Wednesday, April 23, 2014

PR rẻ tiền?


Trên báo Sức khỏe và đời sống có một bài viết của bác sỹ Tuấn Hùng “bênh vực” cho bà Tiến bộ trưởng y tế với tiêu đề "Ngành Y - Áo gấm đi đêm". Người xưa thường nói “ăn cây nào, rào cây ấy”. Thế nên bạn bác sỹ này bênh bộ trưởng ngành y cũng chả có gì lạ.
Có điều, bạn í ẩn dụ hình ảnh “dẫm phải chân chó” để chỉa mũi dùi vào dư luận, mà ai cũng biết cụ thể là giới báo chí vì bạn í đang đề cập đến vấn đề chị Tiến không biết “nịnh truyền thông”. Hậu quả là các “biệt thự báo” lẫn “lều báo” nhảy ngược lên và cho rằng bạn bác sỹ này gọi những người chỉ trích là chó, bởi vì họ liên tưởng ngay đến câu “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi” hehe...
Việc chửi chó mắng mèo liên quan đến chị Tiến và truyền thông mình chả quan tâm. Tuy nhiên thấy bạn bác sỹ này còn tự giới thiệu là nhà khoa học(?) và có hoạt động liên quan đến PR - Marketing(?) mà viết bài như thế này thì thực sự không ổn tý nào cả. Bởi vì cả sự hiểu biết và tư duy của bạn í quá thấp so với những gì bạn í tự giới thiệu.
Rảnh rỗi sinh nông nổi, mình lại đi bóc mẽ bạn í một tý vậy.

Thứ nhất: Bộ trưởng là một chính trị gia mang tầm quốc tế chứ không đơn thuần là một nhà chuyên môn giỏi, một nhà quản lý giỏi hay một nhà hoạch định chiến lược giỏi. Bộ trưởng phải là người đưa ra quyết định cuối cùng cho một sự việc và chịu trách nhiệm với quyết định đó trước chính phủ nói riêng và quốc dân đồng bào nói chung.
Thế nên, bộ trưởng không cần phải làm chuyên môn, không cần điều hành quản lý, không cần hoạch định chiến lược. Những công việc này do các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chiến lược hàng đầu của ngành (thậm chí nếu thiếu thì đi thuê) thuộc các cục, các vụ chức năng. Việc của bộ trưởng là chỉ đạo điều hành, chỉ đạo quản lý và ra quyết định dựa trên các phương án mà các cơ quan giúp việc đệ trình.
Và những điều này, chị Tiến hoàn toàn không có.
Có thể minh chứng nhận định trên bằng kết quả hơn nửa nhiệm kỳ chị Tiến ngồi ghế bộ trưởng. Từ những phát biểu hết sức “ngô nghê” và “não phẳng” đến các quyết định hết sức phản cảm đã “bị” báo chí và dư luận xã hội bóc mẽ. Ví dụ như “lương thấp nên không tuyển được cán bộ giỏi”, “lỗi của vắc-xin thì vắc-xin chịu”, “bộ Y tế không phải là Nhà nước”, “bộ không có tiền xây dựng bệnh viện hay mua trang thiết bị y tế”, “quy định có rồi, ai sai người đó chịu”, “thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra”, “cơ quan điều tra công an Hà Nội nhắc nhở bộ Y tế”, “hết vắc-xin nhưng bộ gọi điện xuống thì cháu bé được tiêm ngay”, “có con cháu mắc sởi, không bao giờ dại cho vào Viện Nhi trung ương”… Chuyện phát ngôn và hành động của chị Tiến như trên, nói cả ngày chả hết. Toàn chuyện hài hước, nhưng cười ra nước mắt.


