Thursday, July 24, 2014

Lò đốt rác ông Kiên - Không thể không nói


Hơn 2 tuần trước, một loạt bài của báo Đất Việt viết về lò đốt rác phát điện của ông Bùi Khắc Kiên ở Thái Bình. Loạt bài báo đã phê phán mạnh mẽ các cơ quan chức năng của Thái Bình đã quan liêu, sợ trách nhiệm, trù dập "phát minh của nông dân",... đồng thời ca ngợi "phát minh tầm cỡ thế giới của ông Kiên" và người Nhật nhìn thấy "phát minh" của ông Kiên như nhìn thấy "ngọc" với những cái title cực kỳ kêu như:



Tôi đã viết một status trên Facebook cá nhân (ngày 11/7) để cảnh báo về vấn đề này dưới góc độ của một người có chuyên môn sâu về các lĩnh vực truyền nhiệt, lò đốt rác thải và môi trường khí, khi thấy các bạn bè trên FB chia sẻ thông tin các bài báo và hô hào ông Kiên quá mức. Cụ thể (có thêm một số câu từ):

1. Công nghệ đốt rác thải để sản xuất điện không có gì là mới mẻ cả. Về bản chất là biến nhiệt năng của quá trình đốt rác thành điện năng. Trên thế giới đã áp dụng công nghệ này hàng chục năm rồi. (Còn sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện (nhiệt điện) thì đã có từ hơn 4 thế kỷ trước).

2. Việc ông Kiên thông tin rằng, nhiệt độ của lò đốt rác luôn được đảm bảo ổn định ở mức 1.600 - 2.000 độ C là điều không tưởng đối với việc đốt rác có độ ẩm cao (không trộn nhiên liệu khác). Nếu công nghệ của ông Kiên làm được điều này thì có lẽ đây là một phát minh khoa học đáng chú ý nhất của thế giới tại thời điểm này, và có thể nhận được giải Nobel về vật lý.
Ngay việc ông Kiên nói ông chỉ sử dụng 5-10% số than của các nhà máy nhiệt điện hiện nay mà vẫn đảm bảo được nhiệt năng cần thiết là điều không tưởng.

3. Tôi đã biết và đã gặp nhiều "nhà khoa học không chuyên" đã "phát minh" ra các công nghệ như xử lý ô nhiễm sông hồ, xử lý ô nhiễm mùi, xử lý rác, ủ phân vi sinh,... giới thiệu về những "phát minh công nghệ" của họ. Nhưng đến thời điểm này, tất cả những "phát minh" đó đều không có khả năng áp dụng vào thực tế.

4. Các phóng viên, nhà báo khi viết chuyên sâu về khoa học thì cần tìm hiểu rõ, kẻo không lại giống vụ việc ông tiến sỹ Việt kiều chạy máy nổ bằng nước làm rùm beng dư luận 2 năm trước. Cần phải nhớ rằng: Cải tiến kỹ thuật thì rất đơn giản, và nhiều "nhà khoa học nông dân" đã làm được. Nhưng phát minh công nghệ không dành cho sự sáng tạo của "khéo tay, đam mê và nhanh trí" như kiểu An-nam. Đó là chưa nói đến những người nông dân này không có kiến thức chuyên ngành cơ bản.

Bẵng đi một thời gian, tưởng sự việc sẽ đi vào quên lãng như bao sự việc được báo chí thổi phồng. Nhưng hôm nay, lại thấy báo Đất Việt giật title thêm một bài mới, và mức độ quảng cáo ngày càng ghê gớm, cứ như "phát minh" của ông Kiên đã đạt tầm đẳng cấp thế giới, và các quốc gia tiên tiến đang đổ xô đến để tranh giành, đặc biệt là việc ăn cắp công nghệ của ông Kiên. Bài viết ở đây:

Vì vậy, cần phải góp thêm tiếng nói về vụ việc, để những người làm báo không hiểu chuyên môn nên có tự trọng với việc viết lách, vì những điều họ viết đã và đang làm người dân hiểu sai bản chất của sự việc. Vô hình dung cổ súy cho những "phát minh" thiếu thực tế và nguy hiểm của những người nông dân thiếu kiến thức khoa học công nghệ, nhưng lại có ảo tưởng là mình đã nắm được cả thế giới.
Xin gửi tới bạn đọc một bài viết về vụ việc này trên Facebook của nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám (hiện đang công tác ở báo điện tử Dân trí), người đã chứng kiến tận tay, tận mắt lò đốt rác của ông Kiên. Bài viết của anh được đăng tải vào ngày 15/7, thời điểm loạt bài viết của báo Đất Việt đang nổi đình nổi đám về vụ lò đốt rác của ông Kiên nói trên.


