Baron Trịnh: Đang có một nghi vấn về tác giả thật của nhạc phẩm Nỗi lòng người đi mà lâu nay vẫn được biết đến với tác giả là nhạc sĩ Anh Bằng.
Có lẽ vụ việc này sẽ còn tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhạc sĩ và những người liên quan. Tôi copy các bài viết về đây để lưu giữ những thông tin về một nhạc phẩm mà tôi vẫn yêu thích.
Trước khi đến với các bài viết liên quan đến tác giả của nhạc phẩm, mời bạn đọc thưởng thức Nỗi lòng người đi qua giọng ca tuyệt tác của ca sĩ Vũ Khanh và hình ảnh về lời của bài hát vẫn ghi tên tác giả là nhạc sĩ Anh Bằng.
Nguồn: YouTube
(Nguồn hình ảnh: Từ trang Dòng Nhạc Xưa)
Dưới đây là bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đề cập đến người tự nhận là "tác giả thật" của nhạc phẩm Nỗi lòng người đi, bài viết phản biện lại của nhạc sĩ Cao Minh Hưng và các bài viết khác liên quan đến sự kiện này.
--------------------------------------------------------------------------
GẶP TÁC GIẢ THẬT CA KHÚC “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI”
Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, có một người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi – Hà Nội. Ông tự giới thiệu là Khúc Ngọc Chân.
Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông đã từng là nghệ sĩ đàn cello ngồi ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ những năm mới thành lập. Các anh em của ông là Khúc Phác và Khúc Ka Hoàng cũng đều là dân nhạc nổi tiếng từ lâu. Ông Chân họ Khúc, đích thị là con cháu Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang – Hải Dương rồi. Ông nói rằng ông có bài thơ về tổ tiên được khắc trên bia đá tại đền thờ họ Khúc ở quê. Dần dà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Nỗi lòng người đi mà chính ông là tác giả với cái tên đầu tiên là Tôi xa Hà Nội.
Khúc Ngọc Chân sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch – Hà Nội. Ở Hà Nội, khi ông Chân vào thanh xuân cũng là khi cuộc chiến đấu chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, các thanh niên Hà Nội nơm nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường. Để thoát khỏi cảnh cưỡng ép này, gia đình đã nhờ người thân xin cho ông vào làm nghề sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. Làm ở đây, vừa không bị bắt đi lính, lại chỉ phải làm có nửa ngày, nửa ngày tự do có thể làm gì tùy thích. Vốn yêu âm nhạc, ông Chân tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây. Lúc ấy, cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Tạ Tấn cũng đều đến học thầy Chấn nổi tiếng. Qua học thầy mà ông Chân quen với một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém ông hai tuổi. Rồi tình yêu nhen lửa. Họ đã có những ngày đầu yêu thương thật thơ mộng bên bờ Hồ Gươm. Không thể quên những chiều ngồi bên bờ hồ té nước đùa vui với nhau.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Genève. Ông Chân phải theo gia đình về quê. Nỗi nhớ nhung người yêu khiến cho ông cảm xúc bâng khuâng.
Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết gia đình người yêu đã xuống Hải Phòng, ở khách sạn Cầu Đất chờ di cư vào Nam. Ông tìm xuống Hải Phòng để sống cùng người yêu, chờ tiễn nàng xuống tàu. Những ngày đó, với cây guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong suốt những ngày tháng qua, những ngày tháng xa Hà Nội:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa
Chàng tròn 18 tuổi. Nàng tròn 16 tuổi. Khi ấy, tuổi ấy yêu đương là bình thường. Nếu nỗi nhớ thương người yêu ngày đó đã khiến cho Hoàng Dương viết ra Hướng về Hà Nội nổi tiếng, thì Khúc Ngọc Chân cũng viết Tôi xa Hà Nội nổi tiếng không kém. Chàng lại tiếp tục dào dạt trở lại cái cảm xúc ấy, cái giai điệu ấy nhịp 3/8 hát chậm và tình cảm (Lento - Espressivo):
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…
Không biết trong những ngày ngắn ngủi bên nhau ở Hải Phòng, nàng đã khóc bên chàng bao lần. Chỉ biết rằng họ vẫn an ủi nhau, nàng cứ vào trước, chàng hứa hẹn rằng sẽ vào sau, sẽ tìm nàng ở Sài Gòn. Nàng hãy gắng chờ đợi giữa đô hội phồn hoa:
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Ông Chân kể rằng khi viết Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Đến khi ông viết Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời cũng là tưởng tượng về cánh tay giơ cao của Nữ thần Tự do. Ông viết trong một thầm ước mong manh cho ngày gặp lại không biết đến khi nào. Viết vì thương nàng cô đơn giữa Sài Gòn hoa lệ:
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi
Ca khúc được viết xong, Khúc Ngọc Chân đã tập cho nàng hát thuộc lòng, hát đi hát lại đến chan chứa cảm xúc. Khi ấy đã là cuối tháng 11.1954.
Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Và rồi con tàu đã rời xa đất liền, trôi mãi vào biển cả mênh mang, mang theo nàng và mối tình đầu day dứt cùng giai điệu đượm buồn kia. Còn chàng thì quay về, rồi trở lại Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ nàng thì cứ thắp sáng trong những đêm trường cô đơn. Nỗi nhớ buộc chàng phải thốt lên thành thơ, khi nhớ lại cảnh tiễn đưa nàng:
Đưa tiễn em đi mưa bụi bay
Tâm tư dằng xé lệ dâng đầy
Em đi gói ghém niềm chua chát
Anh ở ôm ghì nỗi đắng cay
Chiến họa trường kỳ đến thảm khốc
Tình đau vô hạn khó phôi pha
Một thời bức xúc triệu đôi lứa
Vật đổi sao dời nhớ khó khuây.
Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà Nội. Chắc chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc đã có một số phận khác khi được nhạc sĩ nhận thức và tìm cách xử lý. Còn ở Hà Nội, Khúc Ngọc Chân đâu ngờ gia đình ông bao đời không chịu làm cho Tây đã không theo dòng người di cư mà ở lại Hà Nội vừa giải phóng. Vậy là lời hứa với nàng đành lỡ dở theo thời gian.
Ở lại Hà Nội, năm 1956, ông Chân vào học đàn cello ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp thì về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngày thống nhất đất nước, khi Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, ông Chân đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm 1969, khi mới vào tuổi “tam thập nhi lập”. Theo người thân của người yêu, ông đã tìm đến mộ nàng và thắp hương, thầm khóc cho cuộc tình chia phôi bất hạnh. Chính vì người yêu đã mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách gì mà ca khúc Tôi xa Hà Nội của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng, được ông sửa thành nhịp 4/4 theo điệu Slow và phổ biến “quá trời” tại Sài Gòn. Ông Chân nói rằng đó là điều may mắn. Khi ấy, nếu ca khúc lan ra mà lại ghi tên ông là tác giả, chắc ông khó mà ngồi yên ở Dàn nhạc Giao hưởng cho đến khi về hưu. Nhưng vì ca khúc ghi là của tác giả Anh Bằng, nên những ca từ rất thực của ông diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm lại trở thành một vệt đen mang đậm nỗi ấm ức của bao người di cư ở bên kia chiến tuyến. Lại nữa, vì Anh Bằng đổi tên ca khúc thành Nỗi lòng người đi nên vệt đen kia hóa thành có thực khi đất nước bị chia cắt. Cũng chính vì thế mà cho đến nay Nỗi lòng người đi (vốn là Tôi xa Hà Nội) vẫn chưa được cho phép hát lại.
Tìm hiểu về nhạc sĩ Anh Bằng qua nhiều luồng thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng điều ông Chân thổ lộ rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là Trần An Bường. Ông sinh năm 1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình. Ông học trung học tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas. Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston.
