Sáng đầu tuần, điểm tin như thường lệ, thấy báo chí mạng An-nam đua nhau giật tít nhời của chị nghị Khá (đoàn Trà Vinh) phát biểu hôm 1/11 tại nghị trường rằng, để tái cơ cấu kinh tế thì “cần phải mạnh dạn cắt đi “cái đuôi” của nhóm lợi ích”.
Nhời của chị nghị này quả là hay, là sáng suốt, thế nên báo chí An-nam đua nhau giựt tít, cần-lao thối tai khai bẹn hồ hởi hồ hởi. Cứ như ngày mai các ông bà nghị - đại diện cho đám cần-lao vung yêu đao, tham đao chặt “cái đuôi” của "nhóm lợi ích" như dùng dao phay chặt chuối.
Từ “nhóm lợi ích” hay "lợi ích nhóm" không mới, trên thế giới có lẽ đã quen dùng cả vài trăm năm rồi. Còn ở An-nam có từ bao giờ thì chả biết, chỉ biết sau bài phát biểu của cụ Tổng trong diễn văn bế mạc hội nghị Trung ương V khóa XI rằng: “Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp, có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm”. Thì thấy nhóm từ này ngày một được dùng rộng rãi trên báo chí và từ miệng của quan chức từ thượng tầng tủ lạnh đến hạ tầng bần nông vừa mới thoát cảnh lông bông lội bùn cào đất hehe
Tỷ dụ như bác Tranh thanh tra nói ở nghị trường rằng: “Đối tượng tham nhũng thường có chức, liên kết thành nhóm lợi ích”. Hay bác Hiện - chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nói: “tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp là do đối tượng vi phạm có chức vụ cao, liên kết thành nhóm lợi ích”. Thậm chí bác Bình ngân hàng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi khẳng định có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định.”.
Có nghĩa, việc có “lợi ích nhóm” đang hiển hiện trong đời sống xã hội An-nam, và không cần bàn cãi, chứ “lợi ích cá nhân” kiểu bác Truyền tiền nhiệm của bác Tranh thì là điều tất yếu. Từ cụ Tổng đến các bác Thượng thư phát biểu cực hay, cực đúng, cực thực tế.
Nhưng bệnh thì đã bắt được, vậy chữa chạy thì sẽ như thế nào? Lại nhớ cách đây gần tháng, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, cụ Tổng nói về vấn đề tham nhũng rằng: “đây là vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm”, lại là “lợi ích nhóm” - dĩ nhiên. Ấy thế nhưng khi nói về cách chống nó thì cụ dặn: “Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.
Dĩ nhiên, đã giỏi giang và khôn ngoan đến mức hình thành “lợi ích nhóm”, chả ai dại mà không bám vào chiếc bình, bởi lẽ kiểu gì ném chuột chả sợ vỡ bình quý.
Quay lại cái chuyện chị nghị Khá đề xuất “chặt đuôi nhóm lợi ích". Rất đúng, rất hay, rất cấp thiết. Nhưng vấn đề là: Ai chặt? Ném chuột còn sợ vỡ bình thì chặt bằng niềm tin hay bằng “quyết tâm chính trị” kiểu mấy anh nghị sư đầu trọc bi bô về quân sự trên bể Đông hở chị nghị Khá?
Nhớ trong kho tàng truyện cổ tích An-nam, có câu chuyện “Đeo chuông cho mèo”. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có con mèo ác ôn, bắt lũ chuột mỗi ngày phải nộp cho vài mạng làm thức ăn. Loài chuột căm lắm, mới tổ chức một hội nghị để bàn việc đối phó với mèo. Rất nhiều kế sách được đưa ra, nhưng đều không thấy khả thi. Cuối buổi, chú chuột nhắt đứng dậy hiến kế rằng, đeo vào cổ mèo một cái chuông nhỏ, và mèo đi đến đâu thì chuông sẽ kêu lên, để loài chuột biết trước mà trốn. Kế sách này được tán dương nhiệt liệt, và tất cả đều đồng tình. Nhưng đến khi một con chuột già đứng dậy nói: “Kế sách rất hay, rất thực tiễn, nhưng vấn đề đặt ra là bây giờ ai đi đeo chuông vào cổ cho mèo đây?” thì lũ chuột lúc này mới ngớ người ra, con nọ đùn đẩy con kia, đến mức vừa hèn vừa hiền vừa hôi như chuột chù cũng không dám nhận. Và kết quả, mọi việc vẫn giữ nguyên như cũ, mèo vẫn ngày ngày nằm khểnh râu, đợi lũ chuột đến nộp mạng.
Chém gió thì rất dễ, nhưng làm thật mới khó. Thế nên, chỉ khổ đám cần-lao thối tai khai bẹn. Cả ngày đã cắm mặt xuống đất, chổng mông lên zời để cày cuốc nộp thuế, đến giờ ăn cơm bật vô tuyến lên xem mà thấy vài anh chị nghị ngẫn diễn hài như thế này thì có ngày sặc cơm mà chết tốt.
Chuột, mà đeo chuông được cho mèo, thì đã thành mèo rồi. Ngẫn ạ!
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!