Nói tiếp về vụ đốt rác - "Tin thì tin không tin thì thôi"

Xin được kể lại chuyện này.
Cách đây khoảng 3-4 năm, khi đó chưa có bất cứ một tờ báo nào viết về chuyện này, một buổi sáng mình nhận được điện thoại của bà cô họ Bùi Thị Thái, làm dâu ở làng Sặt gọi lên kể và nói đại để là nhờ mình viết bài, đưa lên báo vì đây là hiện tượng rất lạ đồng thời cũng là bạn của cô mình. Đại để thế.
Mình cùng vợ con về quê, tranh thủ đến xem. Bà xã mình cũng muốn có một bài phóng sự. Đại loại thế.
Vợ chồng mình và hai cháu đến nhà ông Kiên khoảng 10 giờ trưa. Ông Kiên nhận được tin có nhà báo về rất phấn khởi, chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc thực nghiệm.
Rác mà ông Kiên sử dụng hôm đó gồm giẻ rách, lá khô, rạ, một cái mũ bảo hiểm, mấy đống mùn mùn...
Trước khi nhóm lò, ông Kiên đổ vào đó khoảng 1-2 lít dầu để mồi lửa. Một lát sau, nồi hơi nước sôi, ông đóng cầu dao và cái bóng đèn sáng lên mờ ảo.
Tóm lại, cuộc thực nghiệm diễn ra thành công ở chừng mực là máy có chạy, có phát ra điện... trong sự trầm trồ của dân làng và cả bà xã mình.
Mình im lặng nhưng thấy không ổn ở mấy lý do sau.

Thứ nhất, đây chỉ đơn giản là biến nhiệt năng thành công năng và chuyển công năng thành điện năng. Nếu cái máy này ra đời thế kỉ 16, 17 thì quả là một thành tựu to lớn của khoa học. Còn bây giờ thì nó rất ấu trĩ. Tóm lại, do tiếu thông tin nên ông Kiên đã "mở cánh cửa mà người khác đã mở" rồi.

Thứ hai, điều hấp dẫn ở đây nằm ở "đốt rác". Song, thế nào là "rác" thì lại chưa rõ ràng. Rơm rạ có thể coi là rác nhưng cũng có thể coi là nhiên liệu. Rồi cái cách xử lý rác của ông Kiên cũng ất... thô sơ. Trời hôm đó nắng rất to nên rác được phơi rất khô. Trong khi đó, nếu 1 tấn rác thì phơi như thế nào? Rồi trời mưa thì sao? Rồi mùi nồng nặc thế ai chịu nổi. Phơi 10 - 20 kg thì có thể không thấy chứ hàng tạ, hàng tấn thì phơi ở đâu? Đó là chưa kể lượng rác không phải là hàng chục mà hàng trăm tấn mỗi ngày.

Thứ ba, để cái lò đó "cháy", ông Kiên mồ hôi mồ kê nhễ nhại (nói thật là nếu có cái máy phát điện đạp chân chắc ông đỡ mệt hơn nhiều).

Thứ tư, giá thành 1KW đó là bao nhiêu?

Và thứ năm, mình không rõ cách tính toán, đo đạc của các nhà khoa học thế nào (mình vốn rất ít niềm tin các bác ấy) còn mình trực tiếp chứng kiến, bằng cảm quan của mình thì ôi thôi ghê sợ. Nồng nặc mùi hôi thối, mùi nhựa cháy và khói đen kìn kịt.