Ngày ấy, khi vào Sài Gòn, theo thiển nghĩ của tôi, Anh Bằng chưa được biết đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe được ca khúc Tôi xa Hà Nội do một thiếu nữ làm ở quán bar hát những khi chia sẻ mà lại không biết xuất xứ. Với khả năng âm nhạc của mình, Anh Bằng đã thuộc được giai điệu này. Ông thấy rất hợp tâm trạng của ít nhất là những thanh niên vừa phải xa Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Vậy là cuộc sử dụng một giai điệu mang tâm trạng của thanh niên xa Hà Nội, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã chuyển nhịp 3/8 gốc của ca khúc Tôi xa Hà Nội thành nhịp 4/4 dùng tiết điệu Slow. Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có bài thơ Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng. Nhưng sau Hiệp định Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông tin này, Anh Bằng không biết, nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu trách nhiệm ca từ này. Trong ca từ, Anh Bằng có sửa vài chỗ. Chỗ thì cho lãng mạn hơn theo ý của ông. Đấy là câu “Khua nước chơi như ngày xưa” thành “Khua nước trong như ngày xưa”. Hồ Gươm đã được gọi là Hồ Lục Thủy, tức là hồ nước xanh tự ngàn xưa, nên chữ “trong” không đúng với hiện thực mà là tưởng tượng ra thôi. Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết: “Mộng với tay cao hơn trời - Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “tôi hái hoa tiên cho đời” thì đúng là ca ngợi cuộc sống Sài Gòn lúc đó, để cho người miền Nam thấy đang hưởng một cuộc sống “phồn hoa” tuy “giả tạo”. Cuối cùng, Anh Bằng đã đổi tên ca khúc Tôi xa Hà Nội thành Nỗi lòng người đi, rất phù hợp với tâm trạng những người xa Hà Nội khi ấy ở Sài Gòn. Và nhờ Nỗi lòng người đi, Anh Bằng đã chính thức bước vào làng nhạc để rồi tạo ra trung tâm âm nhạc “Lê – Minh – Bằng” tức là trung tâm do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng khởi xướng, chuyên làm đĩa nhạc và dạy âm nhạc ở Sài Gòn từ 1966 đến 1975.
Ông Chân kể lại câu chuyện này với tôi không hề có ý đòi hỏi gì về bản quyền và tranh chấp với Anh Bằng. Ông chỉ muốn kể ra một sự thực của một ca khúc do ông viết ra. Sau ngày thống nhất, sau khi đã đến thắp hương cho bà Hằng, và xót xa cảnh ngộ của bà khi vào Sài Gòn phải làm “gái bar”, rồi phải giữ mình để mất đi cô đơn trong bạo bệnh, cũng phải sau 20 năm nữa, không quên được mối tình đầu đẹp đẽ và lãng mạn, ông Chân lại viết ra những vần thơ thương nhớ người yêu, cũng như sau Tôi xa Hà Nội, ông còn viết Biển và em, Thu Hà Nội vẫn với “air nhạc” như Tôi xa Hà Nội để nhớ bà. Ông đã rơm rớm khi đọc bài tưởng nhớ bà mang tên “Tình thoảng gió”:
Tình thoảng gió như tình đời trong bụi
Đời mà nhơ thì bụi vẫn còn nhơ
Ai yêu đương thoang thoảng vào giấc mơ
Còn giữ lại trong đời khi thoảng gió
Chỉ giây phút rồi liền sau đó
Tình bay đi và gió cũng bay đi
Bao nâng niu âu yếm hỏi làm gì
Người còn đó để tình bay theo gió
Có những phút nhìn đời không màu đỏ
Bởi thiên tình mà ai có biết không
Lụi tàn ngọn lửa đêm đông
Ngẫm tình thoảng giá nhìn không thấy đời
Sống chơi vơi mà chết cũng chơi vơi
Tuổi xuân ngày ấy buồn ơi là buồn
Có lẽ nước mắt trong bài thơ này cũng đủ để nói hết nỗi lòng của chàng và nàng chia ly thuở đó. Bà Nguyễn Thu Hằng thì đã ra đi ôm theo mối tình đầu trong tâm trạng cô đơn. Ông Chân vì không có bà Hằng cũng đành phải lập gia đình khác, nhưng đâu có hạnh phúc trọn vẹn. Người vợ đầu của ông bây giờ đã cùng cô con gái sang Phần Lan. Năm 1974, ông Chân mới “đi bước nữa” cùng một bác sĩ là giáo sư Đại học Y khoa. Bà tuy không làm nghệ thuật nhưng rất yêu nghệ thuật. Nghe câu chuyện mối tình đầu của ông Chân, bà đồng ý để ông Chân kể ra câu chuyện sáng tác ca khúc Tôi xa Hà Nội với cuộc đời. Người thay ông Chân nhận làm tác giả ca khúc và đổi tên là Nỗi lòng người đi, là nhạc sĩ Anh Bằng thì đã nhờ những giai điệu này mà nổi tiếng, có cuộc sống tốt từ đó đến nay. Việc nhận thay vô thức này đã tặng cho ông Chân một cuộc sống bình an trên đất Bắc từ 1954 đến nay. Cũng chả cần gì phải nói thêm về sự chia sẻ, tranh chấp hồ đồ. Chỉ có một điều muôn thuở là “cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar”. Bài viết này tuy đã muộn nhưng vẫn còn chưa muộn vì nhạc sĩ Anh Bằng vẫn còn có thể có một lời nào đó với nhân gian về câu chuyện này. Và hơn nữa, vì lý do cấp phép ca khúc được lưu hành sẽ lĩnh hội và cho phép Tôi xa Hà Nội của Khúc Ngọc Chân được lưu hành như một ca khúc hay về Hà Nội thời kỳ đó.
Tác giả: Nguyễn Thụy Kha
Bài đăng trên Kiến Thức Ngày Nay, số 804. Đăng lại ở Báo Sức khỏe và đời sống ngày 24/2/2013.
Nguồn bài viết từ trang Giai điệu Xanh.
-------------------------------------------------------------------------
CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI VIẾT VỀ “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI”
Từ khi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ được thành lập, chúng tôi (Ngọc Bích và tôi) có may mắn được gặp gỡ thường xuyên với Nhạc sĩ Anh Bằng vì ngoài vai trò là người đồng sáng lập, ông là một trong các vị Cố vấn luôn quan tâm và góp ý kiến cho chúng tôi, từ những việc nhỏ như vấn đề may áo đồng phục cho Ban Hợp Ca, đến những việc khác như khuyến khích các ca nhạc sĩ trong nhóm tiếp tục sáng tác những bản nhạc đấu tranh cho dân chủ quê hương đất nước, v.v. Chúng tôi rất cảm phục trước tấm lòng nhiệt tình đấu tranh không mệt mỏi cho quê hương đất nước sớm có ngày được tự do, dân chủ dù với tuổi đời đã cao và sức khoẻ không được tốt của ông.
Gần đây, khi trên các trang mạng tung ra bài viết của tác giả Nguyễn Thụy Kha với ý đồ vu khống và hạ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng qua bài viết “Tôi Xa Hà Nội” mà ông Nguyễn Thụy Kha cho biết viết theo lời kể của “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân”. Đọc qua bài viết này của ông Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi nghĩ đa số mọi người đều thấy ngay nhiều điểm kịch tính, gán ghép, mâu thuẫn trong bài viết với mục đích là cố tình bôi xấu và hạ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng.
Chúng tôi đã liên lạc với Nhạc sĩ Anh Bằng vì e rằng bài viết vu khống có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui khi được biết rằng tinh thần của ông vẫn cao và không hề nao núng trước sự đánh phá, xuyên tạc qua bài viết này. Ông cho biết cá nhân ông không muốn trả lời cho những người tự cho là mình là những người văn nghệ sĩ, nhưng thật ra họ đã mất đi nhân tính khi cố tình viết lên những điều trái với sự thật như vậy.