Tiếp đến là các vụ việc tiêu cực của ngành y trong hơn 2 năm qua. Từ trẻ em chết do vắc-xin, các vụ tiêu cực tài chính trong bệnh viện, y đức xuống cấp nghiêm trọng, các sự cố gây chết người trong khám chữa bệnh, nhân bản kết quả xét nghiệm, dịch sởi hoành hành,…
Bộ trưởng là người phải có tầm tư duy, tầm chiến lược vượt ra khỏi những quy định thông thường của hệ thống pháp lý. Có như vậy mới chỉ đạo việc cải tiến và bổ sung những thiếu khuyết của ngành, và đưa ngành lên tầm cao mới. Tuy nhiên, câu cửa miệng của chị Tiến là “làm đúng theo quy định”. Nếu đúng theo quy định thì ai cũng có thể làm được bộ trưởng.
Tỷ dụ như vụ dịch sởi đang xảy ra hiện nay. Nếu cứ theo quy định của pháp luật hiện hành để quyết định có hay không việc công bố dịch thì trẻ con cũng làm được. Cái khác biệt của một vị bộ trưởng là đánh giá, xem xét được mức độ của dịch bệnh như thế nào, nếu thực sự nguy hiểm cho cộng đồng thì nhất thiết phải xé rào mà công bố dịch và chịu quyết định trước chính phủ về việc xé rào đó.


Người dân cần một bộ trưởng ở cương vị tư lệnh ngành để chỉ đạo, đưa ra những quyết định kịp thời và sáng suốt chứ không cần một vị bộ trưởng chỉ biết thực hiện theo quy định.

Thứ hai: Bạn bác sỹ này khoe chuyên môn của chị Tiến, nhõn 2 dòng, là cựu bác sỹ nội trú và viện trưởng viện Pasteur. Đã khoe thì khoe cho chót để mọi người được rõ, bởi vì đã làm đến chức bộ trưởng thì mấy cái bằng cấp, học hàm học vị chả có ý nghĩa gì. Nhưng khoe chỉ đơn giản thế thì người đọc không tránh khỏi thắc mắc.
Bởi vì tìm hiểu thông tin trên trang web của Chính phủ cho biết, chị Tiến làm bác sỹ nội trú và trợ giảng trong vòng 4 năm (82-86), sau đó về làm ở viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (từ vị trí nghiên cứu viên đến viện trưởng) cho đến khi ra bộ làm thứ trưởng (2007). Còn theo thông tin trên cộng đồng mạng (chưa có kiểm chứng), chị Tiến có bằng cao học về dinh dưỡng ở Pháp (Masters Degree in Nutrition) và bằng tiến sỹ chuyên ngành dịch tễ học (Epidemiology) ở Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh. Cần lưu ý Dịch tễ học là một môn học khái quát về y tế, nằm trong mảng y tế công cộng, chứ không phải là chuyên môn trong ngành y như một bác sĩ chuyên môn. Thế nên không thể nói chị Tiến là tiến sỹ y khoa được(?).
Ngoài những thông tin đó ra, Br chưa tìm thấy CV khoa học lẫn các công trình nghiên cứu khoa học của chị Tiến được đăng tải trên các tạp chí y khoa, Viện Pasteur TP.HCM và ĐH Y dược TP.HCM (theo trang web của chính phủ, chị Tiến từng là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng của ĐH này). Hầu hết các thông tin chỉ tìm kiếm trên mạng chỉ cho thấy chị Tiến từng tham gia các đề tài/dự án liên quan đến vệ sinh dịch tễ, y học dự phòng,... Còn những thông tin chị Tiến được đào tạo như thế nào? Vào thời gian nào? Tên luận án là gì? Có bao nhiêu bài báo khoa học?... không tìm thấy trên mạng. Vì vậy, nói chị Tiến có "tiểu sử khoa học rất tốt" thì người quan tâm chỉ nghe thế và biết thế, còn tốt như thế nào thì chịu.
Thêm nữa, việc khoe một bộ trưởng có học vị tiến sỹ mà nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp thì hơi lố bịch, bởi vì đây là vấn đề quá bình thường đối với người bình thường trong ngành y chứ chả riêng gì chị Tiến (chưa kể chị ấy làm master ở Pháp). Ngoài ra, khoe như thế có khác gì chửi xéo vào mặt các vị lãnh đạo đi lên từ cơ sở, chủ yếu học chuyên tu hay tại chức và không biết ngoại ngữ hay chửi xéo vào mặt mấy vị lãnh đạo mua bằng tiến sỹ dởm và cũng chả biết ngoại ngữ.


