Wednesday, July 2, 2014

Những “quả bom” di động trên đường phố


Tuần Việt Nam: Người ta thường ví rằng, những chiếc xe máy chở gas phóng vèo vèo trên đường phố chính là những “quả bom” di động. Chắc rằng ai cũng hình dung được điều này, kể cả những người chở gas và những người kinh doanh gas. Họ biết, nhưng tại sao vẫn sang chiết trái phép và vận chuyển không an toàn? Còn người dân, sẽ phòng tránh như thế nào đây?

Vụ nổ kinh hoàng sáng 16/6 tại quán bia ở phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 03 người bị bỏng ở mức nguy kịch. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được cho là có thể do khí gas rò rỉ và phát nổ.
Lâu nay, những rủi ro và sự cố nguy hiểm từ việc kinh doanh và tiêu dùng gas đã và đang được báo động. Hầu như năm nào cũng có sự cố xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Từ việc sang chiết gas trái phép
Nhưng mặc cho những cảnh báo của các cơ quan chức năng, mặc cho những hậu quả nhãn tiền về sự cố cháy nổ từ gas, hoạt động kinh doanh, tiêu dùng gas vẫn bị xem nhẹ, và đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Những hiện tượng đó có nguồn gốc từ hoạt động sang chiết gas trái phép và vận chuyển gas từ các cửa hàng, đại lý. Đây là nguồn tạo ra những mối nguy hiểm và mất an toàn, có thể gây nên các sự cố cháy nổ nghiêm trọng. Báo chí trong nước đã từng đưa tin về một tiết lộ “động trời” của một cựu nhân viên một cửa hàng gas. Theo đó, cả 09 cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn Hà Nội mà anh ta đã từng làm việc đều sang chiết gas trái phép (báo VTC New, ngày 8/11/2011).
Các phương thức sang chiết gas lậu thường thấy ở các cửa hàng kinh doanh gas là sang chiết từ những bình gas có giá trị thấp vào những bình gas có giá trị cao để ăn chênh lệch giá và sang chiết từ những bình gas lớn vào các bình gas mi-ni.
Vấn nạn sang chiết gas lậu đã được cảnh báo trong nhiều năm qua. Nhưng hình như các cơ quan quản lý thờ ơ hoặc bất lực trước một mối nguy hiểm như vậy. Có thể thấy, hầu hết những vụ sang chiết gas lậu chỉ được phát hiện khi xảy ra các sự cố cháy nổ gas trong quá trình sang chiết.
Người cựu nhân viên kinh doanh gas nói trên đã thông tin cho báo chí rằng, sau khi anh ta nghỉ việc vì không đồng tình với cách kinh doanh thiếu an toàn này, đã thông báo hiện tượng này đến các đơn vị quản lý thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, anh ta đã không nhận thấy sự can thiệp nào của các cơ quan chức năng.
Có người ví von rằng “sang chiết gas “lậu” giàu hơn buôn thuốc phiện” (báo Petro Times, 20/11/2013). Vì thế các cửa hàng kinh doanh gas mọc lên như nấm sau mưa. Các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu gas vì muốn mở rộng thị trường nên không hạn chế việc mở đại lý.
Kinh doanh gas là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc cấp phép phải qua nhiều khâu. Thế nhưng việc quản lý hoạt động kinh doanh gas sau cấp phép còn rất nhiều chồng chéo và bất cập. Những quy định về xử phạt hành vi vi phạm cũng rất mập mờ và thiếu tính răn đe, chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” (báo Người lao động, 6/4/2014). Khi phát hiện những cơ sở sang chiết gas lậu, biện pháp thường được áp dụng là tịch thu tang vật và phạt hành chính.
Vì thế, những hiểm họa chết người từ những nguồn gas thiếu an toàn vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đến những “quả bom” di động trên đường phố
Bên cạnh việc sang chiết gas lậu gây mất an toàn và nguy cơ cháy nổ cao, việc vận chuyển gas cũng bị buông lỏng và không được các cơ quan chức năng kiểm soát.
Hầu như việc vận chuyển gas từ các cửa hàng kinh doanh gas đến các hộ tiêu dùng được sử dụng phương tiện xe máy để chuyên chở. Những người chuyên chở gas thường là những người lao động từ nông thôn lên thành phố kiếm việc. Phương tiện chuyên chở phần lớn là những xe máy lắp ráp TQ có độ an toàn rất thấp.
Về góc độ kỹ thuật, bình gas chỉ được phép nạp một lượng nước gas chứa không quá 85% dung tích bình, 15% dung tích còn lại là buồng chứa hơi gas. Vì vậy, bình gas không được phép nằm ngang để đảm bảo vị trí van đóng mở của bình gas luôn nằm ở phần dung tích hơi. Điều này để tránh trường hợp khi van bị rò rỉ, gas thoát ra ngoài là hơi chứ không phải là nước gas. Theo TCVN 6223:1996 về yêu cầu vận chuyển chai khí đốt hóa lỏng (gas), bình gas phải được vận chuyển phải theo phương thẳng đứng.
Thế nhưng những điều này hầu như không được áp dụng đối với sự chuyên chở bình gas bằng xe máy ở Việt Nam. Đi trên đường, dễ dàng nhìn thấy những chiếc xe máy chở một, thậm chí hai bình gas nằm ngang trên yên xe máy. Những vụ tai nạn giao thông do phóng nhanh vượt ẩu của những người chuyên chở gas không phải là hiếm ở các khu vực đô thị.
Những bình gas sang chiết lậu lại được chuyên chở sai kỹ thuật trên những chiếc xe máy cũng không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Điều gì sẽ xảy ra nếu những bình gas này phát nổ trên tuyến đường lúc nào cũng đông đúc người qua lại?