Cái máy này mà cạnh nhà mình thì mình kiện ra phường. Đó là chưa tính độ nguy hiểm của cái nồi hơi có lẽ sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào vì thấy ông Kiên vừa đổ rác vào lò vừa thỉnh thoảng lại chạy lại xem cái đồng hồ áp suất.
Sau này, mình có gặp lại ông Kiên và nghe qua bà cô mình thì nói rằng có doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ đến đặt vấn đề (trong đó có cả một đơn vị quân đội ở Bạch Long vỹ- Ấy là kể vậy) nhưng rồi chả thấy kết quả đâu.
Vì vậy, việc ông người Nhật đến thăm quan sau này, mình nghĩ đến thăm quan chả nói lên điều gì cả. Có thể ông ta nghe nói thì xem nó thế nào thôi. Rồi ông ấy nói "sẽ" thì ui cha, tin ông ta có mà đổ thóc giống. Rồi chả lẽ đến thăm lại chê tuốt tuồn tuột. Đến thằng như mình, người trong nước mà bao nhiêu năm còn không nỡ nói, cho đến giờ thấy dư luận ồn ào nên mới lên tiếng huống hồ là người nước ngoài. Họ nói ngoại giao thôi. Chỉ khi nào họ móc túi đầu tư thì mới tương đối (tương đối thôi nhé) chắc.
Tóm lại, trong số bạn bè trên FB này, mình chắc chắn mình là người đầu tiên tận mắt và có lẽ cũng là người duy nhất cho đến nay được trực tiếp chứng kiến. Còn hầu hết là nói theo thông tin từ người khác.
Nói như Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo "Tin thì tin không tin thì thôi"... Ha!

© 2014 Baron Trịnh
Hình ảnh: Lò đốt rác của ông Kiên trên báo Đất Việt.

8 comments:

  1. Hay
    Ratdungsuthat
    Xingoidienthoaitoiso0904183670

    ReplyDelete
  2. Tác giả đưa ra những đánh giá và luận cứ rất chặt chẽ, thể hiện quan điểm riêng của mình. Tôi đồng ý điều này!
    Nhưng có một vài thắc mắc đôi chút:
    1. Thế giới đã áp dụng từ lâu rồi, vậy VN ta có tự phát minh ra chưa (xin cho tôi biết tên phát minh và một số chứng minh là phát minh được công nhận)? hay chỉ là mua lại công nghệ của nước khác hoặc dưới dạng chuyển giao? Nếu có thì khoản đầu tư là bao nhiêu? (về tất cả nguồn lực cần thiết)
    2. Tôi không biết nhiều như tác giả, vậy xin cho hỏi tác giả dùng từ "Kiểu An Nam" là nghĩa gì vậy? tôi không rõ lắm.
    3. Xin tác giả cho tôi biết những nhà khoa học nào của VN ta đạt giải Nobel?
    4. Theo quan điểm của tác giả, thì tôi gọi phát minh của ông Kiên là "ý tưởng". Những thứ ông Kiên dùng để thử nghiệm cho tác giả xem, cho tôi mạn phép hỏi là những thứ đó nếu là tác giả thì tác giả có sử dụng được không? Trong tình huống trên là giẻ rách chẳng hạn
    Theo quan điểm của tôi thì đối với người dân bình thường, rác là những thứ không còn giá trị sử dụng và con người không muốn sử dụng nữa nên thải, bỏ đi. Còn việc nó là nguyên liệu hay không thì sau khi thu gom chất thải người ta mới phân loại nó thành nguyên liệu tái chế.
    5. "Ý tưởng" của ông Kiên đang ở phần sơ khai, chưa hoàn thiện, liệu đánh giá vào thời điểm này phải chăng còn quá sớm?
    Theo tôi, nếu Nhà nước và giới khoa học có quan tâm và muốn rõ ràng về vấn đề này thì nên tạo điều kiện và sự hỗ trợ của các nhà khoa học để ông Kiên hoàn chỉnh "ý tưởng" của mình (chứ không chỉ xem rồi nhận xét với hàm ý và ngôn từ không hay lắm, cả nhà báo lẫn giới chuyên gia) rồi mới đưa ra kết quả cuối cùng. Tôi cho rằng các phát minh trên thế giới này đều trải qua quá trình từ sơ khai, thử nghiệm đến việc phát triển, hoàn thiện mới thành công được. Chứ chảng có cái nào mới làm mà thành công ngaycả.
    6. Chính tác giả cũng không ít tin tưởng vào các nhà khoa học của VN, trong phạm vi của VN ta, thì chắc các phát minh ở các lĩnh vực khác cũng không đáng tin nhỉ? Vậy thì việc ứng dụng những phát minh đó trong xã hội thì cũng có phần nào đó nguy hại phải không? Vậy có nên "Người Việt dùng hàng Việt" theo chủ trương khuyến khích của Nhà nước không?
    7. "Ý tưởng" của ông Kiên tuy có hạn chế nhưng cũng có vài dấu hiệu có khả năng tích cực, vậy thì tại sao Nhà nước và giới khoa học không chung tay cải thiện những hạn chế, phát huy mặt tích cực để "ý tưởng" đó trở thành phát minh có tính ứng dụng thực tế và cho hiệu quả tốt?
    8. Người ta là nông dân chân đất, không học cao, theo quy định của nhà nước thì làm sao nâng lên thành "đề án" được. Phải có cách gì đó giải quyết vấn đề này chứ các vị có kiến thức và am hiểu sâu rộng? Chẳng lẽ người dân bình thường, có những ý tưởng hay, nhưng không có điều kiện thực hiện thì đem cất hết à? Vậy thì làm sao VN phát triển nổi. Cứ trông chờ vào giới khoa học VN thôi sao, phải kết hợp nhiều khía cạnh chứ?
    Nếu có những người không tạo ra những lợi ích cho xã hội mà chỉ viết trên giấy rồi treo không làm, hoặc làm mà không có hiệu quả, không ứng dụng được vào thực tế hoặc gây nguy hại thì sao? Có ai phản bác không, có ai truy cứu trách nhiệm một cách rõ ràng nhất không? Hay chỉ đùng đẩy nhau?
    Ví dụ như trường hợp đập thuỷ điện Krel 2, Sông Tranh, phải kiến thức thế này thế nọ mới thiết kế, tính toán và làm được. Giờ vỡ rồi thì giải quyết sao đây? Hay vụ sập cầu Cần Thơ gì đó?
    9. Chúng ta đều tồn tại trong một xã hội, một đất nước thì những cái có lợi chung thì chúng ta cùng hợp tác với nhau để phát triển. Nếu trường hợp "ý tưởng" này được Nhà nước và giới khoa học quan tâm, phát triển và tạo được sản phẩm có tính thực tế, mang lại lợi ích chung thì tôi mong sẽ không có trường hợp "tranh giành vì lợi ích cá nhân" xảy ra.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn ông/anh Trung Hiếu Nguyễn đã đọc bài viết và đặt ra những câu hỏi (tôi sẽ gọi bằng ông cho văn minh). Trước khi trả lời từng câu hỏi của ông, chỉ nhắc lại (vì tôi thấy ông có một chút nhầm lẫn) rằng:
      (1). Phần đầu đánh giá về lò đốt (qua thông tin của báo chí) là của tôi dưới góc độ một người giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường. Tôi giảng dạy 2 môn học: Truyền nhiệt trong công nghệ môi trường và Ô nhiễm không khí và xử lý khí thải. Có nghĩa, tôi nắm rất rõ về lý thuyết mô hình của ông Kiên (ngoại trừ những vấn đề liên quan đến phát điện và hiệu suất phát điện).
      (2). Phần sau là của nhà báo Bùi Hoàng Tám, một người gần nhà ông Kiên, đã trực tiếp xem ông Kiên thực hiện thử nghiệm mô hình. Vì tôi không có điều kiện về xem trực tiếp lò đốt của ông Kiên nên đưa bài của anh Tám để có thêm một góc nhìn thực tế của người ngoài chuyên môn.

      Về các câu hỏi của ông, tôi trả lời như sau:

      1. Trong lĩnh vực công nghệ môi trường, VN chưa có phát minh về công nghệ cơ bản. Chúng ta hiện vẫn cải tiến công nghệ đã được công bố của thế giới để ứng dụng phù hợp với điều kiện VN. Nếu ông là người am hiểu/làm trong lĩnh vực này, thì ông có thể có bất cứ thông tin nào ông yêu cầu, chứ không phải đặt ra một loại câu hỏi như thế? Nếu ông không am hiểu, thì những thông tin tôi cung cấp cho ông có ích gì? Thêm nữa, những thông tin cơ bản ông đều có thể tìm thấy trên mạng, chỉ những thông tin sâu về kỹ thuật thì mới khó tìm. Và nếu ông là người am hiểu lĩnh vực này (có kỹ thuật) thì ông không hỏi một cách ngớ ngẫn như thế.

