Saturday, February 14, 2015

An-nam tiến sĩ nhảm bàn (#1)


Chủ nghĩa duy chức và chủ nghĩa duy bằng cấp đã ăn sâu vào tiềm thức của xứ An-nam, từ thượng tầng tủ lạnh đến cần lao thối tai khai bẹn.
Thế nên, nhà nhà kiếm cho con mảnh bằng đại học (cho dù thi đại học chỉ được 5-6 điểm), người người phấn đấu kiếm một tý chức (cho dù chỉ là tổ phó tổ bảo vệ).
Không chỉ ở mức độ cá nhân, mà tư duy này còn được áp dụng triệt để vào bộ máy công quyền. Chả thế mà ở thủ đô ngàn năm vật lộn, “người ta” mong muốn 100% cán bộ thuộc quản lý của thành ủy phải có bằng tiến sĩ (TS).
Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt, khi mà báo chí bóc mẽ những quan chức cao cấp mua bằng TS online. Phó bí thư tỉnh ủy cũng "mua", giám đốc sở cũng "mua". Còn dạng quan chức lìu tìu tầm phó sở, trưởng phòng thì chắc là nhiều lắm. Việc mua bán học vị TS rất nhộn nhịp trong thời gian qua. Không chỉ từ các cá nhân, tổ chức ở ngoài lĩnh vực học thuật. Mà nhiều trường ĐH lớn cũng tham gia liên kết với các “trường ĐH dởm”, các “viện nghiên cứu lừa” ở nước ngoài cung cấp bằng cho đám háo danh.

Không chỉ quan chức, mà các chủ các doanh nghiệp mới phất lên, nhiều tiền lắm của cũng đua nhau mua bằng TS. Dĩ nhiên là chỉ để trang trí. Bởi lẽ có nhiều người, chả học hành ngày nào, thậm chí chưa từng học đại học. Một ngày đẹp zời, trên nêm-các có chữ TS trước họ và tên, thế mới hoành.
Thôi thì đám quan chức háo danh, chỉ mua bằng để leo cao chui sâu vào chốn quan trường. Đám chủ doanh nghiệp cũng háo danh, mua bằng để trang trí thì chả có ảnh hưởng gì đến nền khoa học nước nhà cả. Nói là nói thế, nhưng đôi khi cũng nguy hiểm phết. Bởi lẽ có nhiều kẻ không những háo danh mà còn vĩ cuồng. Chả biết thân biết phận là chỉ mua được cái bằng dởm, mà còn khoe um lên báo chí là TS này phát biểu, TS kia chỉ đạo,… này nọ về khoa học thì mới khốn khổ cho xứ sở này.
Nói đi cũng phải nói lại, có nhiều TS giỏi giang về chuyên môn, được đào tạo chính tắc,… đang ở các trường ĐH, các viện nghiên cứu chuyển sang làm quản lý ở các cơ quan công quyền, hay bỏ ra ngoài làm doanh nghiệp. Những người này không biết có thành công trong lĩnh vực mới không, nhưng về góc độ khoa học, họ vẫn nhận được sự kính trọng của giới khoa học. Khổ nỗi là những người như vậy lại chỉ là thiểu số, và họ hay bị đánh đồng vào đám mua bằng TS dởm để tiến thân, để khoe danh.

Thôi thì, lại thôi thì! Cái sự háo bằng ở xứ An-nam đã thành đại dịch, có nói đi nói lại cũng chỉ đến thể mà thôi. Nhưng trong giới học thuật, vấn đề này lại là điều đáng phải nói.
Ở các trường ĐH, các viện nghiên cứu, chuyên môn sâu là thước đo thể hiện năng lực, trình độ của người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Vì thế việc phấn đấu đạt được học vị TS là điều cần thiết, phục vụ cho công việc chuyên môn.
Nói thế không có nghĩa là những người trong giới học thuật chưa/không có học vị TS thì không giỏi giang về chuyên môn. Thế hệ các thầy cô, các nhà nghiên cứu trước đây, rất nhiều người chỉ là cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ. Nhưng trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp rất cao. Đã dìu dắt, đào tạo được nhất nhiều nhân tài cho đất nước, đã có những công trình nghiên cứu được ứng dụng sâu rộng trong thực tiễn cuộc sống. Những bậc tiền bối này là tấm gương sáng cho giới học thuật trẻ noi theo.
Trong xã hội hiện tại, việc học hành, tiếp xúc, giao lưu với giới học thuật trên thế giới trở nên thuận tiện hơn. Nên số lượng TS cũng tăng lên rất nhanh. Có nhiều TS người Việt rất thành công trong học thuật, đạt nhiều giải thưởng lớn của thế giới, có nhiều công trình nghiên cứu được thế giới vinh danh, và là niềm vinh dự cho người Việt.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có “một bộ phận không nhỏ” các TS dởm, TS bằng thật kiến thức giả trong giới học thuật trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy ĐH.

