thiếu chuẩn chỉnh về ngữ nghĩa dẫn đến có thể hiểu là “không được mặc quần áo lót” trên người, cho dù là mặc bên trong quần áo dài. Ở đây, khái niệm thế nào là “quần áo lót” cũng không được làm rõ. Sẽ chẳng có gì lạ nếu mọi người coi quần đùi hoa và áo may ô cũng là quần áo lót.
Bên cạnh đó, việc phạt lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa nơi công cộng cũng không rõ ràng. Chưa có tiêu chí để quy định thế nào là lời nói, cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa. Chẳng hạn, ở xứ Việt mà cần lao đồng bào đều “ăn nhanh, đi chậm, hôn thậm thụt và tè công khai” này thì hành vi hôn ở nơi công cộng hay nam nữ khoác vai nhau sẽ bị cần lao đồng bào ngứa mắt coi là thiếu văn hóa. Vả lại ở cái xứ này, chửi tục chưa chắc đã thiếu văn hóa và ngược lại những kẻ ăn nói rất lịch sự chưa chắc đã có văn hóa.
Nghị định này cũng đưa ra một cụm từ gây tranh cãi là “mua, bán dâm có tính chất đồi trụy”. Chả lẽ lại còn có kiểu mua, bán dâm có tính chất văn hóa (ngược với đồi trụy) và tiêu chí nào để đánh giá một hành vi mua bán dâm là “có tính chất đồi trụy”?
Lâu nay, những người xây dựng các văn bản Luật và dưới Luật thiếu kiến thức và thiếu thực tiễn (mà dân tình hay gọi là salon) không còn xa lạ với người dân xứ Việt. Những câu nói hay điều khoản “đần độn quá, đần độn không chịu nổi” như “biểu tình là chống lại chính phủ”, đề xuất Luật nhưng lại “không biết vì sao cần Luật này”, “phụ nữ ngực lép/bé không được đi xe máy”, “hát karaoke không được nhảy”, “chứng minh thư phải ghi tên cha mẹ”,…
Họ, những kẻ tư duy không vượt quá lũy tre làng, thích mặc quần đùi hoa hơn Pijama, quen ngậm tăm súc miệng òng ọc rồi nhổ toẹt xuống nền nhà, nhưng lại có đầy đủ chức tước, học hàm, học vị nhờ sự luồn cúi, mua bán, lươn lẹo và trở thành những người chỉ đạo hay trực tiếp xây dựng các văn bản Luật và dưới Luật. Vì thế, những câu văn nói kiểu trà đá vỉa hè được đưa vào thành văn bản pháp lý (viết) không còn là việc quá xa lạ với cần lao đồng bào.
6. Sự giả dối đã ăn sâu vào máu thịt người dân xứ Việt, họ sẵn sàng vứt bỏ thể diện, đạo đức, nhân cách để đạt được những hào quang về chức quyền, danh hiệu. Đến mức những danh hiệu thi đua nhỏ nhoi trong phong trào Thi đua yêu nước của những người lao động chân chính cũng bị tước đoạt để tô son trát phấn cho hoạn lộ của các quan chức.
Chẳng hạn năm 2009, trong hơn 15.000 bằng khen các cấp của TP.HCM thì có tới 90% là của cán bộ lãnh đạo, 7% là của cán bộ không giữ chức vụ và 3% thuộc về nhân dân. Đến mức, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã phải thốt lên: “tỷ lệ khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo quá nhiều”.
Trong chương trình thời sự VTV1 ngày 4/6 về phong trào Thi đua yêu nước, bà Cù Thị Hậu nói: “Nếu mà cứ xét như hiện nay thì chắc là tôi và anh Hồ Giáo chẳng bao giờ vào được (anh hùng lao động), tại vì chỉ là những người công nhân rất bình thường”. Còn ông Phạm Thế Duyệt thì nói: “Cơ chế thị trường mang tính lợi dụng, lợi ích, cá nhân. Nên trở thành đua chen theo theo nghĩa cá nhân, nên chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy cả danh hiệu,… làm ảnh hưởng đến những người lao động chân chính, người chiến sĩ chân chính mà vẫn đạt được tiêu chuẩn. Thứ hai là cách làm, làm như trước không dễ, giờ có mấy anh em công nhân trở thành anh hùng lao động”.
Khen thưởng, một sự động viên tinh thần đối với những cần lao nhân dân chân chính giờ cũng trở thành món hàng xa xỉ của xứ Việt, và chỉ có thể có bằng cách… mua bằng tiền, tình và những mối quan hệ lợi ích.
7. Xứ Việt, luôn giấu diếm các điều sai khuất, nhưng cứ có một sự cố hay sự việc nào đó phát sinh thì mọi thứ lại phơi bày lộ liễu trước mặt bàn dân thiên hạ.
Cổ nhân nói cấm có sai: Cháy nhà mới ra mặt chuột!!!
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!