Mặc dầu Nhạc sĩ Anh Bằng không muốn lên tiếng về việc này, nhưng qua những điều tìm hiểu được sau khi đọc bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng thêm về một vài chi tiết ngoài những điều mà chúng ta đã đọc của nhiều tác giả viết những bài phản bác lại bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha trong những ngày vừa qua.
Điểm đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến là chi tiết khi ông Nguyễn Thụy Kha viết rằng ông Khúc Ngọc Chân và người yêu “đã cùng xuống một con thuyền con ở bến Bính để đi ra tàu đậu ngoài của biển”. Chỉ một chi tiết này thôi, chúng ta cũng thấy sự thêu dệt của cả 2 ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân khi họ cố tình bóp méo những chi tiết có tính cách lịch sử với nhiều nhân chứng và hình ảnh còn ghi lại. Những người di cư vào Nam vào thời điểm năm 1954 chắc ai cũng biết là những chiếc tàu lớn (tàu há mồm) chở người dân miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do không hề “đậu ngoài cửa biển”, mà đậu ngay ở bến tàu để những xe nhỏ hay đồng bào di cư đi lên thẳng trên tàu (xin xem theo những hình ảnh lịch sử đính kèm). Cá nhân chúng tôi chưa ra đời vào những năm tháng đó, tuy nhiên những chi tiết lịch sử này chúng tôi được biết qua một số lời kể và những hình ảnh lịch sử được ghi lại. Với những chứng cứ này, chúng ta có thấy ngay là hình ảnh “thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát ‘Tôi Xa Hà Nội’ cho nàng nghe” được dựng lên hoàn toàn không thực và được đưa vào bài viết một cách hết sức gượng ép. Tác giả của bài viết đã xem thường những chi tiết thật của lịch sử.
Lên tàu há mồm ở cảng Hải Phòng
Hai Phong port 1954
Một chi tiết khác mà chúng tôi được biết là Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác bài “Nỗi Lòng Người Đi” từ năm 1954 và phải hơn 10 năm sau, sau những lần sửa đổi cho bài hát được hoàn chỉnh, ông mới mang ra giới thiệu với công chúng. Một tác phẩm mất khoảng thời gian 10 năm để cho ra đời, nhưng theo bài viết thì “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân chỉ viết trong một thời gian ngắn giữa cảnh di tản hỗn loạn của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Nếu như thế thì đúng là “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân” quả là một thiên tài nhưng “thiên tài” này từ ngày đó đến nay, cũng như nhiều người đã nhận xét và tra cứu trên các trang mạng, ông Khúc Ngọc Chân không có một nhạc phẩm nào được biết đến trong kho tàng âm nhạc Việt Nam so với hàng trăm bản nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng mà trong số đó, không ít những bản nhạc đã trở thành bất tử.
Nói thêm về sự thêu dệt và bịa đặt trong bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha, theo như ông Khúc Ngọc Chân cho biết, ông đã không biết tin gì về người yêu của mình, tức bà Nguyễn Thu Hằng cho đến khi ông Chân vào Nam vào năm 1975 và cất công đi tìm và biết rằng người yêu đã qua đời vào năm 1969. Trong khi đó thì ông Nguyễn Thụy Kha lại biết rõ về bà Thu Hằng qua đoạn viết: “Còn nàng, khi vào Sài Gòn với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ.” Trí tưởng tượng của tác giả Nguyễn Thụy Kha quả thật là phi thường!
Môt chi tiết khác khi ông Nguyễn Thụy Kha viết là Nhạc sĩ Anh Bằng đã sửa lời của bài hát, ví dụ như ở câu: “Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết “Mộng với tay cao hơn trời/Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “Tôi hái hoa tiên cho đời…”. Có nhiều người đã nêu ra điểm buồn cười và ngây ngô của đoạn này khi ông Khúc Ngọc Chân cho là mình đã dùng hình ảnh “với tay cao hơn trời” để “tưởng tượng về cánh tay giơ cao của Nữ Thần Tự Do”, một điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm đó, vì có mấy ai nghĩ đến Hoa Kỳ, có chăng là chỉ nghĩ đến nước Pháp và những hình ảnh về nước Pháp vào thời điểm đó mà thôi! Có lẽ hai ông này không biết một chi tiết là Nhạc sĩ Anh Bằng khi sáng tác bài hát này, ông đã dùng hình ảnh “Tôi hái hoa tiên” dựa theo truyền thuyết là có một bông hoa thần ở trên trời và nếu người nào hái được hoa ấy để tặng cho người mình yêu, sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Một hình ảnh đẹp như vậy trong bài hát mà lại bị hai ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân gán ghép sửa đổi để càng lộ thêm sự thiếu kiến thức về lịch sử và văn chương của họ.
Nói đến khía cạnh văn thơ trong lời ca, ngay như trong câu “Khua nước trong như ngày xưa” của nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” mà theo như ông Nguyễn Thụy Kha viết, ông Khúc Ngọc Chân đã từng viết câu “Khua nước chơi như ngày xưa”. Nếu một thi sĩ khi ngâm câu này hay một ca sĩ khi hát chữ “chơi” thay cho chữ “trong”, sẽ thấy ngay sự trái tai trong cách dùng từ ở chỗ này. Khi ông Khúc Ngọc Chân và ông Nguyễn Thụy Kha đưa ra chi tiết này, họ không ngờ rằng chỉ gây thêm sự phản tác dụng và bộc lộ kiến thức kém cõi về thi văn và âm nhạc của họ.
Còn nhiều chi tiết khác trong một bài viết đầy dụng ý vu khống và bôi nhọ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng như về việc gán ghép bản nhạc được phổ từ thơ của Thi sĩ Nguyễn Bính, hay nêu ra những chi tiết không đúng với sự thật về nơi sinh quán cũng như nơi cư ngụ của Nhạc sĩ Anh Bằng khi đến định cư tại Hoa Kỳ, hay ngay cả cái tựa đề “Tôi Xa Hà Nội” cũng không thích hợp với hoàn cảnh của câu chuyện kể của ông Khúc Ngọc Chân mà một vài tác giả đã có nhắc tới nên chúng tôi không nhắc lại và bàn thêm nơi đây, nhưng đó cũng là những chi tiết cho thấy sư coi thường độc giả của ông Nguyễn Thụy Kha và càng làm cho mọi người thấy ngay giá trị của bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha ra sao!
Những lời thăm hỏi và khuyến khích của Nhạc sĩ Anh Bằng thường tiếp cho chúng tôi thêm nhiệt huyết để dấn thân trên bước đường đấu tranh cho quê hương đất nước để không phụ lòng tin yêu của những người đi trước như Nhạc sĩ Anh Bằng, người nhạc sĩ tài hoa và luôn thiết tha yêu quê hương đất nước.
Tác giả: Cao Minh Hưng
Nguồn bài viết và hình ảnh từ trang Câu lạc bộ Tình nghệ sĩ.
------------------------------------------------------------------------
NGHI ÁN NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI
Báo Tiền phong online: Nỗi lòng người đi - sáng tác đầu tay nổi tiếng của nhạc sĩ hải ngoại Anh Bằng không có gì thay đổi sẽ lên sóng VTV1 trong chương trình Giai điệu Tự hào cuối tháng 10. Ngoài việc đây là một bài hát hay quanh đề tài Hà Nội, còn vì vấn đề bản quyền.
Mới đây, ông Khúc Ngọc Chân - nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - đứng ra nhận mình là tác giả bài hát. Theo ông Chân, bài hát tên thật là Tôi xa Hà Nội với một vài lời ca khác với Nỗi lòng người đi vẫn được nghe hơn nửa thế kỷ nay.
Khúc Ngọc Chân khẳng định, mãi tới năm kia ông mới biết đến sự tồn tại của Nỗi lòng người đi. Bởi ông không thích và rất ít nghe nhạc hải ngoại. Thời gian về hưu, ông say sưa sáng tác thơ Đường thuần Việt (không dùng từ Hán Việt), trở thành Trưởng Chi hội thơ, ca nhạc Hương Chiều (Hội thơ Đường luật Việt Nam).