Và những hậu quả đau lòng
Cũng theo cựu nhân viên kinh doanh gas nói trên, những nhân viên kinh doanh gas thường cố tình tạo ra nguy cơ cháy nổ gas để yêu cầu người tiêu dùng thay thế các phụ kiện của bình và bếp gas nhằm trục lợi cá nhân. Điều đó sẽ dẫn đến một mối nguy hiểm về cháy nổ gas cực kỳ lớn đối với những người không đồng ý thay thế khi mà những phụ kiện đó đã bị những nhân viên này làm mất sự an toàn.
Hàng loạt vụ nổ gas từ các cơ sở sang chiết gas trái phép lẫn nhà dân trong thời gian qua ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… đã gây ra những tổn thất to lớn về người và tài sản. Có thể điểm đến những vụ nổ gas kinh hoàng trong thời gian gần đây.
Tại Hà Nội, vụ nổ gas ở một gia đình ở quận Hai Bà Trưng đã khiến 02 người con tử vong, ông bố bà mẹ bị bỏng nặng. Một vụ nổ khác ở cơ sở kinh doanh gas tại Cổ Nhuế đã khiến 02 mẹ con bị tử vong (2011). Tại Bình Dương, vụ nổ tại cơ sở sang chiết gas lậu ở phường An Phú khiến 11 người bị cháy bỏng nặng, đã có tới 7 người tử vong (2012).
Tại Tp. Hồ Chí Minh, vụ nổ gas ở phường 13 quận Bình Thạnh khiến 02 người tử vong (2013). Vụ nổ gas tại quận Tân Bình khiến 01 người tử vong và 04 người khác bị thương (2012). Tại Bình Phước, vụ nổ gas ở xã Tân Khai khiến 03 mẹ con một gia đình bị tử vong (2013).
Ngoài những thiệt hại về người và vật chất, những nạn nhân còn sống sót sẽ chịu di chứng cả đời với những vết bỏng và những chấn thương về thể xác.

Lời kết
Như vậy, những rủi ro sự cố cháy nổ từ việc kinh doanh và sử dụng gas rất nghiêm trọng như đã nêu trên. Tuy nhiên, có thể thấy công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập và buông lỏng. Ý thức và kiến thức về an toàn gas của các hộ kinh doanh gas và người tiêu dùng vẫn đang còn chủ quan và hạn chế.
Người ta thường ví rằng, những chiếc xe máy chở gas phóng vèo vèo trên đường phố chính là những “quả bom” di động. Chắc rằng ai cũng hình dung được điều này, kể cả những người chở gas và những người kinh doanh gas. Họ biết, nhưng tại sao vẫn sang chiết trái phép và vận chuyển không an toàn? Còn người dân, sẽ phòng tránh như thế nào đây?
Đến bao giờ mới chấm dứt được hoạt động sang chiết gas lậu? Đến bao giờ mới kiểm soát được sự an toàn trong vận chuyển gas trong bán lẻ?
Rất cần có những câu trả lời từ các cơ quan chức năng.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!