Saturday, July 26, 2014

Café sáng thứ 7 (#36): Thiên tai hay nhân tai?


1. Cơn bão số 2 (bão Rammasun) không khủng khiếp như cơ quan khí tượng quốc gia dự báo. Nó đã tan khi chưa kịp vào tới bờ. Thế nhưng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau bão lại tác động mạnh đến những khu vực được dự báo là chỉ bị ảnh hưởng nhẹ.
Áp thấp gây mưa sau bão là tất yếu, và ai cũng biết điều đó. Còn mức độ mưa to hay nhỏ lại là chuyện của “ông giời”. Mưa lớn đã xuất hiện trên diện rộng ở tỉnh Lạng Sơn gây lũ quét và ngập lụt nghiêm trọng. Hơn 6.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước, Tp Lạng Sơn trở thành một ốc đảo bị cô lập bởi lũ. Người dân ở đây nói rằng, đã mấy chục năm qua, chưa hề bị như thế.
Dĩ nhiên lũ lụt là do mưa lớn gây nên. Nhưng lũ lên quá nhanh đến mức người dân không kịp trở tay lại khiến người ta liên tưởng ngay đến nạn phá rừng. Chỉ có tàn phá rừng thì lũ mới lên nhanh và gây lũ quét trên diện rộng như thế. Bởi vì, còn có thứ gì ngăn cản được dòng lũ nữa đâu.
Những thiệt hại về người và của là hậu quả tất yếu của lũ lụt. Nhìn những mái nhà cấp 4 chỉ thấy một chút đỉnh chóp, những con đường như những dòng sông. Ở cạnh sông Kỳ Cùng, một vùng nước mênh mông chỉ phất phơ dăm ngọn cây và vài ngôi nhà cao tầng nhô lên khỏi mặt nước.
Rồi đây, khi bão lũ vẫn còn xảy ra, thì sự ngập lụt không chỉ riêng ở Lạng Sơn.

2. Ngoài Lạng Sơn, có thêm 7 tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 2. Trời mưa to đã gây lũ lụt nghiêm trọng cho nhiều khu vực. Tính đến sáng 22/7, đã có 27 người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Khi thiên tai đã đến, thì thiệt hại về người và của là khó tránh khỏi. Thế nhưng thời gian gần đây, mức độ thiệt hại ngày một nặng nề hơn.
Có lẽ ai cũng đều thấy rằng, đất mẹ đã không còn bao dung, che chở cho con dân Việt dưới sự tàn phá của thiên tai. Bởi lẽ, đất mẹ đã bị tổn thương quá nặng nề. Những vết thương mới chồng lên vết thương cũ chưa kịp lành lặn, trông nham nhở đến tội nghiệp.
Những vạt đồi bị xẻ ứa lên màu đất đỏ, những cây cổ thụ của rừng xanh bị cắt cụt, những khu mỏ bị đào bới, những dòng suối đục ngầu bùn đất,… Người ta chặt cây, phá rừng, vạt đồi, đào khoáng. Người ta mở rộng đô thị, xây nhà máy, làm đường,… nhưng không hoàn nguyên lại cây xanh cho đất mẹ, không trồng lại những khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.
Và dĩ nhiên, khi thiên tai tới, không còn cây để bám đất, không còn rừng để ngăn lũ. Những dòng nước hung dữ gầm thét như muốn cuốn đi tất cả những vật cản trên mặt đất. Ngay cả cây cầu treo vừa xây dựng để giúp cô trò bản Sam Lang không phải chui túi nilon vượt suối còn bị đứt cáp, thì các công trình mà “bên B là chùm khế ngọt, cho quan trèo hái mỗi ngày” hư hỏng và thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Tất nhiên, ở xứ An-nam, “một bộ phận không nhỏ” cả quan lẫn nhà thầu vẫn ngày ngày thắp hương cầu khấn cho thiên tai đi qua những công trình do họ phê duyệt đầu tư và xây dựng.
Mẹ thiên nhiên, luôn là sự bấu víu của những đứa con tội đồ xứ Việt!

3. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 mà hồ chứa chất thải và bùn đỏ của mỏ sắt Bản Cuôn thuộc công ty Matexim (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) bị sụt 3 điểm lớn, khiến toàn bộ bùn thải trong hồ chứa thoát ra ngoài và tràn xuống khu vực canh tác nông nghiệp của người dân trên diện rộng. Chắc chắn các thủy vực và các khu đất sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi bùn thải.
Mới chỉ ảnh hưởng của một cơn bão, đã thế. Nếu những cơn bão xảy ra trực tiếp tại khu vực này thì liệu rằng hệ thống các hồ chứa chất thải, bùn đỏ tại các mỏ khai thác khoáng sản có thực sự an toàn?
Năm ngoái tại Bình Thuận, hồ bùn đỏ từ khu vực khai thác titan của công ty CP đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận cũng bị vỡ và gây những tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Đầu năm nay, trong chuyến thị sát Dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng, ông Hoàng Trung Hải - Phó thủ tướng đã yêu cầu có giải pháp an toàn cho khu vực chứa bùn đỏ. Ở An-nam, chủ trương và chỉ thị của lãnh đạo cao cấp bao giờ cũng đúng đắn. Nhưng quá trình thực hiện lại luôn sai, không chỉ là sai sót, mà còn là sai phạm nghiêm trọng. Vì thế các sự cố mới luôn xảy ra, chả chừa một lĩnh vực nào cả.
Chính vì vậy, ai dám đảm bảo rằng sẽ không có sự cố xảy ra đối với các hồ chứa bùn đỏ của bauxite? Bởi vì ngoài những yếu tố con người, khu vực này còn luôn nhận những diễn biến phức tạp của thời tiết. Và điều gì sẽ xảy ra khi những hồ chứa hàng triệu khối bùn đỏ bị vỡ trên nóc nhà của Đông Dương?
Và con người, có tiếp tục đổ lỗi cho thiên tai?

