Tôi kể về chuyện bố tôi xây nhà, chuyện chả có gì đặc sắc, nhưng kể cho vui vậy.
Ngôi nhà gia đình tôi ở trước đó được ông nội xây từ 193x. Nhà mái ngói, tường gạch, sân gạch, 3 gian 1 buồng. Thời đó, cả xã chỉ có vài nhà như thế.
Bố tôi vẫn hay nói, đàn ông phải xây được cái nhà. Suốt thời kỳ bao cấp lẫn hậu bao cấp, giáo viên như bố mẹ tôi chả mấy dư dả. Lại một lũ lít nhít 5 chị em chúng tôi lớn lên, ăn học trong những thập niên 8x, 9x khiến gia cảnh khó khăn chồng chất. Và dĩ nhiên, mong muốn xây nhà chưa thực hiện được.
Mãi khi chị em chúng tôi công ăn việc làm và lập gia thất đầy đủ, bố tôi mới tích cóp tiền để xây nhà.
Những năm đầu 200x, ông tiến hành làm nhà mới. Ngôi nhà 4 gian của ông nội tôi xây được dỡ xuống. Với lý do chị em chúng tôi chả có ai ở nhà với bố mẹ, nên ông quyết định chỉ xây 3 gian và bỏ đi cái buồng.
Cũng chẳng biết nghe ai xui khiến, ở gian giữa để ban thờ, ông xây chồi ra phía sau thành một khu riêng như kiểu nhà ở vùng Trung trung bộ. Thế là chiều ngang của 2 gian còn lại bị thu hẹp.
Hai gian đó, bố tôi kê 2 cái giường, để lễ tết con cháu về có chỗ ngủ. Mỗi khi nhà có việc như giỗ chạp, rất chật chội. 2 chiếc giường được biện 2 mâm cho các cụ cao tuổi. Còn con cháu rải chiếu ở dưới nền để đánh chén. Phần nền còn lại cũng chỉ rải vừa chiếc chiếu theo chiều dọc của nhà. Đi đi lại lại cứ va lẫn nhau, rất bất tiện.
Cái sân gạch ngày trước rộng là thế, chả biết nghe ai, ông cũng hoạn bớt chiều ngang, thành thử khi có cỗ bàn cũng chỉ kê được 2 bàn ngang. Trong khi vườn tược rộng rãi chả để làm gì.
Ngôi nhà bố tôi xây nửa kim nửa cổ, mái ngói nhưng đổ bằng phần hè, mốt xây nhà ở nông thôn miền Bắc những năm đầu 199x.
Cũng theo phong tục quê, phải có cả nhà lớn lẫn nhà ngang. Bố tôi cũng xây như thế. Thế là nhà có hình chữ L, 3 gian nhà chính và 2 gian nhà ngang vuông góc với nhau.
Nhà ngang hay còn gọi là nhà bếp, bố tôi xây 2 gian, 1 gian buồng và 1 gian ngoài kê bàn để ăn uống. Phần bếp được xây lồi ra thêm nửa gian, một phần để bếp gas nhưng vẫn làm cái ống khói to đùng như thủa còn nấu rơm nấu củi. Phần còn lại để chạn thức ăn, chạn bát.
Vườn nhà tôi rộng, cây lưu niên nhiều nên thi thoảng bố tôi chặt tỉa cành cũng được mấy đống củi. Có lẽ vừa muốn tiết kiệm gas, vừa không muốn bỏ phí đống củi. Bố mẹ tôi bàn nhau làm thêm gian bếp đun củi.
Thế là thợ lại được gọi đến, phía sau nhà ngang lại được xây thêm một gian bếp nữa, cửa thông từ gian giữa nhà ngang đi xuống, lại cũng xây thêm một cái ống khói nữa.
Lại lấy lý do mỗi khi nhà có công có việc sẽ chật chội, bố tôi đổ thêm một khoảng sân bê tông từ gian bếp này đi ra, lợp pro-ximăng để băm chặt, nấu nướng rửa ráy mỗi khi nhà có nhiều cỗ.
Thế là, ngôi nhà bố tôi xây giống như mê cung, từ nhà lớn đi xuống nhà ngang, rồi xuống bếp và ra ngoài thành một lối đi zích-zắc, chả có không gian riêng tư và rất bất tiện.