Ông kể: “Trong hội thơ mình, có một cậu năm nay 75 tuổi bảo rằng: “Vừa rồi em nghe thấy hình như anh có một bài hát nào đó dư luận cho là bài của anh mà anh không nói”. Mình bảo bài nào. “Nỗi lòng người đi”. Mình bảo, không phải của anh, bài này bên kia nghe đâu là của Anh Bằng, mà lời thơ chính là của Nguyễn Bính”. “Không, em còn được tin bây giờ có một anh còn đang định tìm tác giả thật của bài này”, bạn thơ của ông Chân nói. Sau đó, ông Chân được ông Vũ Tiến Tôn - nhạc công trompet cùng Dàn nhạc Giao hưởng, dẫn đến gặp nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha.
Qua lời kể của ông Chân thì thậm chí Nguyễn Thụy Kha cũng biết đến “nghi án” Nỗi lòng người đi. Ông Chân thuật lại lời ông Kha trong cuộc gặp lần đầu tiên của hai người: “Anh có cái bài Nỗi lòng người đi bên kia người ta nói là bài của anh?!” Nhưng Nguyễn Thụy Kha lại khẳng định không hề biết đến nghi án này cho tới khi Khúc Ngọc Chân kể ra. Tuy nhiên, ông Kha vẫn cảm thông với cách trình bày hơi khó hiểu của ông Chân: “Người ta không phải người ăn nói với công chúng. Nhưng mình biết được cái lõi của vấn đề. Tôi bằng trực giác biết chắc chắn bài này của ông ấy rồi!”.
Chuyện tình sớm lìa xa
Đầu những năm 1950, thanh niên Hà Nội có mốt học guitar Hawaii. Ông Chân quen người trong mộng của mình tên Nguyễn Thu Hằng trong một lớp học nhạc cụ này. Lời bài hát “Hà Nội ơi, ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng” miêu tả thời gian đó. Độ một năm sau khi nàng nhận lời yêu chàng, họ đã phải chia lìa, nàng theo gia đình vào Nam. Vì hoàn cảnh gia đình, Chân không thể đi Nam lúc đó, nhưng dự định hai năm sau tổng tuyển cử sẽ vào đón người yêu. Nhà gần nhau, gia đình hai bên có quen biết, nên đôi trẻ có hẳn hai tuần để chia tay tại một khách sạn ở khu Cầu Đất, Hải Phòng. Tôi xa Hà Nội được khẳng định ra đời trong khoảng thời gian đó. Ở Sài Gòn, để mưu sinh, nghe nói Thu Hằng hát phòng trà và đó có thể là khởi đầu lưu lạc của bài hát.
Mở đầu bài hát: “Tôi xa Hà Nội năm lên 18…”- theo ông Chân chỉ là xuống Hải Phòng nửa tháng. “Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi” chỉ thời gian ông chui lủi trốn Pháp bắt lính. Nỗi lòng người đi có câu “Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa”. Chân và người yêu thường ngồi ở gốc si trong đền Ngọc Sơn khỏa chân xuống hồ Gươm, và ông viết thành lời ca: “…Khua nước chơi như ngày xưa”. Ông phản đối chữ của Anh Bằng vì nước hồ Gươm hay còn gọi Lục Thủy không có khái niệm “trong”.
Câu “Sài Gòn ơi mộng với tay cao hơn trời” ông Chân viết để miêu tả dáng dấp của tượng nữ thần Tự Do, đồng thời cũng thể hiện mộng ước xa vời gặp lại người yêu của ông. Tiếp theo “Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi” là lời bài hát của Anh Bằng. Còn lời của ông Chân: “Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi”. Theo lý giải của một trang web hải ngoại thì hình ảnh “tôi hái hoa tiên” dựa theo truyền thuyết về một bông hoa thần ở trên trời, nếu người nào hái được để tặng cho người mình yêu, sẽ được hạnh phúc mãi mãi.
Ông Chân cũng không đồng tình với chữ “tan” trong câu “Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều”. Theo ông phải là “bay”, vì hai người vẫn hẹn ước gặp lại nhau, chứ không phải đoạn tuyệt. Tương tự theo ông Chân: “Nàng khóc tơ duyên lìa xa”, chứ không phải “lìa tan”. Bài của Anh Bằng nhịp slow 4/4, bản của Khúc Ngọc Chân lả lướt hơn theo nhịp 3/8. Ông Chân khẳng định mình viết nhịp đó theo luật của lời thơ.
Mặc dù giấu không cho ai biết mình viết tình ca, nhưng những năm sau đó, ông Chân vẫn âm thầm sáng tác để nhớ người yêu. Bài cuối cùng Đêm thu Hà Nội ông viết năm 1961 coi như dứt tình. Vì năm 1960, ông phải lấy vợ do sức ép gia đình. Cho đến khi chia tay bà vợ thứ nhất, ông Chân vẫn kiên quyết không đăng ký hết hôn. Ông chỉ chịu đăng ký với bà thứ hai khi ông đã 74 tuổi.
Trước khi đất nước thống nhất, ông Chân đã về hưu non vì đau dạ dày. Năm 1976, nhân vào Nam lưu diễn, ông đi tìm người yêu nhưng không thấy tung tích. Năm sau nữa, nhờ hỏi thăm người nhà của Hằng ở Hà Nội, ông được biết cô ở Cần Thơ. Tại đây, ông Chân gặp được em họ của Hằng và được dẫn đến nghĩa trang nơi Hằng an nghỉ. Cô ra đi năm 1969, vẫn chưa chồng ở tuổi 31. Năm 1979, ông Chân vào Cần Thơ lần nữa nhưng mộ người yêu đã thất lạc, cô em họ cũng không rõ về đâu.
Ông Khúc Ngọc Chân (trái) và nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha
Của ai không thành vấn đề…
Ông Chân đã không công bố Tôi xa Hà Nội cũng như các bản tình ca khác của mình vì thời đó ở Hà Nội, những bài hát kiểu này được coi là không phù hợp. “Năm 1957, tôi vào trường nhạc học, được chỉnh huấn là không được sáng tác và hát những bài về tình yêu”, ông kể. Trước đó, khi còn sinh hoạt thanh niên ở khu phố, đi dạy bình dân học vụ, Chân đã được quán triệt tinh thần chỉ hát những bài cách mạng, vui tươi.
Khi nhận Nỗi lòng người đi hay Tôi xa Hà Nội là của mình, ông Chân khẳng định không có ý tranh chấp tác quyền: “Tên ai không thành vấn đề. Chính giai điệu của mình mà được hát chỗ này chỗ kia là mình thích rồi. Chứ mình còn nhiều bài hay hơn…” Hơn một lần ông Chân khẳng định ông còn nhiều bài hay hơn bài hát nổi tiếng kia, đáng tiếc là chưa bài nào của ông được vang lên. “Tôi không nghĩ chuyện đó”, ông Chân nói. “Cách đây 20 năm từ khi nhảy sang thơ, tôi nghiên cứu toàn về thơ. Phổ nhạc vào thơ Đường rất khó. Và tôi đưa thơ Đường vào quan họ…”.
Theo chỉ dẫn của Nguyễn Thụy Kha, ông Chân đã đem tất cả các sáng tác chưa ai hát của mình đi đăng ký bản quyền. Được biết, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị vẫn trả tác quyền bài Nỗi lòng người đi cho Anh Bằng - trong khoảng một năm nay đã nhiều lần liên lạc với Anh Bằng để làm rõ vấn đề bản quyền của bài hát. Ngày 7/9, Anh Bằng hồi âm với nội dung ngắn gọn: “Theo lời yêu cầu của VCPMC, tôi xin kính gởi Trung tâm một bản scan xuất bản phẩm Nỗi lòng người đi do nhà xuất bản Mỹ Hạnh phát hành năm 1967, để VCPMC làm tư liệu nhanh chóng kết thúc việc xác nhận tác giả của nhạc phẩm Nỗi lòng người đi”.
