Dư luận mấy ngày qua xôn xao về một bài toán lớp 2 như sau: “Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”. Người đồng tình, kẻ phê phán, loạn cả lên.
Trả lời báo chí, tác giả của đề toán - nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực (nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, đây là một bài toán kinh điển, với mục đích “nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài” và kêu gọi mọi người ủng hộ “viết sách theo tư duy đổi mới, mà trước hết hướng vào khâu đổi mới kiểm tra, đánh giá đã được xác định là khâu đột phá”.
Phần lớn những nhà chuyên môn hoặc có liên quan tý đến chuyên môn tỏ ra đồng tình với bài toán, cho rằng toán học là để tạo ra tư duy phản biện chứ không chỉ là phép tính.
Một vấn đề khi chưa được xem là chân lý thì những sự tranh luận cũng là bình thường, và chúng ta nên tôn trọng tất cả các ý kiến. Tuy nhiên cách trả lời của ông Thực chưa thực sự cầu thị với tư duy đổi mới. mà vẫn bảo thủ trong những vỏ bọc của sự kế thừa kinh điển trên thế giới lẫn những chuẩn mực học thuật còn mù mờ ở An-nam.
Người viết vẫn ủng hộ những phương pháp giảng dạy kích thích sự sáng tạo và phát triển tư duy của học sinh. Nhưng cũng phải có những chuẩn mực và sự lô-gic nhất định. Và bài toán của ông Thực chưa làm được điều đó. Cụ thể:
1. Về nguồn gốc bài toán:
Chúng ta không cần phải đề cập đến gốc gác bài toán từ những năm 1841 của ông Gustave Flaubert. Mà chỉ cần biết rằng, từ những thập niên 60-70, Bộ giáo dục Pháp đã sử dụng dạng toán này để điều tra hậu quả của lối dạy toán theo phương pháp hình thức trong chương trình Toán học mới.
Bài toán được đề ra như sau: “Sur un bateau, il y a 26 moutons et 10 chèvres. Quel est l’âge du capitaine?” (tạm dịch: Trên thuyền có 26 con cừu và 10 con dê. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?).
Từ bài này, người ta có thể sáng tạo ra các kiểu đề khác nhau. Thay cừu và dê bằng cô gái, chàng trai, con chó, con gà, cái bàn, cái ghế,… đến thay thuyền trưởng bằng ông bố, bà mẹ, người chăn cừu,…
Ông Thực coppy bài toán trong sách lớp 2 từ bài toán này: “Dans un bateau il y 36 moutons, 10 tombent dans l’eau. Quel est l’âge du capitaine?” (tạm dịch: Trên thuyền có 36 con cừu, 10 con rơi xuống nước. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi).
Như đã nói trên, mục đích của dạng toán này là để điều tra về năng lực nhận thức và kỹ năng phát hiện vấn đề của học sinh. Và đây là một kết quả điều tra ở Pháp về sự trả lời của các học sinh trong 2 cấp học tiểu học CE và CM:
Lưu ý rằng, trong hệ thống giáo dục của Pháp, CE là lớp sơ cấp (cours élémentaires) gồm lớp CE1 (8 tuổi) và CE2 (9 tuổi); CM là lớp trung cấp (cours moyens) gồm lớp CM1 (10 tuổi) và CM2 (11 tuổi).
Qua những thông tin trên, chắc chắn mọi người tự đánh giá bài toán của ông Thực đưa vào một bài tập “cứng” trong chương trình sách giáo khoa phổ thông của học sinh lớp 2 (7 tuổi) có hợp lý hay không.
2. Về đáp án:
Đáp án của bài toán của ông Thực là “Không giải được vì đề toán sai”. Đây là điều rất vô lý và không có một chút lô-gic lẫn tư duy toán học. Bởi lẽ, một bài toán đã sai, tại sao lại đưa vào sách giáo khoa?
Trong sách giáo khoa, một bài toán chỉ có thể giải được hoặc không giải được chứ không thể có bài toán sai. Giải được là khi thông tin, dữ kiện của bài toán đúng và đầy đủ. Không giải được là khi thông tin, dữ kiện của bài toán chưa đúng (không hợp lý, phù hợp), chưa đủ. Đặc biệt với cấp tiểu học càng cần phải rõ ràng và cụ thể về điều này.