Xong vụ nhà lại đến vụ toilet, ở quê tôi người ta gọi là nhà xí. Tư duy chỗ ỉa, chỗ đái là chỗ bẩn thỉu, nên phải để xa nhà ăn sâu vào tâm thức người An-nam, bố tôi cũng không ngoại lệ.
Ông xây một cái nhà xí bệt nhỏ ở tận góc vườn. Đêm hôm, trời mưa trời gió đi vệ sinh rất bất tiện. Để tránh những hôm mưa bị trơn ngã, ông lấy mấy viên gạch bát rải trên lối đi, nhìn xa trông như thiết kế tiểu cảnh, rất khôi hài.
Tiếp vụ nhà xí là nhà tắm. Khi tôi còn là sinh viên, hè về cùng bố tôi xây cái nhà tắm cạnh giếng. Hồi đó quê tôi người ta tuyền quây liếp thành nhà tắm, có lẽ để tránh mấy gã háo sắc rình trộm, nên phụ nữ thường phải tắm ban đêm. Nhìn chung, phụ nữ thôn quê khó khổ đủ đường.
Cái nhà tắm tôi và bố tôi xây hồi những năm đầu 199x chỉ là miếng đất hơn mét vuông với bốn bức tường cao khoảng mét rưỡi và không có cửa. Mỗi khi tắm, lại lấy một tấm phên ra che thay cửa.
Từ hồi bỏ giếng khơi để dùng giếng khoan, gia đình tôi vẫn sử dụng cái nhà tắm đó. Dĩ nhiên, mỗi bố mẹ chúng tôi sử dụng chính, còn con cháu tết nhất về mới có cơ hội để dùng.
Nhân vụ nhà xí lẫn nhà tắm, chúng tôi vận động mãi, bố tôi mới đồng ý xây mới sát nhà cho thuận tiện.
Thế là ông lại gọi thợ đến xây một cái nhà xí và nhà tắm ở đầu hồi nhà ngang, lối đi từ hè nhà ngang xuống. Lắp đặt xí bồn, nóng lạnh, vòi sen đầy đủ. Phía hè xuống, ông lại cho lát gạch một khoảng có lợp mái pro-ximăng để giặt giũ, rửa ráy.
Nhà tắm và nhà xí cũ dĩ nhiên bị đập bỏ. Về cơ bản tiện nghi trong nhà đã đủ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ trên cao xuống, nhà tôi quy hoạch rất buồn cười. Những hạng mục chính hình chữ Z vuông góc, các hạng mục khác lồi ra, lõm vào chả ra hàng lối gì cả. Bây giờ muốn ra vườn, nếu không đi vòng qua hành lang nhà tắm hay cửa bếp, tôi phải trèo qua lan can bao sân cao khoảng 0,6m. Trong khi đó, đất nhà tôi hơn nghìn mét vuông, rất rộng rãi.
Tôi hay đi công tác, nên thường nhìn phố xá từ trên máy bay. Hà Nội và Sài Gòn lổn nha lổn nhổn. Nhà cửa cái cao - cái thấp, cái xanh - cái đỏ, cái bằng - cái chóp. Đường phố thì cong cong queo queo. Trông chả khác gì bãi rác thải công nghiệp ở Nhật Bản.
Mỗi lần thế, tôi lại nghĩ đến cách bố trí quy hoạch nhà cửa của bố tôi. Ông có tính bảo thủ, con cái nói chả nghe nên cũng đành chiều ông. Ở tuổi ngoài thất thập, tư duy của ông không bắt kịp được sự phát triển của thế giới hiện đại.
Tôi có dự định làm cho bố mẹ tôi cái nhà gỗ, nhưng điều kiện kinh tế hiện tại chưa cho phép. Chắc phải vài năm nữa. Khi đó, chắc chắn tôi phải đập bỏ tất cả những công trình bố tôi đã xây dựng.
Đó cũng chỉ là dự định, vì tôi biết rằng, khó mà thuyết phục được bố tôi đập bỏ thành quả cả đời của ông.
© 2013 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.
Đúng rồi, Xây thì dễ thôi mỗi người một ít nhưng ai ở?
ReplyDeletehe he y hệt nhà tôi
ReplyDelete