Monday, December 2, 2013

Thủy điện không thể vô can


Thanh Niên online: Cơn lũ lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 11 đã gây thiệt hại rất lớn đối với người dân miền Trung. Đã có hơn 40 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại, tổng thiệt hại về vật chất lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nghị trường đã nóng lên với những chất vấn của các Đại biểu quốc hội về vấn đề này. Nhiều đại biểu cho rằng, xả lũ thủy điện là nguyên nhân chính gây nên trận lũ lịch sử này. Ý kiến của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học lẫn người dân đồng quan điểm với nguyên nhân trên.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến đến từ các nhà quản lý, các nhà khoa học khác lại cho rằng, xả lũ thủy điện không phải là nguyên nhân gây lũ. Gần đây nhất, trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam ngày 27/11 và ngày 28/11 với tiêu đề “Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?” và “Thủy điện 'con cóc', vỡ cũng không ăn thua”, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý Tp.HCM (HASCON) cho rằng “thiếu cơ sở khoa học để kết tội thủy điện”.
Cũng đứng trên giác độ khoa học, người viết có một số ý kiến phản biện lại một số quan điểm của ông Phúc, với mong muốn gửi tới bạn đọc một góc nhìn khác về vấn đề này. Nội dung bài viết chỉ tập trung vào vấn đề có hay không việc xả lũ thủy điện góp phần gây lũ lụt và không đề cập đến những nguyên nhân gây lũ lụt khác.

Thủy điện không sinh nước nhưng vẫn gây lũ
Ông Phúc cho rằng: “Các nhà máy thủy điện không sinh ra nước. Như vậy, lũ ở đây là lũ trời, tức là lũ tự nhiên”. Đồng thời ông cũng cho rằng: “Lũ tràn tới hồ thủy điện đầy thì phải xả” và “Nếu xả cho hồ chứa vơi bớt được chút nào thì nước của dòng lũ lập tức sẽ trám vào ngay”. Vì thế ông kết luận: “Lũ lớn gây thiệt hại không phải do hồ thủy điện xả gây ra” và “Nếu không có hệ thống thủy điện nhỏ ở miền Trung thì trận lũ vừa qua vẫn xảy ra và thiệt hại cũng như vậy”.
Có thể thấy, đây là nhận định hết sức chủ quan và thiếu cơ sở khoa học. Đồng ý rằng các nhà máy thủy điện không sinh ra nước và lũ sinh ra là do mưa lớn. Tuy nhiên, nếu xét theo nguyên tắc vật lý mà ông Phúc đề cập, thì vấn đề trên chỉ xảy ra khi độ dốc của bề mặt dòng chảy tương đối nhỏ, vận tốc dòng chảy phân bổ đều trên bề mặt và ổn định theo thời gian.
Điều này hoàn toàn không đúng với thực tế địa hình có độ dốc chênh lệnh rất lớn từ Tây sang Đông của miền Trung, với việc tập trung các nguồn nước về dòng chảy chính và vận tốc dòng chảy tăng đột ngột do nhiều dòng chảy có lưu lượng lớn đổ tập trung vào dòng chảy chính.
Trường hợp trên dòng sông không có thủy điện, nghĩa là không có các hồ chứa nước của thủy điện, khi có mưa lớn vẫn sẽ sinh ra lũ. Nước mưa trên bề mặt lưu vực sông sẽ dồn về các dòng chảy tự nhiên (các khe, suối) đổ về sông chính. Do có nhiều dòng chảy tự nhiên cùng với các vật cản di chuyển của nước như địa hình, rừng, công trình, đường giao thông,… làm cho lượng nước dồn về các dòng chảy tự nhiên này chậm, vận tốc dòng chảy không quá lớn và ổn định (nghĩa là không có hiện tượng tăng đột ngột vận tốc dòng chảy). Do đó thời gian dồn nước lũ về các dòng sông chính kéo dài và mực nước dâng lên ở các sông chính chậm. Chính vì vậy, lũ vẫn phát sinh nhưng thời gian ngập nước ở hạ lưu chậm và không xảy ra lũ quét.
Xây dựng thủy điện là việc ngăn dòng chảy tự nhiên của nước, phân bố lại quá trình tích trữ, tiêu thoát nước so với dòng chảy tự nhiên của sông. Đi kèm với mỗi thủy điện là một hồ chứa nước để dự trữ nước vào mùa khô. Khi có mưa lớn, mực nước của các hồ chứa dâng cao, và các hồ này phải xả nước để điều hòa lưu lượng nước và đảm bảo an toàn đập của hồ chứa. Đồng thời nước lũ sẽ bù vào lượng nước đã xả của hồ chứa như ông Phúc đã nêu.
Tuy nhiên, lượng nước xả của hồ chứa tập trung tại một điểm, thời gian xả lũ nhanh và lưu lượng nước được xả lớn hơn rất nhiều so với các dòng chảy tự nhiên như đã nêu ở trên. Điều này dẫn đến lưu lượng nước ở sông chính tăng lên đột ngột, vận tốc dòng chảy lớn hơn nhiều so với lượng nước dồn về từ các dòng chảy tự nhiên. Với việc xả đồng thời nhiều hồ chứa trên dòng sông sẽ là nguyên nhân dẫn đến mực nước lũ ở hạ lưu dâng lên rất nhanh và xảy ra hiện tượng lũ quét.
Một ví dụ minh họa cho vấn đề nêu trên. Trong báo cáo xả lũ ngày 15/11 của 3 hồ chứa thủy điện nằm trên đầu nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam), thủy điện Đắk Mi 4 bắt đầu xả lũ từ 7 giờ sáng với lưu lượng xả lớn nhất 3.900 m3/s; đến 13 giờ, thủy điện Sông Côn 2 xả 578 m3/s; và đến 16 giờ hồ chứa A Vương tiếp tục xả với lưu lượng 898 m3/s. Tổng lượng nước xả của 3 hồ chứa này theo tính toán lên đến 272,19 triệu m3 chỉ trong hơn 1 ngày đổ xuống vùng hạ lưu. Với lượng nước này, nếu quá trình thu lũ về sông chính theo các dòng chảy tự nhiên, sẽ có thời gian lớn hơn rất nhiều.
Như vậy, có thể thấy nếu không có hồ chứa thủy điện thì lũ vẫn lớn tương ứng với lượng mưa. Nhưng lượng nước đổ về hạ lưu sẽ chậm, không xảy ra hiện tượng nước lũ dâng nhanh lẫn xảy ra lũ quét do vận tốc dòng chảy quá lớn. Và chắc chắn rằng, mức độ thiệt hại do lũ sẽ giảm đi rất nhiều. 

