Theo báo VnEconomy, tại báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền gửi đến Quốc hội, trước thềm phiên trả lời chất vấn trực tiếp vào sáng 19/11 về tình hình lao động - việc làm. Trong đó có nêu: tính đến hết quý 3/2104, cả nước có 174 ngàn lao động có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp.
Câu chuyện cử nhân, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp đã được nói quá nhiều, từ nghị trường đến dư luận xã hội. Các nguyên nhân, giải pháp cũng đã được mổ xẻ dưới nhiều khía cạnh bởi các nhà quản lý, chuyên gia, báo chí,... Tôi cũng đã có vài bài đăng báo nói về nguyên nhân của tình trạng này. Thế nên, không đề cập thêm nữa.
Nhân việc có số liệu mới nhất như trên, kể lại câu chuyện nhỏ,nhưng có thể xem như một ví dụ thực tiễn giải thích tại sao nhiều cử nhân thất nghiệp đến thế.
Cách đây đôi tuần, tôi đi Tây đô công chuyện. Sau công việc thì đối tác có mời đi ăn nhậu nghe đờn ca tài tử Nam bộ. Ngồi cạnh tôi là một cô ca sĩ miệt vườn. Những lúc không ca, tôi và cô ta có nói chuyện tầm phào. Cô ấy nói vừa tốt nghiệp ngành Văn, khoa Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Cần Thơ và đang thất nghiệp nên mới đi ca ở các quán ăn trong lúc chờ tìm việc.
Tôi mới hỏi: Em học ngành văn ra thì có viết bài nghiên cứu, bài lý luận, viết báo, hay biên tập bài viết được không? Nếu viết được thì gửi bài cho anh, anh xem nếu được thì giới thiệu cho em mấy công việc. Cô ấy nói rằng, em không biết có làm được không, vì em chưa thử.
Tôi ngạc nhiên hỏi, thế em học văn mà không biết viết lách, biên tập thì học cái gì, vì ĐH Cần Thơ có ngành sư phạm ngữ văn riêng, nên chắc chắn mục tiêu của ngành văn này không đào tạo ra cô giáo dạy văn. Cô ấy nói là có học, nhưng bọn em chỉ học để thi, thi xong thì quên luôn.
Tôi mới hỏi thế em làm được gì với tấm bằng cử nhân văn chương đó. Cô ấy nói là em đang tìm việc làm lễ tân hoặc nhân viên văn phòng. Nhưng nộp đơn mấy nơi rồi mà chưa được. Mà em cũng chỉ muốn tìm công việc như vậy thôi.
Tôi lại hỏi, biết học ra không làm nghề được thì học làm gì? Vì lễ tân hay nhân viên văn phòng người ta chỉ cần trình độ trung cấp thôi. Cô ấy nói là bạn bè đi học ĐH cả, chả lẽ lại đi học trung cấp. Thi đậu là đi học, chứ có nghĩ đến việc sau này học xong xin việc như thế nào đâu.
Đây chỉ là câu chuyện của một cá nhân, nhưng hầu hết những trường hợp cử nhân, kỹ sư thất nghiệp đều tương tự cô bé này. Có nghĩa, học xong không làm chuyên môn được.
Giả sử cô bé này gia đình có điều kiện, hay xin việc mãi không được nên chán mà học tiếp cao học thì chỉ đôi năm nữa lại có thêm một thạc sĩ văn chương, thậm chí bằng khá, bằng giỏi. Nhưng chắc chắn, lại vẫn không viết nổi một bài lý luận, một bài phân tích văn chương, không viết nổi một bài báo hay biên tập được một bài viết,... như trường hợp tôi đã viết về cô thạc sĩ văn chương loại giỏi ở Đà Nẵng thất nghiệp năm ngoái. Ở đây, tôi mới nói về người học, không đề cập đến người dạy và chương trình đào tạo.
Các bạn ấy, không thất nghiệp mới là lạ.
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Bài viết cùng chủ đề:
- Thạc sỹ thất nghiệp - Vì đâu nên nỗi?
- Bằng thật nhưng học giả
- Không thất nghiệp mới là lạ
- Không nên khuyến khích loại “bằng giỏi nhưng cực dốt” tàn phá đất nước này nữa, bác Thanh Bá ạ!
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!