4. Mới chỉ hai cơn bão đầu mùa, lũ lụt đã tàn phá khủng khiếp và gây thiệt hại nghiêm trọng nêu trên. May mắn rằng, khu vực xảy ra lũ lụt đang ở phía Bắc, nơi mọi dòng sông, dòng suối lớn vẫn chưa bị chặn từng khúc để làm thủy điện.
Mùa mưa bão sẽ tiếp tục, và hướng bão sẽ dịch chuyển về phía miền Trung, nơi năm nào cũng có lũ lụt đe dọa tính mạng của người dân. Không chỉ là lũ do thiên nhiên, mà còn có lũ do con người gây ra, bởi hoạt động xả lũ của các thủy điện.
Khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư nào cũng cam kết trữ nước để chống hạn trong mùa khô và cắt lũ trong mùa mưa. Nói thì hay thế, nhưng họ đã không làm, để mặc lũ lụt ập lên tấm thân gầy đói rét của dân nghèo vùng hạ lưu. Đã thế, những kẻ “bênh” thủy diện vẫn trâng tráo rằng, lũ lụt là bởi ông giời. Đến mức người viết bài này cũng phải gào lại rằng: Thủy điện không thể vô can.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay Thủ tướng yêu cầu các thủy điện phải thông báo xả lũ cho dân trước 4 giờ. Tuy nhiên các thủy điện đều cho rằng điều đó là không thể, bởi vì thông báo trước 2 giờ như năm ngoái đã là áp lực.
Điều đó có nghĩa, các thủy điện ở miền Trung không có khả năng cắt lũ, phân lũ cho hạ du, khác với những gì trong luận chứng kinh tế xin cấp phép đầu tư xây dựng thủy điện. Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN đã nói thẳng về hệ thống thủy điện trên sông Ba rằng: “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”. Còn ông Đỗ Đức Quân, vụ trưởng Vụ thủy điện (Tổng cục năng lượng, Bộ công thương) đã cay đắng thừa nhận: “Các hồ chứa này không thể chống lũ mà chỉ có thể giảm lũ”.
Báo chí giật title: “Thủy điện lật lọng không cắt lũ”. Xét cho cùng, cái sự lật lọng của thủy điện chỉ là việc chẳng đừng được, bởi nếu không lật lọng, họ sẽ chết. Vì thế, không nên trách các thủy điện lật lọng. Mà phải truy đến tận cùng, ai đã để cho thủy điện xây dựng sai với thiết kế ban đầu về hồ chứa nước của thủy điện?
Những kẻ đó, mới là những tội đồ của người dân vùng lũ, và là tội đồ của dân tộc.

5. An-nam là xứ sở có diện tích rừng lớn. Rừng nuôi nấng, chở che dân tộc tiểu nhược này qua các biến cố thăng trầm của lịch sử hơn 2.000 năm nay. Thời chiến, thì “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Thời bình, thì “rừng giữ đất, rừng ngăn lũ”. Rừng có ơn với người dân Việt như thế, nhưng lại bị tàn phá không thương tiếc.
Trong những nhóm đại gia giàu có một cách nhanh chóng và bất ngờ của xứ An-nam man di mọi rợ này, có các đại gia về gỗ, có các đại gia về thủy điện, có các đại gia cấp phép và quản lý cả đại gia gỗ lẫn đại gia thủy điện.
Khi những kẻ sống bám vào rừng ngày một giàu lên, đồng nghĩa với rừng ngày một hẹp lại, và lũ lụt ngày một nhiều hơn. Đó chính là luật nhân quả mà thiên nhiên dành cho con người.
An-nam mấy nghìn năm nay, vẫn quen gồng mình chống chọi với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, vẫn đều đặn “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”. Nhưng ngày xưa còn rừng, còn có cái để chắn, để ngăn. Giờ trơ ra những gốc cây nham nhở trên những triền núi trống đồi trọc, thì lấy cái gì để chắn, để ngăn đây?
Gió mưa là bệnh của giời, nhưng gió mưa làm sập nhà ngập nền lại là lỗi của người. Ngàn đời nay, vẫn thế.
Thiên tai, còn có thể phòng và chống. Còn nhân tai, phòng chống thế nào đây?

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

2 comments:

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!