Có hiện tượng “lũ chồng lũ”
Cũng trong bài phỏng vấn, ông Phúc khẳng định rằng: “khái niệm “lũ chồng lũ” trong trường hợp này (các thủy điện đồng thời xả lũ - người viết) hoàn toàn phi lý! Chỉ có “lũ chồng lũ” xảy ra nếu hồ thủy điện bị vỡ”. Theo quan điểm của người viết, nhận định này của ông Phúc là thiếu cơ sở.
Khi trên dòng sông xây dựng nhiều thủy điện với độ dốc cao của khu vực, sẽ hình thành hệ thống thủy điện bậc thang, chứ không phải chỉ một thủy điện riêng lẻ.
Đứng về mặt kỹ thuật, người viết khẳng định rằng, quy trình xả lũ của từng thủy điện là đúng. Bởi vì, nếu quy trình xả lũ sai sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được đối với bản thân của thủy điện đó. Tuy nhiên, việc các thủy điện trên một dòng sông đồng thời xả lũ là có đúng quy trình hay không thì cần có sự đánh giá toàn diện của các cơ quan chức năng.
Mỗi hồ chứa của các thủy điện tiếp nhận một lượng nước mưa ở một diện tích lưu vực nhất định. Khi xảy ra lũ và các hồ chứa xả nước, lưu lượng nước được xả sẽ lớn hơn nhiều so với các dòng chảy tự nhiên và làm cho vận tốc dòng nước ở sông chính tăng mạnh như đã nói ở trên. Các thủy điện ở phía dưới, một phần do phải tiếp nhận lượng nước từ các dòng chảy tự nhiên trong lưu vực xung quanh, vừa phải tiếp nhận một lượng nước lớn với vận tốc dòng chảy lớn từ hồ thủy điện phía trên xả xuống, nên cũng phải tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn đập của hồ chứa.
Khi các thủy điện đồng loạt xả lũ, lưu lượng nước dồn về dòng chảy chính rất lớn, do tiết diện dòng chảy tăng lên không nhiều nên sẽ dẫn đến vận tốc dòng chảy càng xuống phía hạ lưu càng mạnh. Điều này dẫn đến mực nước lũ tăng lên rất nhanh ở hạ lưu gây ngập lụt lớn và có thể sinh ra lũ quét ở hạ lưu.
Nếu các hồ chứa của thủy điện bảo dung tích để thực hiện chức năng điều tiết lũ, thì có thể điều chỉnh lượng nước xả của hồ chứa để đảm bảo an toàn cũng như tránh tình trạng lũ dâng đột ngột ở hạ lưu. Tuy nhiên, việc thiết kế các hồ chứa thủy điện ở miền Trung lại không đảm bảo điều này.
Có thể nêu ra vài số liệu để minh họa. Theo báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi, dung tích phòng lũ của thủy điện Sông Bung 2 theo quy hoạch là 83 triệu m3 nhưng khi thiết kế chỉ còn 7,19 triệu m3; thủy điện Sông Bung 4 quy hoạch 188 triệu m3 nhưng thiết kế chỉ còn 47,28 triệu m3; thủy điện A Vương 1 quy hoạch 110 triệu m3 nhưng sau đó còn 14,25 triệu m3; thủy điện Đăk Mi 4 quy hoạch 149 triệu m3 nhưng thiết kế chỉ có 2,2 triệu m3.
Vì không thực hiện được chức năng điều tiết lũ, nên khi mưa lớn xảy ra, các thủy điện bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập của hồ chứa. Điều đáng nói là các hồ chứa này lại tiếp nhận nước mưa từ các dòng chảy tự nhiên trong lưu vực. Nên đáng lẽ các dòng chảy tự nhiên phân tán và đưa lưu lượng nước nhỏ vào sông chính, nhưng lại tập trung về hồ chứa và xả nước vào sông chính với lưu lượng lớn và thời gian ngắn. Khi các thủy điện có sự chênh lệch lớn về cao độ, đồng loạt xả nước ra sông chính sẽ dẫn đến mực nước lũ tăng lên rất nhanh ở hạ lưu. Đây chính là hiện tượng “lũ chồng lũ”.