      2. Hình như ông có vẻ tự ti khi nghe nói đến từ “An-nam”. Thưa ông rằng, trên thế giới người ta vẫn gọi VN là An-nam với một nghĩa lịch sự, chứ không phải miệt thị. Ông nên tìm hiểu để biết (cứ tìm trên google là có), chứ cứ ếch ngồi đáy giếng rồi tự ti như thế thì buồn cười lắm.

      3. Ông hỏi một câu rất ngớ ngẫn.

      4. Ông đã không chịu đọc kỹ, không hiểu biết, nhưng lại rất thích tỏ ra nguy hiểm. Bởi vì:
      - Người xem ông Kiên thử nghiệm là nhà báo Bùi Hoàng Tám, không phải là tôi, như tôi đã nói ở phần đầu trước khi trả lời từng câu hỏi của ông.
      - Những thứ con người thải ra từ quá trình sinh hoạt thì gọi chung là chất thải (nói chung). Nhưng việc sử dụng chất thải này làm nguyên liệu thì phải phụ thuộc vào thành phần, tính chất của các loại chất thải. Đồng thời để đạt được hiệu quả sử dụng thì người ta phải lựa chọn thành phần, chủng loại chất thải phù hợp chứ không phải chất thải nào cũng giống chất thải nào.
      Thế cho nên việc sử dụng giẻ rách hay loại chất thải nào đó phải đáp ứng được yêu cầu nói trên.

      (còn tiếp)

      Delete
    2. (tiếp theo)

      5. Lại phải nói lại, do ông không chịu tìm hiểu thông tin mà cứ hồ đồ nhận xét thì rất buồn cười, kiểu ếch ngồi đáy giếng. Ở câu hỏi 1 tôi đã không buồn trả lời, nhưng ông lại lặp lại ở câu hỏi này. Đành cung cấp cho ông một chút thông tin (có ở bài viết tôi đăng lại của Tạp chí Tia sáng về vụ việc này, tác giả là TS Trần Duy Khanh):
      “Ở Việt Nam, từ năm 1996, Viện Cơ điện Nông nghiệp (chủ trì dự án là GS. Phạm Văn Lang) thực hiện dự án xây dựng dây chuyền công nghệ phát điện sử dụng nhiên liệu từ trấu, với công suất 50kw phục vụ cho sấy sản phẩm nông, lâm nghiệp. Đến nay, đã có trên 70 hệ thống lò hơi đốt đa nhiên liệu kiểu tầng sôi được bán cho các doanh nghiệp. Có 20 hệ thống được bán trọn gói và chuyển giao cho doanh nghiệp vận hành. 50 hệ thống khác được lắp đặt tại doanh nghiệp và bán hơi cho doanh nghiệp sử dụng.. Từ thành công này, Dự án Nhà máy nhiệt điện đốt bằng vỏ trấu đầu tiên ở Việt Nam được khởi công vào cuối tháng 12/2013, trên diện tích 9 ha tại thị trấn Long Mỹ, Hậu Giang với tổng vốn đầu tư khoảng 31 triệu USD, do Ngân hàng EximBank Malaysia và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ. Đây là nhà máy đầu tiên trong dự án xây dựng 20 nhà máy nhiệt điện đốt bằng vỏ trấu tại Việt Nam. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư xây dựng tại 5 tỉnh gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ với tổng công suất 200MW.
      Hiện nay ở Thái Bình cũng như các địa phương khác trong toàn quốc, lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản (lò NFI- 05) đã được nhiều địa phương lắp đặt; Thiết kế lò gọn(dài: 2,56m; rộng: 1,405m, cao: 2,0m, nặng: 8,5 tấn), đốt 450kg rác/giờ. Lò đốt không cần điện, dầu, hoàn toàn bằng khí tự nhiên; không gây ô nhiễm môi trường.. để xử lý rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn và thị trấn đông người mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, được xã hội chấp nhận.”.
      Ông chỉ cần vào google search “lò đốt rác” thì ra hàng nghìn kết quả, đã được nghiên cứu cải tiến và áp dụng gần 20 năm nay rồi. Cái gì mà “ý tưởng” với “ý teo” ở đây?

