Saturday, April 26, 2014

Café sáng thứ 7 (#28): An-nam thời mạt


1. Dịch sởi vẫn tiếp tục hoành hành, các bệnh viện đang dồn hết lực để giải quyết, cần-lao cũng xoay sở theo các bài thuốc truyền thống để phòng tránh. Nói chung, dịch bệnh không ai mong muốn, tuy nhiên đã xảy ra thì phải chấp nhận những hậu quả và thiệt hại.
Có điều cần lao vẫn nghiến răng trợn mắt vì những phát ngôn và hành động của lãnh đạo bộ Y, đặc biệt là của bà Tiến bộ trưởng. Cứ tưởng năm ngoái là năm đại hạn, sang năm nay chắc khởi sắc hơn. Ấy thế mà không phải. Mới hết quý 1 đã vài vụ phát ngôn khiến cần-lao mình thì giật thót mà chân cứ nhảy cẫng lên như dẫm phải lửa.
Sự việc có phần hơi lắng xuống thì một tờ báo của bộ Y lại đăng bài ca ngợi bà Tiến, là giỏi về chuyên môn, có tâm, có đức,... kiểu “Áo gấm đi đêm”, zời ạ! Thường bài kiểu này người ta gọi là nâng bi, nhưng chả biết với bà bộ trưởng thì người viết bài báo đó muốn nâng cái gì? Bởi vì văn phong và nội dung của bài viết cho thấy đó là một kiểu PR rẻ tiền, không xứng tầm với việc bảo vệ hay nịnh nọt một bộ trưởng.
Thêm nữa, mọi tội lỗi trong dịch sởi được đổ hết xuống đầu cần-lao. Là bởi vì cần-lao không phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y, là cần lao chui hết vào bệnh viện trung ương để lây nhiễm chéo, là cần-lao thiếu sáng suốt nên bị lều báo nhồi sọ,… chung quy lại là tại cần-lao… dốt.
Ấy thế mà tại cuộc họp khẩn về vấn đề này của chính phủ, Thủ tướng phê bình cả bộ Y lẫn bà bộ trưởng, rằng lỗi không phải là do dân, bộ phải rút kinh nghiệm vì nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì dịch sởi đâu có lớn như thế và không xảy ra mất mát lớn đến thế. Đến cả thủ tướng, còn chả bênh được thì chối tránh nhiệm vì sự điều hành yếu kém làm sao được?
Cổ nhân có câu, giấy không bọc được lửa, là thế.


2. Tại phiên họp của Thường vụ quốc hội tuần trước, ông thứ trưởng Hiển của bộ Học nói cần 34.275 tỷ đồng cho chương trình đổi mới SGK. Dĩ nhiên, đề xuất này bị quan chức quốc hội lẫn chính phủ phải đối kịch liệt. Và dĩ nhiên, mắm muối lại được thêm bớt từ các nhà giáo dục lẫn khoa học có “tên tuổi”.
Chắc để chữa cháy cho lãnh đạo, trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Thống vụ phó kiêm thường trực ban chỉ đạo chương trình SGK nói không phải thế, chi phí cho viết SGK chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng thôi. Lập tức mắm muối lại được thêm vào, chủ yếu là sao mà đắt thế, làm thoải mái chỉ khoảng trăm tỷ.
Ngay lập tức, tối hôm sau trên ti-vi, lại là ông Hiển chém gió, nói rằng kinh phí cho viết sách chỉ có 105 tỷ thôi. Thế nhưng giấu đầu thì hở đuôi, cái mục tiêu chính là viết sách thì chỉ chiếm gần 0,3% kinh phí, hóa ra bộ Học bày ra trò này để tiêu tiền à?
Và thế là từ nước ngoài trở về, ông Luận bộ trưởng lập tức lên ti-vi khẳng định là không có con số ba mấy nghìn tỷ đó. Ông và lãnh đạo bộ Học chưa xem xét, thảo luận về kinh phí chương trình này. Lại hóa ra là ông Hiển “buột mồm nói bậy” và chánh phó bộ Học chả trao đổi lẫn chả nắm được thông tin gì khi lên quốc hội để báo cáo cả(?).
Cũng trên quốc hội cuối tuần này, bộ trưởng Luận đọc tờ trình của chính phủ xin hoãn trình dự án này. Lý do là vấn đề kinh phí của dự án chưa chuẩn bị do chỉ trình để xin chủ trương. Lãnh đạo bộ toàn giáo sư tiến sỹ có khác, kỹ năng sử dụng tu từ để đánh tráo khái niệm nhằm lấp liếp sự việc đã đến mức điêu luyện. Thưa các ngài, chủ trương này đã có từ hồi các ngài trình đề án cải cách SGK với kinh phí 70.000 tỷ lần trước và nghị quyết của Bộ chính trị về đổi mới, cải cách giáo dục An-nam rồi(!).
Nhìn vào cách hành xử vụng về, giấu đầu hở đuôi, vả vào mồm nhau bôm bốp của quan chức bộ Học thì có thể thấy thực trạng và chất lượng của nền giáo dục An-nam sẽ như thế nào. Nhà dột dĩ nhiên từ nóc.
Bởi vì, quan chức còn như thế, giáo dục được ai?


