Tuesday, September 3, 2013

Chúng nó tự nhét thuốc độc vào mồm nhau!


Một ngày mưa bão, mấy ông trong xóm rủ nhau ra quán đánh chén thịt chó. Rượu vào lời ra, hết chuyện tây, chuyện ta, chuyện nga, chuyện mỹ, chuyện gái gú, cờ bạc, rượu chè,… quay đến chuyện làm ăn.
Ông trồng rau mở đầu:
- Hôm qua tôi vừa trúng vụ rau, dự báo thời tiết nói mưa dài ngày, dân tình đổ xô đi mua rau. Mớ rau muống ngày thường bán 3 nghìn, hôm qua bán 5 nghìn. Sáng vừa phun thuốc sâu, trưa thấy báo mưa liền hái hết đi bán. Rau nhà tôi ăn thì trồng luống riêng, không phun thuốc sâu, an toàn tuyệt đối, hehe…
Ông nuôi gà thủng thẳng:
- Ờ, nhớ lại vụ H5N1, chuồng nhà tôi nuôi hơn 5 nghìn con, phát hiện gà bị cúm. Tối hôm đó tôi huy động hết anh em họ hàng sang làm thịt, sáng hôm sau chở đi bán hết. May mà thu được vốn về. Mà lạ thật, cái giống gà bị nhiễm H5N1 tiết nó không đông, tôi đổ tiết vào cái hố lấp lại. Mấy tuần sau chọc cái que xuống vẫn thấy lũm bũm, thối um, hehe…
Ông nuôi lợn cướp lời:
- Vụ lợn bị dịch tai xanh, nhà tôi cũng thế. Phát hiện lợn nhà tôi mắc bệnh. Trong tối ấy tôi cho thịt hết, sáng mai chở đi bán rẻ cho các cửa hàng thịt. Đợt ấy tôi cấm vợ đi chợ mua thịt lợn. Thằng nào mua ăn thằng ấy chết, tôi chả dại, hehe… 


Ông bán quán ăn chen ngang:
- Cái bọn Trung Quốc đến là tài, chúng nó sản xuất ra cái phụ gia gì mà cứ trộn vào thịt cá nó lại tươi roi rói. Tôi toàn đi chợ mua cá ươn, thịt ế cho rẻ. Về trộn tý phụ gia vào, xào nấu lên khách ăn lại khen ngon mới lạ. Tôi là tôi cấm tiệt vợ con ăn đồ của cửa hàng, nấu riêng ra mà ăn. Chứ ăn thế ung thư có ngày, hehe…
Ông bán hàng thực phẩm ở chợ phụ họa:
- Công nhận bọn Trung Quốc nó giỏi. Tôi hay nhập mực tươi, chân gà, nội tạng gia súc về bán. Đưa về đến chợ nó thối hết cả, cầm cái chân gà lên rũ cái trơ toàn xương, mực thì dầy dòi mủn hết cả ra. Ấy thế mà cho mấy xẻng bột mua của chúng nó về, lắc một lúc chúng cứng lại như mới ấy. Bọn bán quán mua về, tẩm ướp rồi nướng xào lên thơm phưng phức. Dân tình ăn chả khen ngon nức nở. Tôi là tôi cấm vợ con đi ăn mấy cái đồ ấy, hehe… 


Ông bán giải khát gật gù:
- Đợt rồi tôi cũng mua rượu Trung Quốc về bán. Votka Hà Nội chúng nó làm giả chỉ 5 nghìn một chai, về bán lẻ 25 nghìn. Chúng nó còn làm café bằng ngô rang, xay lên rồi tẩm hóa chất y như café thật các ông ạ. Tôi thì tôi không bao giờ uống mấy loại đấy, nhưng mua về bán cực lãi, hehe…
Cả 6 ông cùng nâng cốc, hể hả:
- Anh em mình trong nghề nên biết, mấy cái loại độc hại ấy chả dại mà ăn uống vào rồi ung thư mà chết sớm. Còn chúng nó không biết, mua về ăn, ngu cho chúng nó chết, hehe... Nào, một hai ba… dzô…dzô…
Một ông ngồi gần đó nghe câu chuyện mới than rằng:
- Thằng bán rau không ăn rau phun thuốc sâu thì ăn phải gà dịch H5N1, lợn tai xanh, thức ăn tẩm hóa chất, rượu giả, café giả,... Cũng như mấy thằng kia không ăn đồ độc hại mà chúng nó nuôi trồng hay buôn bán thì lại ăn đồ độc hại của thằng khác. Ôi, cái dân xứ này vì tý lợi nhuận mà mờ hết mắt rồi, không còn chút lương tâm nào cả. Mà chúng nó tự nhét thuốc độc vào mồm nhau mà không biết, lại còn ngồi đó tự cho mình là khôn. Ô hô, thương thay!!!