Thủy điện ‘con cóc’ vỡ sẽ là thảm họa
Vẫn trong bài phỏng vấn, ông Phúc cho rằng: “Kể cả khi bị vỡ đập thì lượng nước hữu dụng trong hồ cũng chẳng tác động đáng kể đến cơn lũ. Có thể so sánh thế này, một con kênh đang chảy, ta hắt vào thêm vài thùng nước cũng chẳng hề thay đổi gì thêm được!”. Người viết lại một lần nữa khẳng định, quan điểm này của ông Phúc hết sức chủ quan và thiếu cơ sở khoa học.
Từ việc phân tích hiệu ứng lũ ở hạ lưu do việc xả nước ở hồ chứa thủy điện và xảy ra hiện tượng “lũ chồng lũ” nêu trên. Có thể thấy nếu xảy ra vỡ đập hồ chứa, thì sẽ gây nên một thảm họa khủng khiếp ở hạ lưu. Và chính ông Phúc cũng công nhận sẽ có hiện tượng “lũ chồng lũ” khi xảy ra vỡ đập hồ chứa.
Với việc xả lũ đúng quy trình của thủy điện (cụ thể), nghĩa là lượng nước xả ra chính là lượng nước nằm trong “dung tích hữu ích” của hồ chứa, để luôn đảm bảo mực nước an toàn trong hồ chứa. Điều ai cũng biết là “dung tích hữu ích” nhỏ hơn rất nhiều so với phần dung tích còn lại của hồ chứa, vì lượng nước này trong hồ chứa phải đảm bảo đủ lớn để sử dụng trong quá trình sản xuất điện.
Khi hồ chứa bị vỡ, phần lớn lượng nước trong hồ chứa, cả phần “dung tính hữu ích” lẫn phần lớn “dung tích dự trữ” của hồ sẽ đổ ra sông chính với một lưu lượng nước khổng lồ trong thời gian rất ngắn. Với việc tăng đột ngột cả lưu lượng lẫn vận tốc dòng nước như đã phân tích ở trên, với sự chênh lệch lớn về cao độ của các thủy điện trong hệ thống thủy điện bậc thang, sẽ xảy ra hiệu ứng Domino cho toàn bộ hệ thống thủy điện trên dòng sông.
Nghĩa là, khi có một hồ chứa thủy điện ở phía trên bị vỡ, xác suất xảy ra vỡ đập hồ chứa của các thủy điện phía dưới sẽ rất cao. Với dung tích các hồ chứa rất nhỏ như các số liệu nêu trên, chắc chắn các hồ chứa của các thủy điện phía dưới sẽ không chịu được áp lực nước quá lớn trong thời gian rất ngắn.
Chỉ với lượng nước nằm trong “dung tích hữu ích” của các hồ chứa được xả trong cơn lũ vừa qua đã gây hậu quả nặng nề đến như vậy. Nếu xảy ra vỡ đập, lượng nước dồn về hạ lưu với lưu lượng và vận tốc dòng chảy rất lớn trong thời gian rất ngắn sẽ gây ra lũ quét toàn diện vùng hạ lưu. Và nếu điều này xảy ra, sẽ là một thảm họa khủng khiếp đối với khu vực hạ lưu.

Lời kết
Vụ lũ lụt lịch sử vừa qua ở miền Trung có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, như lượng mưa lớn vượt ngoài dự báo, nạn phá rừng tự nhiên, giảm diện tích rừng do xây dựng thủy điện, hệ thống đường giao thông chắn ngang các dòng chảy đã dồn nước ở thượng nguồn về dòng sông chính, công tác điều tiết lũ trên lưu vực sông,… Tuy nhiên, có thể thấy, việc xả lũ của thủy điện không thể vô can.
Người viết trên giác độ khoa học phản biện lại những quan điểm của TS Nguyễn Bách Phúc, chứ không quy kết trách nhiệm cho riêng thủy điện.
Chắc chắn rằng, Chính phủ cùng với các bộ ban ngành liên quan sẽ đánh giá một cách rõ ràng những nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp gây lũ lụt tại miền Trung trong thời gian qua. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp phòng chống lũ lụt hiệu quả.
Và hơn ai hết, những nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực này cần tham gia tích cực với những ý kiến đánh giá khách quan và tôn trọng sự thật, trên tinh thần trách nhiệm cao với đất nước và nhân dân, góp phần giúp các cơ quan chức năng đưa ra những quyết định đúng trong công tác quản lý và phòng chống lũ lụt trong những mùa bão lũ tiếp theo.

Tác giả: Trịnh Xuân Báu

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!