      6. Ông đã không đọc kỹ nhưng lại luôn tỏ ra nguy hiểm, như những nhận xét của tôi ở các câu hỏi trên. Cái tôi không tin tưởng là những nhà “khoa học nông dân” đã “phát minh” ra những thứ tương tự của ông Kiên và nhờ tôi giới thiệu, giúp đỡ để họ tìm nhà tài trợ và tìm nơi áp dụng. Nhưng vì những “phát minh” của họ thiếu thực tế nên họ không thể thành công.
      Khoa học công nghệ là khoa học công nghệ, cái gì mà chủ trương của chính phủ. Phải dùng được thì mới đưa vào áp dụng chứ. Những loại người luôn giáo điều, duy ý chí nhưng lại thiếu hiểu biết như ông chính là những vật cản khiến đất nước này trở nên nghèo đói, lạc hậu và để người Việt không thể dùng được hàng Việt đấy.

      7. “Ý tưởng” của ông Kiên “tích cực” ở chỗ nào? Ông chỉ ra đi, hay chỉ bi ba bi bô cho sướng mồm theo kiểu chém gió của bọn trẻ con?

      (còn tiếp)

      Delete
    3. (tiếp theo)

      8. Về những câu hỏi này, ông đi mà hỏi chính phủ, hỏi các bộ ngành. Các ông chỉ quen thói bạ chỗ nào cũng gào lên, và gào toàn những cái vô nghĩa.
      Và ông nên đọc lại câu của tôi trong bài rằng: “Cải tiến kỹ thuật thì rất đơn giản, và nhiều "nhà khoa học nông dân" đã làm được. Nhưng phát minh công nghệ không dành cho sự sáng tạo của "khéo tay, đam mê và nhanh trí" như kiểu An-nam. Đó là chưa nói đến những người nông dân này không có kiến thức chuyên ngành cơ bản.”.
      Đặt lại cho ông một câu hỏi theo kiểu ngu ngơ của ông rằng: Ông hãy cho tôi biết, “nhà khoa học nông dân” nào ở Việt Nam đã phát minh ra một công nghệ? (bất kỳ công nghệ gì cũng được).

      9. Một sinh viên ở mức trung bình của tôi trong 2 ngày có thể tính toán, thiết kế một hệ thống lò đốt rác hoàn chỉnh (gồm cả bản vẽ, kích thước thiết bị, thông số kỹ thuật) như cái lò đốt rác của ông Kiên. Ai thèm “tranh giành lợi ích cá nhân” ở đây, thưa ông?

      Kết luận: Đáng ra tôi không muốn trả lời comment của ông. Vì những gì ông viết rất vô nghĩa và thiếu kiến thức, chưa kể đã không biết lại bày đặt đưa ra quan điểm một cách nguy hiểm.
      Nhưng thấy ông đã bỏ công sức viết dài và cũng có chút tâm huyết cho sự phát triển của đất nước nên mới “nhón tay” trả lời cho ông được thấu.
      Cổ nhân đã nói: “Biết thì thưa thớt, không biết dựa cột mà nghe”. Đã không am hiểu lại còn bi bô giáo điều những điều thiếu kiến thức và thiếu thực tế thì rất buồn cười ông ạ.
      Hy vọng rằng, sau khi đọc xong trả lời của tôi, ông sẽ có thêm một chút kiến thức, một chút trải nghiệm và là bài học nho nhỏ cho ông. Những câu từ tôi “nặng lời” với ông trong bài này sẽ giúp ông lớn lên đấy. Còn nếu ông nổi khùng lên thì mãi ông vẫn là trẻ con thôi.

      Chào ông và không hẹn gặp lại.

      Delete
    4. Tôi chấp nhận mình thiếu hiểu biết vì tôi không có chuyên môn và am hiểu sâu rộng như ông. Nhưng tôi vẫn có những hồi đáp sau đây:
      - Biết rõ lý thuyết, vậy thức tế có khác với lý thuyết không? Có phải nắm rõ lý thuyết thì cứ theo đó mà làm là thành công ngay không? Xin ông giải thích cho tôi có thêm hiểu biết!
      1. Tôi có ghi rõ là vấn đề thắc mắc. Thắc mắc thì phải được giải đáp để người khác không thắc mắc nữa. Chứ không phải đặt câu hỏi để bác bỏ ý kiến của người khác. Tôi kiến thức nông cạn thì phải hỏi để biết thêm chứ. Ông làm giảng viên chắc cũng khuyến khích học trò mình hỏi để biết thêm nhiều hơn. Muốn biết phải hỏi thôi. Cho dù là người khác hỏi sai, hỏi ngớ ngẫn thì cũng giải thích đàng hoàng cho người ta biết. Chứ đâu phải phán người ta thiếu hiểu biết này nọ. Đúng không?