Thứ ba: Nếu thực sự tác giả bài viết là bác sỹ, thì những giải thích “loằng ngoằng” liên quan đến dịch sởi vừa qua lẫn giới thiệu về nghề nghiệp của bạn í và chuyên môn, bằng cấp của chị Tiến cho thấy “bác sỹ” này chả hiểu gì về dịch bệnh lẫn ngành y cả. Người đọc tinh ý sẽ nhận ra các thông tin trong bài viết là tổng hợp lại từ báo chí chứ không phải là nhận định của một người làm chuyên môn.
Thêm nữa, bạn bác sỹ này nói rằng đang “làm khoa học trong ngành Y và làm Bác sỹ không đủ thu nhập cho cuộc sống hiện tại”. Chả biết bạn này làm “khoa học ngành y” là làm cái gì? Nhưng chắc chắc một điều, ở An-nam, chả có bác sỹ nào làm việc ở các bệnh viện (cả công lẫn tư) mà có thu nhập thấp cả. Với lại chả biết bạn này kinh doanh cái gì trong buổi tối và cuối tuần(?) và hiệu quả được bao nhiêu(?). Bởi vì một bác sỹ có tay nghề gần 10 năm thì chắc chắn làm thêm vào buổi tối và cuối tuần ở các phòng khám tư có thu nhập cao hơn bất kỳ hình thức kinh doanh thuần túy nào. Và đã là bác sỹ, thì không có thời gian nghỉ buổi tối và cuối tuần như các ngành nghề khác, vì họ còn phải đi trực, phỏng ạ.

Kết: Cổ nhân thường nói “quân hay không thờ tướng kém”. Hay thô thiển học mà nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Thế nên, có thể chủ quan suy luận rằng, đây là một bài viết của một cây bút quá non kém về nghiệp vụ báo chí và không phải là một bác sỹ(???). Nếu đúng như vậy và thực sự “những người có liên quan” đặt hàng viết bài này để “phản đòn” báo chí và dư luận thì có thể nhìn thấy tầm hiểu biết và tư duy của họ ở mức quá thấp.
Trò PR lìu tìu này chỉ đem ra để đánh bóng tên tuổi hoặc thanh minh thanh nga các vụ tố cáo ở mức đơn vị cấp cơ sở có khoảng vài trăm nhân viên. Chứ tầm cấp bộ (lại liên quan đến bộ trưởng), làm như thế thì thực sự rẻ mạt quá!!!

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Những bài viết của Baron “liên quan” đến bộ trưởng Tiến và ngành y:

Café sáng thứ 7 (#27): Băng hoại đạo đức
Café sáng thứ 7 (#20): Giới hạn của sự chịu đựng?
Có nên đổ hết trách nhiệm lên đầu bác sỹ?
Bộ trưởng Y tế: Vở sạch chữ đẹp và cơ quan điều tra nhắc nhở
Café sáng thứ 7 (#13): “Lệ” quan và “nhân cách còm” Bộ trưởng
Café sáng thứ 7 (#12): Những món quà không trọn vẹn
Café sáng thứ 7 (#11): Lỗi hệ thống
Café sáng thứ 7 (#10): Giấc mơ tháng Tám!
Café sáng thứ 7 (#6): Mạng người, nhân cách và tư duy bầy đàn
Café sáng thứ 7 (#5): Niềm tin - tìm ở đâu?

2 comments:

  1. bác Trịnh Xuân Báu viết bài này em không phục. Bác chê anh bác sỹ Tuấn Hùng não thấp, nhưng xem lập luận của bác cũng chẳng mấy cao minh. Em không thích bật bác ở đây. Em hẹn bác bằng 1 bài hẳn hoi để bác thẩm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Rất hân hạnh, khi nào bạn có bài nhắn vào đây cho tôi cái đường link để xem bạn "bật" như thế nào nhé.

      Delete

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!