Sự vô danh của Khúc Ngọc Chân là một điều bất lợi khi đặt cạnh Anh Bằng- tác giả của hàng trăm bài hát trong đó có Khúc thụy du, Nếu vắng anh, Anh còn nợ em, Tình là sợi tơ… Một điểm yếu nữa trong câu chuyện của Khúc Ngọc Chân mà những người đứng về phía Anh Bằng xoáy vào là có nhiều hình ảnh tư liệu cho thấy tàu há mồm đưa người vào Nam cập sát cảng Hải Phòng. Trong khi ông Chân kể, ông vẫn còn hát Tôi xa Hà Nội cùng người yêu trên thuyền từ bến Bính ra “phao số không” để tiễn nàng lên tàu há mồm. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người gốc Hải Phòng, cho hay Thu Hằng vào Nam là đợt đầu tiên, tháng 11/1954. Lúc đó tàu há mồm chưa cập vào cảng Hải Phòng.
Nguyễn Thụy Kha cũng đặt dấu hỏi tại sao mãi tới năm 1967, Anh Bằng mới đăng ký bản quyền bài hát đầu tay. “Phải chăng ông đưa ra vào thời Ngô Đình Diệm sẽ không ăn vì khá nhiều người di cư vào Nam cũng biết bài này, ông sẽ bị phản bác ngay?!” Nhà nghiên cứu cũng cho hay sắp tới sẽ công bố những lá thư của những người bạn cùng thời với Khúc Ngọc Chân kể về Tôi xa Hà Nội để tiếp tục làm rõ vấn đề.
Bài và ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
---------------------------------------------------------------------------
AI LÀ TÁC GIẢ "NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI" TRONG GIAI ĐIỆU TỰ HÀO
Báo Thể thao & văn hóa(Thethaovanhoa.vn) - Ca khúc Nỗi lòng người đi - của nhạc sĩ hải ngoại Anh Bằng sẽ lên sóng VTV1 trong chương trình Giai điệu tự hào mang chủ đề Người Hà Nội lúc 20h ngày 24/10 tới. Tuy nhiên, cách đây 2 năm có một người đứng ra nhận mình là tác giả bài hát này. Ông là Khúc Ngọc Chân - nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha - người công bố những nghi vấn tác giả của Nỗi lòng người đi thì "bài hát vốn được mang tên thật là Tôi xa Hà Nội với vài lời ca khác Nỗi lòng người đi". Thethaovanhoa.vn đã cùng nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gặp Khúc Ngọc Chân tìm hiểu rõ hơn về sự thật này.
Tác giả Khúc Ngọc Chân trong trường quay Giai điệu tự hào
* Tại sao đến tận bận bây giờ ông mới nhận Nỗi lòng người đi là của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không?
- Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được.
Ca khúc của tôi sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 2 người biết với nhau là tôi và cô người yêu thôi. Tôi sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch, Hà Nội. Năm 1954 tôi tròn 18 tuổi, cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, tôi cũng như các thanh niên Hà Nội nơm nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường và gia đình xin tôi làm sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. Vốn yêu âm nhạc, tôi tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây và quen một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém 2 tuổi. Chúng tôi đã có những ngày đầu yêu thương bên bờ Hồ Gươm thơ mộng.
Tuy nhiên, vài tháng sau, gia đình người yêu bất ngờ xuống Hải Phòng chờ di cư vào Nam. Lúc đó, tôi tìm xuống Hải Phòng tiễn người yêu. Với cây đàn guitar luôn mang theo bên mình, tôi đã viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng diễn tả những ngày tháng xa Hà Nội, ước hẹn cùng nhau, mong người yêu hãy gắng chờ đợi, tôi sẽ tìm nàng ở Sài Gòn, bởi lúc đó nàng mới 16 tuổi, chúng tôi chưa thể cưới nhau được.
Toàn bộ ca khúc Tôi xa Hà Nội như sau:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ
Khua nước chơi như ngày xưa
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi, thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi
Ngay sau khi viết xong Tôi xa Hà Nội, tôi tập cho người yêu hát thuộc lòng. Khi ấy đã là cuối tháng 11/1954. Sau ngày tiễn người yêu xuống tàu há mồm di cư vào Nam tôi trở về Hà Nội. Năm 1956, tôi vào trường nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay) học đàn cello, rồi tốt nghiệp và công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Còn nàng, vào Sài Gòn mưu sinh và đầu quân cho một quán bar. Và ca khúc của tôi thường được người yêu hát trong những đêm thương nhớ. Những năm 1960, vì gia đình thúc ép, tôi buộc lòng phải lấy vợ nhưng không đăng ký kết hôn (và chỉ đăng ký khi đã 74 tuổi).
Ngày đất nước thống nhất, khi cùng Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, tôi đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo khi mới vào tuổi 30. Tuy nhiên, khi vào đây tôi mới thấy bài hát chính thức của tôi được đổi tên thành Nỗi lòng người đi nhạc Anh Bằng, đề là phổ thơ Nguyễn Bính...
Nhạc bản Tôi xa Hà Nội do Khúc Ngọc Chân cung cấp
* Sau này rồi có ai biết có bài nào nhác nhác như thế của ông Nguyễn Bính không?
- Không có. Gia đình Nguyễn Bính ở Nam Định cũng không còn ai, con cháu đi hết rồi. Tất cả các tuyển tập thơ Nguyễn Bính không có bài nào như thế.
May cho tôi là khi kể chuyện này với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và một số người bạn, có người lên mạng đã copy được bản nhạc Anh Bằng sáng tác đề rằng Nỗi lòng người đi, nhạc Anh Bằng, thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên, sau bài viết đầu tiên của Nguyễn Thụy Kha được đưa lên mạng thì đến ngay cả Thụy Kha đi tìm bản đề thơ Nguyễn Bính cũng không có nữa mà chỉ đề là tác giả Anh Bằng thôi, bỏ phần thơ đi. Nếu mà sự thực phổ thơ Nguyễn Bính thì vẫn để nguyên chứ. Giả dụ là thơ của Nguyễn Bính thật thì không sao, không thì tôi phải là Nguyễn Bính chứ không phải Anh Bằng, bởi Anh Bằng chỉ phổ nhạc thôi mà.
* Ông nói rằng Nỗi lòng người đi không phải của Anh Bằng, vậy chỉ cần ông đưa ra bằng chứng xác đáng đó là của ông và nếu thực sự là của ông thì dù cho nhiều người chưa biết thì sẽ biết đến ca khúc này là của ông?
- Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác giả. Tôi chỉ muốn nói về một số phận khác khi ca khúc được một nhạc sĩ nhận thức và xử lý và đã thành một ca khúc hay, đó là điều may mắn. Khi xưa, lúc tôi biết Anh Bằng phổ nhạc, tôi cũng không dám nói ra, bởi Tôi xa Hà Nội với những ca từ rất thực diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm của tôi lại trở thành một vệt đen thì sao?
Bây giờ, tôi mong muốn Tôi xa Hà Nội của tôi trở về đúng lời, đúng giai điệu đẹp, đúng nội dung tâm tình của tôi bởi phải Người Hà Nội với nếp sống Hà Nội, địa dư Hà Nội, gốc tích Hà Nội mới hiểu được câu Ai đứng trông ai ven hồ/Khua nước chơi như ngày xưa. Anh Bằng sữa chữ chơi thành trong là sai, vì nước hồ Gươm hay còn gọi Lục Thủy không có khái niệm “trong” mà là nước “xanh” hẳn hoi. Còn ngồi khua nước bao giờ, ở chỗ nào? Hỏi nhiều người bây giờ khó mà tìm thấy. Xin thưa, đó là đằng sau đền Ngọc Sơn, chỗ có cây si rễ sà xuống mặt nước. Chúng tôi ngồi chơi rồi, té nước vào nhau. Những từ như thế này ngay cả Nguyễn Bính cũng không có, phải là từ của tôi, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
Khi tôi viết Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Hay câu Sài Gòn ơi mộng với tay cao hơn trời tôi viết để miêu tả dáng dấp của tượng nữ thần Tự Do, đồng thời cũng thể hiện mộng ước xa vời gặp lại người yêu. Còn câu cuối Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi là lời bài hát của Anh Bằng. Lời của tôi là Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi. Tôi cũng không đồng tình với chữ tan trong câu Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều mà phải là bay, vì hai người vẫn hẹn ước gặp lại nhau, chứ không phải đoạn tuyệt. Tương tự: Nàng khóc tơ duyên lìa xa, chứ không phải lìa tan. Bài của Anh Bằng nhịp slow 4/4, bản của tôi lả lướt hơn theo nhịp 3/8, bởi tôi viết nhịp đó theo luật của lời thơ.