      2. Vậy tại sao không gọi là dân Việt Nam đi? Hiện tại giờ nước ta là nước Việt Nam, dân ta là dân Việt Nam, là người Việt, vậy tại sao phải dùng An Nam làm chi.

      3. Người ta hỏi là để mở rộng tầm hiểu biết. Ông không trả lời đàng hoàng mà lại nói người khác là ngớ ngẩn.

      4. Bài viết để cho mọi người đọc. Viết bài này để cho mọi người có chuyên môn đọc thôi sao? Còn đoạn ông giải thích về chất thải, trong bài từ đầu đến cuối tôi không thấy đưa ra? người khác không chuyên môn, hiểu biết, đọc thấy thắc mắc thì ai có hiểu biết, chuyên môn giải đáp cho người ta rõ chứ. Cứ đụng vào là phán không hiểu biết, thiếu chuyên môn. Nếu vậy thì khi viết bài nên ghi chú là chỉ dành cho những người có chuyên môn, hiểu biết đọc.

      5. Trước hết xin chân thành cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin cho tôi biết thêm.
      Tôi không dùng từ "nhận xét" bao giờ. Tôi chỉ đưa ra câu hỏi để được giải thích nhằm hiểu biết thêm. Và đưa ra ý kiến của riêng mình.

      6. Xin trích lại: "Và thứ năm, mình không rõ cách tính toán, đo đạc của các nhà khoa học thế nào (mình vốn rất ít niềm tin các bác ấy) còn mình trực tiếp chứng kiến, bằng cảm quan của mình thì ôi thôi ghê sợ. Nồng nặc mùi hôi thối, mùi nhựa cháy và khói đen kìn kịt."
      Tôi chả thấy chỗ nào có cụm từ là nhà "khoa học nông dân" cả? Nếu vậy thì phải nói rõ chứ.
      Xin trích: "(2). Phần sau là của nhà báo Bùi Hoàng Tám, một người gần nhà ông Kiên, đã trực tiếp xem ông Kiên thực hiện thử nghiệm mô hình. Vì tôi không có điều kiện về xem trực tiếp lò đốt của ông Kiên nên đưa bài của anh Tám để có thêm một góc nhìn thực tế của người ngoài chuyên môn."
      Phần sau là phần của người khác, mà trong phần trả lời lại nói là ông: "Cái tôi không tin tưởng là những nhà “khoa học nông dân” đã “phát minh” ra những thứ tương tự của ông Kiên và nhờ tôi giới thiệu, giúp đỡ để họ tìm nhà tài trợ và tìm nơi áp dụng"
      Sẵn đây, xin ông giải thích giúp cho tôi có thêm hiểu biết: thế nào là tính thực tế như ông nói ở trên?
      Xin trích: "Khoa học công nghệ là khoa học công nghệ, cái gì mà chủ trương của chính phủ. Phải dùng được thì mới đưa vào áp dụng chứ.". Vậy là các chủ trưởng Chính phủ chả có tác dụng gì?
      Xin ông cho tôi những chứng minh chính bản thân ông đã làm cho đất nước hiện đại, giàu lên thực sự? Nếu đó là sự thật thì tôi còn có cái để noi gương theo chứ.
      Hình như Viêt Nam ta vẫn là nước đang phát triển thì phải? Thu nhập bình quân đầu người chưa được đánh giá là một nước giàu có? Còn về hiện đại, tiên tiến thì so với các nước phát triển thì chưa bằng được? Không biết tôi nói vậy có đúng không thưa ông? Xin ông cho tôi những thông tin bổ ích để tôi mở rộng hiểu biết. Xin cảm ơn ông trước!

      Delete
    5. 7. Cái này thì chắc ông phải hỏi người có chuyên môn như ông rồi:
      http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/lo-dot-rac-ong-kien-ts-ozon-noi-khong-kha-thi-vi-3048570/
      Xin trích một đoạn: Kết luận lại, tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải nhận định, trong sản phẩm này của ông Bùi Khắc Kiên có những sáng tạo nhất định, tuy nhiên, cần phải có những sự định hướng, giúp đỡ của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp của Việt Nam.
      - Tôi lấy ý từ bài của vị Tiến sĩ này, vậy hoá ra vị này cũng chém gió theo kiểu trẻ con rồi phải không ông? Xin ông góp ý để tôi còn biết mà tránh những trường hợp chém gió của trẻ con. Xin cảm ơn ông!

