1. Đồng nghiệp, bên đào tạo, kể có người gọi đến hỏi: “Thầy ơi, bằng đại học tại chức có được thi cao học không?”. Trả lời là có, nếu đủ các điều kiện XYZ. Lại hỏi: “Thế sau này bằng cao học có ghi là hệ tại chức không?”. Trả lời: “Từ khi tôi biết đọc đến nay, chưa thấy cái bằng thạc sĩ nào ở Việt Nam có ghi là hệ tại chức với chuyên tu cả”.
2. Mấy đồng nghiệp nhậu với mấy sinh viên tại chức cũ đưa con lên thi đại học. Chén chú chén anh ôn nghèo kể khổ rằng, ngày xưa nhờ thầy chiếu cố nhiều lắm, mới thi qua được môn này môn nọ. Rượu ngà ngà, một người bá vai đồng nghiệp nói: “Em học xong cao học rồi. Giờ em với thày bằng nhau, đều là thạc sĩ nhé”.
3. Đồng nghiệp, dạy môn học bổ sung lẫn ôn thi đầu vào cao học, kể: Học viên lên bảng để làm bài tập, trong đó có phép tính: tang60/tang45. Học viên liền giải: tang60/tang45 = 60/45 = 4/3.
4. Bạn kể, hướng dẫn học viên cao học làm thí nghiệm. Khi nhìn kết quả, bạn thấy lạ lạ. Hỏi lại thì học viên nói là thấy thầy để cái tụ điện ở đây nên em cứ lấy mà làm. Bạn suýt ngã ngửa, bởi lẽ, đó không phải là tụ điện.
Học viên là giáo cấp 3, dạy môn Vật Lý. Dĩ nhiên, thường xuyên bi-bô giảng cho học sinh về tụ điện.
5. Đồng nghiệp, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Sau khi đọc nội dung NCS gửi, thấy rút điện thoại ra gọi: “Lần trước đã dặn cậu là phải sửa chỗ này, vậy mà vẫn copy y nguyên mà không sửa là sao? Trong báo cáo ghi là ‘phấn đấu đến năm 2xxx đạt kết quả là…’ thì khi copy vào luận án phải sửa lại là ‘đến năm 2xxx đã đạt được…’ chứ. Bây giờ đã qua năm 2xxx rồi còn gì”. Quay sang mình, phân bua: “Nhắc đi nhắc lại rồi mà nó vẫn quên. Cái thằng, sao mà dốt thế”.
6. Đọc một luận án tiến sỹ kinh tế. Thấy có trích dẫn một biểu đồ tổng hợp số liệu và bên dưới ghi nguồn bằng chữ in hoa hoành tráng, như này: NGUỒN: HTTP://VIETBAO.VN/, NGÀY.... THÁNG…. NĂM….
7. Đồng nghiệp kể: có giảng viên của một trường đại học kỹ thuật, bằng gốc kỹ sư cơ khí, nhiệm vụ giảng dạy là hướng dẫn sinh viên thực tập xưởng. Ấy thế mà name-card ghi học vị tiến sĩ. Hỏi thì được trả lời là có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh, học online trên mạng.
8. Zai làng, học cao đẳng sư phạm, về làm giáo làng vài năm. Chán dạy, bỏ ra thủ đô học tại chức ing-sờ-lích. Gặp zai, thấy khoe em đang học tiến sỹ, bên tây. Ngạc nhiên hỏi học như thế nào? Bên Tây gì mà lang thang thuê nhà ở Hà Nội? Zai nói họ gửi nội dung bài học qua e-mail rồi thảo luận, sau đó làm bản thu hoạch. Gặp một lần, nghe thế, biết thế.
Một dịp, thấy zai hót hòn họt trên mạng. Hóa ra zai mở lớp liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho quan chức tỉnh lẻ lẫn đám tin-tin trượt đại học, quảng cáo tuyền liên kết với trường Tây. Trường lừa, hiển nhiên. Bị bóc mẽ ở Việt, zai chuyển địa điểm đào tạo sang Ma-lay. Tờ quảng cáo ghi chức danh của zai kèm thêm dòng: “tiến sĩ - ủy viên hội đồng chấm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ” của mấy trường ở Khoai Tây. Lại dĩ nhiên, trường lừa!
© 2014 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
Bài cùng chủ đề:
- Giáo dục thời rúc rào (#1): Ông bộ trưởng và triết lý giáo dục
- Giáo dục thời rúc rào (#2): Mỵ Châu là ai
- Giáo dục thời rúc rào (#3): Tư duy cải cách
0 comments:
Post a Comment
Đề nghị nhận xét bằng tiếng Việt có dấu. Cảm ơn!