* Khi nhận Nỗi lòng người đi hay Tôi xa Hà Nội là của mình, ông khẳng định không có ý tranh chấp tác quyền. Vậy ông mong muốn điều gì?
- Đúng vậy. Tôi đã không công bố Tôi xa Hà Nội cũng như các bản tình ca khác của mình vì thời đó ở Hà Nội, những bài hát kiểu này được coi là không phù hợp. Với tôi bây giờ, tên ai không thành vấn đề, vì giai điệu của tôi được hát chỗ này chỗ kia là thích rồi. Bài này của tôi bình thường, tôi còn nhiều bài hay hơn, tiếc là chưa bài nào được vang lên!
* Xin cảm ơn ông!
Hương Thương (thực hiện)
------------------------------------------------------------------------------------------
NỖI LÒNG NGƯỜI XA HÀ NỘI, NGƯỜI Ở HÀ NỘI
BBC Việt ngữ: heo truyền thông trong nước, gần đây một người ở Hà Nội tự nhận là tác giả ca khúc Nỗi lòng người đi, vốn lâu nay được biết đến với tác giả là nhạc sĩ Anh Bằng.
Ông Khúc Ngọc Chân, nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nói với báo trong nước rằng ông mới là tác giả bài hát.
Nhân tranh cãi này, nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Jason Gibbs, có bài viết cho BBC.
Một tác phẩm nghệ thuật thuộc về quyền sở hữu của ai? Trả lại cho đơn giản là nó thuộc về tác giả.
Song cái đơn giản không hẳn là đúng. Các tác phẩm cũng phu thuộc vào một thời, một bối cảnh xã hội, một nước, một dân tộc. Các tác giả cũng nhờ vào các tác giả và tác phẩm đi trước, nhờ vào những hoàn cảnh nằm ở trong đời sống ngoài mình.
Một yếu tố quan trọng của quyền sở hữu là cái ý niệm về sự xác thực. Một mặt của sự xác thực là luật pháp. Trước bộ luật lệ ai được coi là người / nhóm người / công ty / tổ chức mà có tác quyền? Nghĩa là ai nộp giấy tờ chứng minh rằng mình đứng lên xác nhận mình là tác giả và sau đó sẽ hưởng lợi ích và chịu trách nghiệm về tác phẩm ấy.
Định nghĩa từ xác thực cho chính xác là "đúng với sự thật" (Từ điển tiếng Việt - Nxb Khoa học Xã hội - TT Từ điển học, 1994). Chữ "sự thật" thì phức tạp hơn. Sự thật có nghĩa như "điều phản ánh đúng hiện thực khách quan." Cái khách quan thì nhiều lần khó biết đến. Còn sự thật cũng có mặt chủ quan.
Giấy tờ
Nhìn bài ca "Nỗi lòng người đi" với con mắt của pháp luật thì pháp luật rất rõ. Nhạc sĩ Anh Bằng đã nộp giấy tờ kiểm duyệt cho bài ca "Nỗi lòng người đi" từ ngày 15 tháng 4 1967. Từ 25 tháng 8 năm 2012 Cục Nghệ thuật Biểu diễn ở Việt Nam cũng nhận ông là tác giả nữa.
Một sự thật khác là sự tiếp thu của bài hát này. "Nỗi lòng người đi" mới đến với thính giả từ năm 1967. Nếu có người nghe biết bài hát ấy trước năm đó thì chỉ là một số người rất ít. Một sự thật khác là nếu bài ca này đã được giới thiệu trong những năm 1954-1956 thì nó sẽ nổi như cồn. Song lúc đến với thính giả năm 1967 thì "Nỗi lòng người đi" cũng nổi lên.
Tại sao? Vì nó phù hợp với tâm trạng của bất cứ người Việt bắt phải đi xa người tình mình, và cụ thể hơn nó phù hợp với tâm trạng của hơn một triệu dân di cư vào miền Nam. Bài hát ấy đúng với sự thật khách quan - thuở ấy đã có người gốc Hà Nội không được sống ở miền quê thương yêu và bên cạnh người thân bởi vì người Việt đang đánh nhau. Nó cũng đúng với sự thật chủ quan là có nhiều con người có những thương tiếc nhớ riêng về một người khác nào đó.
Lúc mà hòa bình đến thì chiến tranh chưa thực sự hết. Người Việt vẫn coi những người Việt khác như kẻ thù. Và bài ca "Nỗi lòng người đi" triệt để bị cấm phổ biên trên đất Việt. Nhưng nó cũng đúng với sự thật của người tị nạn Việt ở hải ngoại và với những người bị giam mất tự do ở trong nước Việt.
'Bạc nhược, tuyệt vọng'
Tôi đã mới đến với bài ca "Nỗi lòng người đi" qua trí nhớ của Lộc Vàng. Nếu người đọc chưa biết đến Lộc Vàng, Nguyễn Văn Lộc là một người Hà Nội chính gốc sống ở Hà Nội bị tù từ 1968 đến 1976 vì nghe và hát nhạc tiền chiến và nhạc miền Nam. Ông và bạn bè của ông nghe trộm đài Sài Gòn rồi chép lời ca để hát với nhau. "Nỗi lòng người đi" là một trong những bài ca mà ông và các bạn của ông hát với nhau.
Một chi tiết thú vị nữa là Lộc Vàng là ca sĩ đầu tiên hát bài ca này trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ngày 12 tháng 9 1968 Đỗ Nhuận làm đại diện cho Hội Nhạc Sĩ Việt Nam mời Lộc Vàng, Toán Xồm và Thành Tai Voi hát và đàn cho khoảng 20 chuyên viên âm nhạc muốn tìm hiểu nhạc "màu vàng." "Nỗi lòng người đi" là một trong những bài ca được hát tại Nhà Hát Lớn ngày đó. Nhờ vậy Đỗ Nhuận được đăng các nhận xét như sau:
Trong số những bài hát đó, cũng có bài nói đến tình yêu trai gái, như bài "Nỗi lòng người đi". Không cần bàn đến việc yêu đương đó, chúng ta chỉ nói đến một vài điểm trong toàn bộ nội dung bài hát. Từ đầu chí cuối, bài hát toát ra một bạc nhược hoàn toàn, một tâm tư cô độc, tuyệt vọng, ngơ ngác, sầu tủi, nghi ngờ của một thanh niên bạc nhược. Thực chất là một cách phản tuyên truyền của bọn tâm lý chiến, muốn gieo rắc sự bi quan ảm đạm vào lứa tuổi thanh niên, làm cho họ mất phương hướng nhắm mắt trước thực tế lịch sử đấu tranh của dân tộc ("Tính chất phản động của nhạc vàng," Văn hóa Nghệ thuật số 6 năm 1972, 39).
Đỗ Nhuận chắc nói đúng là ca khúc "Nỗi lòng người đi" phù thuộc vào tâm lý chiến của miền Nam. Anh Bằng từng sáng tác nhiều bài ca có mục đích như thế. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Đỗ Nhuận ngầm về hiệu quả của bài ca này. Nghe bài ca này người nghe vẫn được một niềm tin dâng lên tình cảm và tinh thần của người nghe.