3. Liên quan đến dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội giá thêm 339 triệu USD (từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD), lều báo và cần-lao nhảy ngược lên khi nghe ông Thắng - Cục trưởng đường sắt chém “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”. Sự bức xúc không phải là không có lý, bởi vì “một tý” mà ông Thắng nói chiếm gần 61.5% tổng dự toán cũ. Và dĩ nhiên, tiền chi cho sự đội giá này lại từ tiền thuế của cần-lao.
Điều mà ai cũng biết là cho dù có bức xúc thêm nữa thì cũng chỉ là sự trút giận để hạ hỏa của cần-lao. Khi mà họ bất lực nhìn những đồng tiền thuế từ công sức của họ bị chi một cách vô tội vạ. Mặc dù ông phó thủ tướng Hải đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan, nhưng chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ hòa cả làng. May ra có một vài con tốt thí để hạ hỏa cơn nóng của cần-lao thối tai khai bẹn.
Không phải là ghét Tung-Của, và cũng chả riêng gì xứ An-nam. Ở đâu có nhà thầu Tung-Của là ở đó có sự kéo giá thầu xuống thấp nhất để trúng và sau một thời gian thi công sẽ đề nghị điều chỉnh ở một mức giá cao chót vót. Nếu không chấp nhận điều chỉnh, bọn họ sẵn sàng bỏ công trình.
Thế nên rất nhiều quốc gia đã phải sử dụng hàng rào kỹ thuật để loại bỏ nhà thầu Tung-Của. Vậy mà An-nam hơn nghìn năm thuộc địa lẫn gần trăm năm lệ thuộc vẫn không rút ra được kinh nghiệm. Hoặc có thể vấn đề lợi ích nhóm (thậm chí lợi ích cá nhân) khiến nhà thầu Tung-Của tung hoành ngang dọc ở nhiều dự án tầm cỡ quốc gia. Thêm một điều nữa, những ai đã từng làm việc với nhà thầu Tung-Của đều biết, mức độ chịu chơi và chịu chi cho đối tác của họ đã nâng lên ở mức nghệ thuật. Trên cơ cả nhà thầu An-nam lẫn nhà thầu các quốc gia khác.
Có điều, sự phát ngôn kiểu nóng giận của ông Thắng có lẽ cũng là sự bức xúc. Bởi vì khi một vấn đề bắt buộc phải được thực hiện vì sự quyết tâm của một vài cá nhân hay sự quyết tâm của hệ thống chính trị thì những kẻ thực thi lìu tìu chỉ là những con tốt thí. Tỷ dụ như việc ông Thắng bị đình chỉ tạm thời chức vụ cục trưởng.
Chơi với dao có ngày đứt tay là thế.


4. Nhân vụ bạn tây lông ba-lô xỉa xói về vụ mua vé ở Hội An. Lều báo lá ngón An-nam lại có cơ hội kiếm vài lạng thịt bạc nhạc đồng loạt nhảy ngược lên tỉa tót Hội An bán vé vô lý.
Thưa các lều báo rằng, vụ thu phí này chả phải bây giờ mới có, mà đã có hơn chục năm rồi, và điều đó là đúng đắn. Có điều, trong đôi năm trở lại đây thì Hội An giở chứng chơi trò quy tất vé tham quan từ đường đến phố, từ quán đến chùa, từ mua đến ngó thành một. An-nam cần-lao ở mức 80k, ngoại-quốc cần-lao ở mức 120k.
Trả lời báo chí, ông Bay phó chủ tịch Hội An nói: “Không có vé tham quan, đừng có vào phố cổ”. Lý do vì phố cổ chính là di sản, và các công ty lữ hành không mua vé cho khách du lịch, dẫn tới chỉ thu được tiền vé của 1/3 số người tham quan Hội An.
Chả hiểu ông Bay này không biết hay cố tình đánh tráo sự việc để lấp liếm vấn đề. Bởi vì, ai cũng hiểu Hội An là di sản. Ai cũng sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào tham quan. Thế nhưng người ta bức xúc, người ta phản đối là vì các ông gộp chung các loại vé vào như nói trên, khiến giá vé rất cao. Tiếp nữa là do giá vé cao, nên các công ty lữ hành sẽ móc ngoặc và chung chi với ban quản lý để không mua vé cho khách du lịch. Điều này dẫn đến thất thoát ngân sách (nên chỉ thu được tiền của 1/3 lượng khách như nói trên), và gây bức xúc cho khách du lịch khi người những người không mua vé vẫn được tham quan thoải mái. Bên cạnh đó là thái độ vừa hách dịch, vừa thiếu văn hóa đối với khách du lịch của “một bộ phận không nhỏ” bảo vệ phố cổ.
Cho dù ông Sự bí thư Hội An có tâm huyết và liêm khiết, nhưng quan chức dưới quyền mà quan liêu hoặc che dấu lợi ích nhóm như ông Bay thì ông Sự có ba đầu sáu tay cũng chả quản được. Thế nên, phê phán vụ này thì phải phê phán cái cơ chế và cái chính thể đẻ ra cơ chế đó. Chứ cứ nói Hội An chung chung thì oan cho dân Hội An quá.
Lỗi hệ thống chính từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như thế.