      8. Ông Kiên cũng đã phát động lời xin giúp đỡ tới các cơ quan Nhà nước và giới khoa học Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm của mình rồi. Ông nói người khác không có chuyên môn, hiểu biết rộng vậy là ông có chuyên môn, hiểu biết rộng thì cũng có cách giải quyết chứ?
      - Người khác thắc mắc, không hiểu thì ông không giải thích mà lại nói là "ngu ngơ".
      Xin trích:" “nhà khoa học nông dân” nào ở Việt Nam đã phát minh ra một công nghệ? (bất kỳ công nghệ gì cũng được)." Người ta không tự cho mình là nhà khoa học, tại sao có người lại tự gắn cho người khác cái tên này thế nhỉ? Không sử dụng từ khác như người nông dân được hay sao? Tiện thể xin ông cho tôi hỏi lại để mở mang tầm hiểu biết: nhà khoa học nào ở Việt Nam phát minh ra được công nghệ? (bất kỳ công nghệ gì cũng được, nhưng phải đúng nghĩa là phát minh)
      "Mìn chống tăng tự tạo, dàn phóng bom bi tự tạo của du kích Vành đai thép Củ Chi" cái này.

      9. Xin ngưỡng mộ những sinh viên tài giỏi như vậy. Nhưng cho tôi hỏi là những thiết kế đó có được làm thành sản phẩm ứng dụng thực tế chưa hay chỉ nằm trên giấy? Nếu có thì xin ông cho tôi biết nó được đặt ở đâu, có những giấy phép nào của cơ quan nào cấp?

      Kết Luận: Tôi nói rõ là đó là những thắc mắc cần được giải thích để hiểu thêm, để mở rộng kiến thức. Tôi luôn đưa ra câu hỏi để được giải thích nhằm hiểu rõ hơn. Nhưng lại bị nói là thiếu chuyên môn, hiểu biết, bị sử dụng những từ "nặng lời", trong khi đó tôi nói chuyện rất đàng hoàng, không khinh thường người khác như ai kia. Cũng lịch sự, xin hỏi đàng hoàng.
      Tôi chỉ là người với cái nhìn dưới góc độ của người dân bình thường, không phải giảng viên có trình độ sư phạm, chuyên môn như người khác nhưng nói chuyện lịch sự, chứ không có ý miệt thị, khinh thường người khác. Thật đáng bất ngờ với người có trình độ chuyên môn, học thức cao, đào tạo cho người khác mà lại có cách nói chuyện như trên.
      Dù sao tôi cũng xin chân thành cảm ơn ông đã cho tôi biết thêm được những thông tin bổ ích, những trải nghiệm và những bài học, đồng thời cũng biết được cách nói chuyện của một người có trình độ chuyên môn cao, có am hiểu với một người bình thường khác. Xin chân thành cảm ơn ông!

      Delete
    6. Vì trong câu 7 có nêu tên ông Khải nên trả lời nốt cho ông lần này: Ông Khải có vào đây comment ở trên đầu với nick Ông già Ozone đấy, Tôi không trả lời vì biết ông này chém gió. Ngày trước trên Yahoo360 tôi đã có bài viết về vụ ông Khải chém dùng nước ozone để chữa H5N1. Đợt này lại thấy ông ấy nói dùng nước ozone để chữa bệnh ebola, để xem ông ấy chém thế nào, nếu quá thì tôi sẽ có một bài viết bóc mẽ ông này.

      Còn các câu hỏi khác của ông thì tôi không buồn trả lời nữa. Bởi vì vẫn kiểu cách cũ, đã không hiểu biết lại tỏ ra nguy hiểm. Nếu ông có tinh thần cầu thị để học hỏi, thì việc đầu tiên là học cách hỏi đã. Không có kiểu tranh luận biến thành cãi nhau rằng, ở Ucraina con gà nó có 4 chân được.
      Ông thuộc dạng tranh cãi kiểu ấy.
      Đọc ở đây:
      http://bautx.blogspot.com/2014/01/ech-ngoi-ay-gieng.html#.U_HUBKN5l1s

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!