© 2011 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

6 comments:

  1. Tiêu đề và bài quá chuẩn quá hiện thực anh ah. Chính vì ai cũng nghĩ thế nên cứ vô tư đầu độc lẫn nhau. Nhưng khôngl hiểu sao e cứ nghĩ, có khi cứ để cho chết bớt thì hay. Lừa bây giờ đông, chật chội và bão hoà rồi. Có nuôi cũng chả lớn nổi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cụ Tản Đà đã có câu:
      "Dân hai nhăm triệu ai người lớn
      Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".
      Dân tộc này, có lớn về thể xác, nhưng vẫn tư đuy con trẻ. Thế nên khi lừa được một ai đó thì rất hả hê, đâu có biết kẻ khác cũng lừa họ như thế.
      Nhìn chung, bi kịch của xứ Lừa thời nay ngoài việc trì trệ của thể chế chính là việc gia tăng dân số quá khủng khiếp.
      Năm 1945, Lừa có hơn 16 triệu mạng, giờ gần trăm triệu mạng.
      Nếu như Cămbốt hay Ailao, dân Lừa khoảng 30 triệu thì xã hội sẽ khác hoàn toàn. Vũ Khúc cũng không phải vất vả chuyển nhà trọ trần gian nữa.
      Bi kịch!!!

      Delete
  2. :) câu cảm thán của anh rất ... tuyệt. Thay vì dạy con cháu cần kiệm để vươn lên (như Nhật) thì cha ông chúng ta bảo: rừng vàng biển bạc. Thế là con cháu cứ sử dụng, ỷ lại...vô tư. Rồi trời sinh voi sinh cỏ... vậy là đẻ thoải mái. Hông lẽ chúng ta ra nông nổi này là do sự nuông chìu của cha ông?
    ;-) hôm nào không thấy em còm nữa, thì chắc là em cũng hết kiếp ở trọ chốn này.
    Anh mừng cho em chứ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhân gian một cõi đi về, quy luật thế thế, hỉ nộ ái ố âu cũng là lẽ thường của phàm nhân.
      Trịnh viết: "Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt". Trịnh thiếu, đâu cần đi mới mệt, trọ chốn trần gian cũng đủ mệt mỏi rồi.
      Trịnh lại viết: "Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời". Trịnh gượng gạo quá, quy luật tất yếu, tránh sao được mệnh trời. Phật khuyên con người hướng thiện để nhanh được đầu thai, Chúa khuyên con người hướng thiện để được lên thiên đàng. Phật lẫn Chúa nói thế, để khi hết kiếp trọ trần gian, nở nụ cười trên môi tạ từ nhân thế. Trịnh, vẫn muốn vớt vát lại chút ánh sáng le lói của trần gian, đó là sự khác biệt giữa phàm nhân và thánh nhân.
      Trịnh lại viết: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi". Cuối cùng, Trịnh cũng đã ngộ ra chân lý. Đơn giản là vậy thôi.
      Nhân gian một cõi đi về, ai cũng cầm một chiếc vé về cho mình. Về, và sẽ không quay lại. Ai ham chơi thì đi về muộn, ai chán trò chơi trần gian sẽ về về sớm. Sớm muộn, nơi đến cũng là cõi ta bà.
      Có lẽ Br ham chơi, nên đi về muộn hơn em chăng? Chả lẽ, lại bắt đầu với những câu như: "Em đi rồi, thu có buồn không anh?".
      Ừ thôi, chán chơi thì ta sẽ đi về. Thế nhưng trong cõi hồng trần mờ mịt này, Br không muốn lại làm một Hàn Mặc Tử.
      Nên chăng, có một lần nắm tay rất nhẹ ở trần gian?

      Delete
  3. Em đi rồi, Thu có buồn không anh?
    Lá có hát lả lơi đường anh bước?
    Mây có trôi kéo sầu vào quá vãng
    Trăng có ngồi khóc lại những trang thơ?

    Chiều Tây Hồ Sâm cầm có vu vơ
    Chao cánh lượn giữa chợ đời tất bật
    Tình nhàu xưa một lần em bỡ ngỡ
    Bán đã mời, không biết có ai mua?

    Anh hãy về tha thiết những đón đưa
    Cõi trần tạm giấc mơ càng không thực
    Vũ khúc này một lần em khởi bước
    Môi vẫn cười khi thoát khỏi nhân gian

    Ngày gần tàn, nắng quay gót lang thang
    Nợ hương sữa chút mùi rơi rất nhẹ
    Đàn dương cầm đâu đây rung vài giọt
    Rơi rụng này, anh có nhặt, hay không?

    Giữa biển người hư ảo trôi về sông
    Em sương khói mây ôm ngày đoàn tụ
    Tình nhân gian như dã tràng se cát
    Tay chạm rồi có lấp được biển đông?

    ReplyDelete
    Replies
    1. E m đi rồi, anh đâu còn thu
      Trời miên viễn một đường hoa trắng
      Ngày vẫn còn sao không thấy nắng
      Phiêu du trôi theo cánh chim trời

      Lại nợ em một bài đang viết dở, Br chau chút từng con chữ, nên không khiên cưỡng gieo bừa, híc...

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!