Vì công của Lộc Vàng và bạn bè thì "Nỗi lòng người đi" cũng được thành phổ biên cho một thành phần xã hội ngầm kín ở miền Bắc trong thời chiến tranh. Tôi đã được nói chuyện với một người Hà Nội khác kể rằng ông và bạn bè từng hát bài "Nỗi lòng người đi" và một số ca khúc miền Nam khác để tiễn bạn đi bộ đội vào chiến trường ở miền Nam.
Như thế một sự thật khác là bài ca "Nỗi lòng người đi" cũng là một bài tiêu biểu cho những người đang sống ở Hà Nội cảm thấy như Hà Nội thành xa lạ với mình. Còn nữa đây cũng là một bài ca của những người lính Hà Nội vào chiến trường miền Nam.
Không công bằng
Nói đến sự xác thực của một tác phẩm nghệ thuật thì một điều nhất định là mình phải đề cập đến đời sống riêng của tác giả. Có lẽ tác phẩm ấy phản ánh những người thật, việc thật. Trong những năm gần đây thì chúng ta được biết đến chuyện đời của cặp người tình Hà Nội bị chia ly vì nước Việt bị chia cắt năm 1954 là Khúc Ngọc Chân và Nguyễn Thu Hằng. Câu chuyện này được kể đến trang của một số tờ báo Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chưa có đủ tư liệu để chứng tỏ chuyện này có thật hay không.
Tuy nhiên, nếu sự thật là Khúc Ngọc Chân là tác giả sáng tác ca khúc này năm 1954 thì sự kiện lịch sử rất là không công bằng cho ông Chân. Nếu như thế thì bài ca của ông chỉ mới được phổ ở miền Nam từ năm 1967 (và cũng thành phổ biên ở phía bắc vĩ tuyến 17 nhờ những nghe trộm các đài Sài Gòn). Song, lúc bấy giờ ông Khúc Ngọc Chân đứng lên nhận mình là tác giả của bài hát này sẽ rất không tiện cho ông. Ông sẽ mất chức, có lẽ ông sẽ mất quyền tự do nữa. Nhưng Anh Bằng đứng lên nhận tác phẩm không có nghĩa là Anh Bằng không trả giá nào trong đời. Ông có điều kiện thực hiện ca khúc này cùng thời mà ông đã mất quyền sống ở miền quê của mình, phải di cư vào miền nam và lập lại một đời sống mới cho mình.
Một điều nữa là chúng ta (là những người thích bài ca "Nỗi lòng người đi" và cho rằng bài ca ấy có giá trị) phải công nhận rằng Anh Bằng rất có công. Ông có điều kiện cho bài ca này được phổ biến một cách rất lịch sự và trau chuốt từ nam chí bắc. Nhờ ông mà bài ca này được "để đời.
Giá như Khúc Ngọc Chân muốn được giới thiệu ca khúc này thì phải đợi đến những năm 1990. Một ca khúc của một tác giả vô danh độ 60 tuổi chắc đã không đến đâu trong thị trường âm nhạc, mặc dù bài hát ấy có phẩm chất nghệ thuật cao. Anh Bằng không xuất bản ca khúc này thì trái đất này đã thiếu ca khúc này.
Nếu Khúc Ngọc Chân được công nhận là cha đẻ, thì Anh Bằng vẫn là bố nuôi. Một người bố nuôi đàng hoàng như thế cũng phải có quyền theo pháp luật. Theo một cách nói khác Anh Bằng (và cộng đồng người Việt di cư, tị nạn) được một bài ca, nhưng mất Hà Nội. Khúc Ngọc Chân được Hà Nội, nhưng mất một bài ca. Thế nào là giá cao hơn?
Tác giả: Jason Gibbs
-----------------------------------------------------------------------------------------
VCPMC TỪ CHỐI BẢO HỘ BẢN QUYỀN "TÔI XA HÀ NỘI"
Trên mạng internet lan truyền bức thư của bà Đinh Thị Thu Phương, Phó quản lý, đặc trách ngoại vụ của Trung tâm bảo vệ quyền Tác giả Âm Nhạc Việt Nam ở Hà Nội (Vietnam Center for Protection of Music Copyright , VCPMC) gửi Nhạc sĩ Anh Bằng về tác quyền như sau (những chữ "x" là do tôi thay thế các thông tin cá nhân):
From: "Dinh Thu Phuong" phuongxxxx
Date: September 24, 2014 at 1:08:06 AM PDT
To: anhbangxxxx
Subject: Fwd: NOI LONG NGUOI DI
Kính gửi Nhạc sĩ Anh Bằng,
Cháu nhận được email kèm theo bản nhạc của bác đã lâu, nhưng phải chờ thẩm định, rồi lại vì bận nhiều việc quá nên hôm nay cháu mới hồi âm tới bác được, mong bác thứ lỗi.
Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân ủy quyền cho VCPMC ca khúc Tôi xa Hà Nội từ ngày 24.4.2014, tuy nhiên sau đó phát hiện có sự song trùng với ca khúc Nỗi lòng người đi của bác. VCPMC đã yêu cầu 2 bên cung cấp chứng cứ bằng văn bản, nhưng ông Khúc Ngọc Chân không có, vì vậy VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội. Điều đó có nghĩa VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng. Cháu xin chúc mừng bác ạ.
Đây là việc thường xuyên phải giải quyết của VCPMC, mong bác giải thích với mọi người rằng chỉ thuần túy là việc tranh chấp dân sự bình thường, ai không đủ chứng cứ là thua, có thế thôi, không phải là âm mưu chính trị gì đâu (như có bài viết ở hải ngoại phỏng đoán) vì sự việc nó quá tầm thường không đáng để suy diễn làm ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam.
Để thực hiện khoản 1, 2 Điều 3 của Hợp đồng ủy quyền (mà cô Trương Mỹ Dung - học trò của bác ở Việt Nam đã thay mặt bác ký với VCPMC) một lần nữa cháu đề nghị bác vui lòng gửi qua email cho cháu toàn bộ ca khúc của bác mà bác đang có, nếu đã là xuất bản phẩm trước 1975 tại Sài Gòn thì bác scan cho cả mặt ngoài và mặt trong của bản nhạc khổ giấy A3, ca khúc nào chưa xuất bản hoặc viết sau 1975 chưa in thì bác gửi cho cháu bản chép tay cũng được. Cháu cảm ơn bác trước.
Cháu xin gửi kèm theo đây 1 quyết định của Giám đốc VCPMC và 1 mẫu Hợp đồng ủy quyền để bác tham khảo.
Trân trọng kính chào bác - người nhạc sĩ tài danh mà tác phẩm luôn hướng tới và dành cho tình yêu con người cùng quê hương đất nước Việt Nam. Chúc bác vui khỏe và dồi dào sức sáng tạo.
Kính thư,
--
Dinh Thi Thu Phuong (Ms)
Deputy Manager of External Relations Divison,
Cellphone: +84 91 xxx xxx
Vietnam Center for Protection of Music Copyright (VCPMC)
66 Nguyen Van Huyen Str, Cau Giay District., Hanoi, Vietnam
Phone: +844 xxx xxx (ext: 268) / Fax: +844 xxx xxxx
Office hour: 8am - 5pm GMT+7, Mon-Fri
www.vcpmc.org.
Nguồn tư liệu và hình ảnh: Sưu tầm trên mạng internet.