Báo chí đã bóc mẽ rất nhiều TS đang giảng dạy ở các trường ĐH mua bằng dởm ở nước ngoài. Vẫn là dạng bằng dởm ở các trường ĐH dởm, các viện nghiên cứu lừa như đám quan chức và chủ doanh nghiệp háo danh mua như đã nói ở trên. Nhưng còn việc đào tạo TS trong nước thì chưa được báo chí khai thác cụ thể và triệt để.
Tình trạng đào tạo TS bát nháo ở trong nước đã tồn tại khoảng 20 năm trở lại đây. Sau thời bao cấp nghèo đói, quá trình mở cửa đã giúp nền kinh tế đất nước khấm khá dần lên. Và tiền của các quan chức (nói chung trong tất cả các lĩnh vực, kể cả học thuật) cũng nhiều lên. Và khi đã thừa tiền, họ lại nghĩ đến danh. Không những chỉ để thỏa mãn chủ nghĩa duy bằng cấp, mà phải là ông nghè để khắc bia trên lưng rùa đá, mà để phục vụ sự thăng quan tiến chức.
Thế là nhà nhà phấn đấu đi học TS, người người mơ ước trở thành ông nghè. Sự nể nang, sự hám lợi của những người hướng dẫn, những người trong hội đồng chấm luận án TS đã khiến quá trình đào tạo TS thành một thị trường mua bán, đổi chác rất nhộn nhịp. Có cầu thì khắc có cung, phỏng ạ!

Những chuyện viết thuê luận án TS, viết thuê bài báo, rồi châm chước trong hội đồng bảo vệ đã trở thành chuyện thường ngày ở phố huyện. Rất nhiều thầy cô, vì nể nang quan chức, vì mối quan hệ trong việc “kiếm tiền” đã nhắm mắt làm ngơ cho những nghiên cứu sinh kém, những luận án không đạt yêu cầu qua. Và để xã hội có thêm một “lực lượng” TS bằng thật kiến thức giả.

Bỏ qua đám quan chức, đám chủ doanh nghiệp bỏ tiền, bỏ quan hệ ra để mua cái bằng thật nhưng kiến thức giả, như việc mua bằng dởm ở nước ngoài đã nói ở trên. Nhưng đối với những người đang giảng dạy trong các trường ĐH thì quả là thảm họa.
Nhan nhản các giảng viên ĐH là TS được đào tạo trong nước không biết cách viết lẫn trình bày một bài báo khoa học bằng tiếng Việt. Thậm chí nhiều người còn viết sai ngữ pháp. Nhan nhản các TS nhận bằng đã chục năm vẫn không viết nổi một quyển giáo trình hay một quyển sách tham khảo chuyên ngành.
Trong giới giảng dạy ĐH, việc trà dư tửu hậu nói chuyện thầy này chạy hội đồng hết bao nhiêu tiền để bảo vệ qua, cô kia trả bao nhiêu tiền cho người viết thuê luận án,… đã là chuyện bình thưởng như cân đường hộp sữa. Bên cạnh đó, những đề tài TS cười ra nước mắt, bởi nó ngây ngô, phản cảm và không có chút hàm lượng khoa học nào. Đến giới học thuật còn thế, nói gì đến đám quan chức, chủ doanh nghiệp háo danh, háo bằng cấp.

Giải trình trước Quốc hội, bà bộ trưởng Hải Chuyền cung cấp thông tin cả nước có tới 174 nghìn cử nhân thất nghiệp. Trong một bài phỏng vấn, GS Phùng Hồ Hải có nói: “Muốn có người học giỏi thì phải có thầy giỏi, muốn có thầy giỏi thì thầy của thầy phải giỏi”. Thầy như thế, làm sao đào tạo được trò giỏi. Trò không giỏi, thì thất nghiệp là điều tất yếu.
Bi kịch của nền giáo dục ĐH xứ An-nam là như vậy!!!

Nghỉ tết, chả có việc gì làm, nhân đọc bài này: “Xin lỗi, tôi không có bằng Tiến sĩ”, nên biên mấy dòng linh tinh lang tang vậy.

© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Bài liên quan:
- Chủ nghĩa duy chức
- Bằng thật nhưng học giả
- Giáo dục thời rúc rào (#4): Thạc sĩ tại chức - tiến sĩ online
- Café sáng thứ 7 (#38): An-nam thời mạt giáo
- Café sáng thứ 7 (#39): Đu dây, giữ trinh và nỗi buồn giáo dục
- Café sáng thứ 7 (#41): Cường quốc thơ và nỗi buồn giáo dục
- Đại học Việt Nam: "Chân không tới đất..."
- 23.000 giảng viên thành tiến sĩ - một "giấc mơ"?
- Thầy dạy hay 'thợ dạy'
- 'Loạn'... giáo dục?
- Có cần những “thợ dạy” chân chính?

1 comment:

Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!