5. Thủ tướng ký quyết định thành lập “Ngày sách Việt Nam”. Lý do là hiện nay cần-lao An-nam lười đọc, văn hóa đọc không có, trung bình mỗi cần-lao đọc có 0,8 quyển sách/năm.
Vấn đề khuyến khích đọc sách là cần thiết, bởi vì sách là một kênh cung cấp tri thức cho con người. Cần-lao An-nam dù phổ cập xóa mù qua bình dân học vụ nhưng rất lười đọc, lười tư duy. Thế nên sự thiếu hụt về tri thức dẫn đến nhận thức xã hội mông muội và tạo ra sự a dua bầy đàn lâu nay.
Thế nhưng, bản chất của vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân tại sao cần lao lười đọc, lười tiếp cận và cập nhật tri thức để “khai dân trí”. Chứ cứ thấy không đọc thì lập một cái ngày để hô hào phát triển thì như xây cái nhà thiếu móng. Mặt khác, cứ cái gì kém lại lập ra một ngày để cổ súy tinh thần thì chả mấy chốc An-nam ngày nào cũng là kỷ niệm. Bởi vì cái hay chả có mấy, nhưng cái xấu và kém thì lại quá nhiều. Và những ngày như ngày đạo đức, ngày tự trọng, ngày liêm khiết, ngày thật thà, ngày tử tế,... có cơ hội được lập.
Vỗ tay chào mừng ngày đọc chưa dứt thì nghe nói một hội chuyên về văn chương chữ nghĩa ở cao nguyên Trung phần treo mấy cái băng rôn biểu ngữ gì đó, viết trên đó là mừng anh hùng Núp 100 tuổi, có nghĩa là ông Núp đang là người sống (mặc dù ông đã mất cách đây 15 năm).
Đến dân buôn chữ mà “đôi lúc” biên cái khẩu hiệu còn chả nên thân, thế thì lấy đâu mà đòi cần lao đọc sách. Nếu sách đã hay, chả cần hô hào cổ súy, họ cũng đọc.
Mới thấy, An-nam rẻ rúng từ chữ nghĩa.


6. Một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật là khi các cơ quan chức năng hành xử đúng đắn và có hiệu quả cho xã hội. Tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước và bảo vệ những quyền con người.
Qua bức tranh nhỏ trong tuần, mới thấy mọi thứ đều đảo ngược giá trị. Không chỉ là sự quan liêu của quan chức gây phản cảm trong xã hội, mà nó còn kéo lùi sự phát triển của đất nước, làm mất cơ hội cho con người được tiếp cận với tri thức và văn minh nhân loại.
Những sự phản cảm đó, chỉ có ở một xã hội thời mạt. Khi các giá trị đạo đức và khuôn phép của xã hội bị đảo ngược. Người ta cố tình đánh tráo khái niệm để đổ lỗi cho thằng cơ chế mà lấp liếm lỗi hệ thống từ thượng tầng cai-trị đến hạ tầng cần-lao.
Những bấu víu vào thế hệ F2, F3 thổi luồng gió mới để sửa lỗi hệ thống đang là niềm tin cuối cùng cho cả hai phía. Thế nhưng, bất hạnh là quyền lực thì đã có nhưng tài năng thì chưa thấy. Trong khi cần-lao nghiến răng trợn mắt lúc phẫn uất nhưng lại cúi đầu thở dài một cách nhẫn nhục khi canh cánh trong lòng một nỗi lo sợ của tinh thần tiểu nhược không muốn phá vỡ trật tự sau lũy tre làng.
Cờ tàn, nhưng không thể xóa đi để đánh ván mới, vì chả bên nào chíu hết được.
Nghiệp chướng của An-nam là vậy.

© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

0 comments:

Post a Comment

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!