-----------------------------------------------------------------------
NHẠC SĨ ANH BẰNG - TÂM SỰ NGƯỜI VIẾT CA KHÚC
SBTN - Chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Anh Bằng trong lúc ông đang ngủ, nhưng người nhà cứ bảo lay thức ông và quả nhiên người nhạc sĩ mở mắt tỉnh táo, nở nụ cười tươi khi thấy có người quen. Ông bảo sức khỏe vẫn tốt chỉ có tuổi già đi đứng không vững và đôi tai đã kém từ ngày sang Mỹ đến giờ, nên ít giao tiếp với ai. Chúng tôi mở đầu câu chuyện âm nhạc và nói với nhạc sĩ Anh Bằng rằng mặc dù ông đã sáng tác hơn 700 trăm ca khúc kể ra không hết; nhưng nếu phải chọn một bài hát tiêu biểu của ông thì tôi sẽ lựa bản Nỗi Lòng Người Đi. Tôi bắt đầu hát lên "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu...". Nhạc sĩ Anh Bằng mỉm cười và chúng tôi đi vô câu chuyện.
SBTN: Xin ông kể về cảm hứng sáng tác nên bản Nỗi Lòng Người Đi?
Nhạc sĩ Anh Bằng: Khi lên tàu di cư vào miền Nam năm 1954, tôi đã có cảm hứng viết nhạc phẩm này. Nhưng đâu phải viết một lần là xong mà phải mất tới mười năm, sửa chữa nhiều lần và đến năm 1965 mới cho phổ biến bản này. Khi bản Nếu Vắng Anh phát hành được công chúng yêu chuộng thì tôi hứng khởi hoàn tất bản Nỗi Lòng Người Đi để tiếp tục cái đà sáng tác đang đi tới. Thực ra bản này được thai nghén đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình khi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn. Hồi còn trẻ cũng có viết mấy bản nhạc đầu tay nhưng không được phổ biến, cho nên bây giờ cũng không còn nhớ rõ, và coi như là Nỗi Lòng Người Đi là đứa con đầu lòng mặc dù nó ra mắt chậm hơn bản Nếu Vắng Anh.
SBTN: Tác giả thích cái gì nhất trong bản này về lời ca, về câu nhạc?
Ns Anh Bằng: Thật ra lúc đó tôi 28 tuổi, nhưng không lẽ câu hát viết " Tôi xa Hà Nội năm lên hăm tám " thì nốt nhạc không xuôi tai, cho nên phải đổi lại thành " năm lên mười tám" vừa xuôi tai, vừa nghe lãng mạn hơn. Có thể nói tôi thích cả bài này từ lời ca cho đến nét nhạc.
SBTN: Bản Nếu Vắng Anh có phải phổ từ bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa không thưa ông?
Ns Anh Bằng: Bạn bè đọc cho tôi nghe bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa, tôi cảm ý bài thơ này và viết nên ca khúc Nếu Vắng Anh. Lời ca hoàn toàn khác với lời thơ và đoạn giữa tôi đặt thêm ý nghĩa về người con gái có người yêu là lính chiến vắng xa. Sau đó thi sĩ Nguyên Sa yêu cầu tôi ghi là phổ thơ của ông và tôi cũng chìu theo.
SBTN: Ngày trước ở Sài Gòn, nhạc sĩ có hãng đĩa Asia phải không?
Ns Anh Bằng: Tôi có người anh họ chủ hãng đĩa Asia là Nguyễn Tất Oanh, nhờ nhóm Lê Minh Bằng gồm Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng quản lý; cho nên hầu hết những nhạc phẩm của nhóm này đều được phổ biến. Chúng tôi có mở thêm nhà xuất bản lấy tên Lê Minh Bằng rất thành công. Khi qua Hoa Kỳ tôi mở lại trung tâm Lê Minh Bằng. Có người bảo rằng chỉ có một mình Anh Bằng mà thôi cho nên tôi đổi lại thành trung tâm Dạ Lan rồi cuối cùng là trung tâm Asia.
SBTN: Khi sang Mỹ năm 1975, sáng tác đầu tiên trên xứ người là gì?
Ns Anh Bằng: Bản Hạnh Phúc Lang Thang (Ngày ấy em như hoa xuân...) do tôi và đứa con trai là Trần Ngọc Sơn cùng viết chung, có lúc băng Cassette ghi tác già là Trần Ngọc Sơn, có lúc DVD ghi là Anh Bằng; cả hai đều đúng cả. Bài này do ca sĩ Ngọc Lan ca đầu tiên rồi tới Lệ Thu và nhiều ca sĩ khác, cũng là một ca khúc được nhiều người thích.
SBTN: Nhạc phổ thơ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong sự nghiệp viết ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng?
Ns Anh Bằng: Tỉ lệ là gần một nữa. Lý do là khi qua Mỹ thì mình đã lớn tuổi, cứ viết lời ca tình tứ anh yêu em thì cũng hơi mắc cở với con cái. Cho nên chọn thơ tình mà phổ nhạc; hơn nữa đặt lời ca cũng khó khăn nên chọn thơ của các thi sĩ rồi cảm hứng đặt thêm ca từ mà thành bài hát.
SBTN: Chúng tôi thấy các bài thơ phổ nhạc của Anh Bằng rất được ưa chuộng và nhiều người hát?
Ns Anh Bằng: Đúng vậy. Bản Chuyện Hoa Sim do Như Quỳnh hát, Chuyện Giàn Thiên Lý do Mạnh Đình hát bán băng nhạc rất nhiều. Riêng bản Khúc Thụy Du được coi là nhiều người hát nhất từ ca sĩ tới khán giả. Đây là một bài thơ của Du Tử Lê nói về chiến tranh, tôi lấy mấy câu thơ rồi phổ nhạc. " Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa.... Vì sao thân anh rung. Vì sao chân không vững..." Việt Dzũng hát bài này đầu tiên, anh ấy bảo là rất thích. Có lẽ cái câu " vì sao chân không vững" đúng với trường hợp của anh.
SBTN: Nét đặc biệt trong ca khúc phổ thơ của Anh Bằng là gì?
Ns Anh Bằng: Tôi thường lấy ý thơ mà cảm hứng đặt lời ca, hoặc dùng vài câu thơ rồi đặt thêm lời ca của mình vào. Cho nên đa số những bài nhạc phổ thơ của tôi nếu không ghi rõ là phổ thơ thì người ta cứ tưởng là nhạc và lời là của Anh Bằng.
SBTN: Cho chúng tôi được trở lại một chút về bản Nỗi Lòng Người Đi, người em trong bản này là ai?
Ns Anh Bằng: Đó là một cô gái mười sáu tuổi như câu hát " Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say". Tình yêu của tôi và nàng thật thánh thiện, chưa hề chạm vào nhau nói chi đến cầm tay hay hôn nhau. Khi tôi rời Hà Nội vào Nam năm 1954, nàng phải ở lại cùng bố mẹ. Một năm sau nàng qua đời vì bệnh; mãi sau này hỏi thăm tin tức tôi mới biết chuyện này.
SBTN: Kể ra chuyện này, bác gái (vợ của nhạc sĩ Anh Bằng) có buồn không?
Ns Anh Bằng: Nhà tôi rất thoải mái về chuyện tôi có bay bướm một chút tình cảm bên ngoài. Thời còn ở Sài Gòn, có những cô thích tôi, đến nhà thăm và xin phép nhà tôi cho đi chơi cùng với tôi. Có lẽ bà ấy hiểu rằng một người nhạc sĩ muốn viết nhạc tình truyền cảm thì phải có cảm xúc thật sự, chứ mà không có tình yêu thì nhạc nó nhạt nhẽo lắm.
Câu chuyện ca nhạc còn dài và đầy hứng thú. Ở cái tuổi 87, sức khỏe dù tốt cỡ nào, cũng phải cần nghỉ ngơi, không thể nói nhiều.
Chiều đang xuống, nắng nhạt dần, chúng tôi xin kiếu từ và hẹn lần khác tới thăm ông và sẽ mang tặng một ít trà rừng đặc biệt ở Thái Nguyên do người bạn gởi cho. Qua câu chuyện văn nghệ này, tôi học được một điều quan trọng về cách đem thơ vào nhạc của Anh Bằng, đó là lấy thơ phổ thành nhạc mà người nghe không biết đó là ca khúc phổ từ một bài thơ.
Trần Chí Phúc (thực hiện)
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!