Mục tiêu đưa ra một bài toán để học sinh rèn luyện kỹ năng đọc kỹ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài thì cũng phải hướng đến mục tiêu làm sao để học sinh có những nhận xét là bài toán có giải được hay không giải được. Nếu không giải được thì vì sao?
Như vậy có thể thấy, đáp án bài toán của ông Thực là hoàn toàn không phù hợp.
3. Có nên áp dụng bài toán này ở lớp 2?
Nếu vẫn hướng đến mục tiêu đổi mới, hình thành cho học sinh năng lực nhận thức và kỹ năng phát hiện vấn đề. Đồng thời hướng học sinh có tư duy phản biện vấn đề thì hoàn toàn có thể áp dụng bài toán với cách đặt câu hỏi khác.
Với học sinh lớp 2, mặc dù chỉ mới học toán ở phép cộng trừ đến số có 3 chữ số, và nhân chia một số tối đa 2 chữ số với một số có một chữ số. Nhưng hoàn toàn có thể áp dụng bài toán này ở mức độ đại trà. Tuy nhiên phải thay đổi cách ra đề toán để các em có khả năng tư duy và trả lời theo tư duy của các em. Ví dụ: ”Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi có thể tính được tuổi của ông thuyền trưởng không? Giải thích vì sao?”.
Cũng lưu ý rằng, một bài toán được đưa ra để hình thành cho các em tính độc lập trong tư duy, phát huy tinh thần phản biện chứ không phải hình thành trong đầu các em một sự nghi ngờ về tính đúng đắn của một vấn đề vì bài toán được "cải tiến" theo kiểu "lừa học sinh" như vậy. Phải dạy học sinh trở thành người trung thực, nghiêm túc và dũng cảm chứ không phải là nghi ngờ và dối trá. Đó là trách nhiệm của các thầy cô giáo và cả toàn ngành giáo dục.
4. Kết:
An-nam đang hô hào cải cách triệt để giáo dục theo Nghị quyết 29/NQ-TW. Ông Luận bộ trưởng bộ Học luôn cho rằng Nghị quyết này là “cây đũa thần” để thay đổi nền giáo dục. Cách đây hơn tháng, ông Hiển thứ trưởng đã “lỡ mồm” nói trước Thường vụ quốc hội về đề án hơn 34 nghìn tỷ để đổi mới chương trình SGK. Vụ việc đã khiến bộ Học “lao đao” giải thích với cả Quốc hội lẫn dư luận, và khiến cho ông Luận “lỡ miệng” tuôn ra những phát ngôn ấn tượng trước nghị trường.
Hiện tại thì công tác biên soạn SGK, in ấn và phát hành SGK vẫn do bộ Học “độc quyền”. Với cơ chế xin cho và tư duy của những”cây đa, cây đề” biên soạn SGK như vụ việc đầu cừu - đuôi thuyền ở trên thì chắc chắc “cây đũa thần” của ông Luận cũng không cứu được nền giáo dục nát như tương của An-nam.
Đổi mới, phải thực sự mới, đúng đắn và hiệu quả. Chứ không phải đổi mới là đưa những cái điên khùng khác với quy luật cốt là để cho nó khác với cái hiện có. Đổi mới phải để học sinh tiếp cận những phương pháp mới để học tập và cập nhật nhanh nhất tri thức, chứ không phải đem học sinh ra làm chuột bạch.
An-nam xưa nay tôn thờ cái chủ nghĩa khôn lỏi, ranh ma và lừa lọc người khác. Lấy những điều đó để thể hiện rằng họ giỏi giang, thông minh, am hiểu hơn người khác. Những truyện của Trạng Quỳnh hay Ba Giai Tú Xuất đã minh chứng cho nhận định trên.
Thế nên, đa số những người tham gia vào công tác giảng dạy và nghiên cứu của An-nam, thay bằng việc chỉ cho người học hiểu biết cái đơn giản để giải thích cái phức tạp thì họ lại tung hỏa mù một đám lý thuyết cực kỳ phức tạp, được nhặt nhạnh từ bên ngoài vào để giải thích những cái đơn giản, và tự cho đó là sự uyên bác, sâu sắc và hiểu biết.
Đấy cũng là mầm mống của việc nảy nòi ra cái gọi là "tri thức nửa mùa" và "khoa học giả cầy". Những hào quang giả tạo đã và đang đưa nền giáo dục An-nam xuống gần bờ vực thẳm.
Không lẽ, điều đơn giản này mà thượng tầng thể chế lẫn bộ Học không nhìn thấy?
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!